|
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đại diện cho Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa có Văn bản dự thảo báo cáo Thủ tướng về việc bác bỏ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Dự thảo đã chỉ ra nguyên nhân cốt lõi của vấn đề chưa xét tăng lương tối thiểu vùng nằm ở ảnh hưởng xấu của đại dịch Covid-19. Gần 1 năm trở lại đây, dịch bệnh đã khiến cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Không ít các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, giải thể, thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn rơi vào tình trạng phá sản. |
Hội đồng Tiền lương Quốc gia bỏ phiếu về việc nên hay chưa xét tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Hanoimoi.com.vn. |
Dịch bệnh khiến nhiều nhân công phải nghỉ việc và tìm kiếm một công việc chân tay khác. Ảnh: Vnexpress.net |
Thực trạng đã chứng minh rằng, nếu điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng đối với người lao động sẽ khiến các doanh nghiệp không còn đủ nguồn tài chính để chi trả, buộc phải cắt giảm nhân lực. Hơn nữa, đến nay vẫn chưa thể dự đoán được mức độ nghiêm trọng do tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế nước nhà. Như vậy, cả hai bên (doanh nghiệp và người lao động) sẽ đều gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ LĐTBXH đã gửi Văn bản số 531/ LĐTBXH-QHLĐTL tới các bộ và các ban, ngành chức năng có liên quan về việc chưa nên xét tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 cho người lao động. Dựa trên khuyến nghị của Chính phủ về việc không điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2021, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đưa ra những con số đủ thuyết phục để lý giải rằng, nếu vẫn giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng như năm 2020 thì mức sống của người lao động vẫn được đảm bảo một cách tối thiểu. Cùng với đó, Tổng cục Thống kê về lao động và việc làm năm 2020 cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa thể phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. Trong năm 2020, cả nước có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Trung bình mỗi tháng có gần 8.500 đơn vị, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. |
Khoảng 2.800 công nhân của Công ty PouYuen bị chấm dứt hợp đồng lao động trong thời điểm không có đơn hàng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Vnexpress.net |
Tỷ lệ người lao động cũng vì ảnh hưởng xấu của đại dịch mà giảm 1,2 triệu người so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao hơn 0,31% so với năm 2019. Những thông số cụ thể này đã cho thấy thu nhập của người lao động vẫn giảm so với thời điểm khi mà Covid-19 chưa vào nước ta. Từ thực tế nêu trên, cộng với việc Việt Nam và cả thế giới vẫn chưa thể nào dự đoán được chính xác thời điểm kết thúc của đại dịch, Bộ LĐTBXH đề nghị tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu như năm 2020, bởi mức độ ảnh hưởng kinh tế của các doanh nghiệp từ nay đến cuối năm 2021 vẫn là một con số được gói gọn trong cụm từ “không lường trước được”. Vì vậy, việc bác bỏ đề xuất tăng lương sẽ là một trong những cơ hội giúp doanh nghiệp có thể phục hồi, người lao động cũng vì thế mà duy trì được việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ giảm. Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn |
Bộ LĐTBXH thống nhất với khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, bác hai đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Một là đề xuất tăng lương tối thiểu vùng đối với người lao động, và hai là điều chỉnh thời điểm tăng lương, từ ngày 01/01 hàng năm sang ngày 01/7. |
Bài viết: Huế Trần (T.H)
|