|
Không ai nghĩ người phụ nữ trắng trẻo, đầy đặn và có gương mặt phúc hậu trước mặt tôi lại có cuộc sống khó khăn đến thế. Chị có một thu nhập khá “ổn” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm nhiều công nhân mất việc làm, ngừng việc, giãn việc như năm 2020. Nhỏ nhẹ nói với chúng tôi, chị Lan kể: “Năm nay, dù dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng công ty mình may mắn không bị ảnh hưởng nhiều. Công nhân vẫn có việc làm. Thu nhập bình quân của công nhân ở mức 9 - 11 triệu đồng/người/tháng”. Chị làm việc ở công ty này đã trên 2 năm. Vì thu nhập và chính sách của công ty tốt nên chị muốn gắn bó và làm việc lâu dài. Và số tiền này hằng tháng đã giúp chị có tiền trang trải cho gia đình. |
Chị Lê Thị Lan là công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được công đoàn hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 Ảnh: THC |
Gia đình chị sống ở huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang), cách khu công nghiệp Đình Trám (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) khoảng 90km. Hoàn cảnh gia đình chị khó khăn. Mẹ già cao tuổi mang bệnh không đi lại được, chỉ nằm một chỗ và cần người chăm sóc. Hai con chị đang học lớp 11 và lớp 7. Một mình chị là lao động chính trong gia đình. Trước đây, chị ở nhà làm ruộng và chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Nhưng không may, cách đây hơn 2 năm, chồng chị bỗng nhiên mắc bệnh lạ về mắt, không nhìn thấy và cũng không đi làm được nữa. Chồng chị phải nghỉ việc, ở nhà chữa bệnh. Kinh tế gia đình chị đi xuống, tiền tích lũy của hai vợ chồng hao hụt dần để lo chữa bệnh cho chồng. Chị đã xuống Khu công nghiệp Đình Trám xin làm công nhân. Ngày quyết định xa nhà, xa con để một mình đi ở trọ, chị buồn lắm và khóc thầm cả đêm. Chị Lan chia sẻ: “Đã lâu không cầm bút nên viết tên mình cũng ngại”. Chị cầm bút chỉ để ký nhận vào bảng lương, giấy tờ ở công ty và những phiếu thanh toán tiền khám chữa bệnh cho mẹ và chồng, phiếu học tập, học phí của con… Tháng nào về quê cũng có vài hóa đơn chờ chị ký. |
Chị Lan là một trong số hàng trăm công nhân có hoàn cảnh khó khăn được công đoàn tặng quà dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: ThC |
Vì nhà xa, chị phải ở trọ, sống chung với bạn cùng công ty để giảm chi phí. Chị cũng được công ty miễn phí 2 bữa ăn mỗi ngày. Nhờ đó, chị tiết kiệm được thêm tiền gửi về cho gia đình. “Thu nhập cả chục triệu đồng/tháng, nhưng mỗi lần nhận lương là lại chia thành các khoản. Nào là tiền ở trọ, tiền điện, tiền nước, tiền ăn. Phần lớn tiền lương gửi về để lo cho con ăn học, gia đình sinh hoạt và chữa bệnh cho mẹ, cho chồng. Đúng là “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, dù cả chục triệu đồng cũng hết, cũng không dành dụm tích lũy được bao nhiêu. Phải ở hoàn cảnh có người mắc bệnh mới hiểu bao nhiêu tiền cũng không đủ…” - chị Lan tâm sự. Chị cố gắng làm việc chăm chỉ, không dám ngơi nghỉ ngày nào để không bị giảm lương. Những ngày ốm, chị cũng cố gắng rèn luyện để nhanh khỏe lại, được đến công ty làm việc. Trong đầu chị lúc nào cũng lo lắng, tính toán chuyện tiền nong cho gia đình. Tiền lương hằng tháng đã được mặc định thành những khoản chi không thay đổi được. Chị chưa một phút nào nghĩ đến sắm sửa cho bản thân mình. |
“Quả thực, đến quần áo mới mấy năm rồi mình cũng không sắm sửa. Nhiều lúc không dám ốm, dù đau mỏi vẫn phải cố gắng tập luyện cho nhanh khỏi. Đi làm về là ngủ, ngủ dậy đi làm. Cả nhà trông mong vào đồng lương của mình. Mình còn khỏe, còn đi làm thì các con được ăn học bằng bạn bè” - chị Lan nói. Còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Nghĩ đến cái Tết, chị càng lo lắng hơn. Chị Lan cũng như nhiều đồng nghiệp khác mong chờ công ty công bố thưởng Tết. Nếu được thêm tháng lương thứ 13, chị sẽ dành ra một phần để chi tiêu cho gia đình trong dịp Tết. Cả gia đình chị vẫn sống trong căn nhà cấp 4. Trong nhà đơn sơ, dù không có đồ đạc gì đáng giá thì chị vẫn có thể mua cho cả nhà những bộ quần áo mới, nấu cho con những món ăn ngon ngày Tết để bù đắp sự thiếu thốn tình cảm trong suốt thời gian chị phải đi làm xa. |
|
|