
Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định |
“Tôi không còn đơn độc nữa!”
Những ngày của tháng 4, tại các đô thị sầm uất, các khu công nghệ cao ở TP.HCM, công nhân đang tất bật làm việc trong môi trường hiện đại, có hợp đồng, có bảo hiểm, có căng-tin sạch sẽ và phòng nghỉ giữa ca… với đầy đủ các chế độ phúc lợi.
Thế nhưng, đâu đó bên ngoài những cánh cổng khang trang ấy, giữa dòng xe hối hả và những con hẻm sâu, vẫn còn rất nhiều người đang âm thầm mưu sinh. Họ là bác xe ôm đội nắng dầm mưa, là người bán hàng rong len lỏi giữa những buổi tan tầm, là anh phụ hồ đang “đánh đu” mạng sống trên những tòa nhà chọc trời… Họ làm việc không thẻ chấm công, không chế độ, cũng chẳng có ai bảo vệ ngoài chính mình.
Bà Lê Thị Diễm – 56 tuổi (quê ở Vĩnh Long) lên TP. HCM làm nghề giúp việc nhà theo giờ – vẫn nhớ như in những ngày “khóc không thành tiếng” chỉ vì một chuyện tưởng chừng nhỏ.
“Hôm đó nhà chủ mất 2 triệu đồng, tìm không thấy, rồi quay sang nhìn tôi. Họ không nói ra nhưng ánh mắt nghi ngờ, lời bóng gió cứa vào lòng tôi như dao cắt. Tôi đi về, tay chân run bần bật, không nuốt nổi cơm…” – bà kể, giọng vẫn còn nghèn nghẹn.
Bà Diễm không dám quay lại nhà đó, cũng không dám kể với ai vì sợ người ta nghĩ xấu. “Lúc đó tôi chỉ ước gì có một ai để mình nói ra, để người ta hiểu mình không làm chuyện đó, để có chỗ nương tựa chút lòng tin…”.
![]() |
Các thợ hồ (lao động tự do) làm việc tại một công trình dân dụng ở TP. HCM. Ảnh: Tr.L |
Rồi tình cờ, qua một buổi sinh hoạt tại phường, bà biết đến nghiệp đoàn giúp việc nhà. Bà đăng ký tham gia, lúc đầu chỉ nghĩ để “biết thêm vài người”. Nhưng rồi, từng buổi gặp gỡ, từng lời chia sẻ đã khiến bà thấy mình được chữa lành.
“Lần đầu tiên tôi dám kể lại chuyện bị nghi oan với các cô chú trong nghiệp đoàn. Họ không cười, không nghi ngờ, chỉ lắng nghe và ôm vai tôi nói: ‘Thôi, mình vượt qua rồi, giờ có tụi tôi ở đây mà’.
Bà bảo, công đoàn đâu có lấy lại số tiền mất ấy, cũng không giải oan được. Nhưng cái mà bà tìm thấy là sự lắng nghe, là cảm giác mình được tôn trọng. Từ đó, bà đi làm với tâm thế khác – vững vàng hơn, đàng hoàng hơn – vì biết, giờ đây, mình không còn đơn độc nữa.
Còn anh Nguyễn Văn Tình (38 tuổi, quê ở Nghệ An) vào TP. HCM làm phụ hồ tại các công trình xây dựng đã gần 10 năm nay. Cuộc sống của anh gói gọn trong những bữa cơm vội ở lán tạm, những ngày nắng rát lưng và những lần chuyển công trình bất chợt đến mức “chưa kịp chào ai”.
“Đi phụ hồ mà, ai thuê đâu thì làm đó. Có hôm đang làm thì chủ thầu bảo ngưng, không có lý do, không có tiền công ngày hôm ấy luôn. Biết kêu ai?” – anh Tình lắc đầu, nhớ lại những ngày “rớt giữa đường” như vậy.
Vì làm theo ngày công, không có hợp đồng, không ai đứng ra bảo vệ, anh từng bị trừ tiền vô lý, có lần còn bị thương do rơi vật liệu mà không được bồi thường.
Rồi một người thợ già trong nhóm giới thiệu anh đến Nghiệp đoàn thợ xây phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. Ban đầu, anh còn ngại, sợ “bị hỏi lý lịch”, sợ đóng phí, nhưng khi tham gia, anh mới hiểu đó là một cộng đồng thật sự.
“Hôm đầu tới buổi sinh hoạt nghiệp đoàn, có cơm hộp, có người hỏi thăm, có cán bộ Công đoàn đứng nói về quyền lợi lao động mà như đang nói giúp chính mình. Tôi nghe, tự nhiên cay mắt. Tưởng đời này chỉ có mình mình chịu khổ, ai ngờ… đông người quá.”
Giờ đây, anh Tình là một trong những thành viên tích cực. Anh được phổ biến kiến thức về an toàn lao động, biết cách thỏa thuận tiền công rõ ràng, biết phản ánh khi bị đối xử bất công. Và quan trọng hơn cả, anh thấy mình được nhìn nhận như một người lao động đúng nghĩa.
![]() |
Lễ ra mắt 3 nghiệp đoàn cơ sở ở TP. Thủ Dầu 1, Bình Dương trong năm 2024, bao gồm: Nghiệp đoàn Xe ôm, Nghiệp đoàn Thợ xây và Nghiệp đoàn Thẩm mỹ. Ảnh: H.T |
“Cái cảm giác được gọi tên trong danh sách, được phát cái mũ có logo nghiệp đoàn, được bắt tay mọi người… Nó làm tôi nhớ tới quê nhà, tới những ngày xưa đi làm hợp tác xã, có đội, có tổ, có người đứng đầu. Mình không còn bơ vơ nữa.” – anh Tình cười hiền.
Dìu dắt những "bước chân lạc lõng"
Những năm qua, khắp khu vực miền Đông Nam Bộ – nơi những khu công nghiệp sầm uất mọc lên ngày càng nhiều – đã thu hút hàng triệu lao động nhập cư từ khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh lực lượng lao động chính thức làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, còn có một số lượng rất lớn lao động tự do âm thầm mưu sinh.
Họ là những người phụ hồ, bán vé số dạo, giúp việc gia đình, chạy xe ôm…, có mặt ở mọi góc phố, mọi công trình, mọi ngóc ngách của đô thị. Họ không đứng trên dây chuyền sản xuất, cũng không có thẻ nhân viên quẹt qua cổng nhà máy. Họ là người phụ hồ dựng nên những bức tường vững chắc cho bao mái nhà, là chị giúp việc lau từng ô cửa để một gia đình khác được sống trong sạch sẽ, là bác xe ôm rong ruổi chở khách qua từng ngã tư nắng đổ. Họ là người ve chai gom nhặt những mảnh vỡ, tái tạo thành vật liệu mới, là người bán hàng rong mang hương vị tuổi thơ đi khắp các ngõ phố.
Không tiếng vỗ tay nào dành cho họ, cũng chẳng có lễ tôn vinh nào gọi tên. Nhưng nếu thiếu đi những người như thế, thành phố sẽ chậm nhịp, cuộc sống sẽ bớt phần ấm áp, gắn bó. Họ – với những công việc bình dị – đã góp phần duy trì hơi thở của đô thị, bằng chính giọt mồ hôi và lòng nhẫn nại. Vất vả là vậy, nhưng họ chưa từng thật sự được bước vào “vòng tay” của các thiết chế bảo vệ người lao động.
![]() |
Cụm thi đua 1 LĐLĐ TP. HCM trao tặng 1.275 phần quà Tết đến các nghiệp đoàn và đoàn viên các nghiệp đoàn. Ảnh: CĐCC |
Từ thực tế ấy, tổ chức Công đoàn đã chủ động thành lập các nghiệp đoàn, không chỉ đơn thuần là một bước đi tổ chức, mà còn là hành động nhân văn sâu sắc – như mở ra một cánh cửa cho những phận đời từng đứng “bên lề” được bước vào “vùng sáng”. Ở đó, người lao động tự do không còn đơn độc giữa dòng đời tấp nập, không còn im lặng khi quyền lợi bị xâm phạm. Họ được gọi bằng tên, được lắng nghe như những công dân lao động thực thụ – với đầy đủ phẩm giá, tiếng nói và sự bảo vệ chính đáng.
Tại TP. HCM, trong nhiệm kỳ qua, LĐLĐ Thành phố đã thành lập được 134 nghiệp đoàn cơ sở với hơn 11.000 lao động ở nhiều ngành nghề khác nhau, như xe ôm, giúp việc nhà, bán vé số, thợ xây, thợ may, thợ điện… Còn tại Bình Dương, nơi có khoảng 1,2 triệu công nhân lao động, LĐLĐ tỉnh đã thành lập nhiều nghiệp đoàn cơ sở để tập hợp và chăm lo cho lao động tự do. Chẳng hạn, tại TP. Thủ Dầu Một, đã ra mắt 3 nghiệp đoàn cơ sở gồm: Nghiệp đoàn Xe ôm (76 đoàn viên), Nghiệp đoàn Thợ xây (87 đoàn viên) và Nghiệp đoàn Thẩm mỹ (51 đoàn viên). Tại TP. Dĩ An, trong năm 2024, đã thành lập 2 nghiệp đoàn với 216 đoàn viên, nâng tổng số công đoàn cơ sở trên địa bàn lên 427 đơn vị với 51.845 đoàn viên.
Tại Đồng Nai, trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 4 nghiệp đoàn cơ sở, giúp nhiều người lao động ở khu vực phi chính thức có nơi sinh hoạt và thêm chỗ dựa lúc khó khăn. Đặc biệt, tại TP. Biên Hòa, đã thành lập Nghiệp đoàn cơ sở Du lịch và Vận tải với 17 đoàn viên, là nghiệp đoàn đầu tiên trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho lao động tự do gia nhập tổ chức Công đoàn.
Khi lao động tự do gia nhập vào các nghiệp đoàn, họ không chỉ đơn giản là trở thành thành viên của một tổ chức, mà thực sự bước vào một cộng đồng vững chắc, có sự hỗ trợ và bảo vệ từ chính những người đồng nghiệp.
Chị Lan, một tài xế xe ôm công nghệ ở TP. HCM, chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi chạy xe từ sáng đến tối, có khi chỉ kiếm được 100.000 đồng. Vất vả lắm, lại thêm những lúc gặp sự cố như xe hư hay phải thay nhớt, tôi lại phải tốn thêm tiền. Thậm chí mỗi khi khát nước, một chai nước uống, dù chỉ 10.000 đồng, đối với tôi cũng là một vấn đề lớn”.
Không chỉ được nghỉ ngơi, thay nhớt miễn phí, mà còn có nước uống miễn phí nữa. Chưa kể, không gian ở đây rất thoải mái, mát mẻ, giúp tôi nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe để tiếp tục làm việc. Đối với những người lao động như chúng tôi, điều này thật sự có ý nghĩa lớn.”
Vừa qua, LĐLĐ Quận 7 tổ chức ra mắt "Điểm dừng chân" cho đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm, xe công nghệ. Tại đây, có mái che, bàn ghế, wifi, bình nước nóng - lạnh, nhà vệ sinh, khu vực sạc điện thoại, có chỗ để xe rộng rãi, là nơi dừng đỗ, nghỉ ngơi miễn phí cho đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm, xe công nghệ những lúc không có chuyến. Ngoài ra, đoàn viên còn được cung cấp các dịch vụ giải khát, mua sắm, thay nhớt… với giá ưu đãi.
![]() |
Ra mắt “Điểm dừng chân” dành cho đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm truyền thống và công nghệ tại Quận 7, TP. HCM. Ảnh: L.H |
“Điểm dừng chân miễn phí không chỉ là nơi để tài xế xe ôm có thể nghỉ ngơi, mà còn giúp họ giảm bớt một phần gánh nặng chi phí trong cuộc sống hàng ngày. Những tiện ích tưởng chừng nhỏ bé như nước uống miễn phí và hỗ trợ thay nhớt đã giúp các tài xế chúng tôi cảm thấy được quan tâm và chăm sóc, từ đó tạo động lực để họ tiếp tục với công việc đầy thử thách này”, chị Lan nói.
Anh Nguyễn Văn Lắm, một thợ hồ gốc miền Trung, trong một lần làm việc đã không may trượt chân ngã khi đang thi công phần mái. Anh bị gãy chân, phải nằm một chỗ suốt gần hai tháng. Không còn sức lao động, tiền thuốc thang đè nặng lên vai cả gia đình nhỏ.
Giữa lúc tưởng chừng chẳng còn ai nhớ đến mình, anh bất ngờ được nghiệp đoàn thợ xây địa phương đến thăm hỏi, trao tận tay phần quà và hỗ trợ 1 triệu đồng. “Số tiền không lớn, nhưng với tôi lúc ấy quý như vàng. Không phải chỉ vì tiền, mà vì có người nhớ đến mình, hỏi han mình… Tôi thấy ấm lòng lắm. Lâu rồi mới có cảm giác mình thuộc về một nơi nào đó,” – anh Lắm nói,
Theo LĐLĐ TP. HCM, trước khi gia nhập nghiệp đoàn, lao động tự do thường phải làm việc trong hoàn cảnh không ổn định, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hay các quyền lợi hợp pháp khác. Họ đôi khi gặp phải tình trạng bị ức hiếp, thiếu công bằng trong công việc mà không biết tìm đâu ra sự hỗ trợ. Tuy nhiên, khi gia nhập vào nghiệp đoàn, mọi thứ sẽ thay đổi.
Trước tiên, họ sẽ được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi cá nhân trong trường hợp bị xâm phạm. Nếu gặp phải bất công, họ có thể nhờ nghiệp đoàn can thiệp và đứng ra bảo vệ quyền lợi. Ngoài ra, các nghiệp đoàn còn tạo cơ hội cho người lao động được tham gia vào các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giúp họ cải thiện thu nhập và có một công việc ổn định hơn. Bên cạnh đó, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ giúp họ yên tâm hơn về tương lai, không còn phải lo lắng khi gặp phải vấn đề sức khỏe hay không may bị tai nạn.
Đồng chí Lê Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. HCM, cho biết: Lao động tự do, mặc dù không có hợp đồng chính thức, nhưng lại là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế đô thị. Họ là những người lao động âm thầm đóng góp vào sự phát triển của thành phố, từ những người phụ hồ cho đến các chị giúp việc, tài xế xe ôm hay người bán hàng rong. Chúng ta không thể để họ đứng ngoài các chính sách bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Việc thành lập các nghiệp đoàn cơ sở cho lao động tự do là một trong những chiến lược quan trọng mà LĐLĐ TP. HCM đang thực hiện để nâng cao đời sống, bảo vệ quyền lợi và tạo ra môi trường làm việc an toàn cho mọi người lao động, không phân biệt ngành nghề hay hình thức lao động.
Đây là một bước đi thiết thực trong việc giúp họ có chỗ dựa vững chắc, không chỉ trong việc bảo vệ quyền lợi mà còn trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến các quyền lợi khác. Mỗi một nghiệp đoàn thành lập là một cầu nối để người lao động có thể kết nối với cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ từ công đoàn.
Giữa phố xá tấp nập, mỗi ngày vẫn có những đôi chân mưu sinh lặng lẽ. Họ không ký tên trong hợp đồng nào cả, không xuất hiện trong thống kê của bảo hiểm, không có ngày nghỉ phép hay chế độ thai sản. Nhưng họ vẫn là những người lao động – đúng nghĩa.
Và trong hành trình âm thầm đó, khi có một bàn tay chìa ra – dù chỉ là một phần quà nhỏ, một lời hỏi thăm, một buổi sinh hoạt chung – họ đã không còn lẻ loi nữa. Công đoàn, nghiệp đoàn – những ngôi nhà không sang trọng, không rực rỡ – nhưng đủ ấm để níu bước những người đang chênh vênh giữa đời.
![]() Nghiệp đoàn cơ sở nghề cá thị trấn Cửa Việt là nghiệp đoàn đầu tiên do LĐLĐ tỉnh Quảng Trị và các cấp công đoàn ... |
![]() Tính đến năm 2023, số lao động phi chính thức ở Hà Nội là 1,89 triệu người và chiếm 50,17% tổng số lao động có ... |
![]() Trong năm 2024, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị cùng các cấp công đoàn đã tiến hành khảo sát, tập trung thu hút người lao động ở ... |
Tin mới hơn

Trà Vinh: Ra mắt Gameshow “Tan ca vui - khỏe”

Công đoàn khối Đảng tỉnh Quảng Bình: Chuyển mình để thích nghi

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Cần cơ chế thực thi
Tin tức khác

Chung tay vì an toàn lao động: Những nỗi đau không được phép lặp lại

Các hoạt động Tháng Công nhân của Công đoàn Khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận

Siêu thị mini Công đoàn dành cho công nhân Đồng Nai

Siêu thị giảm giá cho người lao động Công ty TNHH Yazaki Eds Việt Nam

Kết quả chương trình phúc lợi của LĐLĐ tỉnh Bình Dương
