Thuyền viên Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc được trả lương theo tiêu chuẩn của ITF

Thuyền viên làm việc tại Hàn Quốc được trả lương theo tiêu chuẩn của ITF

Từ đầu năm 2021, các thuyền viên nước ngoài (trong đó có thuyền viên Việt Nam) làm việc trên các tàu xa bờ của Hàn Quốc sẽ được hưởng nhiều chính sách gia tăng quyền lợi. Trong đó, thuyền viên sẽ được trả lương theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF).

Từ tháng 12/2020, Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc đã thống nhất thi hành “Phương án cải tiến nhân quyền và chế độ làm việc đối với thuyền viên xa bờ nước ngoài”. Theo đó, các chính sách cải tiến chế độ làm việc đối với thuyền viên xa bờ nước ngoài theo hướng có lợi hơn cho lao động chính thức được áp dụng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong các chính sách cải tiến, điểm có lợi là nhà chức trách Hàn Quốc đã tăng cường quản lý các công ty nước ngoài cung ứng thuyền viên xa bờ sang làm việc cho các tàu cá Hàn Quốc (gọi chung là công ty cung ứng) nhằm minh bạch quá trình chi trả tiền lương cho người lao động.

Hàn Quốc yêu cầu các công ty chủ tàu phải chuyển lương cho công ty tiếp nhận thuyền viên Hàn Quốc. Công ty tiếp nhận sẽ chuyển lương cho công ty cung ứng. Điều này đã khắc phục tình trạng trả lương chậm hoặc kéo dài thời gian chuyển lương giữa các công ty cung ứng và công ty tiếp nhận. Ngoài ra, công ty chủ tàu sẽ chi trả toàn bộ các chi phí để thuyền viên xa bờ sang làm việc trên tàu cá Hàn Quốc, chi phí chuyển tiền tại ngân hàng hoặc các chi phí phát sinh khác. Tất cả những nội dung này sẽ được thể hiện rõ trong hợp đồng lao động ký giữa người lao động và công ty chủ tàu Hàn Quốc.


Lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: CQLLĐNN

Thuyền viên Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc được trả lương theo tiêu chuẩn của ITF

Trước khi thuyền viên lên tàu làm việc, công ty chủ tàu sẽ điều tra, phỏng vấn thuyền viên nước ngoài để biết thuyền viên có phải trả thêm chi phí để lên tàu làm việc không. Đồng thời, hằng quý sẽ kiểm tra, xác nhận với thuyền viên về các khoản lương được chi trả đã đúng và đủ hay chưa.

Trong trường hợp xác định công ty cung ứng thuyền viên đã quá 3 lần chậm chi trả lương hoặc thu thêm các chi phí khác từ thuyền viên, công ty chủ tàu sẽ hủy bỏ hợp đồng đã ký và khuyến cáo các công ty chủ tàu khác không hợp tác với công ty cung ứng thuyền viên này.

Tất cả thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu xa bờ của Hàn Quốc sẽ được trả theo lương tiêu chuẩn của ITF. Tại Hàn Quốc, hầu hết các công ty chủ tàu cũng đang thực hiện chi trả lương thuyền viên xa bờ theo tiêu chuẩn của ITF và có sự khác nhau theo kinh nghiệm của thuyền viên. Tuy nhiên, ở một số ngành đánh bắt có thời hạn dưới 03 năm hợp đồng như ngành đánh bắt dòng cá ngừ, lương trả cho thuyền viên nước ngoài vẫn chưa đạt mức tiêu chuẩn của ITF. Vì vậy, từ đầu năm 2021, Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc sẽ yêu cầu các công ty chủ tàu áp dụng chi trả lương theo tiêu chuẩn của ITF, tối thiểu là 540 USD cho tất cả thuyền viên nước ngoài, kể cả thuyền viên có thời hạn làm việc theo hợp đồng dưới 3 năm.

Thuyền viên Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc được trả lương theo tiêu chuẩn của ITF

Tàu mang cờ Hàn Quốc ở vùng biển Iran có thuyền viên Việt Nam làm việc. Ảnh: REUTERS

Thuyền viên nước ngoài được cải thiện điều kiện làm việc

Theo phương án của Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc, tất cả các thuyền viên nước ngoài được đảm bảo thời gian nghỉ ngơi tối thiểu là 10 giờ/ngày và 77 giờ/tuần. Tuy nhiên, do khó dự tính thời gian làm việc thực tế trên tàu nên sẽ áp dụng một cách linh hoạt tính thời gian nghỉ ngơi theo đơn vị 01 tháng. Thuyền viên nước ngoài sẽ được bảo đảm được nghỉ ngơi tối thiểu từ 06 tiếng/ngày trở lên.

Đồng thời, hợp đồng lao động của thuyền viên cũng được thực hiện theo mẫu tiêu chuẩn. Trước khi “Phương án cải tiến nhân quyền và chế độ làm việc đối với thuyền viên xa bờ nước ngoài” được thông qua, tại Hàn Quốc chưa có mẫu hợp đồng lao động tiêu chuẩn cũng như không có cơ quan nào công nhận nội dung hợp đồng lao động của thuyền viên. Do vậy, các công ty chủ tàu thường tự soạn hợp đồng lao động để ký với thuyền viên nước ngoài. Khi phát sinh tranh chấp lẫn giải quyết tranh chấp, thuyền viên thường chịu thiệt thòi.

Do một số ngành đánh bắt của Hàn Quốc có thời gian thực hiện rất dài (như thời gian đánh bắt cá ngừ lên tới trên 18 tháng) nên việc áp dụng đổi ca với các ngành này là khó thực hiện. Vì vậy, Hàn Quốc dự kiến áp dụng biện pháp đổi ca thuyền viên thông qua các tàu vận tải với thời gian 10 tháng hoặc 12 tháng một lần.

Một thuyền viên Việt Nam gần bờ phơi mực trên tàu ở Cảng Busan, Hàn Quốc. Ảnh: Hồ Văn

Thuyền viên Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc được trả lương theo tiêu chuẩn của ITF

Theo chính sách mới, công ty chủ tàu sẽ phải sử dụng hợp đồng lao động tiêu chuẩn với 3 ngôn ngữ (tiếng Hàn, tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ của thuyền viên nước ngoài) và sẽ thể hiện tất cả những nội dung đổi mới của chính sách lần này. Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc sẽ ban hành mẫu hợp đồng này cũng như giám sát nghiêm việc thực hiện của các công ty thuyền viên.

Vấn đề sinh họat trên tàu của thuyền viên cũng được quan tâm hơn.

Hiện nay, hầu hết các tàu cá xa bờ đều trang bị các máy lọc nước ngọt sử dụng chung với nước ngọt dự trữ. Tuy nhiên, do thời gian trên biển quá dài nên ảnh hưởng đến chất lượng của máy lọc nước cũng như số lượng nước ngọt. Do vậy, các tàu cá xa bờ thường phải cập cảng gần nhất để bổ sung nước ngọt. Để giải quyết vấn đề này, Hàn Quốc dự kiến sẽ cho phép các tàu cá xa có thể được liên tục cung cấp nước ngọt thông qua các tàu vận tải mà không cần cập cảng. Mặt khác, sẽ cố gắng để tất cả thuyền viên nước ngoài (trong đó có thuyền viên Việt Nam) được sử dụng mức nước ngọt giống như nhau không phân biệt quốc tịch của thuyền viên nước ngoài.

Thuyền viên Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc được trả lương theo tiêu chuẩn của ITF

Nhân viên y tế Hàn Quốc kiểm tra khách nhập cảnh tại sân bay Incheon ngày 28-12-2020

Ảnh: REUTERS

Hiện nay, Việt Nam có hàng nghìn thuyền viên đang làm việc trên các tàu đánh bắt cá xa bờ quốc tịch Hàn Quốc. Các thuyền viên không phải khó khăn tìm việc làm như đối tượng lao động khác. Thuyền viên hầu hết thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động là thuyền viên Việt Nam. Tuy nhiên, lao động phải tuân thủ “Quy trình nhập cảnh đặc biệt” đối với tất cả hành khách quốc tế đến từ mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, người lao động khi nhập cảnh phải thực hiện việc kiểm tra dấu hiệu sốt, nộp tờ khai y tế, bản kê khai lịch trình đi lại tại sảnh đến sân bay quốc tế, thông tin liên lạc. Hành khách sẽ bị từ chối nhập cảnh nếu Cơ quan xuất nhập cảnh Hàn Quốc kiểm tra, phát hiện số điện thoại không thể liên lạc được.

Ngoài ra, khách quốc tế khi nhập cảnh được yêu cầu cài đặt ứng dụng tự chẩn đoán trên điện thoại thông minh của mình và báo cáo tình trạng sức khỏe hàng ngày thông qua ứng dụng này trong vòng 14 ngày. Nếu có các triệu chứng nhiễm Covid-19 trong 2 ngày liên tiếp, Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) và chính quyền địa phương sẽ theo dõi để triển khai các biện pháp cần thiết…

Hình ảnh ấm lòng khu trọ công nhân xa quê huyện Cẩm Giàng Hình ảnh ấm lòng khu trọ công nhân xa quê huyện Cẩm Giàng
Đà Nẵng tăng cường kiểm soát sau vụ việc nam công nhân Hải Dương trốn khai báo y tế Đà Nẵng tăng cường kiểm soát sau vụ việc nam công nhân Hải Dương trốn khai báo y tế
Sau khi 1 thủy thủ tử vong, 5 người dương tính với SARS-CoV-2 trên tàu Indonesia Sau khi 1 thủy thủ tử vong, 5 người dương tính với SARS-CoV-2 trên tàu Indonesia

Bài viết: Duy Minh

Thiết kế: Duy Minh