Trong quan hệ giữa Công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động

Làm thế nào để quan hệ lao động (QHLĐ) phát triển hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp luôn là mối quan tâm lớn của không chỉ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) mà còn là nhiệm vụ của Nhà nước. Ở Việt Nam, khi nói đến QHLĐ không thể không nhắc đến vai trò của công đoàn. Trong đó, pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất để điều chỉnh quan hệ giữa công đoàn, NSDLĐ và NLĐ.

1. Mối quan hệ giữa công đoàn, NLĐ và NSDLĐ

Một cuộc đối thoại giữa NSDLĐ và NLĐ tại Công ty CP Viglacera Hạ Long.

Trong quan hệ giữa Công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, QHLĐ là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa NLĐ, NSDLĐ, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. NLĐ và NSDLĐ là hai chủ thể trung tâm của QHLĐ. Trong đó, NLĐ là người làm việc cho NSDLĐ theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của NSDLĐ; còn NSDLĐ là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng NLĐ làm việc cho mình theo thỏa thuận1. Để duy trì tốt QHLĐ, đặc biệt là QHLĐ tập thể giữa NSDLĐ và NLĐ thì việc hình thành tổ chức đại diện NSDLĐ và tổ chức đại diện NLĐ cơ sở là tất yếu cho sự phát triển mở rộng của QHLĐ.

Trong quan hệ giữa Công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động

NSDLĐ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ.

Tổ chức Công đoàn có vai trò vô cùng quan trọng trong QHLĐ, xét trong mối quan hệ hai bên với hai khía cạnh quyền lợi NLĐ và lợi ích của doanh nghiệp. Đối với NLĐ, công đoàn đại diện tập thể NLĐ tham gia thương lượng, đóng góp ý kiến với doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng về lương, thưởng, môi trường làm việc, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi,… xây dựng TƯLĐTT, nội quy lao động, chế độ chính sách mà NLĐ được hưởng. Đối với doanh nghiệp, công đoàn là cầu nối giữa chủ doanh nghiệp và NLĐ. Khi doanh nghiệp có thay đổi cơ cấu, sắp xếp lại lao động, nhân sự hoặc cải tiến đầu tư, công nghệ, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, CĐCS nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ; phản ánh, đề xuất giải pháp với NSDLĐ; động viên, khuyến khích NLĐ tự giác, có ý thức trong lao động, sản xuất, qua đó giúp doanh nghiệp trong việc sắp xếp lao động một cách hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả lao động. Đặc biệt, vai trò của công đoàn được đề cao hơn trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa NLĐ với NSDLĐ như giải quyết những vụ đình công, khiếu nại, khiếu kiện tập thể…

2. Xu hướng phát triển quan hệ giữa công đoàn, NLĐ và NSDLĐ

Thứ nhất, khẳng định vai trò quan trọng của công đoàn trong QHLĐ

Theo quy định của pháp luật lao động, QHLĐ được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau. NSDLĐ, tổ chức đại diện NSDLĐ và NLĐ, tổ chức đại diện NLĐ xây dựng QHLĐ tiến bộ, hài hòa và ổn định với sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong mối quan hệ ba bên đó, không thể thiếu vai trò của công đoàn “tham gia cùng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ xây dựng QHLĐ tiến bộ, hài hòa và ổn định; giám sát việc thi hành quy định của pháp luật về lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ” (Khoản 3, Điều 7, Bộ luật Lao động). Như vậy, công đoàn đã, đang và sẽ là thành tố quan trọng, tham gia cùng với Nhà nước trong mối quan hệ ba bên nhằm thúc đẩy sự phát triển của QHLĐ.

Trong quan hệ giữa Công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động

Lễ Công bố Quyết định thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Công nghệ Hitron Việt Nam.

Thứ hai, QHLĐ có những biến đổi trong tình hình mới

Song, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong mối QHLĐ vẫn bao gồm các quyền chung sau đây: (1) Quyền tổ chức và thành lập công đoàn ở các đơn vị theo nguyện vọng của NLĐ; (2) Quyền tham gia với cơ quan Nhà nước và các tổ chức doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị về những vấn đề liên quan đến NLĐ; (3) Quyền tham dự các cuộc họp, cơ cấu tổ chức, các hội đồng, các uỷ ban, ban… của các tổ chức, cơ quan, đơn vị khi giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của NLĐ, đến quyền, trách nhiệm của công đoàn; (4) Quyền kiểm tra giám sát của công đoàn; (5) Quyền thành lập các trung tâm xúc tiến việc làm, các cơ sở dạy nghề, các tổ chức tương trợ, các văn phòng tư vấn pháp luật của công đoàn và cơ sở phúc lợi chung cho NLĐ.

Thứ ba, trong QHLĐ, so với bất kỳ tổ chức đại diện NLĐ nào ở doanh nghiệp, công đoàn vẫn có vị thế và lợi thế cao hơn

Nếu như trước đây, CĐCS là tổ chức duy nhất đại diện cho tập thể NLĐ tại cơ sở thì theo quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019, tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở bao gồm CĐCS và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp2. Đây là điểm mới đáng chú ý của pháp luật lao động trước “sức ép” yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi cao về tiêu chuẩn lao động như CPTPP và EVFTA mà Việt Nam đã ký kết.

Như vậy, về mặt pháp lý, công đoàn và tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp đã được trao quyền bình đẳng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ. Tuy nhiên, trên bình diện thực tế, công đoàn luôn có lợi thế vững chắc hơn bất kỳ tổ chức đại diện NLĐ nào tại doanh nghiệp bởi công đoàn có tuổi thọ lâu đời, thành tựu lịch sử và quy mô tổ chức chặt chẽ, rộng lớn khắp cả nước. Vấn đề là làm thế nào để công đoàn tiếp tục giữ vững vị thế lịch sử này?

3. Giải pháp nâng cao vai trò của công đoàn trong QHLĐ

Thứ nhất, công đoàn cần phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo đó, công đoàn cần tiếp tục lấy mục tiêu phát triển của từng doanh nghiệp làm động lực và lấy việc tập hợp, giáo dục, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn làm nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm: bảo đảm và quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định và phát triển; đảo bảo sự phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn lao động của ILO, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội3.

Trong quan hệ giữa Công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động

Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú và Chủ tịch Công đoàn EVNNPT Trịnh Tuấn Sơn, ký Thỏa ước lao động tập thể EVNNPT năm 2020.

Thứ hai, cần cụ thể hóa nguyên tắc tổ chức và hoạt động của công đoàn khi tham gia QHLĐ, các chính sách đối với cán bộ công đoàn, phương thức lãnh đạo; mô hình tổ chức công đoàn các cấp. Trong bối cảnh doanh nghiệp ngoài Nhà nước phát triển nhanh, thu hút lực lượng lao động đảo, cần tăng cường công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước cho phù hợp với thực tiễn. Tránh tình trạng công đoàn cấp trên cơ sở mang nặng tư duy “công đoàn Nhà nước”, công chức hóa, hành chính hóa các hoạt động công đoàn.

Thứ ba, cần phát triển đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách cả về lượng và chất, cụ thể: Cập nhật, sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển dụng cán bộ công đoàn, khắc phục tình trạng tuyển dụng người thân làm việc trong cơ quan, tổ chức Công đoàn. Xây dựng quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật cán bộ, công chức trong tổ chức Công đoàn. Xây dựng, ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ công đoàn các cấp. Cán bộ CĐCS ở khu vực ngoài Nhà nước cần được đặc biệt quan tâm, phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng4.

Chú thích:

1. Theo Khoản 1, 2, 5 Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2019.

2. Khoản 3, Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2019.

3. TS. Đoàn Thị Phương Diệp; TS. Hồ Đức Hiệp, Mối quan hệ giữa NLĐ và NSDLĐ giai đoạn hiện nay, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 10/2019.

4. Phúc Quân (03-12-2018), Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, Báo Nhân dân điện tử.

Trong quan hệ giữa Công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động

Bài viết: TS. Nguyễn Thanh Lý

Khoa Luật, Học viện Khoa học Xã hội

"Chuyến xe Công đoàn" kết nối những bữa cơm Tết đoàn viên "Chuyến xe Công đoàn" kết nối những bữa cơm Tết đoàn viên

“Cảm xúc của mình lúc này lẫn lộn lắm, hồi hộp, mong chờ. Cả đêm mình không ngủ được, chỉ đợi trời sáng nhanh để ...

Đà Nẵng: Đưa 3.000 công nhân về quê đón Tết sum vầy Đà Nẵng: Đưa 3.000 công nhân về quê đón Tết sum vầy

Sáng 7/2, tại Công viên trước Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu, gần 1.000 công nhân, viên chức, lao động đang làm việc tại ...

Người hùng Chí Linh Người hùng Chí Linh

Họ không mang áo choàng. Họ không phải là những người thường trực canh giữ bình yên xã hội. Nhưng khi cộng đồng cần, ...