Bà Đào Thị Hoa là chủ nhà trọ với gần 40 phòng tại phường 14, quận Gò Vấp (TP HCM), nơi có hàng trăm công nhân lao động tạm trú. Vì thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với công nhân nên bà rất thấu hiểu hoàn cảnh của từng người tại đây. Những việc làm hỗ trợ, giúp đỡ của bà Hoa khiến anh chị em công nhân rất cảm kích, coi bà như người mẹ thứ hai của mình. |
Nhiều năm nay, bà Hoa không tăng giá phòng mà luôn hỗ trợ, giảm giá thuê trọ 300.000 đồng/phòng đến 500.000 đồng/phòng, cũng không tăng giá điện nước cho người lao động thuê trọ. Qua gần 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bà Hoa còn là người tìm kiếm việc làm cho lao động thất nghiệp, mua tặng máy khâu, máy bán nước mía cho công nhân làm thêm có thu nhập trang trải cuộc sống. |
Tặng máy khâu, máy bán nước mía cho công nhân thất nghiệp |
Gần 15 năm làm chủ khu nhà trọ, bà Hoa đã giúp đỡ hàng trăm công nhân, người lao động khó khăn và rất thấu hiểu hoàn cảnh từng người. Hễ trong khu nhà trọ có công nhân ốm đau, sinh đẻ, cưới xin, bà hỏi thăm rồi chạy đôn chạy đáo chăm lo, hỗ trợ. Tấm lòng của bà có khi là vài hộp sữa, cân đường, đôi khi còn nấu ăn, phát cơm miễn phí, lớn hơn là giảm tiền phòng, xin chính quyền hỗ trợ hay tặng “cần câu cơm” cho công nhân lao động không may thất nghiệp chưa tìm được việc làm. |
Cô Kim Chi đang may quần áo cho khách trong phòng trọ. |
Tôi tìm đến dãy nhà trọ của bà Hoa trong những ngày TP HCM đang phòng chống Covid-19 cực kỳ nghiêm ngặt bởi dịch bệnh căng thẳng. Bà Hoa cho biết những người thuê trọ ở đây hầu hết là công nhân, người lao động. Có nhiều phòng là hộ gia đình thuê, cũng có người độc thân thuê, trước đây đa số là công nhân tại Công ty Huê Phong nhưng từ khi doanh nghiệp này giải thể, người lao động cũng đi nhiều. Căn phòng khóa cửa thứ 3 từ đầu ngõ vào là phòng của chị Kim Chi, quê An Giang, năm nay đã 42 tuổi, trước từng là công nhân của Công ty Huê Phong, nhưng giờ đã giải thể. Từ khi mất việc, chị Chi khó khăn lắm, thấy thương nên bà Hoa đã xin cho một công việc làm phục vụ tại quán ăn và còn kêu gọi hỗ trợ mua cho chị một máy khâu nhỏ. Bà Hoa kể: “Hoàn cảnh của cô Chi đáng thương lắm, hai vợ chồng không có con, gia cảnh lại nghèo khó. Mấy năm trước cháu gái của cô Chi mất khi sinh con, nên cô đã nhận đứa trẻ về nuôi. Đến bây giờ đứa trẻ đã học lớp 2. Hai vợ chồng đều là người lao động nhập cư, dịch bệnh ảnh hưởng nên mất việc. Thương quá nên tôi vận động mua cho cô Chi một chiếc máy khâu đặt trong phòng. Hằng ngày cũng có vài người đến đặt hàng may quần áo, số tiền kiếm được cũng phụ thêm để con cái ăn học và sinh hoạt”. |
Chị Ngọc Thu bên xe nước mía được bà Hoa kêu gọi hỗ trợ khi chị thất nghiệp.
Nhưng khó khăn này chưa qua thì khó khăn khác lại đến, dịch bệnh hiện đang bùng phát tại TP HCM, nguy cơ cô Kim Chi phải nghỉ việc tạp vụ là rất cao, nhưng cũng may còn có chiếc máy khâu để làm bạn và kiếm thêm thu nhập. “Ơn của chị Hoa đối với gia đình tôi là rất lớn. Giữa lúc bơ vơ vì thất nghiệp đang loay hoay không biết bản thân sẽ ra sao, đi đâu về đâu thì chị Hoa nói vợ chồng tôi cứ ở lại, tiền phòng trọ chị sẽ giảm, nếu khó khăn quá thì khi nào có tiền trả cũng được. Trong một ngày đi làm về tôi bất ngờ khi chị Hoa đặt chiếc máy khâu trước của phòng và bảo tặng cho tôi để may vá cho đỡ nhớ nghề lại có thêm thu nhập cho con học hành. Tôi xúc động lắm, không biết nói sao, chỉ biết khóc vì nhận được sự giúp đỡ tận tình từ chị”, cô Chi bộc bạch. Không chỉ giúp đỡ cô Kim Chi mua máy khâu, bà Hoa, người chủ trọ hết lòng vì công nhân, người lao động này còn mua máy bán nước mía tặng cho chị Triệu Ngọc Thu, cũng là công nhân khó khăn, thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bà Hoa không chỉ giúp đỡ về thực phẩm hằng ngày như cân gạo, cân đường mà còn mở ra tương lai, hướng đi mới cho những ai trong xóm trọ bị thất nghiệp. |
Chăm lo cho công nhân như người thân trong gia đình |
Là một chủ nhà trọ nổi tiếng nhận hậu, bà Hoa được rất nhiều anh chị em công nhân yêu quý. Không chỉ bởi tính hình hiền lành, hết lòng vì anh chị em công nhân trong mùa dịch mà những ngày lễ, Tết, Tháng Công nhân, bà Hoa vẫn luôn vận động mạnh thường quân hỗ trợ tặng quà cho anh chị em tại xóm trọ. Hằng năm, khi đến Tết, bà Hoa luôn có quà để tặng cho mọi người trong xóm trọ về quê ăn Tết và lì xì đầu năm mới. Tết Trung thu thì mua bánh cho con công nhân cùng nhau phá cỗ... |
Bà Hoa thường xuyên tặng cơm cho người lao động khó khăn mùa dịch. |
Đặc biệt, trong mùa dịch, ngoài việc giảm tiền phòng cho cho công nhân lao động từ 300.000 đồng - 500.000 đồng/ tháng, nếu gia cảnh ai khó khăn quá bà Hoa cho họ nợ luôn, có khi 3 tháng trả một lần. Chưa dừng lại ở đó, bà còn đi vận động các chủ nhà trọ khác cũng giảm tiền thuê cho công nhân. Tôi hỏi rằng nếu để công nhân nợ tiền trọ nhiều tháng bà không sợ họ chạy trốn mất sao? Bà Hoa cười, sợ gì chứ, mình đối xử tốt, chân thành thì mọi người không phụ mình được. Minh chứng là từ khi mở phòng trọ đến nay chưa có trường hợp nào như thế. Bà Hoa cho thuê trọ với giá dao động từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/ tháng, tùy diện tích. Trong mùa dịch, không chỉ hỗ trợ công nhân khó khăn mà bà còn đi phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cùng chính quyền địa phương. Trong thời gian giãn cách xã hội năm 2020, bà đã đi phát cơm miễn phí và vào chùa xin mỳ tôm, gạo, nước mắm cho người lao động đang sống tại phòng trọ của mình. |
Tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại khu trọ công nhân bằng tờ rơi.
Ngoài việc tham gia tích cực các hoạt động từ thiện, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, định kỳ hằng quý, bà Đào Thị Hoa còn đứng ra tổ chức sinh nhật, giao lưu văn hóa, văn nghệ, qua đó khéo léo lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người ở trọ. Thông qua những hoạt động này giúp người lao động hiểu rõ và không bị các phần tử xấu lôi kéo, kích động. Chính nhờ sự giúp đỡ thật tâm và chân thành cũng như nhiệt huyết đối với công tác xã hội mà bà Đào Thị Hoa đã được LĐLĐ TP HCM tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19 tại xóm trọ năm 2020. Trong thời điểm này, TP HCM đang căng mình chống dịch và khu trọ của người lao động là một trong những điểm cần đề cao phòng dịch nên bà Hoa luôn trang bị nước rửa tay kháng khuẩn, tặng khẩu trang cho người lao động… Nhiều anh chị em công nhân nói với nhau mùa dịch mà được ở trong khu trọ của bà Hoa là yên tâm nhất. |
Những việc làm hỗ trợ anh chị em công nhân, người lao động khó khăn của bà Hoa còn được hàng xóm trong khu phố biết đến. Ai cũng phải khen ngợi tấm lòng nhân hậu của bà chủ nhà trọ. “Bà Hoa hiền lành lắm, lại tốt bụng hay giúp đỡ mọi người nhất là công nhân sống trong khu trọ của bà ấy. Tôi thường thấy bà ấy ghé qua để thăm hỏi công nhân, có khi còn cầm chổi quét sân chỗ sinh hoạt chung của họ. Mùa dịch thì thấy bà Hoa tất bật bê thùng mỳ tôm, khi thì bịch gạo sang cho công nhân. Nghĩ mà cảm phục tấm lòng của bà, nếu tôi mà đi ở trọ chắc cũng phải tìm đến khu trọ của bà Hoa để thuê”, bác Hai Lụa, hàng xóm nhà bà Hoa nhận xét. |
Phát hiện thêm 182 ca dương tính nhờ xét nghiệm nhanh truy vết Covid-19 ở Bắc Giang
Tính đến cuối ngày 27/5, tỉnh Bắc Giang có 1.749 ca F0 (tăng thêm 182 ca), trong đó Khu công nghiệp Quang Châu có đến ... |
Ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân trong khu công nghiệp đã có ca mắc Covid-19
LTS: Bắt đầu từ chiều hôm qua, Bộ Y tế đã phát động tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân lao động trong các ... |
Doanh nghiệp, công đoàn “xắn tay” chăm lo NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Một doanh nghiệp ở Đà Nẵng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phải tạm dừng hoạt động, công nhân nghỉ việc nhưng công ty và ... |
Nguyễn Nga Đồ họa: Russia |