Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, nhà trường thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện kỹ năng sống an toàn cho học sinh |
Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) khiến lớp học của hai cậu con trai 7 tuổi và 3 tuổi của chị Mai phải tạm ngừng đến ba tuần. Với nhà có điều kiện kinh tế, có việc làm ổn định thì nghỉ còn có lương. Còn hai vợ chồng chị, làm việc thời vụ, nếu nghỉ vì dịch mãi thì không lấy đâu ra tiền sinh hoạt.
Chị Nguyễn Thị Mai (quê ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) làm công nhân tự do, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. Năm trước, không may gặp hoạn nạn, tiền tích lũy của hai vợ chồng chi tiêu hết để chữa bệnh. Không phải chị không muốn đi làm công nhân khu công nghiệp, được đóng bảo hiểm và chế độ đảm bảo hơn. Chị phải chọn công việc thời vụ gần nhà vì không có ai đưa đón con nếu đi làm về muộn sau 5 giờ chiều.
Sau cái Tết ngốn đến cả tháng lương của cả hai vợ chồng, chị Mai định bụng gửi con tới lớp rồi đi làm, có thêm vài đồng dắt túi, trang trải cuộc sống và lo lúc con đau ốm. Chồng chị chỉ nhờ sức khỏe, chuyên bốc dỡ hàng đêm ở chợ quê nên thu nhập không ổn định.
Từ khi dịch bệnh do virus corona gây ra, hai con nghỉ đến lớp, chị phải ở nhà trông nom hết ngày này sang ngày khác. Sinh hoạt hằng ngày trông mong vào tiền lương của chồng. Chị mong sao dịch bệnh qua nhanh, để các con trở lại trường, chị đi làm để kiếm thêm tiền lo cuộc sống.
Với công nhân lao động nghèo như chị Mai, dịch bệnh do virus corona tác động ngay đến miếng cơm manh áo nhà chị.
Căn nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Mai - một nữ công nhân phải ở nhà trông con đến 3 tuần và không có thu nhập. |
Còn với các nhà trường, cô giáo là những nỗi lo khi học sinh nghỉ học dài ngày, quên nề nếp học tập.
Cô Nguyễn Thị Thành - giáo viên chủ nhiệm lớp 1B (Trường Tiểu học Dương Liễu B) có phần lo lắng. Phải rất nỗ lực từ những ngày đầu năm học, lớp của cô mới đi vào nề nếp sinh hoạt, học tập. Sau Tết, các học sinh sẽ bắt đầu chuyển từ học cỡ chữ to sang cỡ chữ nhỏ, độ khó của bài học cũng tăng dần lên thì… nghỉ học đến 3 tuần vì dịch. Hằng tuần, cô vẫn trao đổi qua zalo, email, gửi bài tập cho các bậc phụ huynh để kèm con học tập.
Sau đợt nghỉ này, hẳn cô và trò lại phải nỗ lực để trở lại nề nếp học tập như trước Tết.
Hiện nay, đối với các trường tiểu học khu vực nông thôn như Trường Tiểu học Dương liễu B, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, việc áp dụng công nghệ thông tin vào học trực tuyến cho toàn bộ học sinh của nhà trường rất khó khăn do không phải phụ huynh nào cũng sử dụng thành thạo các phương tiện phục vụ cho việc học trực tuyến để hỗ trợ các con.
Cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Liễu B chia sẻ: Nhà trường luôn thực hiện đầy đủ công tác phun khử trùng, vệ sinh trường lớp để sẵn sàng đón các em học sinh trở lại lớp. Đồng thời, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng cho toàn bộ giáo viên để phòng chống dịch bệnh do virus corona gây ra.
Trường hiện có gần 1.000 học sinh học bán trú. Thời gian qua, các thầy cô giáo đã thường xuyên trao đổi, liên lạc với các bậc phụ huynh học sinh để hướng dẫn các em ôn luyện kiến thức trong quá trình nghỉ học để phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, việc nghỉ học kéo dài cũng gây không ít lo lắng cho thầy cô giáo bởi chưa biết ngày nào học sinh trở lại lớp, và kế hoạch năm học này sẽ được điều chỉnh như thế nào.
2.360 người chết vì virus corona, Italy có ca tử vong đầu tiên Trên thế giới, tổng số người chết vì virus corona lên tới 2.360. Trong ngày 21/2, Italy cũng đã ghi nhận về ca tử vong ... |
Phê phán thay sách giáo khoa, cô giáo bị đề nghị điều chuyển đến vùng khó khăn Một giáo viên ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa bị hội đồng kỷ luật của trường ra quyết định kỷ luật do đăng nội ... |
Dịch Covid-19: Giáo viên nghỉ dạy có được hưởng lương không? Để phòng chống dịch Covid-19, học sinh được tạm nghỉ học, còn giáo viên thì nghỉ dạy, thời gian có thể kéo dài cả tháng ... |