Thiếu máu sẽ dẫn đến các tình trạng như choáng váng, mệt mỏi, đầu óc quay cuồng...Ảnh: Minh họa |
Thiếu máu là một hội chứng hay gặp trong nhiều bệnh, nhất là các bệnh về máu. Chẩn đoán hội chứng thiếu máu, phân loại và tìm nguyên nhân phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm, nhưng chủ yếu và quyết định phải dựa vào các xét nghiệm. Vì vậy, một người nào đó cần phải đi khám nếu nhận thấy mình có các triệu chứng lâm sàng sau:
Triệu chứng cơ năng, người bệnh có thể cảm thấy mình có các dấu hiệu như sau: Ù tai, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên hay khi thay đổi tư thế hoặc khi gắng sức. Có thể ngất lịm nhất là khi thiếu máu nhiều. Nhức đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ hoặc ngủ gà, thay đổi tính tình (hay cáu gắt), tê tay chân, giảm sút sức lao động trí óc và chân tay. Hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, có thể đau vùng trước tim do thiếu máu cơ tim. Chán ăn, đầy bụng, đau bụng, ỉa lỏng hoặc táo bón.
Triệu chứng thực thể, người bệnh có thể tự nhận biết hoặc do người khác phát hiện ra như: Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt; hoặc có thể kèm theo vàng da, niêm mạc nếu thiếu máu huyết tán; hoặc có thể kèm theo xạm da, niêm mạc, nếu thiếu máu do rối loạn chuyển hoá sắt. Đặc biệt có thể quan sát rõ ở vị trí da mỏng, trắng như mặt, lòng bàn tay...hoặc ở niêm mạc mắt, môi, lưỡi, vòm miệng...Màu sắc của niêm mạc phản ánh trung thành hơn màu sắc của da.
Lưỡi: màu nhợt, hoặc có thể nhợt vàng trong huyết tán, hoặc bự bẩn trong thiếu máu do nhiễm khuẩn, hoặc lưỡi đỏ lừ và dày lên trong thiếu máu Biermer. Gai lưỡi mòn hay mất làm lưỡi nhẵn bóng, có thể có vết ấn răng, (thường gặp trong thiếu máu mạn và nhược sắc). Tóc rụng, móng tay giòn dễ gẫy, chân móng bẹt hoặc lõm, màu đục, có khía, bở, dễ gãy, …Khi thiếu máu, tim sẽ phải đập nhanh, và có thể có tiếng thổi tâm thu thiếu máu. Nếu thiếu máu lâu mà không được phát hiện và điều trị, có thể dẫn đến suy tim, rất nguy hiểm.
Chính vì vậy, nếu ai đó thấy mình có các triệu chứng trên thì nên đi khám bệnh để các bác sỹ khám xét lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Từ đó, các bác sĩ sẽ có chẩn đoán xác định, tìm nguyên nhân thiếu máu và giúp điều trị bệnh có hiệu quả.
Đây là hội chứng gặp nhiều trong các bệnh lý nội khoa, ngoại khoa, sản khoa và chuyên khoa. Nếu thiếu máu lâu không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến suy tim rất nguy hiểm
Nguyên nhân gây thiếu máu
Thiếu máu do chảy máu: Cấp tính: Sau chấn thương, chảy máu dạ dày - tá tràng... Mạn tính: Do giun móc, trĩ chảy máu... Thiếu máu do thiếu yếu tố tạo máu: Các chất cần thiết cho tạo máu hay bị thiếu thường là: sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin C, protein, nội tiết... thường hay gặp nhất là thiếu máu dinh dưỡng. Thiếu máu do rối loạn tạo máu: Suy nhược tủy xương, loạn sản tủy xương. Tủy xương bị lấn át, chèn ép do các tổ chức ác tính hoặc di căn ung thư vào tủy xương. Thiếu máu do huyết tán: Nguyên nhân tại hồng cầu: Như bất thường cấu trúc màng hồng cầu (bệnh hồng cầu hình bi...), thiếu hụt men (G6PD...), rối loạn HST (thalassemia, bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm...); Nguyên nhân ngoài hồng cầu: như miễn dịch, nhiễm độc, nhiễm trùng, bỏng...
Lời khuyên của bác sĩ
Thiếu máu do thiếu sắt sẽ phải bổ sung sắt để cơ thể có thể hấp thụ dễ dàng. Luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc bổ sung sắt vì lượng sắt dư thừa có thể gây hại. Nên tăng lượng chất sắt trong chế độ ăn uống. Nguồn thực phẩm nhiều chất sắt bao gồm thịt đỏ, đậu, lòng đỏ trứng, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và hải sản...
Một số thực phẩm chứa nhiều sắt. Ảnh: Minh họa |
Đối với thiếu máu do thiếu B12 và folate vitamin, bác sĩ cũng có thể khuyên nên tăng lượng vitamin B12 trong chế độ ăn uống. Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin B12 là thịt, gan và thận, cá, hàu và trai và sữa, pho-mát và trứng. Trong một số trường hợp thiếu máu do bị thận mạn tính, cần tiêm hormon erythropoietin. Ở bệnh hồng cầu hình liềm, dùng hydroxyruena để giúp giảm đau.
Khi thiếu máu nặng, cần truyền máu cùng nhóm. Nếu cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu, có thể chữa bằng cấy ghép tủy xương hay máu từ cuống rốn. Tế bào máu bị phá hủy quá nhanh, cần điều trị huyết tương hay loại bỏ lá lách. Việc điều trị cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định và theo dõi chặt chẽ.
Ô nhiễm không khí có thể gây trầm cảm và tăng tỷ lệ tự tử Theo 1 nghiên cứu mới dựa trên các dữ liệu toàn cầu, những người sống trong bầu không khí ô nhiễm có tỉ lệ cao ... |
Ngân hàng lãi lớn và lợi nhuận của khách hàng Nhiều ngân hàng báo lãi lớn trong năm 2019 khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về lợi nhuận của những khách hàng là doanh ... |
Bộ Y tế yêu cầu phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm qua cửa khẩu Tính đến sáng 3/1, số trường hợp nhiễm viêm phổi lạ ở Trung Quốc đã tăng lên 44 ca. Bộ Y tế yêu cầu phát hiện ... |
Nhịn ăn để giảm cân sẽ gây nguy hiểm như thế nào với sức khỏe? Hiện nay, khi muốn giảm cân nhiều người đã dùng phương pháp nhịn ăn "đoạt tuyệt" với ăn uống nhất là bỏ bữa sáng và ... |