Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng địa phương đã đón bà con về quê thì phải có kế hoạch chăm lo cho họ cả về sức khỏe, tinh thần lẫn việc làm. Có như vậy thì trách nhiệm, tình cảm đối với bà con mới trọn vẹn. |
Quảng Nam là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng phương án đón bà con đang sinh sống, làm việc và học tập ở TP. HCM trở về quê. Địa phương chủ động các phương án, kết nối với TP. HCM và các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện. Việc đón người dân Quảng Nam ở TP. HCM về quê không chỉ kịp thời giúp đỡ những công nhân, người lao động đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 mà cũng là giải pháp “chia lửa” với TP. HCM trong việc phòng, chống dịch. Chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đón hơn 2.000 người xa quê gặp khó khăn ở TP. HCM về quê miễn phí và đang tiếp tục thực hiện việc này. Nhưng nỗi lo canh cánh của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là sau khi đưa bà con hồi hương, kết thúc thời gian cách ly, làm sao để tạo sinh kế, giải quyết việc làm để họ ổn định cuộc sống nơi quê nhà. Niềm vui của người dân Quảng Nam ở TP.HCM khi được địa phương đón về quê bằng ô tô. |
CHƯA DỰ TÍNH TƯƠNG LAI |
Vợ chồng anh Cao Vũ Thanh Giang, quê xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam vào TP. HCM từ 5 năm nay. Đứa con thứ hai của vợ chồng anh Giang bị bệnh bẩm sinh, phải điều trị lâu dài. Gia đình anh có 4 người, ở trong một căn phòng trọ nhỏ gần bệnh viện để tiện điều trị bệnh cho con. Anh Giang đi làm phụ hồ nay đây mai đó. Vợ anh ở nhà chăm sóc hai đứa con nhỏ. Đứa con thứ hai bị bệnh nên vợ anh cũng dành hết thời gian để chăm con. Cả nhà 4 miệng ăn bám trụ ở đất Sài Gòn hơn 5 năm chỉ nhờ vào đồng lương ít ỏi của anh Giang. |
Quảng Nam là một trong các địa phương đầu tiên xây dựng phương án đón bà con đang sinh sống, làm việc và học tập ở TP. HCM trở về quê. Những người được đón về quê sẽ tổ chức đưa vào cách ly tập trung 14 ngày. Tất cả chi phí được tỉnh Quảng Nam hỗ trợ. |
Khi TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19, anh Giang mất việc làm. Hơn 2 tháng thất nghiệp, gia đình anh chỉ quanh quẩn nơi phòng trọ. Họ sống nhờ lương thực tiếp tế từ quê nhà và sự giúp đỡ của những tổ chức từ thiện. Số tiền ít ỏi hai vợ chồng dành dụm được cũng đem ra mua sữa, thức ăn cho con và trả tiền phòng trọ. Khi tiền trong túi đã cạn, vợ chồng anh đăng ký về quê. "Khi gọi điện đăng ký, tôi cũng không dám hy vọng bởi số lượng người đăng ký rất đông, đến khi nhận được thông báo, tôi rất mừng và gần như đêm đó vợ chồng không ngủ được. Hôm nay cả gia đình được về quê, lại được mạnh thường quân hỗ trợ thêm tiền, quà nên tôi thực sự rất mừng", anh Giang tâm sự. |
Những đứa trẻ theo gia đình về quê hương Quảng Nam. |
Hiện đã gần hết thời gian cách ly nhưng anh Giang vẫn chưa có dự tính cho tương lai. "Nếu đợi TP. HCM hết dịch bệnh để vào làm việc thì cũng chưa biết đến bao giờ. Tôi chỉ biết có nghề xây dựng và nghề điện, nếu ở quê có nơi nào nhận tôi vào làm, lương ổn định chắc tôi và gia đình sẽ ở lại Quảng Nam", anh Giang chia sẻ. |
"tạo điều kiện chobà con có việc làm" |
Đó là khẳng định của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về việc tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người dân về từ TP. HCM. "Quảng Nam đã đón bà con về thì phải có kế hoạch chăm lo cho bà con cả về sức khỏe, tinh thần lẫn việc làm. Có như vậy thì trách nhiệm, tình cảm của chúng ta đối với bà con mới trọn vẹn", ông Thanh cho biết. Hiện ông Thanh đã giao trách nhiệm cho Sở LĐ - TB & XH phối hợp chính quyền địa phương thực hiện công việc này. Các cơ quan sẽ làm việc với các doanh nghiệp, khu công nghiệp... tạo điều kiện cho người dân về từ TP.HCM tiếp cận công việc một cách phù hợp nhất, vừa giải quyết công ăn việc làm trước mắt, vừa đảm bảo tính lâu dài. Sau khi hết thời gian cách ly, địa phương, các sở, ngành liên quan sẽ tiến hành phân loại những người trong độ tuổi lao động theo trình độ, nghề nghiệp, nếu họ phù hợp với nghề gì thì giúp họ tiếp cận công việc đó. Những công nhân có tay nghề có thể được giới thiệu trực tiếp vào các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ của tỉnh Quảng Nam. Nếu người lao động nào chưa có tay nghề sẽ giới thiệu họ vào các cơ sở dạy nghề tại địa phương. Ông Thanh cũng cho biết, tỉnh Quảng Nam hiện nay đang có nhiều chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm OCOP (mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm). Các sản phẩm này không yêu cầu lao động có tay nghề cao như các doanh nghiệp lớn, người dân có thể vào để tham gia làm từng công đoạn ở các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện tại ưu tiên số một là đưa bà con vào khu cách ly tập trung để thực hiện tốt công tác cách ly, xét nghiệm, ổn định đời sống. Sau đó tỉnh sẽ lắng nghe nguyện vọng của người dân. "Tôi cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp chế biến nông sản,... để tạo điều kiện cho bà con có việc làm. Nếu bà con không muốn quay trở lại TP. HCM thì cũng có công việc làm ổn định tại quê nhà. Đây là trách nhiệm và tình cảm mà chúng ta phải thực hiện được khi đón bà con trở về", ông Thanh khẳng định. |
THACO Chu Lai ưu tiên tuyển người QUẢNG NAM hồi hương |
Theo đại diện Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam), để hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn, khu công nghiệp này sẽ ưu tiên tuyển dụng người dân Quảng Nam hồi hương từ các tỉnh phía Nam. Tùy theo trình độ, năng lực, tay nghề, kinh nghiệm…, công ty sẽ tuyển dụng, bố trí việc làm phù hợp sau khi đã đáp ứng các quy định y tế về phòng dịch. Đây cũng là một trong những giải pháp thiết thực để Khu công nghiệp Thaco Chu Lai tiếp tục chia sẻ, đồng hành cùng chính quyền tỉnh Quảng Nam giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội trong dịch bệnh Covid-19. |
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thăm người dân khó khăn được đón về từ TP. HCM và đang cách ly tập trung tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam. |
Hiện tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai đang tuyển dụng người trong độ tuổi lao động, có ngành nghề phù hợp để làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp tại Tây Nguyên, Lào và Campuchia. Cụ thể, sẽ tuyển dụng những nhân sự có trình độ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng trở lên ở các chuyên ngành: Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Chăn nuôi, Thú y, Cơ khí,... Đồng thời các công nhân vận hành máy móc, công nhân cơ khí, điện, nước, lái xe công trình... cũng có cơ hội ứng tuyển. Nếu là lao động phổ thông, bộ đội xuất ngũ sẽ được công ty đào tạo nghề miễn phí tại Trường Cao đẳng Thaco (Núi Thành). Khu công nghiệp Thaco Chu Lai cũng cam kết người lao động sẽ có nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn, thu nhập ổn định (từ 6 đến 20 triệu đồng/tháng) tùy vào sức khỏe, kinh nghiệm và hiệu quả làm việc. |
tiếp tục đónđồng hương về quê |
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP. HCM, Hội Đồng hương Quảng Nam tại TP. HCM tiếp tục đón bà con Quảng Nam ở TP. HCM về quê miễn phí bằng ô tô, máy bay. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đang triển khai kế hoạch đón người có điều kiện và thật sự có nhu cầu về Quảng Nam bằng phương tiện máy bay và cách ly tại các khách sạn có thu phí. Cũng theo ông Thanh, trong Công điện 1063, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 không được để người dân tự ý rời khỏi địa bàn nhưng nêu rõ trừ những người được chính quyền cho phép. UBND TP. HCM cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phối hợp với UBND TP. HCM để đưa người địa phương về theo kế hoạch, đảm bảo an toàn. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đưa người dân hồi hương và phối hợp với UBND TP. HCM như đã làm trước đây. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói về kế hoạch giải quyết việc làm cho người dân về từ TP.HCM: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các ngành chức năng nghiên cứu thêm phương án đón người dân về quê bằng tàu hỏa. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nếu tổ chức đón bà con về bằng ô tô thuận tiện, đáp ứng 2 mục tiêu là đón bà con về quê, vận chuyển lương thực, thực phẩm ủng hộ người dân TP. HCM thì ưu tiên thực hiện phương án này. |
Khoảng 6.000 - 7.000 người Quảng Nam đăng ký về quê Ông Mai Phúc, Chủ tịch Hội Đồng hương Quảng Nam tại TP. HCM cho biết hội đang phối hợp với các ngành chức năng của TP. HCM và tỉnh Quảng Nam để đưa bà con về quê như kế hoạch. Đến hiện tại có khoảng 6.000 - 7.000 người dân có nguyện vọng về quê đăng ký qua Hội Đồng hương. Con số này dự kiến tiếp tục tăng trong những ngày tới. Để đón bà con về, Hội Đồng hương Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn do TP. HCM là địa bàn rộng, bà con sống ở nhiều nơi. Hội phải phải tìm, xác minh đúng đối tượng. Ngoài ra, nhiều trường hợp khi đã có trong danh sách, chuẩn bị đưa về thì phát hiện dương tính với Covid-19, không thể về. |
Nam Trân |
Não bò sát, não thú và não người
Bản tin phân tích nỗi sợ của con người trong mùa dịch của VTV đang nhận những công kích từ phía dư luận. Cụ thể, ... |
Hành trình đầu đời của cậu bé 10 ngày tuổi trở về quê tránh dịch
22h30 tối 31/7, chuyến xe đưa anh Xồng Bá Xò cùng vợ và con trai gần 10 ngày tuổi đã đến Nghệ An, hoàn thành ... |
Hơn 4 tấn gạo, miến, rau, củ... nhưng quý nhất là “tình người” giữa mùa dịch
Trong những ngày cuối tháng 7, nắng nóng gay gắt kéo dài nhưng cũng không ngăn được những chàng trai, cô gái trong CLB Thiện ... |