Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương thăm hỏi công nhân lao động tại một doanh nghiệp. Ảnh nld.com.vn |
Là người quan tâm đến công nhân, công đoàn, tôi hay vào các hội nhóm của công nhân lao động trên mạng xã hội tìm hiểu đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động; nhất là việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động trong mùa dịch.
Tôi chú ý một thông tin được công nhân chia sẻ nhiều, đó là việc Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, trước khó khăn của công nhân, đã kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho sử dụng nguồn tài chính công đoàn tích lũy của Liên đoàn Lao động tỉnh, thông qua Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) triển khai gói hỗ trợ 50 tỷ đồng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vay. Nhiều công nhân trầm trồ, ước ao: “Giá công đoàn nơi nào cũng làm được như thế!”
Thông tin chính thức cho thấy, Bình Dương có 109.963 công nhân lao động bị ảnh hưởng vì dịch, trong đó 106.160 người bị ngừng việc, mất việc và 3.803 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Nếu gói 50 tỷ đồng kia hỗ trợ 5 triệu đồng một người thì sẽ có 10.000 công nhân lao động được giúp đỡ, giải quyết cho 100% số người bị chấm dứt hợp đồng và hơn 6.000 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn khác.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đi vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê nhà cho công nhân lao động trong dịch bệnh. Ảnh congdoanbinhduong.org.vn |
So với con số 109.963 công nhân lao động trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch thì 10.000 người được hỗ trợ từ gói 50 tỷ của Liên đoàn Lao động tỉnh mới giải quyết hỗ trợ được chưa đến 10%. Nhưng thế đã cực kỳ đáng quý. Người lao động còn có thể trông đợi ở nguồn vốn của CEP, Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn khác, cũng như đùm bọc nhau vượt qua thời buổi khó khăn.
Nhưng cũng ở Bình Dương, các hội nhóm công nhân lại xôn xao về tin một đối tượng có tên Trần Minh Tiến lợi dụng nhu cầu tìm việc làm tăng cao trong mùa dịch, đã “nổ bao đậu”, lừa tiền của hàng trăm người. Nhiều người phẫn nộ với hành vi đê tiện của kẻ lừa đảo. Có người còn dùng những từ ngữ gay gắt như “chó cắn áo rách” để lên án kẻ bất lương kia.
Quả thực, những người công nhân lao động đang gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh, khao khát tìm kiếm công việc mới để nuôi sống bản thân và gia đình, phải vét tới đồng xu cuối “đặt cược” cho một lời hứa hão đã chịu bất hạnh kép. Những người bị lừa cũng chỉ biết thở dài, than vãn với nhau cảnh giác chiêu trò lừa đảo của Trần Minh Tiến.
Người lao động Bình Dương cũng như công nhân lao động nhiều địa phương khác đang phải đối mặt nhiều khó khăn. Công đoàn Bình Dương đang là chỗ dựa cho họ. Ảnh plo.vn |
Thật may, công đoàn vào cuộc. Thông tin này nhanh chóng được anh chị em công nhân chia sẻ với nhiều hy vọng. Trên trang Cuocsongantoan.vn, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương cho biết đã nắm được việc này. “Vụ việc đã được Liên đoàn Lao động tỉnh giao trực tiếp cho Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Sigapore phối hợp với cơ quan chức năng xác minh và xử lý, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ hỗ trợ thêm”, bà Hạnh nói.
Liên đoàn Lao động Bình Dương cũng đề nghị anh chị em công nhân lao động bị Trần Minh Tiến lừa xin việc gửi đơn tố cáo về Liên đoàn Lao động tỉnh để Liên đoàn Lao động tỉnh chuyển đến cơ quan công an củng cố hồ sơ.
Chưa biết cơ quan chức năng điều tra, xác minh ra sao, có bắt được kẻ lừa đảo không; nhưng lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát. Sự vào cuộc kịp thời, tích cực, đầy trách nhiệm của Liên đoàn Lao động Bình Dương làm người lao động thêm tin tưởng vào tổ chức Công đoàn, tin tưởng công lý sẽ được thực thi. Nhiều comment ấm áp được công nhân lao động bày tỏ. Một trong đó là sự ghi nhận trang trọng và chân thành tôi lấy làm tiêu đề bài viết này: “Hoan hô Công đoàn Bình Dương!”.
Đó cũng chính xác là những từ tôi muốn thốt lên. Bạn đồng ý với tôi không?
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 27/5 |
Phượng đổ và ám ảnh học hè |
Một sự khởi đầu mới |