Phòng, chống dịch Covid-19
10 ca mắc mới COVID-19 có liên quan đến BV Đà Nẵng |
Bệnh nhân 643-645 (BN643-645) tại Quảng Nam, có độ tuổi từ 35-67, liên quan đến BV Đà Nẵng, gồm 1 bệnh nhân tại khoa Nội - Thần kinh - Huyết học, BV Đà Nẵng; 2 bệnh nhân là F1 của Bệnh nhân 555 (Bệnh nhân tại khoa Ngoại - Thần kinh, BV Đà Nẵng).
Bệnh nhân 646-652 (BN646-652)có độ tuổi từ 30-68, trong đó có 1 bệnh nhân là nhân viên y tế tại BV Đà Nẵng, 5 bệnh nhân tại BV Đà Nẵng, 1 bệnh nhân là F1, đang cách ly tập trung tại Khu ký túc xá phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Tính đến 6h ngày 4/8, Việt Nam có tổng cộng 652 ca mắc COVID-19, trong đó 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25/7 đến nay ghi nhận 205 ca.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 374/652 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 57,4% tổng số ca bệnh.
Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.
Tính đến sáng ngày 4/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 21 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 251 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.
Các chuyên gia nhận định, diễn biến dịch COVID-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam đang rất phức tạp.
Từ ngày 25/7/2020 đến nay đã có 237 trường hợp, trong đó có 205 trường hợp lây nhiễm trong nước tại tại 09 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (143), Quảng Nam (43), Đắk Lắk (03), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Ngãi (03), Hà Nội (2), Thái Bình (01), Đồng Nai (01), Hà Nam (01).
Các trường hợp mới được phát hiện đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng. Trong đó 06 trường hợp tử vong: TP. Đà Nẵng ghi nhận 05 trường hợp (BN428, BN437, BN499, BN475, BN429), Quảng Nam ghi nhận 01 trường hợp (BN524), đây là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng.
Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch là 13 trường hợp, trong đó điều trị tại BV Trung ương Huế 7 ca, điều trị tại BV Đà Nẵng 6 ca. Trong số các bệnh nhân nguy kịch, có 6 người phải dùng ECMO, trong khi trước khi xảy ra đợt dịch ở Đà Nẵng, cả nước chỉ có 2 ca bệnh phải dùng ECMO.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: Phạm Quý |
Nhận định về tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng, BS Nguyễn Trung Cấp cho rằng, có 3 yếu tố chính khiến diễn biến dịch COVID-19 ở Đà Nẵng trở nên nguy hiểm:
Thứ nhất là dịch đã lây lan trong cộng đồng. Theo các chuyên gia, dịch bệnh tại Đà Nẵng xuất hiện từ tháng 7 đến nay đã trải qua 4-5 chu kì lây nhiễm. Tại Đà Nẵng khả năng có nhiều nguồn lây khác nhau do đó việc truy vết F0 là không khả thi. Bên cạnh đó, khả năng lây nhiễm ngoài cộng đồng là khá cao.
Thứ hai là dịch tác động vào nhóm bệnh nhân có sức đề kháng rất yếu là người cao tuổi có nhiều bệnh phối hợp như suy thận nặng, chạy thận nhân tạo, nhóm bệnh nhân nằm ở khoa Ung bướu, nhóm bệnh nhân khoa Hồi sức tích cực... Những bệnh nhân này nếu không mắc COVID-19 thì nguy cơ tử vong cũng đã rất cao. Do đó, khi không may bị lây nhiễm thì nguy cơ tử vong lại tăng lên rất nhiều.
Thứ ba, chính là việc dịch đã tác động đến lực lượng y tế, với một số trường hợp điều dưỡng, bác sĩ mới đây đã được xác định bị lây nhiễm chéo SARS-CoV-2. Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW nhấn mạnh: “Nếu xu hướng này không được kiểm soát tốt thì việc y, bác sĩ bị nhiễm bệnh ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng nặng nề đến công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân”.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 4/8 |
Bệnh nhân 614 trực tiếp quản lý 8 dây chuyền với khoảng 400 công nhân |
Triển khai nhanh các biện pháp để dập dịch và đảm bảo an toàn tại các KCN Đà Nẵng |