Vườn dược liệu nghệ vàng của Công ty CP Dược phẩm Bắc Ninh tại xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. |
Trồng theo tiêu chuẩn sạch GACP
Chúng tôi đến cánh đồng của Baniphar tại xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh khi Công ty vừa hoàn thành xây dựng khoảng đất cho vườn ươm và trồng được khoảng hơn 8 ha gốc nghệ vàng. Trước mắt chúng tôi là cánh đồng rộng lớn với một màu xanh mơn mởn của lá nghệ.
Theo anh Nguyễn Thành Nam (phụ trách cánh đồng dược liệu của Công ty), diện tích trồng nghệ nơi đây và của cả những hộ dân hợp tác với Công ty đều được trồng theo tiêu chuẩn sạch GACP (nghĩa là thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc). “Mỗi quy trình có nhiều công đoạn, mỗi công đoạn lại có tiêu chuẩn riêng cho từng loài cây thuốc cụ thể, phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, điều kiện sinh thái, nguồn giống, đất trồng, biện pháp canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, vận chuyển, xử lý sau thu hoạch đến cách đóng gói và bảo quản dược liệu trong kho”, anh Nam nói.
GACP không đơn thuần là các trang giấy viết về tiêu chuẩn và quy trình trồng cây thuốc hoặc thu hái từ cây thuốc hoang dã. Đó chỉ là “phần mềm”. Để đảm bảo các điều kiện thực hiện tốt phần mềm này, GACP còn yêu cầu phải có các điều kiện “phần cứng’.
Mọi công đoạn để chế biến những sản phẩm dược liệu chất lượng cao đều dựa trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy trình sạch mà Công ty đưa ra. Cây nghệ vàng (hay còn gọi là uất kim cương hay khương hoàng) có đặc điểm dễ trồng và chịu được địa hình thời tiết ở nhiều nơi nhưng với quy trình GACP, dù giống cây có dễ trồng thế nào vẫn phải khắt khe trong từng khâu, đoạn, từ việc lựa chọn vùng sinh thái phù hợp đến phương thức canh tác, trồng trọt.
Ngoài cây nghệ vàng là chủ lực, vườn dược liệu của Công ty còn trồng nhiều cây thuốc khác. Kỹ sư Bùi Mạnh Hòa, chuyên gia về các loại dược liệu cho biết: Bên cạnh việc lựa chọn giống tốt đảm bảo đủ các điều kiện (giống khỏe, ít sâu bệnh, tỉ lệ nảy mầm cao), thì môi trường sinh thái để cho cây giống phát triển là quan trọng hơn cả. Các cây thuốc mỗi loại đều có nguồn gốc sinh sống khác nhau, có cây ưa lạnh, có cây chịu được nóng; có cây thời gian sinh trưởng ngắn, có cây thời gian sinh trưởng dài. Rồi các yếu tố ánh sáng, độ ẩm, chất đất, độ pH…
Các công đoạn canh tác, phòng trừ sâu bệnh cũng phải tuân thủ khắt khe tiêu chuẩn Công ty đề ra nhằm đảm bảo an toàn cả về chất lượng sản phẩm và môi trường xung quanh. Thu hoạch và chế biến sơ cấp là một khâu quan trọng trong quá trình trồng cây để đạt được khối lượng dược liệu và chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Việc thu hoạch đúng thời vụ sẽ quyết định hàm lượng hoạt chất trong cây và năng suất cây trồng.
Những người trực tiếp trồng trọt, thu hái cũng phải được đào tạo, có sự hiểu biết và kỹ năng thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật của GACP liên quan đến công việc mà họ đang làm. Họ cũng phải biết những điều gì cần tránh, như không được hoặc phải giảm đến mức tối thiểu tác động đến môi trường và những gì phải tuân theo, như duy trì và tăng cường đa dạng sinh học trong nông trại hoặc nơi khai thác nguyên liệu...
Hướng tới tự cung cấp nguồn dược liệu bào chế thuốc
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Bang, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Bắc Ninh cho biết: “Vùng trồng nghệ phục vụ cho quá trình sản xuất Curcumin được Baniphar triển khai chủ yếu tại các huyện trong tỉnh như Gia Bình, Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong. Ngoài ra, Công ty còn phát triển vùng nguyên liệu tại Kon Tum, Đăc Lắk, Bình Phước với diện tích trên 80ha thông qua hình thức hết hợp với hơn 325 hộ nông dân và thực hiện mô hình phát triển vùng dược liệu với sự tham gia của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất và nhà nông”.
Là một người dân phối hợp với Công ty trồng dược liệu, bà Phạm Thị Chuyên (xã Đại Lai, huyện Gia Bình) cho biết: “Tôi và một số hộ dân ở đây trước trồng cây nghệ vàng sử dụng trong việc trị sẹo, loại bỏ vết thâm hay trong các món ăn. Từ khi ký hợp tác với Công ty Dược Bắc Ninh, nó là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, giúp gia đình tôi thoát nghèo. Hiện mỗi tháng trung bình cả gia đình tôi thu nhập hơn 15 triệu đồng từ cây nghệ vàng”.
Bà Phạm Thị Chuyên tại vườn cây nghệ vàng của gia đình trồng theo tiêu chuẩn GACP. |
Cũng giống bà Chuyên, ông Nguyễn Văn Ba (xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành) chia sẻ: “Công ty hỗ trợ về giống, phân bón, cho cả kỹ sư về hướng dẫn canh tác, trồng trọt và diệt trừ sâu bệnh đảm bảo đúng quy trình sạch nên chúng tôi yên tâm về mọi mặt. Công đoạn thu mua, Công ty cũng ký hợp đồng hàng năm, đảm bảo giá thị trường nên đời sống, thu nhập của chúng tôi được cải thiện đáng kể”.
Việc sản xuất nghệ vàng theo tiêu chuẩn GACP- WHO đã góp phần khai thác bước đầu tiềm năng to lớn của nguồn dược liệu phong phú trong nước, hứa hẹn đưa ngành Dược nói chung và Baniphar nói riêng đến sản xuất dược liệu theo hướng hàng hóa, quy mô công nghiệp với chất lượng cao và an toàn. Hoạt chất chiết xuất từ củ nghệ vàng trước đây chủ yếu chúng ta phải nhập khẩu từ nước ngoài; một số viện nghiên cứu khoa học trong nước chỉ sản xuất với quy mô nhỏ trong phòng thí nghiệm, thì nay Curcumin đã có thể được sản xuất với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Quang Bang cho biết thêm, sắp tới Công ty sẽ triển khai các dự án trồng dược liệu với quy mô lớn hơn nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trồng dược liệu một cách bền vững. Điều này không chỉ mang lại thu hoạch đáng kể cho NLĐ, tạo hướng đi mới trong ứng dụng KHCN vào sản xuất, mà còn góp phần tích cực trong đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
“Khi các dự án này hoàn thiện, chúng tôi sẽ tự cung cấp trực tiếp nguồn dược liệu có chất lượng cao cho Baniphar để bào chế nhiều loại sản phẩm thuốc chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; cung cấp nguồn dược liệu đạt chuẩn cho các đơn vị trong sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và tiêu dùng trong cả nước với giá hợp lý…”, ông Quang khẳng định.