Không may chồng qua đời đột ngột, đêm nào chị Nguyễn Thị Nhan, công nhân Công ty TNHH Pearl Global Việt Nam (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cũng khóc vì thương phận mình, thương con, thương mẹ già. |
“Chồng em không may bị đột quỵ, qua đời cách đây đã 20 ngày. Khi chuẩn bị xong bữa ăn, em quay vào gọi thì không thấy chồng tỉnh lại nữa. Em hốt hoảng lay, gọi mãi, đến khi chồng thật sự không phản ứng. Em mới giật mình và khóc khi biết rằng chồng đã mãi mãi từ biệt mình" – chị Nguyễn Thị Nhan bật khóc nói. Kết hôn đã hơn 10 năm, anh chị có với nhau hai mặt con. Con trai lớn 9 tuổi. Con gái nhỏ 6 tuổi. Cuộc sống không lấy gì làm sung túc, nhưng cũng đủ trang trải nợ nần và nuôi con. Chị là công nhân Công ty TNHH Pearl Global Việt Nam đã 10 năm. Lương tính theo sản lượng, nên tháng nào làm tốt, chị có thể đạt tới 8 triệu đồng. Còn lại, trung bình mỗi tháng chị lĩnh 6 - 7 triệu đồng. Chồng chị làm việc trong một công ty điện tử ở khu công nghiệp. Bình quân mỗi tháng anh cũng được trả 8 triệu đồng. |
khốn khó đeo bám... |
Hai anh chị đến với nhau đều từ “hai bàn tay trắng". Bố mẹ thân sinh của chị Nhan không lấy gì làm khá giả. "Bố mẹ là người thành phố nhưng có đống rơm to”– chị Nhan kể lại cách người ta nói về những người dân nghèo ở thành phố, rồi chị nói tiếp: "Năm nay, hai ông bà đều đã gần 70 tuổi, không có lương hưu". Còn nhà chồng cũng chung cảnh khó khăn. Khi chị về làm dâu, căn nhà đã dột nát, xiêu vẹo nhưng có tới 6 người sinh sống. Chị và chồng bàn tính rất lâu mới quyết tâm dồn góp tiền, vay mượn thêm để sửa nhà. Khi khánh thành nhà, anh chị vừa mừng, vừa canh cánh nỗi lo nợ nần lên đến hàng trăm triệu đồng. “Hai vợ chồng dự tính chăm chỉ làm lụng, tích cóp từ lương để trả nợ. Cũng nhờ nuôi con được khỏe mạnh nên 10 năm vừa rồi số nợ vơi dần, đến nay còn hơn 300 triệu đồng. Nếu trời cho khỏe mạnh, chỉ 3 – 4 năm nữa là trả hết. Mỗi đồng nợ trả được, hai vợ chồng rất vui. Chúng em vẫn tính như vậy. Không ngờ…” – nói đến đây, chị Nhan bật khóc. Từ ngày chồng chị mất, mẹ chồng chị già thêm vì buồn khổ, khóc thương con trai. Bà còn thương xót con dâu cùng các cháu. |
Mỗi khi nhìn thấy nụ cười hồn nhiên của con, chị lại rơi nước mắt |
Bà Văn Thị Dần – mẹ chồng chị Nhan buồn bã nói: "Cả đời tôi là những ngày lam lũ, vất vả. Lấy chồng trong cảnh nghèo khổ, hai vợ chồng cùng phải vượt khó để nuôi 3 đứa con. Làm ruộng, làm thuê, cố gắng dựng một mái nhà đơn sơ để che mưa nắng. Không may, ông ấy qua đời khi mới 49 tuổi, bỏ lại 3 mẹ con tôi. Những ngày dài ấy, mẹ con rau cháo nuôi nhau. Tôi dù không được học nhiều nên cố nuôi các con được ăn học, có việc làm. Thằng cả (chồng chị Nhan - PV) cũng đi làm trong công ty ở khu công nghiệp. Con gái và con trai út cũng đều được dựng vợ gả chồng, có việc làm ổn định. Tôi mừng cho các con. Dù còn khó khăn nhưng mẹ con đã đều cố gắng vượt qua. Nhưng giờ con đột ngột mất đi. Tôi có 3 con mà mất 1. Tôi xác định tuổi già nương nhờ con cả nhưng giờ đây phải chịu cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Tôi không tài nào nhắm mắt ngủ yên được. Tuổi già, tôi lại phải chứng kiến cảnh con dâu rơi vào hoàn cảnh mình khi xưa”. Thấy mẹ chồng ngày ngày đỏ hoe đôi mắt, thường xuyên không muốn ăn, chị Nhan lại bật khóc. Từ ngày chồng mất, chưa đêm nào chị ngủ trọn giấc vì lo lắng. Chị thầm khóc vì thương chồng, thương con, thương cho cả thân mình rồi trằn trọc suy nghĩ về những ngày sắp tới. |
Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang trao hỗ trợ của Đại sứ quán New Zealand, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho chị Nguyễn Thị Nhan (áo hồng) |
NGHĨ ĐẾN TƯƠNG LAI MÀ BUỒN LÒNg |
“Nhà em còn mang nợ hơn 300 triệu đồng. Chồng mất rồi. Bản thân em bị bệnh. Mẹ chồng đau ốm quanh năm. Những tưởng giai đoạn vất vả sắp qua. Nợ làm nhà vài năm nữa là trả hết. Không ngờ, mọi việc trái với dự tính thế này. Với đồng lương của em, làm sao có thể đủ để lo cho hai con ăn học. Dịp nghỉ hè, tụi nhỏ chỉ cần mua sữa và ăn uống hằng ngày. Nhưng vào đầu năm học, phải đóng góp nhiều khoản tiền. Không biết chặng đường sắp tới sẽ phải tính sao nữa” – chị Nhan cho biết. Nhiều đêm chập chờn trong cơn mơ, chị thấy chồng còn sống. Anh đi làm về, lại xắn tay giúp mẹ con chị việc nhà. Sửa chữa điện, nước hay trò chuyện với các con, đỡ đần vợ những công việc nặng. Cuộc sống dù không dư dả nhưng rất đỗi bình yên. Anh là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho mẹ con chị. Chị mơ về quá khứ, hai anh chị cùng tính toán: Tiền lương của chị dành để lo sinh hoạt và nuôi con ăn học. Tiền lương của anh thì tích cóp, trả nợ. Chị không ước mơ gì hơn. |
Công ty TNHH Pearl Global tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho người lao động. Ảnh: CĐ |
Nhưng cuộc sống không cho chị được bình yên mãi. Một phụ nữ ở tuổi 38 như chị còn quá trẻ đã phải làm góa phụ, gánh vác nuôi con cùng mẹ già. Những ai ở vào hoàn cảnh ấy mới thấu hiểu cuộc đời của một người phụ nữ mất đi chỗ dựa cuộc đời mới khó khăn, chênh vênh đến thế nào. Hết hạn nghỉ phép để tang chồng, chị vội vã lao vào công việc. Một ngày không làm việc là không có lương. Nếu như chậm một tháng không trả được nợ, nghĩa là số nợ càng nhiều lên. Dù buồn và đầy lo lắng, chị không dám nghỉ ốm 1 ngày. “Nhà chồng có 3 anh em. Em gái lấy chồng vừa mới làm nhà. Chú ở Hà Nội cũng phải vay mượn trả góp để mua chung cư. Các em có muốn đỡ đần chị và các cháu cũng không có khả năng. Các con nhỏ tuổi quá, thơ ngây chưa biết gì. Họ hàng đều khó khăn, không trông đợi vào ai được. Chỉ còn em với sức lao động, mài dần ra mà trả nợ và lo cuộc sống cho 4 người. Dẫu biết vất vả gian nan vô cùng nhưng đành cố gắng, không biết làm sao” – chị Nhan tâm sự. |
công đoàn hỗ trợ tối đa cho người lao động |
Theo bà Phùng Thị Hằng – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pearl Global: “Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp may như Công ty Pearl Global. Công ty có gần 1.000 công nhân lao động. Trong tháng 5 có tới 60 - 70% phải nghỉ do cách ly, giãn cách xã hội. Người lao động sinh sống tại nhiều huyện, thành phố, nơi áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong tháng 5, chỉ có 30 - 40% người lao động đi làm đủ ngày công. Còn phần lớn người lao động đi làm chỉ 8 - 10 ngày. Với trường hợp lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn, công đoàn và công ty đều có giải pháp quan tâm hỗ trợ. Đối với trường hợp chị Nguyễn Thị Nhan, khi chồng chị mất đột ngột, công ty và công đoàn đã hỗ trợ nhu yếu phẩm. Đồng thời trích kinh phí công đoàn hỗ trợ, động viên chị và gia đình vượt qua dịch bệnh. Khi hoạt động sản xuất của công ty trở lại bình thường, công đoàn sẽ kêu gọi đoàn viên đóng góp, ủng hộ chị Nhan vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Công đoàn cũng luôn ưu tiên đề xuất những trường hợp khó khăn như chị Nhan đến công đoàn cấp trên để hỗ trợ cho người lao động. |
"Tôi xúc động trước sự chăm lo của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho người lao động khó khăn, nhất là lao động nữ. Tôi mong có dịp được trực tiếp thăm những lao động nữ như vậy khi dịch bệnh được kiểm soát" - bà Treden Dobson - Đại sứ New Zealand tại Việt Nam chia sẻ. |
|