![Hướng dẫn tổ chức Hội nghị người lao động mới nhất](https://laodongcongdoan.vn/stores/news_dataimages/2025/022025/09/06/croped/thumbnail/thiet-ke-chua-co-ten-8420250209062838.png?250209063124)
![]() |
Bị lừa cài app để nhận điểm giấy phép lái xe, người phụ nữ mất trắng 8 triệu đồng. Ảnh minh họa. |
Đầu tháng 1, chị L.T.L. (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ tự xưng là cán bộ công an, tư vấn về Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Người này cho biết, theo quy định mới, mỗi công dân tham gia giao thông sẽ được cấp 12 điểm, đồng thời thông báo rằng sẽ có cán bộ phòng Kỹ thuật liên hệ để hướng dẫn cài đặt, tích hợp 12 điểm vào dịch vụ công.
Khoảng 15 phút sau, chị L. tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0818050xxx. Đầu dây bên kia là một người đàn ông giới thiệu hướng dẫn cài đặt dịch vụ công để thực hiện luật giao thông mới.
Dù cảnh giác và khẳng định bản thân đã cài đặt dịch vụ công, đồng thời nghi ngờ đây là hành vi lừa đảo, nhưng đối tượng vẫn tìm cách trấn an chị L. Người này khẳng định nếu là lừa đảo, anh ta sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, trong khi anh ta chỉ đang hướng dẫn cài đặt dịch vụ. Sau đó, đối tượng đề nghị chị L. kết bạn qua Zalo để tiếp tục hướng dẫn chi tiết.
Tin lời đối tượng, chị L. đã làm theo hướng dẫn và cài đặt dịch vụ. Sau đó, nhóm lừa đảo yêu cầu chị nhập các thông tin cá nhân, chụp hình thẻ ngân hàng cả mặt trước và mặt sau.
Ngay sau khi thực hiện theo chỉ dẫn, tài khoản ngân hàng của chị L. bị trừ mất 7.910.000 đồng.
Theo Cục An toàn thông tin, thủ đoạn giả danh cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước không phải là mới, nhưng ngày càng tinh vi. Trong trường hợp này, các đối tượng lợi dụng quy định mới của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 1/1/2025) để đánh vào tâm lý của người dân, biến nó thành “mồi nhử” lừa đảo.
Để tạo lòng tin, nhóm lừa đảo thường đề nghị nạn nhân đến trực tiếp trụ sở công an để bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, các cuộc gọi thường được thực hiện vào giờ hành chính, khiến nhiều người không thể sắp xếp thời gian đến cơ quan chức năng và buộc phải tìm cách xử lý từ xa. Lợi dụng điều này, kẻ gian hướng dẫn nạn nhân tải ứng dụng lạ, truy cập trang web giả mạo, từ đó đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai qua điện thoại hoặc mạng xã hội.
“Theo quy định, điểm Giấy phép lái xe sẽ được tự động tích hợp khi người dân cài đặt dịch vụ công mức độ 2, áp dụng cho những người đã có Giấy phép lái xe. Cơ quan công an không yêu cầu người dân cài đặt bất kỳ dịch vụ nào để tích hợp điểm,” cảnh báo nêu rõ.
Theo quy định tại Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, mỗi Giấy phép lái xe được cấp 12 điểm. Khi người điều khiển phương tiện vi phạm, số điểm sẽ bị trừ tương ứng với mức độ vi phạm, theo quy định tại Nghị định 168.
Nếu trong vòng 12 tháng kể từ lần vi phạm gần nhất, tài xế không bị trừ thêm điểm, hệ thống sẽ tự động phục hồi về 12 điểm. Tuy nhiên, nếu bị trừ hết điểm, Giấy phép lái xe sẽ bị tạm giữ và người vi phạm buộc phải thi lại lý thuyết sau sáu tháng để được cấp lại.
Từ cuối năm ngoái, trên kho ứng dụng chính thức dành cho điện thoại, các ứng dụng dịch vụ công đã được bổ sung biểu tượng Chính phủ để giúp người dân dễ dàng nhận diện. Người dân được khuyến cáo chỉ tải ứng dụng hợp pháp từ nguồn chính thống, tránh tải file cài đặt từ các website không rõ nguồn gốc nhằm hạn chế nguy cơ bị lừa đảo hoặc đánh cắp thông tin cá nhân.