|
Thời gian qua, thông tin Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động và doanh nghiệp. |
Còn nhiều băn khoăn |
Trong phiên họp thứ 2 vào sáng 12/4, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cụ thể, vùng I tăng 260.000 đồng; vùng II tăng 240.000 đồng; vùng III tăng 210.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng. Trước đó, mức tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng. |
Việc tăng lương là mong đợi của nhiều người lao động trong suốt 2 năm qua. Ảnh: XH |
Thông tin này nhanh chóng trở thành đề tài được nhiều người lao động quan tâm chia sẻ. Chị Phạm Thị Xuân Hương (Công nhân Công ty Giày Rieker, Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, Quảng Nam) cho biết việc tăng lương là mong đợi của nhiều người lao động trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, việc chốt mức tăng 6% sau 2 năm là còn khá khiêm tốn. |
“Theo thông tin thì dự kiến từ tháng 7/2022, chúng tôi sẽ được tăng lương nhưng mức tăng không cao, không như kỳ vọng. Bởi thực tế, hiện nay giá cả tất cả các mặt hàng đều tăng cao. Chi phí cho ăn uống, sinh hoạt, học hành của con cái mà tăng chỉ hơn 200 ngàn đồng là còn rất thấp”, chị Hương nói. Theo anh Nguyễn Thanh Long (Nhân viên Công ty Điện tử Quốc Quang) trên thực tế thì lương tối thiểu vùng nếu tăng thêm một tháng 240 ngàn đồng không phải là nhiều, nhưng là nguồn động viên để anh cố gắng hơn trong giai đoạn khó khăn hiện nay. "Hai năm không tăng lương vì dịch bệnh thì tôi nghĩ là doanh nghiệp cũng rất khó khăn, mình cần chia sẻ. Nếu mỗi tháng có thêm 240 ngàn đồng vẫn hơn là không có thêm đồng nào. Vì vậy, tôi cảm thấy đây là niềm vui nhỏ của bản thân", anh Long nói. |
Khó cho doanh nghiệp nhưng vẫn có cách |
Với chính sách tiền lương mới, nhiều doanh nghiệp cũng đối mặt với những khó khăn khi chi phí sản xuất tăng cao. Cùng lúc quản lý hai doanh nghiệp với gần 500 người lao động, ông Hà Ngọc Thống – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Bao Bì Tân Long, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu nhận thấy được những áp lực từ chính sách tăng lương mới. |
“Trong bối cảnh vừa trở lại khôi phục sản xuất, đứng trên góc độ doanh nghiệp, tôi thừa nhận việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ tạo nên áp lực rất lớn. Bởi tiền lương liên quan đến nhiều chính sách khác như BHXH, BHYT,… nên chi phí vận hành sản xuất sẽ tăng cao”, ông Thống cho biết. Song, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho rằng trên thực tế thì người lao động đang có cuộc sống khó khăn khi vật giá leo thang. Vì vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng lúc này là phù hợp và không thể trì hoãn. “Việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Hai năm nay vì dịch bệnh, lương đã không tăng nên thời điểm này tôi cho là hợp lý. Doanh nghiệp chúng tôi quan niệm rằng bản thân phải tự nỗ lực vươn lên trong thời điểm khó khăn, tăng lương là trách nhiệm xã hội mà chúng tôi phải thực hiện. Điều tôi phân vân là liệu tăng bao nhiêu để dung hòa cho cả người lao động và doanh nghiệp. Như hiện nay, ở mức độ tăng 6% thì chúng tôi vẫn chấp nhận được”, ông Thống cho biết. |
Người lao động vui mừng khi được tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022. Ảnh: XH |
Với doanh nghiệp có gần 3.000 lao động, ông Huỳnh Văn Chính – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dệt may 29/3 cho rằng gánh nặng của doanh nghiệp cần được san sẻ. “Đây thật sự là gánh nặng cho doanh nghiệp bởi hiện nay hàng loạt các chi phí như chi phí vận chuyển cho cảng vụ, vận chuyển tàu,… đều tăng trong khi số lượng hàng xuất khẩu không có gì thay đổi, thậm chí là đang ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn. Doanh nghiệp như đứng giữa ngã ba đường nếu không tăng lương thì khó cho người lao động, nhưng tăng trong bối cảnh hiện nay khiến doanh nghiệp khá áp lực”, ông Chính cho biết. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dệt may 29/3 cũng cho rằng việc tăng lương tối thiểu phải giúp kích thích để người lao động làm việc chứ không bao dung cho hành vi lợi dụng chính sách. “Doanh nghiệp hiện nay rất cần người lao động, nhưng nhiều người xin nghỉ phép chỉ cần hưởng mức lương tối thiểu là khỏe hơn đi làm. Đó là những trường hợp tiêu cực nhưng không phải đa số”, ông Thống cho biết. Bên cạnh đó, ông Thống còn đề xuất Chính phủ nên có những chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm lãi vay, thuế đất,… để có thể giảm bớt chi phí ở những chính sách đó, bù đắp cho khoản lương người lao động. “Nếu không có sự hỗ trợ, trong khi tất cả các chi phí đều tăng thì thực sự là vô cùng khó khăn đối với doanh nghiệp”, ông Chính cho biết. |
"Tăng lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng doanh nghiệp trong ngắn hạn nhưng điều chỉnh được"
Chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề tăng lương tối thiểu, TS. Nguyễn Việt Cường - Thành viên độc lập Hội đồng Tiền ... |
Người lao động ứng phó với “bão giá”, mong chờ đến ngày được tăng lương
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cùng với sự hoành hành của cơn "bão giá” đã khiến cho cuộc sống của nhiều người lao động tại ... |
Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng
Sáng 12/4, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức ... |