|
Hiện nay, ngày càng nhiều người lao động là xe ôm công nghệ tham gia vào tổ chức Công đoàn. Họ được tiếp cận đầy đủ hơn các chế độ chính sách an sinh xã hội; cùng giao lưu, trao đổi và học hỏi lẫn nhau. |
|
Chỉ cần một chiếc xe máy còn chạy tốt, một chiếc điện thoại thông minh và một số giấy tờ cá nhân để làm hồ sơ là đã có thể gia nhập vào mạng lưới xe ôm công nghệ. Chính vì các tiêu chí tham gia đơn giản kèm thu nhập ổn nên xe ôm công nghệ đang thu hút mạnh mẽ đối với người lao động trên cả nước. Anh Lê Vũ (24 tuổi, thuê trọ tại quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết: “Em ra trường một năm nay, mãi vẫn không kiếm được việc có thu nhập tốt hơn chạy xe nên chưa có ý định đi tìm việc mới. Mỗi ngày chạy, em có thu nhập trung bình khoảng ba bốn trăm ngàn, tiền trao tay ngay tức khắc chẳng phải trông ngóng lương gì cả. Ngày nào khỏe thì làm nhiều, mệt thì làm ít”. |
|
Mặc dù thu nhập ổn định, nhưng công việc này cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm. Anh Trần Trọng Nhân (26 tuổi, quê Quảng Nam) kể: “Sau khi dịch bệnh bùng phát, công ty gặp khó khăn phải cắt giảm nhân sự nên mình chuyển sang chạy xe ôm. Thời điểm đó, từ một nhân viên văn phòng đột ngột đi lái xe nên chưa rành các tuyến đường trong thành phố. Có không ít lần chạy theo bản đồ trên app, đi nhầm đường. Để tiết kiệm thời gian mình chạy ngược chiều một đoạn, mải nhìn điện thoại nên va vào chiếc ô tô đậu bên đường, may mà người ta thấy mình cũng vất vả nên không bắt đền. Nhìn chung, làm nghề xe ôm đa số ở ngoài đường, thời tiết thì khắc nghiệt, tai nạn, va quệt cũng nhiều. Mấy đứa bạn mình cũng đã bị tai nạn, đứa nhẹ thì trầy xước da, nặng cũng gãy tay, chân”, anh Nhân tâm sự. |
Trao hỗ trợ kinh phí hoạt động ban đầu cho Ban chấp hành lâm thời của 2 nghiệp đoàn xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống. Ảnh: LĐLĐ quận Gò Vấp. Phường 1, quận Gò Vấp có mật độ dân cư tập trung cao, là địa bàn giáp ranh với quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận, thuận lợi cho việc di chuyển vào trung tâm thành phố làm việc, học tập. Nơi đây tập trung khá đông người lao động hành nghề xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ. Theo bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Gò Vấp, sau khi khảo sát, tiếp xúc với người lao động hành nghề xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ trên địa bàn, LĐLĐ quận đã tổ chức tuyên truyền vận động các thành viên gia nhập công đoàn và thành lập nghiệp đoàn. LĐLĐ quận đã phối hợp với UBND phường và công đoàn cơ sở đã vận động 78 lao động hành nghề xe ôm truyền thống và 25 lao động hành nghề xe ôm công nghệ tham gia nghiệp đoàn. Bước đầu, LĐLĐ quận đã ban hành quyết định kết nạp đoàn viên công đoàn cho các thành viên, công nhận Ban Chấp hành lâm thời Nghiệp đoàn Xe ôm truyền thống phường 1 (gồm 5 thành viên) và Ban Chấp hành lâm thời Nghiệp đoàn Xe ôm công nghệ phường 1 (gồm 3 thành viên), đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của 2 nghiệp đoàn. Tại lễ ra mắt, LĐLĐ quận Gò Vấp đã trao tặng 103 phần quà trị giá 500.000 đồng/phần (gồm bảo hiểm tai nạn con người và quà) cho đoàn viên 2 nghiệp đoàn, đồng thời hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi Ban Chấp hành lâm thời nghiệp đoàn làm kinh phí hoạt động ban đầu. LĐLĐ quận Gò Vấp cho biết, việc thành lập các nghiệp đoàn nhằm thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về phát triển đoàn viên, tổ chức Công đoàn trong khu vực phi chính thức, tạo điều kiện cho người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia sinh hoạt công đoàn, tiếp cận các chế độ chính sách an sinh xã hội như những người lao động khác, giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời, thông qua hoạt động nghiệp đoàn, LĐLĐ quận quan tâm, nắm bắt tình hình việc làm, đời sống của thành viên để kịp thời chăm lo, hỗ trợ giúp đỡ đoàn viên nghiệp đoàn. Thời gian tới, LĐLĐ quận Gò Vấp sẽ phối hợp với công đoàn cơ sở và UBND các phường còn lại tiếp tục vận động người lao động hành nghề xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ tham gia vào tổ chức Công đoàn để thành lập nghiệp đoàn. |
|
Lái xe ôm công nghệ đang trở thành việc làm chính của nhiều lao động trẻ. Ảnh: Lê Tuấn Vừa qua, LĐLĐ quận Tân Phú (TP HCM) đã phối hợp tuyên truyền về tổ chức Công đoàn và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cho 60 lao động chạy xe ôm công nghệ. Dịp này, người lao động được hướng dẫn các biện pháp phòng chống tội phạm, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản khi hành nghề. Sau buổi tuyên truyền, 50 người lao động đã tự nguyện nộp đơn xin gia nhập nghiệp đoàn xe ôm công nghệ. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Lê Thị Kim Thúy, việc thành lập nghiệp đoàn nhằm giúp các đoàn viên có nơi sinh hoạt, chia sẻ thông tin và hỗ trợ nhau trong quá trình làm việc, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, đời sống của các thành viên bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM đề nghị cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để Ban chấp hành nghiệp đoàn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, công việc được giao, cũng như đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên nghiệp đoàn. |
Bài viết và Thiết kế: Lê Tuấn
|