Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia. |
PV: Xin ông cho biết khái quát về tình hình ATGT năm qua; so với năm 2017, vấn đề ATGT nước ta có những bước chuyển biến gì mới và vấn đề nào còn tồn tại?
Ông Khuất Việt Hùng: Năm 2018, tình hình ATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tốt, TNGT tiếp tục được kéo giảm ở cả 3 tiêu chí (giảm 6,71% về số vụ TNGT, giảm 0,40% về số người chết do TNGT và giảm 13,13% về số người bị thương do TNGT).
Bên cạnh đó, công tác vận tải trong các dịp cao điểm tiếp tục được đảm bảo tốt; tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm; tình hình an ninh, trật tự tại các bến, nhà ga, cảng hàng không trên các tuyến vận tải, các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định
Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu. TNGT đường sắt có giảm về số vụ và số người chết nhưng số người bị thương lại tăng cao (20%); đặc biệt là các vụ TNGT đường sắt liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5/2018. Trong quý III/2018 cũng đã xảy ra 04 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô chở khách tại Kon Tum (16/6/2018), Cao Bằng (23/7/2018), Quảng Nam (30/7/2018) và Lai Châu (15/9/2018) làm 34 người chết, 37 người bị thương, tạo ra sự hoang mang và gây nhiều bức xúc trong dư luận.
PV: Vậy Ủy Ban ATGT Quốc gia đã thực hiện những giải pháp trọng tâm nào để kiểm soát tình trạng TNGT, nhất là sau những vụ TNGT nghiêm trọng nêu trên, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông, các Bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Chính phủ, của Ủy ban ATGT Quốc gia và các địa phương trước hết đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự ATGT và các nguy cơ cao gây TNGT.
Vụ TNGT tại Long An ngày 2/1/2019 gây thiệt hại lớn về người và tài sản. |
Nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt sau các vụ TNGT liên tiếp hồi tháng 5/2018, các đơn vị chức năng ngay lập tức đã thực hiện rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, các công trình có nguy cơ mất an toàn giao thông để lên phương án ưu tiên xử lý.
Các đơn vị chức năng cũng đã lắp đặt thiết bị hỗ trợ cảnh báo đảm bảo an toàn cho 51 đểm giao cắt trong ga; lắp đặt thiết bị camera giám sát hỗ trợ đảm bảo ATGT đường sắt tại 621/621 đường ngang có gác, lắp đặt 380/380 camera tại đường ngang cảnh báo tự động; sửa chữa, cải tạo bề mặt 290 đường ngang, phát quang giải tỏa tầm nhìn cho 1.850 đường ngang các loại; giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường sắt cho 26 vị trí; xóa bỏ 138 lối đi tự mở; cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại 3.050/4.122 vị trí; tổ chức cảnh giới ATGT tại 138/238 vị trí đường ngang; cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới tại các lối đi tự mở công cộng có chiều rộng ≥ 3m là: 155/813 vị trí; phối hợp với các địa phương xây dựng gờ giảm tốc tại 298 vị trí.
Các địa phương trong cả nước đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT như: Chạy quá tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt sai quy định; chở quá tải, quá số người quy định; vi phạm về nồng độ cồn; đón, trả khách không đúng nơi quy định; vi phạm về đội mũ bảo hiểm;... Đây được coi là những giải pháp ưu tiên để kiềm chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm ATGT, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT nghiêm trọng.
PV: Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân là thời điểm mật độ người tham gia giao thông tăng đột biến. Ủy ban ATGT Quốc gia đã có kế hoạch, chương trình hành động nào để đảm bảo ATGT trong dịp này, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Tình hình TNGT trong dịp Tết luôn có diễn biến phức tạp bất chấp những cố gắng của các cơ quan hữu quan. Đây là nỗi trăn trở lớn, đồng thời cũng là thách thức đối với những người làm công tác ATGT. Nguyên nhân của TNGT tăng cao trong dịp lễ tết là do nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến. Nhưng nguyên nhân hàng đầu khiến cho TNGT trong dịp tết diễn biến phức tạp và khó kiểm soát là tình trạng sử dụng rượu bia.
Để đảm bảo ATGT dịp Tết và lễ hội năm 2019, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT đã yêu cầu các địa phương chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông tại những điểm chưa hợp lý, kịp thời sửa chữa hư hỏng để bảo đảm ATGT. Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường xử phạt đối với các trường hợp vi phạm; tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ, các tuyến kết nối đến khu vực lễ hội và địa bàn diễn ra lễ hội. Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người điều khiển về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 1793/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019. Công điện chỉ rõ nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, đơn vị liên quan. Trong đó, yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp số điện thoại đường dây nóng công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, trên Website để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cơ quan, đơn vị và người dân về vận tải, ATGT trong dịp Tết; chỉ đạo, phối hợp các cơ quan chức năng liên quan để giải quyết, khắc phục kịp thời.
Sau khi nhận được Công điện, Ủy ban ATGT Quốc gia công bố đường dây nóng phản ánh về tình hình trật tự ATGT trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Kỷ Hợi năm 2019. Thành lập các đoàn kiểm tra công tác bảo đảm trật tự, ATGT tại các địa phương, địa bàn trọng điểm. Đây sẽ là lực lượng cơ động, nòng cốt, ứng trực 24/24 tuyến đường huyết mạch, các điểm đen về giao thông, kịp thời giải quyết nhanh các xung đột giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2019.
Dịp Tết Dương lịch vừa qua, theo thông tin từ ngành Y tế, nạn nhân nhập viện cấp cứu do TNGT và vi phạm nồng độ cồn gây TNGT chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, tới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tập trung xử lý các hành vi liên quan đến nồng độ cồn. Liên quan đến điều kiện quản lý kinh doanh vận tải, quản lý sức khỏe lái xe, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ yêu cầu tổ chức khám, kiểm tra ma túy trong máu, trong nước tiểu của tất cả các tài xế giao thông vận tải. Trước tiên tập trung vào xe khách, xe container để phát hiện, ngăn chặn những người điều khiển phương tiện dương tính với ma túy dễ dẫn đến nguy cơ gây TNGT.
PV: Xin cảm ơn ông!