|
“Khi 67.000 công nhân phải cách ly tại nhà trọ, cách ly tập trung hay điều trị Covid-19, chúng tôi nhận nhiệm vụ phải chi viện nhanh nhất cho những trường hợp khó khăn khẩn cấp” - ông Ngô Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ cứu trợ khẩn cấp cho công nhân chia sẻ. Hạnh phúc là khi... được công nhân nhờ cậy Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, số ca lây nhiễm và số lượng lớn người ở trong các khu cách ly, phong tỏa cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ đảm bảo ổn định đời sống, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đã thành lập Tổ cứu trợ khẩn cấp cho công nhân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gồm 20 cán bộ công đoàn. Tổ cứu trợ khẩn cấp có nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ phía công nhân lao động về nhu cầu hàng hóa tiêu dùng trong thời gian cách ly vì dịch bệnh Covid-19. Đồng thời là đầu mối về việc tiếp nhận và phân bổ hàng hóa cứu trợ của các tổ chức, cá nhân. “Chúng tôi thành lập nhóm zalo và thông tin để công nhân biết về đội cứu trợ khẩn cấp thường trực 24/24h này. Khi nhận được thông tin, bất kể ngày đêm, thành viên của tổ cũng sẵn sàng để chi viện cho người lao động nhanh chóng nhất. Vừa xác minh thông tin, chúng tôi vừa tìm nguồn hàng hóa để phục vụ nhu cầu của công nhân đảm bảo đúng đối tượng” - ông Ngô Đức Kiên, Trưởng ban Tài chính LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, Tổ trưởng Tổ cứu trợ khẩn cấp chia sẻ. |
"Khó khăn là giai đoạn đầu vào "chiến dịch", chúng tôi chưa có kinh nghiệm về quản lý hàng hóa, kho bãi cũng như tổ chức phân phối" Ông Ngô Đức Kiên - Trưởng ban Tài chính LĐLĐ tỉnh Bắc Giang Tổ trưởng Tổ cứu trợ khẩn cấp |
Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cùng Tổ cứu trợ khẩn cấp giúp đỡ công nhân mắc kẹt.
Theo ông Ngô Đức Kiên, khó khăn lớn nhất là từ ngày 24 - 27/5 (giai đoạn bắt đầu vào “chiến dịch”) do cán bộ công đoàn chưa có kinh nghiệm quản lý kho bãi, phân phối hàng hóa. Việc thuê người bốc vác, xe ô tô rất khó khăn. Trời nắng nóng 400C, các cán bộ công đoàn phải thay làm “cửu vạn”, dùng xe cá nhân để đưa hàng hóa đến các “Siêu thị 0 đồng”. “Cũng may nhờ Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, nên hoạt động cứu trợ dần theo đúng kế hoạch và phối hợp nhuần nhuyễn với hệ thống “Siêu thị 0 đồng” giúp nhiều công nhân, nhất là lao động nữ mang thai, con công nhân lao động, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời” – ông Ngô Đức Kiên nói. Ông kể, khi xuống vùng dịch, các cán bộ công đoàn rất thương công nhân vì nhiều người trong số họ có hoàn cảnh éo le. Tiêu biểu là một cặp vợ chồng quê ở Sơn La, đều là công nhân tại Khu công nghiệp Vân Trung. Không may, người chồng bị xuất huyết não và tử vong. Trong khi đó, vợ là F0 ở Bệnh viện dã chiến số 1. Ngay khi nhận được thông tin về số phận kém may mắn này, Tổ cứu trợ khẩn cấp đã báo cáo Thường trực LĐLĐ tỉnh và tham mưu phương án hỗ trợ. Khi ấy, do điều kiện cách ly y tế, công đoàn cơ sở chưa thể thăm hỏi người lao động. LĐLĐ tỉnh đã quyết định động viên, chia sẻ và hỗ trợ cho gia đình công nhân 10 triệu đồng nhằm chia sẻ khó khăn với họ. |
Ông Ngô Đức Kiên trao hỗ trợ của LĐLĐ tỉnh cho công nhân lao động thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Việt Yên
|
Khi làm nhiệm vụ, chúng tôi luôn nhớ Thường trực LĐLĐ tỉnh động viên rằng, vào vùng dịch có thể nhiễm. Đã nhiễm thì xác định có 3 mức độ: Một là có thể nhiễm. Hai là nhiễm có thể khỏi. Ba là, nhiễm nặng nhưng chưa thể chết. Vì thế, chúng tôi cứ lên đường và quyết tâm chống dịch” – ông Ngô Đức Kiên cho biết. Là một trong những hoàn cảnh khó khăn đột xuất do dịch bệnh, chị Nguyễn Thị Mùi (công nhân Công ty TNHH QC Solar, Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) xúc động bày tỏ: “Lúc xa nhà, xa người thân, chồng mất, tôi phải một mình chịu tang nơi cách ly. Rất may mắn, tôi được Công đoàn chia sẻ về mặt tinh thần, hỗ trợ tài chính. Kỷ niệm đó sẽ theo chúng tôi suốt cuộc đời”. Tính đến nay, Tổ cứu trợ khẩn cấp của LĐLĐ tỉnh đã cứu trợ cho 3.515 công nhân tại các thôn Vân Cốc, My Điền, Núi Hiểu, thị trấn Nếnh... của huyện Việt Yên, tại khu nhà trọ ở thành phố Bắc Giang và một số khu nhà trọ của công nhân lao động ở huyện Yên Dũng với nhiều hàng hóa thiết yếu như gạo, mỳ tôm, sữa bột, sữa tươi, rau củ quả, nước khoáng, khẩu trang y tế... với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. |
Tiếp tục cứu trợ công nhân Nhờ triển khai các biện pháp chống dịch Covid-19 “thần tốc” nên tỉnh Bắc Giang đã khoanh được dịch ở khu công nghiệp và trong khu dân cư. Tuy nhiên, hiện nay mới có 153/169 doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp được hoạt động trở lại. Trong số đó, mới có hơn 100 doanh nghiệp đón được hơn 8.700/200.000 công nhân vào làm việc. Số còn lại tạm thời trở về quê để giảm bớt khó khăn, đảm bảo giãn cách, tránh lây nhiễm chéo và đồng hành cùng chính quyền trong phòng chống dịch Covid-19. Nhất là tại huyện Việt Yên, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. 16 xã, thị trấn của huyện đang thực hiện phong tỏa với 200 vùng cách ly y tế. Toàn huyện có gần 8.000 F2 đang cách ly tại nhà và gần 30.000 công nhân hiện đang lưu trú. LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cũng tích cực huy động nguồn lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu từ các cá nhân, tổ chức ủng hộ. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh trích nguồn kinh phí công đoàn để mua hàng hóa đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho công nhân và người dân trong các khu cách ly. Mới đây, LĐLĐ tỉnh đã mua và vận chuyển 5 tấn cá nục sấy khô và 2.230 kg rau, củ các loại ủng hộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Việt Yên để phân bổ xuống các xã, thôn và các "Siêu thị 0 đồng" trên địa bàn huyện. Trước đó, LĐLĐ tỉnh đã mua 7 tấn giò, gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ công nhân lao động trong các khu cách ly của huyện Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn, Hiệp Hòa... |
Chồng chị Nguyễn Thị Mùi (công nhân Khu công nghiệp Vân Trung) đột ngột qua đời khi chị đang phải cách ly tập trung. Cán bộ khu cách ly đã lập bàn thờ cho nữ công nhân vái vọng chồng - Ảnh: Báo Bắc Giang "Chúng tôi hiểu rằng, công việc của mình vẫn tiếp tục, đến khi không còn công nhân lao động thiếu đói, khó khăn. Mỗi chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm trở lại làm việc trong trạng thái bình thường mới" - ông Ngô Đức Kiên cho biết. Trong thời gian tới, kế hoạch của Tổ cứu trợ khẩn cấp là tiếp tục cập nhật thông tin trên trang facbook Công đoàn Bắc Giang và các nhóm Zalo "Công đoàn phòng chống Covid" của LĐLĐ tỉnh, của các cấp công đoàn để tiếp nhận thông tin. Từ đó liên lạc với công nhân để cung cấp hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm đến với các trường hợp cần hỗ trợ, đảm bảo 100% công nhân không bị thiếu đói. “Chứng kiến khó khăn của công nhân, chúng tôi đều mong sớm hết dịch và trở lại trạng thái bình thường mới để người lao động vơi bớt khó khăn. Dịch bệnh khiến công nhân quá vất vả rồi” - ông Ngô Đức Kiên chia sẻ. |
|