Bệnh nhân Sùng Mí Thà hiện đang hôn mê chưa tỉnh. Ảnh NVCC |
Cả nhà vừa thất nghiệp, bố lại bị tai nạn hôn mê bất tỉnh
Tôi biết được tình trạng của người lao động dân tộc thiểu số Sùng Mí Thà qua người em vợ của anh là Ly Mí Vàng. Cả gia đình Vàng và gia đình anh Thà đều vào Bình Dương được khoảng 2 tháng, chỉ làm việc được khoảng hơn 20 ngày thì thất nghiệp vì dịch Covid-19. Họ và khoảng 20 người lao động nữa đều là người dân tộc thiểu số, là gia đình hộ nghèo muốn vào Bình Dương lập nghiệp. Nhưng hiện tại hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp, người tai nạn hôn mê, người không còn tiền để ăn uống hàng ngày.
Trong số những người lao động ở Hà Giang này, có trường hợp của gia đình nhà Sùng Mí Thà rất đặc biệt, éo le và bế tắc. Ngày 10/4, từ công ty trở về phòng trọ, anh đã bị tai nạn nặng, và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Bình Dương (512 giường) để mổ não lần 1, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) mổ não lần 2; tiếp theo đó được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP HCM).
Trao đổi với Bác sĩ Trúc Anh - bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Sùng Mí Thà, PV Cuộc sống An toàn được biết, tình trạng của Thà khi chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp chiều ngày 23/4 là khá nặng. Cụ thể, bệnh nhân Thà hôn mê, tri giác kém (nếu người bình thường nhận thức là 15 thì bệnh nhân chỉ được 7, 8 phần), có dấu hiệu viêm phổi, men gan cao. Bệnh nhân không tự thở bình thường được phải thở bằng dụng cụ hỗ trợ và được chăm sóc đặc biệt của y tá, điều dưỡng trong bệnh viện. Bệnh nhân phải ở một phòng riêng cách biệt.
Tôi có hỏi thêm về tình trạng bệnh nhân, thời gian tỉnh là bao lâu và khi tỉnh lại có phục hồi hoàn toàn như trước đây được không. Có vẻ là câu hỏi khó, khiến bác sĩ khá trầm tư rồi nói, tình trạng bệnh nhân khá nặng, vì bị thương ở đầu, hiện đang hôn mê chưa tỉnh, khả năng tỉnh lại tùy thuộc vào ý chí và sức khỏe của bệnh nhân, người trẻ sẽ có cơ hội nhiều hơn người già. Còn có thể phục hồi như trước kia là rất khó, vì hiện tại bệnh nhân có dấu hiệu liệt nửa bên người.
Khi trao đổi với bác sĩ điều trị của bệnh nhân Sùng Mí Thà, con gái của anh là Sùng Thị Giàng cũng ngồi cạnh. Cô bé có nói được một chút tiếng Việt, nhưng vẫn chưa thành thạo và không hiểu nhiều. Khi nghe bác sĩ trao đổi về tình trạng của bố em, Giàng không hiểu sự nguy hiểm mà bố em đang gặp phải. Bởi nhìn vào ánh mắt Giàng tôi hiểu, em không hình dung hết được mức độ nghiêm trọng ấy.
Tôi hỏi:
- Em có hiểu được bác sĩ nói gì không?
- Dạ, một chút thôi!
Một chút của em tôi biết là không nhiều, không hiểu hết được. Sau khi trao đổi với bác sĩ, tôi nhắn em rằng, tình trạng của bố em bây giờ sẽ được các y tá, bác sĩ điều dưỡng chăm sóc. Còn hai mẹ con cố gắng ở lại, chăm lo cho bản thân và giữ sức khỏe thật tốt.
Ăn mì tôm, ngủ ghế đá chờ bố tỉnh lại
Chị Nguyễn Thị Hồng, điều dưỡng trưởng chia sẻ rằng, khi ca bệnh nhân Sùng Mí Giàng được chuyển đến bệnh viện chị đã khá ấn tượng và đây là ca bệnh mà chị đang chăm sóc. Khi chuyển đến, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng có trò chuyện với gia đình bệnh nhân, nhưng người mẹ không trả lời gì cả, còn con gái của bệnh nhân thì nói được một vài câu đơn giản. Xác định đây là ca bệnh đặc biệt nên đội ngũ y tá, bác sĩ hết sức tạo điều kiện cho gia đình bệnh nhân. Sáng thứ 6 ngày 24/4, phòng công tác của bệnh viện cũng phát tặng gia đình em một thùng mì tôm để có thể sống trong những ngày chăm sóc bố.
Tôi có hỏi Giàng:
- Mấy ngày nay em với mẹ ăn gì?
- Không ăn gì ạ?
- Không ăn gì làm sao mà sống được
- Không biết đường, không ra ngoài được, ăn mì tôm ạ?
- Trong túi em còn bao nhiêu tiền?
- Năm trăm.
Những câu trả lời rời rạc, khá ngắn gọn, thỉnh thoảng là lắc đầu kèm theo “em không biết” của Giàng khiến cho người nghe không khỏi xót xa. Một cô gái khoảng 16 tuổi, theo bố mẹ từ Hà Giang vào Bình Dương được 2 tháng để mong làm việc, kiếm tiền.
- Vào đây với bố mẹ, em có đi làm công ty không?
- Có ạ.
- Em làm bao lâu?
- 1 tháng.
- Người ta có trả tiền cho em không?
- Có, 5 triệu.
- Vậy sao em lại nghỉ làm? Để chăm sóc bố nằm viện à?
- Không, người ta không nhận thời vụ nữa.
Cuộc trò chuyện ngắn rơi vào hư không. Ánh mắt cô bé vẫn thế, ngây thơ, và trong sáng, chưa ý thức được việc em đang trải qua khó khăn như thế nào.
- Em có muốn về Hà Giang không?
- Có, muốn lắm. Em nhớ núi rừng, ông bà, nhớ nhà. Nhưng bố đang bị tai nạn
Sùng Thị Giàng, 16 tuổi cùng cha mẹ từ Hà Giang vào Bình Dương làm việc, hiện đang chăm bố bị tại nạn. Ảnh N. Nga |
Lời cầu cứu từ cô gái 16 tuổi ...
Sáng nay, 26/4 Giàng nhắn tin cho tôi:
- Chị ơi, người ta chuyển bố em sang phòng khác rồi!
- Phòng nào em, đọc tên cho chị?
- Không biết, chỉ ghi là phòng 11 thôi!
Rồi Giàng chụp cho tôi hình ảnh của bố em hiện tại, không phải thở bằng thiết bị hỗ trợ nữa.
Một lúc sau em lại nhắn:
- Bác sĩ vừa vào, bảo nửa tiếng cho bố uống nước và uống sữa, nhưng em không hiểu, không biết cho uống thế nào?
- Vậy em nên hỏi bác sĩ hướng dẫn em chăm sóc bố.
- Em hỏi như thế nào?
- ...
Những câu hỏi ngây ngô của Giàng khiến tôi không khỏi thương em. Liên hệ với bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Sùng Mí Thà, bác sĩ cho biết:
“Hiện tại bệnh nhân đã tự thở được và nhận thức cũng tăng lên 1 đến 2 chỉ số so với hôm trước. Hiện bệnh nhân đã chuyển sang phòng hồi sức để gia đình chăm sóc”.
Theo tìm hiểu của PV Cuộc sống An toàn, hiện tại tiền giường bệnh hàng ngày bệnh nhân Sùng Mí Thà phải trả là 550.000 đồng. Vì bệnh nhân thuộc hộ nghèo và có thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo, nên bảo hiểm sẽ chi trả khoảng hơn 100.000 đồng. Như vậy, số tiền còn lại bệnh nhân phải tự chi trả. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại, bơ vơ nơi đất khách, vợ con Mí Thà không thể chi trả được vì trong tay chỉ còn chưa đầy 500.000 đồng. Ở quê, cha mẹ của họ cũng rất khó khăn, phải ăn ngô độn khoai, gạo có được để nuôi trẻ nhỏ.
Mỗi ngày, vợ và con bệnh nhân thường ngồi ghế đá của bệnh viện, nhìn vào phòng của bố. Mỗi tối, họ phải cũng ở đó, ngắm bầu trời Sài Gòn rồi nhớ về bầu trời Hà Giang. Nhưng với tình hình hiện tại, những người lao động nghèo thuộc dân tộc thiểu số ấy khó có thể về với núi rừng, với cao nguyên đá Đồng Văn ngay được.
Nghèo khó đã khổ, nhưng nghèo, tha hương và bệnh tật thì còn éo le, khổ cực và cô đơn biết nhường nào?!
Trước tình hình khó khăn hiện tại của gia đình Sùng Mí Thà, người nhà bệnh nhân không thể có khả năng chi trả những chi phí phát sinh nằm ngoài gói bảo hiểm y tế người nghèo. Tiền ăn, tiền thuốc thang để duy trì sự sống đến lúc có thể về được Hà Giang với họ là quá khả năng. Giàng và người thân của em đang tha thiết cầu cứu sự hỗ trợ của nhà hảo tâm, có thể hỗ trợ bệnh nhân trong tình hình hiện tại.
Mọi hỗ trợ có thể chuyển thẳng vào tài khoản của em vợ bệnh nhân là:
Số tài khoản 8202205036624 - Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
Tên chủ tài khoản Ly Mí Vàng - Số điện thoại 0329548625
Hoặc mọi sự hỗ trợ có thể liên hệ Hotline tòa soạn Tạp chí Lao động và Công đoàn (Cuocsongantoan.vn): 0978668090
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 26/4 Tính đến 7h sáng ngày 26/4, Covid-19 đã xuất hiện ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 2,9 triệu người nhiễm virus ... |
Chuyện của Mí Vàng: Vợ chồng thất nghiệp vì dịch bệnh, anh rể bị tai nạn giao thông Mí Vàng dân tộc Mông, ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, là một trong số những người lao động đang cầu cứu ... |
Nhóm công nhân Hà Giang tại Bình Dương sau lời cầu cứu đã được hỗ trợ Sau khi thông tin nhóm lao động, người dân tộc thiểu số quê ở Hà Giang hiện đang gặp khó khăn do thất nghiệp tại ... |