Lao động ngành Dệt may gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Người lao động lao đao
Là giáo viên một trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội, mức lương 5 triệu đồng/tháng, bình thường, ngoài thời gian làm việc ở trường, cô giáo Nguyễn Thị Hoa, phường Việt Hưng, quận Long Biên đã phải làm thêm giúp việc gia đình vào buổi tối để trang trải cuộc sống. Từ tháng 2/2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trường nghỉ hoạt động, không có lương khiến cuộc sống của cô càng khó khăn hơn. “Em tiếp tục đi làm giúp việc theo giờ và dọn dẹp nhà cửa cho những gia đình có nhu cầu. Các cô giáo khác trong trường cũng phải xoay đủ nghề tạm thời để kiếm sống nhưng xin việc khó lắm vì ít nơi muốn tuyển lao động thời vụ, có người đành xin thôi việc để chuyển hẳn sang nghề khác”- cô Hiền cho biết.
Cũng lâm vào tình cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là chị Nguyễn Thị Lan - công nhân một doanh nghiệp may mặc đặt trên địa bàn quận Hà Đông- Hà Nội. “Lương công nhân ngành may vốn không cao, từ khi dịch bệnh bùng phát, công ty cho giãn việc, nghỉ luân phiên, giải quyết nghỉ phép… nên thu nhập của em cũng bị giảm. Trong khi đó, tiền điện nước, thuê nhà trọ thì vẫn thế. Đời sống rất khó khăn”- chị Lan chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Tiến Lộc và chị gái Nguyễn Thị Nụ (phường Giang Biên, quận Long Biên) - là quản lý một khách sạn tư nhân ở phố cổ Hà Nội hai tháng gần đây đã lâm cảnh thất nghiệp khi khách sạn buộc phải đóng cửa vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Gặp hai chị em bán rau ở ven đường, anh Lộc cười như mếu: “Em cũng không nghĩ có một ngày mình ra vỉa hè bán rau nhưng dịch bệnh phức tạp thế này, không biết khách sạn còn phải đóng cửa đến bao giờ nên cũng phải làm việc gì để có cái sinh nhai. Mong sao dịch bệnh mau qua”.
Những câu chuyện trên đây không phải là hiếm gặp trong thời điểm hiện nay. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp, người lao động. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ước tính cả nước có khoảng 15% doanh nghiệp bị ảnh hưởng; hơn 153.000 người lao động làm việc trong doanh nghiệp mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ước tính quý II/2020 sẽ có khoảng 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và từ 1,5 đến 2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong đó, loại hình doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm khoảng gần 80% tổng số doanh nghiệp bị ảnh hưởng và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, vận tải, du lịch, dịch vụ… bị mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm nhiều hơn các ngành, nghề khác.
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, trong quý I/2020, số người đến trung tâm nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp là hơn 12.000 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2019. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, theo khảo sát sơ bộ, đến cuối tháng 3/2020, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 40% doanh nghiệp trong tổng số hơn 240.000 doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, kéo theo hàng chục nghìn lao động bị mất việc làm hoặc phải giảm giờ làm.
Còn theo thống kê của các cấp Công đoàn Hà Nội, tính trong khối doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn cũng có 1.298 doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 với trên 34.000 người lao động bị tác động, mất việc làm, thiếu việc làm đặc biệt là khối ngành dệt may, giày da, lắp ráp điện tử. Bên cạnh đó có 520 trường tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh, với gần 40.000 cán bộ, giáo viện, nhân viên, người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, khiến đời sống rất khó khăn, chật vật.
Thiết thực hỗ trợ người lao động
Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, Chính phủ, các cấp ngành và tổ chức Công đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực. Điển hình, mới đây, ngày 9/4, trên cơ sở đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỷ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm đối tượng, trong đó có người lao động được hỗ trợ: Người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động...
Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến việc làm, đời sống của CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn; đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ và giải quyết các vấn đề liên quan, trong đó chú trọng đề xuất về chính sách đảm bảo, duy trì, chuyển đổi việc làm; tiền lương và các chế độ khi người lao động phải nghỉ việc để cách ly hoặc thiếu, mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; đảm bảo điều kiện làm việc an toàn; chế độ đối với người lao động tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp bất khả kháng…
Giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tháng 3/2020. |
Với vai trò đại diện người lao động, LĐLĐ TP. Hà Nội cũng đã sớm có kế hoạch số 16/KH-LĐLĐ ngày 20/3/2020 về chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Phó Chủ tịch thường trực phụ trách LĐLĐ TP Đặng Thị Phương Hoa cho biết, LĐLĐ TP đã chỉ đạo các công đoàn cấp trên cơ sở tiếp tục nắm chắc tình hình quan hệ lao động, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với người lao động bị ngừng việc do dịch Covid-19; hướng dẫn CĐCS tham gia với người sử dụng lao động xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc và các khoản phúc lợi khác cho người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo đúng quy định.
LĐLĐ TP cũng yêu cầu công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ vào nguồn lực tài chính công đoàn và vận động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn thuộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bệnh hiểm nghèo, bị nợ lương, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, doanh nghiệp di dời đi nơi khác do Covid-19.
Đặc biệt, các cấp Công đoàn Hà Nội sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình “Phúc lợi đoàn viên” với việc vận động các đơn vị, đối tác đã ký chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn” hỗ trợ kinh phí, tặng sản phẩm, dịch vụ hoặc đẩy mạnh triển khai các chương trình ưu đãi đến CNLĐ. LĐLĐ TP cũng chỉ đạo Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo thủ đô hỗ trợ vay vốn kịp thời cho đoàn viên công đoàn thuộc diện bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; chỉ đạo các cấp công đoàn vận động các chủ nhà trọ trên địa bàn hỗ trợ giảm giá tiền thuê trọ cho đoàn viên công đoàn, người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng dịch...
Riêng LĐLĐ TP đã quyết định hỗ trợ 1.500 đoàn viên công đoàn tại các CĐCS khối doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc LĐLĐ TP bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/người, tiền hỗ trợ được chuyển khoản về các công đoàn cấp trên cơ sở để thực hiện trao cho đoàn viên, người lao động khó khăn với hình thức phù hợp, đúng nguyên tắc tài chính trước 15/4/2020.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 12/4 |
Những nỗi lo lấp lánh vẻ đẹp của tình người và trách nhiệm |
Tâm sự của vợ bệnh nhân 243: "Tôi mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông từ người dân" |