|
“Ở Hà Nội - nơi đất khách, các con phải cố gắng ăn uống đầy đủ, chăm lo cho các cháu được tốt. Cố gắng chăm nhau, giữ gìn sức khỏe.Tết ở quê, bố đã đủ bánh chưng, gà cúng và cành đào nhỏ khấn tổ tiên, hương khói cho mẹ. Tết này con không về, bố ở nhà chờ các con và cháu ngoài Tết cùng sum vầy con nhé”. Chiều 30 Tết, hầu hết lao động xa quê cũng đã về bên gia đình, tất bật chuẩn bị cho cái Tết đoàn viên. Nhưng đâu đó, ở xóm trọ công nhân vẫn còn những người ở lại ngậm ngùi đón Tết bởi điều kiện khó khăn mà không thể về. Căn phòng vợ chồng Thiết thuê trọ. Hẹn gặp vợ chồng em Trần Ngọc Thiết vào ngày cuối cùng của năm Canh Tý. Gặp tôi khi cả hai vừa đi chợ mua sắm, chuẩn bị cho Tết đầu tiên xa quê. Trong căn phòng rộng chừng hơn 10m2, cả gia đình 4 người gồm vợ chồng Thiết và hai con nhỏ sinh sống. Thiết cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên gia đình ăn Tết ở Hà Nội. Một phần do dịch và cũng vì tài chính khó khăn nên vợ chồng em quyết định cùng hai con đón Tết xa quê”. Cùng bố mẹ đón Tết xa quê đầu tiên. Giải thích lý do không về quê, Thiết cười buồn: “Hai vợ chồng cùng quê Đức Thọ - Hà Tĩnh, ở quê quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, làm vất vả nhưng vẫn khó khăn. Cả hai quyết định lập nghiệp nơi xa, vợ chồng cùng làm công nhân với tổng thu nhập chỉ nhỉnh hơn 10 triệu mỗi tháng. Riêng tiền thuê nhà, tiền học cho con, tiền sữa, sinh hoạt gia đình… cũng gần hết số lương ấy”. Thiết nấu cơm chuẩn bị cúng tất niên. Mâm cơm cúng tất niên của gia đình. Đang phụ vợ trông con, Long cũng giải thích thêm: “Năm nay, thu nhập không ổn định, nếu cả nhà cùng về quê thì riêng tiền vé đã tiền triệu, chưa tính quà cáp… Chi phí nhiều, vượt ngoài khả năng kinh tế của vợ chồng em”. Long còn chia sẻ thêm: “Bù đắp thiệt thòi cho hai con khi phải ăn Tết xa quê, vợ chồng em sẽ cho các con đi mua sắm quần áo, giày dép để chưng diện ngày Tết. Tết ở Hà Nội, họ hàng, người thân không có. Mấy ngày rảnh rỗi, em cùng vợ con ra công viên, siêu thị chơi thay vì đi chúc Tết”. Cho các con đi mua sắm quần áo, giày dép để chưng diện ngày Tết. Cũng vì đón Tết xa quê mà vợ chồng Thiết không mua sắm nhiều, chỉ mua những thứ cần thiết để thắp hương tất niên, giao thừa và nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày. Thiết tâm sự: “Chỉ có vợ chồng và hai con nên mua sắm Tết nhà em đơn giản lắm. Lọ hoa, gói bánh, vài gói kẹo là xong. Có ai đến chơi nhà đâu, mua sắm nhiều cho tốn kém”. Chiều cuối năm, khắp phố phường không khí xuân ngập tràn, nhà nhà tấp nập mua sắm đón Tết. Nhưng căn phòng vợ chồng Thiết thuê trọ dường như mùa xuân vẫn chưa về. Có lẽ, vợ chồng Thiết nghĩ Tết xa quê chỉ cần đơn giản, không cầu kỳ, sắm đủ đồ và lễ cho ban thờ cúng tổ tiên là đủ. Lần đầu đón năm mới nơi xa, vợ chồng Thiết mới thấy được nỗi nhớ quê. Với Thiết, Tết vẫn luôn là một trong những ký ức đẹp nhất trong tuổi thơ khi gắn liền với những ngày cùng em gái đi chợ chuẩn bị Tết, mua đào, mua hoa. Nhớ những ngày dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Tết… Thiết bùi ngùi: “Mẹ mới qua cái giỗ đầu. Bố do di chứng tai biến nên đi lại, vận động khó khăn. Em gái cũng làm xa quê, tận trong Sài Gòn thỉnh thoảng mới có dịp về thăm bố. Tết là dịp hai chị em gặp nhau, hàn huyên tâm sự. Vậy mà, năm nay bố con, ông cháu không được gặp nhau, không có Tết đoàn viên”. Năm nay, hai con của vợ chồng Thiết không cùng ông đón Tết ở quê. Nhắc tới gia đình, cuộc sống của bố ở quê, Thiết xúc động nhớ lời dặn từ bố: “Ở Hà Nội nơi đất khách các con phải cố gắng ăn uống đầy đủ, chăm lo cho các con được tốt. Cố gắng chăm nhau, giữ gìn sức khỏe. Tết ở quê, bố đã đủ bánh chưng, gà cúng và cành đào nhỏ khấn tổ tiên, hương khói cho mẹ. Tết này con không về, bố ở nhà chờ các con và cháu, ngoài Tết cùng sum vầy con nhé”. Lời nhắn nhủ da diết, nhớ thương mà bình dị. Ở quê nhà, người thân luôn mong ngóng con cháu trở về đón trọn Tết đoàn viên. Hạnh phúc chỉ đơn giản là vậy, nhưng không phải ai cũng có trọn niềm hạnh phúc ấy, nhất là với những công nhân lập nghiệp xa quê như vợ chồng Thiết và Long. |
Bài và ảnh: Hoàng Linh
|