“Các khu trọ công nhân ở My Điền hầu hết đều bị phong toả. Ở đây có nhiều mẹ bầu, hoàn cảnh rất khó khăn. Em cũng là phụ nữ, em hiểu thời kì thai nghén vất vả như thế nào. Nhìn các chị em, em biết mình phải làm một điều gì đấy cho mọi người”, chia sẻ của Lê Thị Thu Huyền, công nhân tại KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang. |
Bắc Giang đang là một trong những điểm nóng nhất trên bản đồ Covid-19 của nước ta hiện nay. Mỗi ngày ghi nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm ca mắc mới. Nhiều khu vực bị phong toả, công nhân phải nghỉ làm và được khuyến cáo hạn chế ra ngoài khi không có việc cần thiết. Số lượng cửa hàng tạp hoá bị giới hạn, nhiều nữ công nhân mang bầu không đi mua được thực phẩm, thậm chí không có tiền để mua thực phẩm. Mắt thấy tai nghe những hoàn cảnh như vậy, Lê Thị Thu Huyền (sinh năm 1997, công nhân Công ty Vinacell, KCN Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: “Các khu trọ công nhân ở My Điền hầu hết đều bị phong toả. Ở đây có nhiều mẹ bầu hoàn cảnh rất khó khăn. Em cũng là phụ nữ, em hiểu thời kì thai nghén vất vả như thế nào. Nhìn các chị em, em biết mình phải làm một điều gì đấy.” Những chuyến xe đầu tiên, Huyền chủ động liên hệ với gia đình và bà con hàng xóm để xin hỗ trợ. Muốn giúp mọi người nhưng ở khu trọ, chính bản thân Huyền cũng chẳng có mấy đồ dùng hay thực phẩm để chia sẻ. Có kết quả xét nghiệm âm tính, Huyền xin phép chính quyền địa phương nhận thực phẩm hỗ trợ và phân phát cho công nhân trong các khu trọ. Huyền gọi về cho bố mẹ và người thân sống cách My Điền khoảng 30km. Nghe tin con gái gọi về xin rau ở vườn nhà để ủng hộ công nhân vùng dịch, hai bác không đắn đo, thu hoạch rau củ đầy một sân. Hai bác còn gọi thêm họ hàng, bà con làng xóm sống xung quanh, nhờ mỗi nhà một ít. Những phần thực phẩm hỗ trợ được chia gọn gàng, xếp ngăn nắp. Ngày 21/5, chuyến xe đầu tiên lăn bánh từ thôn Gia Tiến, xã Tân Trung chở bí, muớp, các loại rau, dưa lê, trứng, ... đến My Điền để hỗ trợ công nhân trong khu vực bị phong toả. Xe gần đến mà vẫn chưa tìm được địa điểm tập kết, may mắn là anh chị chủ trọ biết chuyện, dọn dẹp một phòng rộng để chứa thực phẩm. Làm một mình không xuể, Huyền rủ thêm anh bạn cùng khu trọ là Lương Văn Sáng phụ giúp. “Lúc đầu đứng ra kêu gọi, em cũng không tính toán kĩ càng. Đến khi làm mới thấy thiếu trước hụt sau. Xe vận chuyển cũng phải nhờ ông bà hỗ trợ. Nhưng đúng là khi mình làm việc tốt thì sẽ có nhiều cánh tay sẵn sàng đưa ra để giúp đỡ”, Huyền nói. Hai bạn trẻ xoay xở với lượng lớn thực phẩm, loay hoay từ 8 giờ sáng đến 1 giờ chiều cũng xong. Hơn 200 suất quà được xếp gọn gàng đợi được gửi đến tay công nhân. Các suất của mẹ bầu có thêm dưa chuột, vải và nhiều trứng hơn. Sáng ở lại điểm tập kết để phát thực phẩm cho công nhân. Trường hợp mẹ bầu, nhà xa, không thể ra nhận đồ, Huyền phụ trách mượn xe kéo, mang tới tận nơi. Công nhân đến nhận thực phẩm cứu trợ. Ngày 24/5, chuyến xe thứ hai về đến My Điền. Nguồn thực phẩm hỗ trợ chủ yếu do bà con thôn Gia Tiến, bạn bè và người quen của Huyền gửi ủng hộ. Đôi bạn Huyền và Sáng lại tiếp tục hì hục đếm rồi lại chia, cuối cùng cũng xong hơn 1000 suất. Lần này, mỗi suất quà có thêm gạo, mì và nước uống. Vẫn theo phân công như lần trước, Huyền và Sáng phối hợp để phát và gửi đồ cứu trợ đến công nhân. Xong xuôi mọi việc thì trời cũng đã tối muộn. Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm đã chủ động liên hệ với Huyền và kết quả là 3 tấn hàng hoá gồm gạo, mì và lạc được gửi đến My Điền ngay trong tối ngày 24. Sáng ngày hôm sau, một xe tải chở rau củ tiếp tục dừng tại My Điền. Số lượng hàng hoá lớn, ngoài Sáng, Huyền còn rủ thêm hai người bạn trong cùng khu trọ để phụ giúp. Do đã có giấy xét nghiệm âm tính và xin phép chính quyền địa phương từ trước nên công việc gửi đồ đến nhà cho công nhân vẫn do Huyền đảm nhận, ba bạn còn lại chia nhau phân phát cho công nhân lao động. Phòng trọ, nơi tập kết thực phẩm hỗ trợ công nhân My Điền. “Theo kế hoạch, 2-3 ngày nữa em mới bắt đầu chuyến thứ ba vì phải đợi mọi người gom hàng nhưng không ngờ có nhiều người gọi cho em để gửi đồ hỗ trợ. Hôm đấy nhiều đồ quá, em nhớ phải hơn 3000 suất. Em mượn cái xe kéo ở nhà hàng gần đấy để đẩy hàng mà vẫn đuối, lúc sau phải đi ship bằng xe máy”, Huyền kể. Hai chuyến hàng tiếp theo vào các ngày 27 và 30/05, Huyền và các bạn nhận được sự giúp đỡ từ nhiều nơi. Một số đoàn xe thiện nguyện hỗ trợ vận chuyển miễn phí, thực phẩm nay đã có thêm nhiều loại rau củ quả và cá. Chuyến thứ tư, Huyền kêu gọi được hơn 3000 suất và đến chuyến thứ năm, con số đã lên tới hơn 5000. Công nhân phấn khởi khi nhận được thực phẩm cứu trợ. Ngày 1/6 vừa qua, Huyền được nhận giấy khen có thành tích trong lĩnh vực “Dân vận khéo” tham gia hoạt động cứu trợ, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Huyền bảo: “Giúp đỡ mọi người, em được hai món quà lớn, một là giấy khen của tỉnh, hai là rất rất nhiều tin nhắn cảm ơn và động viên từ các anh chị em công nhân. Sau mỗi lần đi gửi đồ cho mọi người, em lại có thêm nhiều người bạn.” Trò chuyện với phóng viên, Nguyễn Thị Tiến Thành, một trong số nhiều công nhân nhận được thực phẩm hỗ trợ từ những chuyến xe kéo của Huyền, chia sẻ: “Khu trọ em đang ở có hơn 50 phòng, khoảng 100 nhân khẩu, hầu hết đều là người trên Sơn La xuống Bắc Giang làm công nhân, lao công, tạp vụ. Thương nhất có một chị là mẹ bầu đơn thân, bầu đến tháng thứ 9 thì My Điền bị phong toả, chẳng kịp chuẩn bị đồ gì. Thấy bài viết của chị Huyền được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, em liên hệ để xin thực phẩm cho cả khu. Em gọi buổi sáng mà ngay buổi chiều hôm đấy chị Huyền đã mang đến tận nơi cho mọi người, riêng trường hợp mẹ bầu, chị gửi thêm cá và sữa. Mấy ngày nay Bắc Giang nắng nóng, ngồi trong phòng bật quạt còn thấy ngột ngạt thế mà chị Huyền mặc bộ đồ bảo hộ, mồ hôi nhễ nhại, găng dính chặt vào tay mà vẫn thoăn thoắt chia đồ.” Chiếc xe kéo đi mượn cùng Huyền đi khắp ngõ ngách ở My Điền. Để tiết kiệm thời gian, Huyền vận chuyển thực phẩm bằng xe máy. Những ngày Bắc Giang nóng đỉnh điểm, chạy xe máy khắp các con đường ở My Điền để mang thực phẩm đến cho công nhân lao động, đặc biệt là mẹ bầu và các gia đình có con nhỏ nhưng ít ai biết, chính Huyền cũng là một người mẹ đơn thân. Gia đình thuần nông, Huyền là chị gái lớn trong nhà, dưới Huyền có một em trai. Lập gia đình từ sớm nhưng hôn nhân không trọn vẹn, Huyền trở thành mẹ đơn thân. Đi làm xa nhà 30km, Huyền thuê trọ gần công ty, con gái 4 tuổi gửi ông bà ngoại chăm sóc. Cuối tuần là thời gian về thăm bố mẹ và chơi với con nhưng từ khi đợt dịch mới bùng phát, Huyền ở lại khu trọ để đảm đảm bảo an toàn cho bản thân và cả gia đình. Con gái nhớ mẹ, ngày nào cũng gọi điện. “Con gọi ngày cả chục cuộc điện thoại mà nhiều hôm xe hàng về, bận quá em không nghe được. Đến tối xong việc thì con cũng ngủ rồi nên em không gọi lại nữa. Em đi làm xa nên con cũng quen, không quấy đòi mẹ nhưng mỗi lần gọi điện, chuẩn bị tắt máy con lại nhắc “Hết dịch mẹ về với con nhớ”. Mỗi lần nghe con nói, bao nhiêu mạnh mẽ mất đi đâu hết. Nhiều lúc em chỉ muốn bỏ lại tất cả để được về ôm con ngủ”, Huyền nghẹn ngào. Một số sản phẩm thiết yếu đối với phụ nữ được chuẩn bị chu đáo. Dừng lại một chút, Huyền nói tiếp: “Hôm trước có bạn bầu ở xa không đến lấy đồ được, em mang thực phẩm qua và tranh thủ hỏi thăm bạn vài câu. Tối về mở điện thoại thì thấy có tin nhắn của bạn. Bạn đó là người nơi khác đến Bắc Giang làm công nhân, giờ đang bầu mà khu trọ bị phong toả, không có ai chăm sóc. Lúc nhận quà hỗ trợ, bạn cảm động và tự dưng nhớ mẹ. Sau lần đấy, hai chị em vẫn giữ liên lạc và gọi điện động viên lẫn nhau.” 10 giờ tối, Huyền xin phép dừng máy, ngày hôm sau tiếp tục rà soát các trường hợp khó khăn để kêu gọi giúp đỡ kịp thời. Trách nhiệm với cộng đồng, hậu phương vững chắc từ gia đình và những tình cảm mọi người dành cho Huyền chính là những động lực lớn để Huyền tiếp tục công việc hỗ trợ ý nghĩa và thiết thực như thế này. Và, ở ngoài kia, còn rất nhiều những tấm lòng đẹp, phát huy tinh thần tương thân tương ái của nhân dân ta trong lúc cả nước đang đồng lòng chống dịch như chống giặc. |