Tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta vẫn diễn biến nghiêm trọng, bất chấp sự nỗ lực của các cơ quan chức năng. Một trong những nguyên nhân là do tình trạng mua bán, sử dụng giấy khám sức khỏe giả để thi bằng lái xe. Điều đó đã và đang mang lại hậu quả khôn lường. Ảnh minh họa: Vụ tai nạn giao thông hai xe máy tông nhau trực diện khiến 2 người tử vong ở Duy Xuyên, Quảng Nam, ngày 12/9/2019. Ảnh tinmoi.vn |
Giấy sức khỏe giao tận nhà
Phóng viên đã tiếp cận địa chỉ http://giaykhamsuckhoethantoc.com/, tại đây khi nhắn tin vào zalo số hotline 0967540297 nội dung muốn mua giấy khám sức khỏe, ngay lập tức phóng viên nhận được tin nhắn phản hồi với nội dung cần loại nào, ship tại đâu và cho biết nơi cấp giấy sức khỏe này là tại bệnh viện Giao thông vận tải. Tại một địa chỉ khác có tên https://khamdichvu.com/, khi liên hệ với zalo số hotline 0932298660, phóng viên cũng được thông tin, tư vấn với nội dung tương tự.
Để thuyết phục người mua, những người bán giấy sức khỏe tại 2 địa chỉ trên đều hứa giao giấy mới nhận tiền. Tuy nhiên, khi được hỏi “con dấu của giấy sức khỏe này có phải chính thức từ bệnh viện Giao thông vận tải không” thì cả hai người bán tại 2 địa chỉ trên đều không trả lời. Khi phóng viên đề cập tới việc đến bệnh viện lấy giấy trực tiếp thì bị từ chối.
Được biết, hiện nay các địa chỉ bán giấy sức khỏe trên mạng đa phần đều lấy tên địa chỉ nơi khám là bệnh viện Giao thông vận tải hoặc bệnh viện Nam Thăng Long. Trả lời trên báo Tiền Phong, bác sỹ Vũ Thế Phương, Giám đốc Bệnh viện Nam Thăng Long khẳng định: Giấy sức khỏe mà phóng viên mua được trên mạng có dấu bệnh viện Nam Thăng Long và ký tên Vũ Thế Phương là loại giấy tờ giả. Việc bệnh viện bị giả con dấu diễn ra khá lâu, có trường hợp ở Bắc Ninh, Bắc Giang…
Quảng cáo bán giấy khám sức khỏe giả tràn lan trên mạng; việc mua bán, sử dụng chúng gây hậu quả khôn lường. |
Để chống lại nạn cò mồi bán giấy khám sức khỏe giả tung hoành, Bệnh viện Giao thông vận tải từng có công văn gửi Công an quận Đống Đa (Hà Nội) phản ánh về tình trạng mạo danh bác sĩ, làm dấu giả để chế giấy khám sức khỏe của bệnh viện. Qua quá trình điều tra, công an đã bắt giữ được hai đối tượng và khởi tố vụ án. Tuy nhiên, tình trạng làm giả giấy khám sức khỏe lấy tên bệnh viện này vẫn không chấm dứt.
Hậu quả khôn lường.
Có một thực tế, lâu nay nhiều cơ sở đào tạo lái xe và tuyển dụng lao động không chú trọng tới việc thẩm định xem giấy khám sức khỏe là giả hay thật. Điều này khiến cho giấy sức khỏe giả vẫn thịnh hành, bất chấp những cảnh báo từ phía các bệnh viện và cơ quan chức năng.
Ông Vũ Xuân Trung, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp (Viện Khoa học kỹ thật An toàn vệ sinh lao động) cho rằng: Giấy khám sức khỏe giả không những gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh. Đặc biệt, nó góp phần khiến tai nạn giao thông có nguy cơ gia tăng do người tham gia giao thông không đủ điều kiện về sức khỏe.
4 đối tượng làm giấy sức khỏe giả bị Công an TP. Hà Nội bắt ngày 17/9/2018. Đã bao nhiêu giấy khám sức khỏe giả do các đối tượng này tuồn ra thị trường, được mua bán, sử dụng, để lại hậu quả khôn lường cho xã hội? |
Theo luật sư Nguyễn Văn Thành, Công ty Luật Huy Thành (thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội), những cá nhân làm giấy sức khỏe giả đủ cấu thành hành vi tội làm giả giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Điều 341 Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Trường hợp phạm tội (có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm) thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp (làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên) thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Và người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Thành cho rằng, cần có biện pháp để nâng cao vai trò, trách nhiệm kiểm soát, sàng lọc giấy sức khỏe giả tại những đơn vị tuyển dụng, tiếp nhận hồ sơ lái xe. Mặt khác, cần xử lý nghiêm minh, triệt để các tổ chức, cá nhân buôn bán giấy sức khỏe giả, có như vậy mới tăng sức cảnh báo, răn đe đối với những người có ý định vi phạm pháp luật.