agribank-plus-4112024-522025

Nghề lụa làng Phùng Xá: Khúc sông Đáy mang hình dải lụa

Tôi biết làng ấy bởi thơ, ngày tôi đến mà như trở lại. Dòng sông Đáy hiền hoà, đứng bên này chỉ thấy ngô mà chẳng còn thấy dâu, bến sông hẳn đã vắng người giặt lụa? Nghề tằm tang, có từ xa xưa, đem danh tiếng về cho làng Phùng Xá (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội)...
nghe lua lang phung xa khuc song day mang hinh dai lua
Nghệ nhân Phan Thị Thuận (ngồi giữa) hướng dẫn công nhân thực hiện công đoạn rải tằm (Ảnh: qdnd)

Nghề lụa có thời đã khiến cả khúc sông Đáy này nhộn nhịp, giờ vẫn tiếng thoi đưa nhưng gấp gáp hơn, vì dệt máy và thành phẩm không chỉ có lụa tơ mà phần lớn là khăn mặt bông. Ngõ làng đã lát, chợ đã xây cầu, bờ sông bên làng đã kè đá… người Phùng Xá vẫn hồn hậu như xưa nhưng làng Phùng Xá đã khác đến từng nếp nhà. Tôi đến để kể về làng lụa mùa Xuân này.

Ngõ cận sông, nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận thường đông khách - có khi đông khách nhất làng. Người phụ nữ có dòng dõi mấy đời tằm tang này đã thu hút bao người bởi những tấm lụa tơ tằm đẹp như nắng trời, mềm như cánh hoa với những sắc màu của thiên nhiên tụ lại. Bà chứng kiến khi nghề thịnh, vui lắm. Con trẻ trong làng cũng phải học nghề và làm không hết việc. Như bà, 8 tuổi đã thạo đường tơ, cửi. Thế nhưng, đời bà cũng lại chứng kiến nghề suy.

Người làng dỡ khung cửi vứt đầy, bà xót xa bảo chở đến nhà, cái nào dùng sẽ lắp lên, còn hẵng cứ để đấy mong có ngày nghề thịnh trở lại. Người làng lắp máy dệt khăn mặt, đóng cho chủ hàng xuất theo công ten nơ đi nước ngoài. Người làm công thì có việc, ông chủ thì có lãi. Nghề tằm tang của làng có nguy cơ thất truyền. Bà nghĩ lắm, có duyên với con tằm, bà không thoát khỏi tơ vương này, nên có nghèo cũng quyết giữ nghề. Bà vẫn tơ sợi, từ cái khăn cho đến tấm áo, từ lụa cho đến thô đũi. Bà đi đúng lối xưa từ hoa cho đến màu, mong giữ nghề cho bằng được.

Xu hướng thời trang phong phú hơn xưa, hàng thủ công được chú ý hơn, hy vọng cũng nhen lên trong bà. Quả đúng như thế. Lụa Phùng Xá có tiếng, người xa gần lác đác tìm về, tìm thấy bà, như thể tìm thấy cả một vùng tằm tang tưởng chừng đã xa khuất. Đôi người mua làm quà tặng, đôi người mua buôn về Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, có người lại muốn lụa này giữ hồn cốt mà mang dáng hình khác. Bà Thuận không ngần ngại xắn tay áo, tay dệt, đầu nghĩ suy xem sản phẩm mới sẽ hình thành và sống trong thị trường như thế nào?

Một mình không đặng, bà gọi chị em trong làng cùng tìm tòi đáp ứng được thị trường mới, rồi cũng mạnh dạn tham gia các hội chợ lớn, nhỏ. Lụa Phùng Xá dần dần vững vàng hơn. Xưởng có tiếng thoi, nong kén chật lối. Nhiều khung cửi không còn phải lặng thinh mà rộn ràng trong xưởng. Khăn lụa hồng đào, khăn hoa hiên, áo lụa màu xác pháo, áo màu tím hồng có cả. Người ta tìm về làng nhiều hơn, chị em có tiền chi tiêu cũng yên tâm giữ nghề.

Đặc biệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận năm 2010 còn sáng chế ra cách để con tằm tự dệt tấm chăn. Ấy là, tạo đúng kích thước mình cần, để lứa tằm lên đó, kê kích thước cao để tằm “đủ sợ’’. Tằm cứ mải miết nhả tơ, tự dệt theo khuôn thước đã định tấm tơ, và độ cao “đủ sợ’’ kia khiến các con tằm quay lại, không rơi xuống.

Khoảng 20 ngày trở ra thợ tằm ngày đêm dệt xong tấm chăn. Chả gì bằng tận dụng công ấy, thế nên trong các mặt hàng của Phùng Xá ngoài tơ đũi còn có loại chăn cao cấp trứ danh này. Nói tưởng dễ, nhưng cái khoảng vuông để cho tằm tự dệt kia phải kín bưng, không ồn ào, không có tiếng động mạnh, sợ tằm giật mình… cùng những sự “chiều chuộng’’ bí quyết nhà nghề nữa thì mới có được một tấm ruột chăn tơ tằm tự nhiên. Sau đó mới lại chần tay, mất mấy công thợ khéo, mới ra cái chăn tằm.

Phải yêu nghề, phải thấu hiểu nghề tằm tang lắm, bà Thuận và người làng mới có và theo đuổi thành công những phát kiến như mơ này.

Chưa hết, khi có dự án dệt tơ sen do đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đưa về, bà Thuận lại một lần nữa mất ngủ. Đành rằng anh chị em làm dự án cũng nhiệt tình, song kinh phí không nhiều. Mọi thứ phải bắt đầu từ “tay làm đầu suy nghĩ’’. Bao nhiêu cuống sen để se thành sợi, sợi giăng mắc thế nào để dệt nên khăn?

Năm 2017 bà xin trồng sen khắp các ao làng, để đến mùa chọn cuống đúng độ bánh tẻ, vì bà nghĩ chỉ thời điểm này cuống sen mới cho tơ nhiều nhất; già hơn, tơ sẽ tiêu hết… Những tưởng cuống sen để tàn, đợi mùa mới, đôi người sang thu tìm hồ sen chụp bức ảnh mùa đi. Thế mà cuống ấy, đúng độ đem về làng, tay rút tơ, tay se sợi, tay mắc cửi, tơ sen đã thành vải… Chỉ có những đôi bàn tay người mới làm nổi, chưa có máy móc nào hỗ trợ được việc này. Điều tưởng như không thể kia đã thành sự thật, chiếc khăn từ sợi tơ sen đã được dệt nên, với mức giá thật xứng đáng với công sức của bà bỏ ra.

Máy móc, điện sáng cần lắm cho công nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhưng với việc dệt tơ sen là phải bằng tay. Chưa thể có máy nào rút sợi tơ mềm như khói kia ra được, rồi trải xuống mặt bàn ướt, miết vặn chúng lại thành một thứ tơ sợi dài, bó nọ nối bó kia. Rồi xâu lỗ giăng mắc, sợi dọc, dệt sợi ngang, chân đạp, mắt nhìn, tay đưa…

Cái khăn ra đời thơm mùi sen, mùi nắng, thấm đẫm tình cảm, tấm lòng người dệt. Hai năm qua đi, từ mới chỉ Myanma, Philipines dệt được tơ sen, thì sau dự án này và bằng bàn thay khéo léo, sự tận tâm của bà Thuận, vải tơ sen Việt Nam đã được thế giới biết đến. Thế mới thấy, sự sáng tạo của con người là vô tận, những tưởng không thể, không bao giờ mà lại thành sự thật, hiển hiện trước mắt.

Không những thế trong xu hướng hiện đại tìm về sự khôi nguyên, tìm về với thiên nhiên… thì những sản phẩm thủ công, có nguồn gốc tự nhiên được đề cao và lụa Phùng Xá, tơ sen Phùng Xá đã dần dần tìm được chỗ đứng trong thị trường Việt Nam và nước ngoài. Người tiêu dùng thích rồi mê mẩn những mềm mượt, xù xì thơm mùi nắng gió, của lụa tơ xứ này mà tìm về.

Bà Thuận nhìn vào đống khung cửi hàng xóm phá đi, xếp đống ven tường xưởng buồn rầu:

- Vì nhiều lẽ, mà người làng không theo nghề được nữa, dệt khăn mặt lại yêu cầu dàn máy khác, nên họ dỡ khung cửi, tôi xót, đem về đây, mong là sau này nghề phát triển, mở rộng, lắp lại như xưa. Vẫn nhiều người yêu thủ công mà.

Tôi cũng chỉ chung mong ước thế. Mong rằng bến sông lại giặt lụa như xưa. Bãi kia lại xanh thẫm dâu tằm, Phùng Xá lại lách cách thoi đưa, khách đường xa lại tìm lối về làng mua lụa, mua khăn, mua cái chăn con tằm tự dệt. Người Phùng Xá bán hàng xong và dẫn khách đi chụp ảnh bãi sông, vãng cảnh di tích đình chùa làng, đi mua quà nơi chợ gần sông…

Gần gụi mà như kí ức. Những rêu phong còn đây, đôi câu chuyện làng được kể từ thời xa lắc. Chuyện nghề tằm tang không mất mà tơ sen lại được sản xuất từ làng, vui lắm! Bà Phan Thị Thuận, nghệ nhân của làng cứ mải mê khoe từ cái khăn, cho đến màu lụa, bà đã tìm thấy hạnh phúc cho mình trong niềm đam mê với nghề, giữ nghề. Thế mới thấy, trời chẳng phụ lòng người, còn ước mơ là còn tất cả. Gặp bà rồi, ước mơ của tôi dường như cũng mạnh dạn hơn. Tôi học được ở bà nhiều điều trong nét cười đôn hậu.

Thêm một câu chuyện ở đời cho hành trang của mình, cơ hồ đó là của cải. Tôi nghĩ thế và gom góp…

Tin liên quan

Ngày cuối năm ở nơi mùa xuân chỉ dừng lại trước cửa

Ngày cuối năm ở nơi mùa xuân chỉ dừng lại trước cửa

Trái hẳn không khí xôm tụ, nhà nhà náo nức chuẩn bị đón Tết, ở đây, mùa xuân chỉ dừng lại ở… trước cửa. Còn phía trong là thế giới của những người không ngừng nỗ lực giành giật cơ hội sống cho người bệnh…
Công nhân xa quê vui chơi tết

Công nhân xa quê vui chơi tết

Với những CNLĐ xa quê, nỗi nhớ quê với họ đã vơi bớt phần nào khi được tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí do công đoàn tổ chức. Các hoạt động này đều được diễn ra vào dịp Tết hằng năm, và năm nay cũng vậy…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà Tết cho người lao động ở Cần Thơ

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà Tết cho người lao động ở Cần Thơ

Chiều 26/1 (27 tháng Chạp), trong không khí rộn ràng đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có chuyến công tác ý nghĩa tại thành phố Cần Thơ. Chuyến đi không chỉ mang theo những lời chúc tốt đẹp mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với người dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công, người lao động và những hoàn cảnh khó khăn.
Bà cháu bán dạo bất ngờ nhận quà Tết từ Công đoàn Đà Nẵng

Bà cháu bán dạo bất ngờ nhận quà Tết từ Công đoàn Đà Nẵng

Bế theo đứa cháu ngoại 4 tuổi đến nhận quà Tết của Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng, chị Đặng Thị Hiệp “quá hạnh phúc” vì món quà bất ngờ đã mang lại cho hai bà cháu một cái Tết ấm áp, đủ đầy.
Những món quà ấm áp đến với công nhân môi trường Hà Nội

Những món quà ấm áp đến với công nhân môi trường Hà Nội

Sáng 20/1, không khí rộn ràng ngày giáp Tết như thêm ấm áp khi các công nhân môi trường của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đón nhận những phần quà ý nghĩa.
Điểm tựa của buôn làng

Điểm tựa của buôn làng

40 năm đưa cây cao su đến các vùng đất Tây Nguyên cũng là 40 năm hành trình của những người lính Binh đoàn 15 mang màu xanh và sự no ấm, bình yên đến với vùng đất này.
Cảnh giác “bẫy” vé máy bay Tết giá rẻ

Cảnh giác “bẫy” vé máy bay Tết giá rẻ

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 kéo dài 9 ngày, nhu cầu mua vé máy bay về quê của người lao động tăng cao. Đây cũng là thời điểm các đối tượng lừa đảo lợi dụng để giăng bẫy với nhiều chiêu trò tinh vi, khiến không ít người mất tiền oan.
Công nhân Quảng Trị sắm Tết từ phiếu giảm giá của công đoàn

Công nhân Quảng Trị sắm Tết từ phiếu giảm giá của công đoàn

Chương trình “Chợ Tết Công đoàn ngành Công thương” được tổ chức tại Siêu thị Sepon, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, trong những ngày cận Tết Nguyên đán.
Khi Tết Công đoàn không chỉ là niềm vui của riêng ai

Khi Tết Công đoàn không chỉ là niềm vui của riêng ai

“Vợ con bảo tôi đừng đi, ngại với mọi người lắm, rồi sợ tôi đi lang thang nguy hiểm. Nhưng tôi vẫn đi”. Người đàn ông khuyết tật với đôi mắt ánh lên niềm vui, nói vậy khi kể về hành trình ba ngày liên tiếp vượt quãng đường ba cây số đến Chợ Tết Công đoàn ở huyện Hải Hậu (Nam Định).
Tấm vé nghĩa tình - công nhân khó khăn được đoàn tụ gia đình ngày Tết

Tấm vé nghĩa tình - công nhân khó khăn được đoàn tụ gia đình ngày Tết

Tại Lâm Đồng, 37 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được Công đoàn tặng vé xe về quê đón Tết và quay trở lại làm việc trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025. Ai nấy đều vui mừng và xúc động vì được đoàn tụ gia đình ngày Tết.