Anh T. sau khi ăn đuông dừa phải vào viện cấp cứu đã qua khỏi cơn nguy kịch - Ảnh: NLĐ |
Khoa cấp cứu Bệnh viện Xuyên Á – Vĩnh Long vừa tiếp nhận cấp cứu một người đàn ông bị sốc phản vệ do ăn đuông dừa. Bệnh nhân là B.V.T. (32 tuổi, ngụ Vĩnh Long), được đưa đến cấp cứu trong tình trạng tím toàn thân, mẩn nổi khắp người, ngứa, mạch nhanh, huyết áp không đo được.
Qua thăm khám chẩn đoán xác định bệnh nhân bị sốc phản vệ do ăn đuông dừa, ngay lập tức các bác sĩ triển khai các biện pháp y tế cấp cứu chống sốc cho bệnh nhân. Rất may, anh T. đã qua nguy kịch.
Theo các bác sĩ, đuông dừa là loại côn trùng họ bọ vòi voi sinh sống ở các vùng nhiệt đới thuộc châu Á. Ấu trùng của loại bọ này sinh sống ở thân cây dừa, cây cau, cây chà là... Hiện nay, ấu trùng này được xem là món ăn đặc sản khoái khẩu và được chế biến với nhiều món khác nhau nhờ giá trị dinh dưỡng cao, nhất là hàm lượng đạm, 100g đuông dừa cung cấp 13g protein, canxi, muối khoáng…
Mối nguy hại từ đuông dừa và những côn trùng họ bọ vòi
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, côn trùng có chứa một số chất gây dị ứng, vì vậy những người cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong nhộng dễ gặp hiện tượng này. Đó là lý do nhiều người cùng ăn nhưng có một vài người bị dị ứng hoặc ngộ độc.
Biểu hiện của dị ứng thức ăn là nổi mề đay, phát ban từng vùng hoặc khắp người gây ngứa, người nôn nao khó chịu, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở... sau khi ăn. Do đó, những người trước đó hay bị dị ứng với thức ăn nên cân nhắc khi dùng thử.
PGS Thịnh cho biết, không riêng nhộng tằm, đuông dừa, những loại động vật khác như lợn, gà, chó… khi chết đều tiết ra những chất có thể gây độc. Nếu ăn các món này tại các nhà hàng, bạn không thể biết mình có ăn phải côn trùng chết hay không.
Ngoài ra, người sử dụng có thể bị ngộ độc hóa chất ngâm các loại côn trùng. Chẳng hạn để nhộng căng, đẹp mắt, người bán hàng thường ngâm chúng trong natri sunfit. Nếu hàm lượng chất này trên 30 mg/kg rất dễ gây ngộ độc.
Để phòng vệ, các loại cây sẽ tiết ra những chất độc chống lại sự tấn công của côn trùng. Các chất này ngấm vào cơ thể của côn trùng và khiến người sử dụng có thể bị trúng độc.
Vì vậy, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng không nên sử dụng các loại côn trùng nghi ngờ để lâu, ôi hỏng, không rõ nguồn gốc. Những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi thưởng thức món này./.
Nhận dạng các vết cắn của côn trùng để xử lý đúng cách Việc nhận dạng các vết cắn của côn trùng sẽ giúp bạn tìm ra cách hiệu quả để điều trị các triệu chứng và cảnh ... |
Từ các vụ ngộ độc cá ngừ: Nguyên nhân và cách phòng tránh Cá ngừ là một loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện ... |