Người lao động ứng phó với “bão giá”, mong chờ đến ngày được tăng lương

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cùng với sự hoành hành của cơn "bão giá” đã khiến cho cuộc sống của nhiều người lao động tại Đà Nẵng rơi vào cảnh khó khăn, chật vật. Họ phải tìm mọi cách cắt giảm chi tiêu, "thắt lưng buộc bụng" để ứng phó với khó khăn.

“Bão giá” hoành hành

Từ biến động của giá xăng, đồng loạt các mặt hàng khác cũng tăng theo khiến người lao động chật vật giữa chốn thị thành. “Bão giá” quét qua từng bữa cơm khiến công nhân vốn dĩ khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Là nhân viên kiểm kho của một công ty dược phẩm đóng tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, chị Lê Thanh Thư (quê Quảng Bình, thuê trọ sống chung với em gái ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) gặp nhiều khó khăn khi chi phí sinh hoạt tăng cao.

Chỉ với những phép tính đơn giản, chị Thư cho biết, với mức lương gần 8 triệu đồng/tháng, giai đoạn nửa năm trước, hai chị em vẫn tiết kiệm được mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, với thời điểm như hiện nay, chi phí ăn uống và đi lại tăng cao khiến cuộc sống của chị khá chật vật.

“Vốn dĩ cả hai chị em chi tiêu rất tiết kiệm nhưng nay chúng tôi vẫn phải tìm cách tiết kiệm hơn nữa. Tôi thuê trọ ở xa nơi làm việc vì tạo điều kiện để em gái học đại học gần hơn. Xăng tăng cùng với việc di chuyển xa, ăn uống, chi phí cũng tăng khiến cuộc sống hai chị em gặp nhiều khó khăn”, chị Thư cho biết.

"Thắt lưng buộc bụng"

Người lao động ứng phó với “bão giá” mong chờ ngày lương tăng

Người lao động tiết kiệm khi lựa chọn mua thực phẩm. Ảnh: XH

Để ứng phó với “bão giá”, chị Thư phải tính toán lại toàn bộ chi phí của gia đình. Trong gần 1 tháng qua, chị Thư luôn mang cơm đến nơi làm việc để ăn trưa thay vì mua cơm bên ngoài. Bữa ăn cũng được cắt giảm cho phù hợp với túi tiền. Cả hai chị em cũng hạn chế tụ tập bạn bè. Em gái chị Thư cũng tìm việc làm thêm để phụ trang trải chi phí.

Người lao động ứng phó với “bão giá” mong chờ ngày lương tăng

Chị Lê Thanh Thư chuẩn bị bữa cơm trưa để mang đến công ty ăn, việc này giúp tiết kiệm chi phí trong thời "bão giá". Ảnh: XH

“Bữa cơm tối hai chị em ăn thì sẽ phần lại cho bữa ăn sáng. Hôm nào không còn cơm thì sáng dậy sớm nấu nướng mang đi ăn trưa. Nấu thế này sẽ vất vả hơn nhưng cả hai chị em đều thống nhất là sẽ cố gắng áp dụng cho đến khi giá cả ổn định lại”, chị Thư cho biết.

Theo ông Hà Văn Thảo, chủ khu nhà trọ nơi chị Thư đang thuê, từ ngày xăng tăng giá, công nhân toàn khu trọ ít chi tiêu hơn. Quán tạp hóa nhỏ của ông Thảo cũng trở thành “chủ nợ” bất đắc dĩ cho nhiều gia đình công nhân lao động.

“Có đứa mua mắm, mua muối, có khi là mua 5 đến 10kg gạo mà không có tiền trả, tôi đều bảo chúng cứ mang về dùng, bao giờ có tiền thì gửi. Vật giá leo thang, mỗi người hỗ trợ nhau một chút thì mới mong qua được thời điểm khó khăn này”, ông Thảo cho biết.

Mong chờ tăng lương

Những ngày qua, xóm trọ chị Thư lại râm rang khi thông tin kiến nghị của Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần sớm thống nhất, đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng. Đồng thời, Chính phủ có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân và công nhân lao động...

“Không biết đề xuất này có được lắng nghe hay không và bao giờ thì thành hiện thực, nhưng cũng có thể coi là tin vui, là động lực để chúng tôi làm việc tích cực hơn...”, chị Thư nói.

Thông tin này còn là sự kỳ vọng rất lớn của chị Thư về việc có thêm thu nhập để sống tại thành phố.

“Tôi mong khi được tăng lương sẽ phù hợp với mức sống hiện tại để công nhân thuê trọ có thể bám trụ thành phố để mưu sinh. Tôi chưa dám mơ dư dả nhưng hy vọng sẽ có thể tiết kiệm một ít để gửi về gia đình”, chị Thư kỳ vọng.

Người lao động ứng phó với “bão giá” mong chờ ngày lương tăng

Ông Hà Văn Thảo, chủ khu nhà trọ thường xuyên động viên mọi người cố gắng vượt qua khó khăn. Ảnh: XH

Niềm vui và tâm tư của người lao động cũng là nỗi lòng của những cán bộ Công đoàn luôn đau đáu với việc làm sao người lao động có cuộc sống tốt hơn. Đồng chí Lê Thị Hải Châu, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Dệt may 29/3 trăn trở: “Trong năm qua, để người lao động có thu nhập ổn định cũng như phúc lợi, môi trường làm việc tốt, Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc tăng năng suất và lương cho người lao động. Khi người lao động ổn định cuộc sống thì họ sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.

Về việc tăng lương tối thiểu vùng, theo đồng chí Lê Thị Hải Châu, nếu được thực hiện vào thời điểm này, người lao động sẽ rất có lợi, không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài. Bởi khi được tăng lương tối thiểu, người lao động sẽ được tăng lương để tham gia Bảo hiểm xã hội. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng còn giúp người lao động có mức lương cao hơn trong các ngày nghỉ lễ, Tết và cả lương hưu sau này.

Người lao động ứng phó với “bão giá” mong chờ ngày lương tăng

Người lao động mong sớm được tăng lương để cuộc sống được cải thiện hơn. Ảnh: XH

XUÂN HẬU