Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải trình bày dự thảo báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020. |
Sáng 22/6, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ mười ba (khoá XII), đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - trình bày dự thảo báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có khoảng 84,8% số doanh nghiệp gặp khó khăn (trong tổng số 132 nghìn doanh nghiệp được điều tra theo báo cáo của Tổng cục Thống kê); gần 67% số doanh nghiệp được khảo sát đã thực hiện ít nhất một trong bốn giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch bệnh: cắt giảm lao động; giãn việc; nghỉ luân phiên; nghỉ việc không lương, cắt giảm lương. Theo báo cáo của các cấp công đoàn, tính đến hết tháng 4/2020 có 5.681 doanh nghiệp và 1.310 đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải giải thể, ngừng việc, thu hẹp quy mô sản xuất, tác động đến đời sống, việc làm của hơn 461 nghìn người lao động.
Tại một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp để người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trong khi doanh nghiệp vẫn có thể duy trì sản xuất. Một số doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu (tập trung tại các ngành dệt may, da giày…) do ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường chủ yếu bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (Mỹ, châu Âu…) đã thực hiện việc chấm dứt hợp đồng với một bộ phận người lao động, tác động không nhỏ đến đời sống của người lao động, nhất là đối với các gia đình có nhiều thành viên cùng thuộc diện bị cắt, giảm, chấm dứt hợp đồng lao động…
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì Hội nghị. |
Bên cạnh đó, lợi dụng những khó khăn về tài chính cũng như nhận thức chưa đầy đủ của người lao động, “tín dụng đen” có dấu hiệu hoạt động trở lại ở nhiều khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân, gây mất an ninh trật tự, đe dọa sự an toàn của người lao động. Xuất hiện hiện tượng một số đối tượng lập trang Facebook mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội để thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động với giá chỉ từ 40% đến 50% giá trị thực tế mà người lao động được hưởng. Mất việc, khó khăn, lại hiểu chưa thấu đáo giá trị của sổ bảo hiểm xã hội, một số người lao động đã bị những đối tượng này dụ dỗ bán lại sổ bảo hiểm xã hội để lấy tiền trang trải cuộc sống trước mắt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động về sau. Có địa phương xuất hiện tình trạng một số đối tượng giả mạo công ty, đơn vị giới thiệu, môi giới việc làm để lừa đảo, thu phí của người lao động nhằm trục lợi cá nhân.
Đồng chí Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngoài sự tác động của dịch Covid-19 thì ngành Nông nghiệp còn bị tác động ngay trong nội tại của ngành như dịch lợn tai xanh, dịch trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là tình hình ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, do tác động của dịch bệnh và biến đổi khí hậu, thị trường đầu ra của ngành cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản rất cao… Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ các chỉ tiêu đề ra của công đoàn ngành là không thực hiện được. Đây cũng sẽ là tình hình chung của nhiều công đoàn ngành và địa phương trong cả nước.
Báo cáo cũng cho hay, tính đến ngày 31/5, cả nước xảy ra 91 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 25 cuộc so với cùng kỳ năm 2019.
Các đại biểu đã đóng góp ý kiến về dự thảo báo cáo để Thường trực Đoàn Chủ tịch hoàn thiện, trình Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 22/6 |
Đâu cả rồi, những cánh én báo Xuân? |
Khi "tiền múa, Chúa cười" |