e magazine
13/09/2022 08:55
Ngôi sao sáng phương Nam

13/09/2022 08:55

Những ngày qua, du khách khắp nơi nô nức xuống phà qua sông Hậu để đến với cù lao Ông Hổ, đến với Bác Tôn - ngôi sao sáng phương Nam bằng tất cả tấm lòng mộc mạc, bình dị và sự thành kính vốn có của người dân sông nước miền Tây Nam Bộ.
Ngôi sao sáng phương Nam

Những ngày qua, du khách khắp nơi nô nức xuống phà qua sông Hậu để đến với cù lao Ông Hổ, đến với Bác Tôn - ngôi sao sáng phương Nam bằng tất cả tấm lòng mộc mạc, bình dị và sự thành kính vốn có của người dân sông nước miền Tây Nam Bộ.

VỀ CÙ LAO ÔNG HỔ

Trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh năm nay (2/9/2022), hàng trăm du khách các nơi cười đùa vui vẻ, rôm rã, náo nhiệt, tấp nập chen nhau qua phà, hướng về cù lao Ông Hổ. Tình cờ, tôi cùng vài đồng nghiệp ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Cà Mau… “không hẹn mà gặp” cũng về thăm lại Khu lưu niệm Bác Tôn bên cù lao này, nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang).

Trên những tuyến đường về cù lao vẫn còn nhiều băng rôn, cờ phướn chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác Tôn (20/8/1888 - 20/8/2022) và 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 – 2022). Trong lòng những người làm báo chúng tôi, cùng với Bác Hồ thì Bác Tôn là người đã có những dấu ấn, tấm gương đạo đức sáng ngời mà học hỏi cả đời không hết.

Ngôi sao sáng phương NamBến phà Ô Môi (bờ Mỹ Hòa Hưng), con đường dẫn đến cù lao Ông Hổ.

Riêng với tôi, TP. Long Xuyên hay tỉnh An Giang nói chung và cù lao Ông Hổ nói riêng còn “để lại” rất nhiều kỷ niệm êm đềm, ngọt ngào khi còn là chàng sinh viên ngành Ngữ văn đi thực tế “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” hàng tháng trời với người dân xứ cù lao này. Lúc đó, ngoài việc đi sưu tầm tư liệu về văn học dân gian trong dân chúng, sinh viên còn “3 cùng” với dân, nhất là phải am hiểu về phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo để có cách ứng xử phù hợp.

Bởi vì đa số người dân nơi đây theo Phật giáo Hòa Hảo, tóc để dài, búi “củ tỏi”, buổi chiều tối cúng lạy bàn ông Thiên, có rất nhiều điều cấm kỵ trong các khung giờ này. Cũng may, chúng tôi đã được “tập huấn” cẩn thận nên trong ứng xử, người dân nơi đây rất yêu thương, xem như con cháu ruột rà trong nhà và khóc lóc “bù lu bù loa” khi chia tay hết đợt thực tế. Thậm chí, nhiều gia đình còn “đòi” bắt chúng tôi làm rể, một số ít bạn sinh viên trong đợt thực tế đã bị “dính cựa gà nòi”, về làm rể xứ cù lao.

Ngôi sao sáng phương Nam

Tượng ông Hổ đặt 2 bên cổng chào, biểu trượng của xứ cù lao.

TRUYỀN THUYẾT VỀ

ÔNG HỔ NGHĨA TÌNH, NHÂN VĂN

Hàng trăm năm nay, các tượng “ông Hổ” mà người dân kính cẩn gọi là “ông ba mươi” là biểu tượng của vùng đất này, được đặt hai bên cổng chào trang trọng, ngay cả trong khu lưu niệm của Bác Tôn vẫn có tượng “ông Hổ” ở các cổng. Lúc chúng tôi về đây đi điền dã, các bậc cao niên ở xứ cù lao này đã thuật lại truyền thuyết về vùng đất sở dĩ được mang tên là cù lao Ông Hổ. Câu chuyện thường bắt đầu từ: Ngày xửa, ngày xưa…

Lúc đó, vùng đất này chưa có tên, chỉ là bãi bồi được phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng sông Hậu hiền hòa, cây cối rậm rạp hoang sơ, không có người lui tới. Đến thời khai hoang, sau những người đi tiên phong, người dân bắt đầu đến đây dựng nhà, lập làng, làm ăn và sinh sống cho đến ngày nay. Gắn liền với địa danh Ông Hổ có rất nhiều truyền thuyết để giải thích tên gọi này.

Một trong những truyền thuyết được người dân kể nhiều nhất và có sức thuyết phục nhất là xưa kia có vợ chồng ông lão nghèo, hằng ngày chèo xuồng đi bắt cá, lượm củi thì thấy bám trên mảng lục bình trôi trên sông có một con vật giống như mèo con. Nhưng khi đến gần, không phải mèo con mà là con hổ con vừa đói, vừa rét, thấy thương nên ông bà đem về chăm sóc, nuôi dưỡng. Con hổ dần lớn lên trong tình thương đó nên rất hiền lành, không phá phách. Thời gian sau, ông bà tuổi cao sức yếu nên qua đời, lúc này người dân đến đây sinh sống nhiều nên hổ rút sâu vào rừng. Tuy nhiên, chú hổ này vẫn nhớ công chăm sóc của ông bà lão.

Ngôi sao sáng phương NamMiếu thờ ông Hổ tại cù lao Ông Hổ.

Hằng năm, tới ngày giỗ “ân nhân” của mình, chú hổ này đều tha về một con heo rừng hoặc nai rừng đặt bên ngôi mộ rồi bỏ đi, không quấy phá xóm làng. Lần cuối cùng, người dân thấy chú hổ đi quanh hai nấm mồ, nhưng đến nửa đêm thì chết nằm bên cạnh ngôi mộ. Thương con vật sống có nghĩa có tình, dân làng chôn cất con vật giữa hai nấm mồ của ông bà lão.

Từ đó, dân làng lập miếu thờ Ông Hổ và đặt tên cho cù lao này là cù lao Ông Hổ. Tên gọi cù lao Ông Hổ là niềm tự hào của người dân nơi đây, bà con hay nói với nhau đó là hổ nghĩa, hổ tình, chứ không phải là hổ dữ. Điều đó đã minh chứng cho một vùng đất cù lao mà con người sống hiền hòa, chân tình, chan chứa đầy tình yêu thương với muôn loài, dù cho đó là thú dữ.

Ngôi sao sáng phương Nam

Tượng “Ông Hổ” mà người dân kính cẩn gọi là “ông ba mươi”.

NGƯỜI CON ƯU TÚ

XỨ CÙ LAO

Nếu đến Long Xuyên, hỏi thăm bất cứ người dân nào đường về cù lao Ông Hổ thì ai cũng sẵn lòng và rất tận tình chỉ đường cụ thể. Mặc dù ngày nay, nơi đây có tên hành chính hẳn hoi nhưng không chỉ người dân địa phương mà người dân khắp xứ Nam kỳ lục tỉnh vẫn quen gọi là cù lao Ông Hổ. Trên cù lao đầy huyền thoại ấy đã sản sinh ra một người con ưu tú và là ngôi sao sáng của phương Nam. Cũng trên cù lao ấy, người dân cùng chính quyền địa phương, với lòng tôn kính lẫn hãnh diện của mình đã dựng lên Khu lưu niệm và đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong khuôn viên bốn mùa hoa trái sum suê.

Trên cù lao này vẫn còn lưu giữ dấu ấn thiếu thời của Bác Tôn. Trước đây, nơi này là ngôi nhà gỗ, được xây dựng vào năm 1887, do thân sinh của Bác Tôn là cụ Tôn Văn Đề xây dựng, với lối "kiến trúc hình chữ Quốc", sàn lót ván 3 gian, 2 chái lợp bằng ngói âm dương cùng với những đồ vật, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình; lũy tre xanh đầu ngõ soi bóng xuống sông Hậu theo thế “Long chầu Nguyệt”. Đã mấy trăm năm nhưng lũy tre vẫn xanh tốt; những ao cá trong vườn vẫn rực màu hoa sen, hoa súng; những vườn cây quanh năm hoa trái trĩu cành… Năm 1984, Bộ Văn hóa đã ra quyết định công nhận đây là Di tích Lịch sử Quốc gia.

Ngôi sao sáng phương NamNgôi nhà thiếu thời của Bác Tôn.

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhân dân tỉnh An Giang đã tiến hành làm lễ khánh thành khu lưu niệm và đền thờ Bác Tôn với nhiều công trình mới được xây dựng. Trong đó, ngôi nhà thời niên thiếu và đền thờ tưởng niệm Bác Tôn được xây dựng với kiến trúc cổ lầu tam cấp đặc sắc, nơi chính điện là tượng Bác Tôn bằng đồng bán thân.

Đối diện với đền thờ là nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn – nơi đây các hình ảnh, hiện vật, các tư liệu và phim hình sống động giúp chúng ta hiểu thêm về Bác, một tấm gương sáng của dân tộc ta về chí khí kiên cường, đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị.

Từ năm 1998 đến nay, trung bình mỗi năm có hơn 200.000 lượt khách đến thăm viếng nơi đây. Đây cũng là địa điểm các cơ quan, đoàn thể tỉnh An Giang đến làm lễ dâng hương, báo công, kết nạp đảng viên, đoàn viên… Khu lưu niệm đang trở thành nơi khách thập phương nô nức tới thăm viếng. Nhà bảo tàng với nhiều hiện vật quý từ chiếc xe đạp Bác Tôn sử dụng như một hình thức rèn luyện thân thể đến mô hình máy bay từng chở Bác về thăm quê nhà.

Anh bạn đồng nghiệp từ Trà Vinh rất tâm đắc và cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi khi được biết về việc cù lao Ông Hổ là vùng đất lấy chữ “Đức” làm gốc, con người sống nhân hậu, nghĩa tình, thủy chung son sắt. Thuở Bác Tôn chào đời, cụ Tôn Văn Đề và các bậc Nho học nhận thấy cậu con trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, nhân tướng toát lên vẻ thanh cao, giàu chí khí nên đã dùng chữ đệm là “Đức” trước tên là chữ “Thắng” và dự đoán: Cù lao này có long mạch, nhất định sau này cậu bé sẽ là người có công, gánh vác trọng trách của xã tắc, non sông.

Ngôi sao sáng phương Nam

NGÔI SAO SÁNG

Mảnh đất An Giang trù phú, tươi đẹp cùng nhiều huyền thoại về vùng núi Thất Sơn huyền bí, văn hóa Óc eo đa dạng, các dải cù lao nhiều cá tôm, cây trái… luôn là điểm đến thu hút nhiều du khách. Nơi đây mỗi địa danh lại gắn liền với một huyền thoại, truyền thuyết, trong đó phải kể đến cù lao Ông Hổ trên dòng sông Hậu, giữa hai bờ TP. Long Xuyên và huyện Chợ Mới, bốn mùa cây trái trĩu cành, không gian thoáng đãng, yên ắng, hiền hòa và chính nơi đây đã sinh ra người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người con ưu tú của quê hương, ngôi sao sáng của trời Nam: Chủ tịch Tôn Đức Thắng…

Bác Tôn được sinh ra tại cù lao Ông Hổ, là con trai đầu lòng của ông bà Tôn Văn Đề. Năm 1906, Bác rời quê hương lên Sài Gòn làm nhiều nghề để sống như: Sửa máy tàu, xe hơi,… Bác thường đến thực tập và làm việc tại công xưởng Ba Son một cơ sở sửa chữa tàu bè của Pháp.

Sau đó, Bác làm việc trên chiến hạm Frăng-xơ. Tháng 12/1918, Chính phủ Pháp đưa quân đánh vào vùng biển Đen của Liên Xô. Trong số lính đó có cả chiến hạm Frăng-xơ nơi Bác Tôn làm việc. Chính Bác cùng với các đồng chí trên tàu đã kéo cờ đỏ lên đỉnh cột cờ của chiến hạm tuyên bố phản chiến và tỏ thái độ thân thiện với chiến hạm của Hồng quân Liên Xô, vì thế mà Bác bị đuổi về nước.

Ngôi sao sáng phương Nam

Tượng Bác Tôn tại TP. Long Xuyên.

Sau khi về nước, Bác làm việc tại Sài Gòn và được kết nạp vào Việt Nam Thanh Niên Cách mạng đồng chí Hội. Năm 1929, Bác bị địch bắt tại chân cầu Kiệu và bị giam gần một năm tại khám lớn Sài Gòn. Sau đó chúng tuyên án bác 20 năm tù đày đi Côn Đảo.

Mãi đến Cách mạng Tháng Tám thành công, chính Bác đã lái cano đưa các tù chính trị Côn Đảo về đất liền. Năm 1946, Bác ra Hà Nội họp Quốc hội và gặp được Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau nhiều năm hoạt động cách mạng, đến năm 1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời và Bác đã lên làm Chủ tịch nước từ năm 1969 - 1980. Ngày 30/8/1980, Bác qua đời tại Hà Nội, thọ 92 tuổi.

Bác Tôn là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Sự cống hiến lớn lao của Bác Tôn cho nền độc lập dân tộc và hòa bình thế giới đã được nhân dân thế giới kính mến. Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên được Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin, xứng đáng là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới.

Năm 1920, Bác Tôn thành lập tổ chức Công hội bí mật ở Sài Gòn và liên tục lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn, góp phần vào sự phát triển của phong trào công nhân cả nước. Năm 1925, Bác Tôn đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son thắng lợi, ghi một dấu ấn đậm nét đầu tiên trong quá trình hoạt động cách mạng của mình. Năm 1927, Bác Tôn tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhiều năm bị đế quốc, thực dân giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, Bác Tôn tỏ rõ ý chí, niềm tin và phẩm chất của một người cộng sản kiên cường. Đế quốc Pháp đã bắt giam, đày đọa 17 năm trời ở Khám Lớn - Sài Gòn và nhà ngục Côn Đảo với chế độ khổ sai, khi thì nhốt vào hầm xay lúa, khi thì nhốt vào hầm tối, tay chân bị xiềng xích, cùm kẹp, khi thì cho ăn lúa sống, hoặc bỏ đói, bỏ khát, nhưng tinh thần cách mạng kiên cường của Bác Tôn trước sau vẫn không lay chuyển.

Ngôi sao sáng phương Nam

Bác Tôn vui mừng gặp gỡ chiến sĩ bộ đội, dân quân.

TÌNH BẠN CAO CẢ VĨ ĐẠI

Bác Hồ và Bác Tôn là hai ngôi sao sáng chói trên bầu trời cách mạng Việt Nam, hai hạt kim cương lấp lánh của nền đạo đức cách mạng Việt Nam thời đại mới. Sự nghiệp cách mạng của dân tộc và tình cảm đặc biệt đã gắn bó hai con người, hai vị lãnh tụ: Bác Hồ và Bác Tôn như một tình đồng chí, tình bạn vĩ đại và cảm động.

Bác Hồ quý trọng Bác Tôn bao nhiêu thì Bác Tôn càng kính yêu và quý trọng Bác Hồ bấy nhiêu. Bác Tôn biết ơn Bác Hồ vì Bác Hồ là người đưa cả dân tộc ta thoát khỏi vòng nô lệ và cũng chính là người đưa Bác Tôn đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, chân lý của thời đại. Ở bất cứ đâu và trong bất cứ cuộc gặp mặt nào với cán bộ và Nhân dân, Bác Tôn đều căn dặn phải hết lòng hết sức thực hiện những lời dạy của Bác Hồ.

Ngôi sao sáng phương NamBác Hồ và Bác Tôn là đôi tình bạn cao cả vĩ đại.

Lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng, hai vị Chủ tịch nước kính mến, hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Tình cảm giữa Bác Hồ và Bác Tôn đã hình thành từ lâu, khi hai bác còn chưa gặp nhau.

Bác Tôn luôn coi Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, còn Bác Hồ trân trọng Bác Tôn như một người đồng chí, một người bạn chiến đấu thân thiết, thủy chung. Những tấm ảnh còn đó trong khu lưu niệm như minh chứng tình cảm keo sơn giữa hai vị Chủ tịch mà chúng tôi có dịp “mục sở thị” làm lòng người rưng rưng, khóe mắt bỗng cay cay…

Ngôi sao sáng phương Nam

TẤM GƯƠNG SÁNG

CHO THẾ HỆ TRẺ

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn đã từng trải qua mọi thử thách - bị đế quốc Pháp bắt giam, đày đọa nơi ngục tù Côn Đảo với chế độ khổ sai, nhưng với tinh thần cách mạng kiên cường của Bác trước sau như một. 15 năm bị đọa đày địa ngục Côn Đảo là thử thách lớn trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng Tôn Đức Thắng.

Trong những tháng ngày thử thách khốc liệt, Bác luôn tỏ rõ là một con người có nghị lực phi thường và sự trung thành vô hạn với Đảng, với cách mạng. Vượt qua đòn thù và nhiều âm mưu thủ đoạn mua chuộc, lừa bịp thâm độc, Bác đã tỏ rõ bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản, vẫn tham gia thành lập và sinh hoạt chi bộ Đảng, vẫn học tập lý luận Mác - Lê-nin, làm báo tuyên truyền cách mạng.

Ngôi sao sáng phương NamĐền thờ Bác Tôn.

Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương cao đẹp về tinh thần hy sinh vì sự nghiệp của Đảng và dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của Nhân dân. Từ tấm gương yêu nước đó của Bác Tôn đã giáo dục cho thế hệ trẻ tình cảm trong sáng, lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính; giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây còn là tấm gương mẫu mực về lối sống khiêm tốn, giản dị, chân thành, gần gũi đồng chí, đồng bào, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn.

Di sản quý giá mà Bác Tôn để lại cho Ðảng ta, Nhân dân ta là phẩm chất đạo đức cao đẹp của người cộng sản, là sự hội tụ khí chất hào hiệp của người dân vùng sông nước Nam bộ, là ý chí kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam. Ðồng thời, là sự hội tụ tinh túy của tinh thần yêu nước, thương dân, sự cảm thông, hòa đồng với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng, dù khó khăn, gian khổ, không dao động, một lòng, một dạ phục vụ Nhân dân.

Tấm gương của Bác đã khiến những người cầm bút chúng tôi có mặt tại khu lưu niệm tâm đắc, nằm lòng và cảnh giác trước những mặt trái của nền kinh tế thị trường hiện nay. Nếu không vững tay bút, nếu không có lòng trong thì sẽ dễ bị sa ngã. Tấm gương của Bác Tôn như đã tiếp thêm nghị lực cho mỗi người cầm bút chúng tôi trước cơn sóng to, bão lớn…

Ngôi sao sáng phương Nam

Ngôi trường đại học mang tên Tôn Đức Thắng.

QUYẾT TÂM

HỌC TẬP VÀ NOI THEO

Bác Tôn là một con người yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, trung thành tận tụy với Đảng, với dân tộc, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, một con người yêu nước chân chính gắn liền với tinh thần quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, một con người khiêm tốn và giản dị, tình nghĩa và sáng trong - đã sống và chiến đấu trọn một đời cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, những cống hiến to lớn và tấm gương đạo đức của Bác là bài học quý giá cho mỗi chúng ta noi theo.

Nhân dân Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam tự hào đã có Bác Tôn - một chiến sĩ cộng sản gương mẫu suốt đời vì nước quên thân, vì dân quên nhà. Bác đã sống một cuộc đời gian truân và đã chiến thắng vẻ vang. Cuộc đời Bác Tôn là cuộc đời trọn vẹn thủy chung với nước, với dân, với lý tưởng cộng sản, với bạn bè đồng đội, với bạn bè quốc tế và với gia đình.

Ngôi sao sáng phương NamTriển lãm ảnh Bác Tôn với miền Nam.

Sự nghiệp đổi mới đất nước, con người Việt nam có nhiều đổi mới. Độc lập dân tộc được giữ vững, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã nở nhiều hoa, kết nhiều trái, con người Việt Nam trí tuệ hơn, bản lĩnh hơn. Thế hệ trẻ Việt Nam quyết noi gương sáng của Bác Tôn làm cho nước ta: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, cù lao Ông Hổ đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa, giáo dục truyền thống về nguồn. Trước tôn tượng của Bác trong Khu lưu niệm, chúng tôi cùng thắp nén hương để tưởng nhớ về Bác và tự tận đáy lòng mình, mỗi người làm báo thầm nguyện với quyết tâm học tập, noi theo tấm gương sáng ngời của người cộng sản trung kiên. Dù bất cứ tình huống nào cũng phải vượt qua như Bác đã từng vượt qua trong cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng, vì giai cấp công nhân vô sản.

Những ngày này, du khách khắp nơi lại nô nức xuống phà qua sông Hậu để đến với cù lao Ông Hổ, đến với Bác Tôn bằng tất cả tấm lòng mộc mạc, bình dị, trìu mến mà thành kính vốn có của người dân sông nước miền Tây Nam Bộ. Với những truyền thuyết gắn với hiện thực về mảnh đất "chôn nhau cắt rốn" của Bác Tôn nên cù lao Ông Hổ từ lâu đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến An Giang. Tình cảm đó đã được đúc kết trong ca dao Nam Bộ:

Dù ai xuôi ngược bốn bề

Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang.

Ngôi sao sáng phương Nam

Cảnh quan bên trong Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Ảnh: L.P - T.L

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

Xem phiên bản di động