e magazine
27/06/2021 13:40
Nước mắt ngày hết cách ly: Về nhà chồng đã đi xa mất rồi!

27/06/2021 13:40

Chị Nguyễn Thị Mùi (công nhân Công ty QC Solar) nghe tin được về nhà mà vừa mừng, vừa rơi nước mắt. Chị phải chịu nỗi đau mất chồng khi còn quá trẻ.
Nữ công nhân hết cách ly: Về nhà chồng đã đi xa mất rồi!

Nhận tin sắp được về nhà, chị Nguyễn Thị Mùi (công nhân Công ty QC Solar, Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang) vừa mừng, vừa rơi nước mắt. Nỗi đau chịu tang chồng khi đang cách ly nặng trĩu mỗi bước trở về.

Dịch bệnh khiến nhiều công nhân rơi vào hoàn cảnh éo le. Câu chuyện đau thương ly biệt trong dịch bệnh của gia đình chị Nguyễn Thị Mùi (công nhân Công ty QC Solar, Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang) là một trong số đó.

Với phụ nữ, dù cuộc sống hôn nhân không êm đẹp như tiểu thuyết, dù xen lẫn hạnh phúc là buồn vui, đau khổ, nhưng cặp đôi công nhân, nông dân “ít chữ” khi đã đến với nhau thì thường gắn bó với nhau đến hết cuộc đời. Nhiều người phụ nữ nông thôn mang tâm niệm: Chồng - dù không là trụ cột kinh tế thì cũng là chỗ dựa tinh thần cho họ và những đứa con.

Nữ công nhân hết cách ly: Về nhà chồng đã đi xa mất rồi!Gia đình chị Nguyễn Thị Mùi khi chồng chị chưa mất đi

Nhưng với chị Nguyễn Thị Mùi, chỗ dựa tinh thần đó giờ đây cũng không còn. Trong thời gian cách ly, ngày 19/6/2021, chồng chị là anh Vũ Trí Phan, sinh 1978, đã mất do bệnh tật tại nơi cư trú. Khi anh mất đi, trong nhà có 2 người con là Vũ Trí Ngọc An (sinh năm 2005) và Vũ Trí Toàn (sinh năm 2011) và bố mẹ chồng đều gần 70 tuổi.

Hình ảnh chị Mùi trong vành khăn trắng, áo sô gai khóc chồng trước bàn thờ lập tại nơi cách ly khiến nhiều trái tim nghẹn lại vì thương xót thay cho số phận chị. Mới 35 tuổi - ở cái tuổi nhiều phụ nữ hiện đại mới bước vào hôn nhân thì chị đã phải vĩnh biệt chồng.

Chúng tôi gặp chị khi chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa, chị sẽ được về nhà. Nhà chị ở thôn Húi, xã Đan Hội, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Do dịch Covid-19 bùng phát tại các khu công nghiệp, chị phải cách ly tập trung tại thôn My Điền 2, Khu công nghiệp Vân Trung từ ngày 11/6. Hết hạn cách ly, chị được chuyển về địa phương, tiếp tục cách ly tập trung tại trạm cách ly xã Trường Sơn của huyện Lục Nam.

Trong thời gian cách ly, chị bất ngờ được con báo tin chồng mất.

Nữ công nhân hết cách ly: Về nhà chồng đã đi xa mất rồi!

Chị Nguyễn Thị Mùi cùng chồng

“Dịch bệnh khiến công việc của em bị gián đoạn, thu nhập bị ảnh hưởng. Nhưng dù sao cũng vui vì còn sức khỏe, không bị nhiễm bệnh. Hết cách ly, về nhà gặp lại gia đình, các con, đó là hạnh phúc của bất kỳ ai trong thời đại dịch. Nhưng không ngờ, một ngày, con trai lớn gọi điện và hốt hoảng thông báo: “Mẹ ơi, bố mất rồi”. Thực sự, em sững sờ, chết đứng. Sốc, đau, khiến em chỉ có thể lặng rơi nước mắt…” – chị Mùi kể.

Chị kể, ngay buổi tối hôm trước khi mất, hai vợ chồng vẫn gọi điện hỏi nhau tình hình. Biết chị phải cách ly, anh luôn động viên để chị yên tâm. Thì ra, anh giấu bệnh, giấu chị và không cho các con kể chuyện mình đau ốm với mẹ.

Nữ công nhân hết cách ly: Về nhà chồng đã đi xa mất rồi! Nữ công nhân hết cách ly: Về nhà chồng đã đi xa mất rồi!

Chị Nguyễn Thị Mùi bỏ ruộng đi làm công nhân. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021

“Gần 20 năm kết hôn và chung sống, anh ấy cũng thường đau ốm. Năm nào cũng đi viện 4 - 5 lần. Tháng nào cũng phải mua thuốc. Nhưng lần vừa rồi, em thấy da chồng tái lắm, hỏi han. Nhưng anh ấy chỉ một mực nói do đêm trước mải xem đá bóng nên người có mỏi mệt, chứ không nói rằng anh ấy đau và khó ở” - chị Mùi nhớ lại.

Chính vì tấm lòng của anh như vậy khiến chị càng thương, càng xót xa vì không được nhìn mặt anh lần cuối. Từ khi chung sống, anh chị đã trải qua quãng thời gian vất vả. Vùng đất Lục Nam này là đồng chiêm trũng nên chỉ trồng cấy được 1 vụ lúa/năm. Năm nào được mùa, 1 mẫu ruộng của nhà chị cũng cho 1 - 2 tấn thóc.

Nữ công nhân hết cách ly: Về nhà chồng đã đi xa mất rồi!

Chị Mùi chịu tang chồng trong khu cách ly

Nhưng dù được mùa thì cũng nhiều lần phải bán thóc lấy tiền cho con ăn học và lo công to việc lớn trong nhà. Làm nông dân phụ thuộc vào thời tiết, gia đình chỉ đủ ăn, chưa có tích lũy. Tiết nông nhàn, bà con ở quê chị thường đi làm thợ xây, trộn vữa để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Chị cũng phải rời làng đi làm công nhân vì lẽ đó. Anh chị sinh được 2 con là cháu Vũ Trí Ngọc An (sinh năm 2005) và Vũ Trí Toàn (sinh năm 2011). Bố mẹ chồng chị tuổi đã cao và không được khỏe mạnh. Con càng lớn càng cần tiền học hành. Nếu cứ làm nông nghiệp mãi, hằng tháng không lấy đâu ra vài triệu đồng để lo cho con. Chồng chị đau yếu không làm được việc nặng nhọc, đồng áng lại càng không.

Nữ công nhân hết cách ly: Về nhà chồng đã đi xa mất rồi!
Chính quyền, Công đoàn, Ban quản lý trạm cách ly đã lập bàn thờ để chị Mùi bái vọng chồng

“Lúc bí quá, gia đình cũng phải xoay tiền nên bán thóc đi. Hết vụ lúa em chỉ biết ở nhà loanh quanh làm việc lặt vặt chứ không có nghề gì. Nếu làm thợ xây, thợ vữa như người ta thì sức em không dầu dãi mãi được. Làm công nhân được đóng bảo hiểm, được nhận lương 6 – 7 triệu đồng/tháng. Hằng tháng bớt ăn tiêu cũng gửi về nhà đều đặn được vài ba triệu đồng. Công việc cũng có nỗi vất vả riêng, có áp lực, nhưng bù lại có đồng lương để trang trải cuộc sống” – chị Mùi tâm sự.

Trước khi có dịch, mỗi lần về nhà là một lần chị mừng lắm. Tằn tiện được chút tiền nào chị mang về nuôi con và đỡ đần gia đình. Giờ chồng mất, chị phải gắng gượng nuôi hai con trưởng thành.

“Bước chân ra khỏi trạm cách ly mà lòng em buồn, vui lẫn lộn. Vui vì được về nhà sau những ngày dịch bệnh bùng phát và mình khỏe mạnh. Nhưng buồn vì về nhà không còn được gặp chồng. Mất đi chỗ dựa, em lo lắng về tương lai của các con. Đang trong độ tuổi ăn học, các con cần sự quan tâm, bảo ban và tình thương của người cha. Em đi làm xa, có anh ấy và bố mẹ ở nhà thấy yên tâm về chuyện các con hơn. Giờ anh ấy mất đi rồi, lòng em rối lắm. Điều em lo nhất là hai con sau này có học hành thành đạt, có trưởng thành và tương lai tốt đẹp?" - chị Mùi trăn trở.

Chị Mùi kể, khi còn ở nhà trọ, chị đã đăng ký với công ty đi làm trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng giờ anh mất đi, chị cần thêm thời gian để trấn tĩnh, lấy lại tinh thần và sắp xếp việc nhà. Vì vậy, chị tạm thời chưa đăng ký đi làm lại.

Câu chuyện đau lòng của gia đình chị Mùi đã được các cấp Công đoàn tỉnh Bắc Giang quan tâm. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thăm hỏi, động viên, chia sẻ với chị và gia đình. Ngay khi xảy ra sự việc. LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đã trao kinh phí 10 triệu đồng nhằm giúp chị vượt qua khó khăn.

Ông Vũ Trí Khiêm - Chủ tịch LĐLĐ huyện Lục Nam cho biết: “­­Trước nỗi đau của người lao động, các cấp chính quyền đều quan tâm, chia sẻ. Các cấp công đoàn tỉnh Bắc Giang đã đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên bằng cả vật chất và tinh thần để chị Mùi và gia đình vơi bớt nỗi đau. LĐLĐ huyện Lục Nam đã chỉ đạo công đoàn cơ sở xã Đan Hội và xã Trường Sơn quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ gia đình chị, đồng thời đến hỏi thăm, tặng quà bằng tiền mặt và vật chất trị giá 2 triệu đồng. Công đoàn xã Đan Hội cùng với chính quyền địa phương đã quan tâm đến động viên, giúp đỡ mọi công việc đưa người mất về nơi an nghỉ cuối cùng. Công đoàn xã Trường Sơn cùng với Ban điều hành trạm cách ly tập trung, chính quyền xã đã lập bàn thờ tại nơi cách ly để phần nào an ủi chị".

“Khi thấy người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi coi nỗi đau của người lao động cũng như nỗi đau của người thân mình” – ông Vũ Trí Khiêm cho biết.

Quảng Nam: Chuyện chưa kể về "người vận chuyển" không sợ F1 Quảng Nam: Chuyện chưa kể về "người vận chuyển" không sợ F1

Từ một ông chủ doanh nghiệp vận tải hành khách du lịch, khi đại dịch Covid-19 ập đến, anh Nguyễn Trí Minh xung phong làm ...

Công nhân mong sớm được tiêm vắc-xin Covid-19 Công nhân mong sớm được tiêm vắc-xin Covid-19

Nhận phiếu khảo sát nhu cầu tiêm vắc-xin Covid-19, chị Nguyễn Thị Nhung (33 tuổi), công nhân Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha ...

Điều kiện nào để công nhân ngoài tỉnh trở lại Bắc Giang làm việc? Điều kiện nào để công nhân ngoài tỉnh trở lại Bắc Giang làm việc?

Một trong những điều kiện cần có khi công nhân lao động ngoài tỉnh muốn trở lại Bắc Giang làm việc là phải chủ động ...

Ảnh: Kim Hưng

Video: Kim Hưng

Thơ: Phú Thiện

Thiết kế: Hoàng Anh

Xem phiên bản di động