e magazine
02/07/2021 18:13
10 năm ở vậy thờ chồng, nữ hiệu trưởng dành tâm huyết cho hàng trăm đứa con nhỏ

02/07/2021 18:13

Trong khoảng sân nhỏ của một trường mẫu giáo thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, âm thanh trong trẻo từ những chiếc miệng bé xinh của lũ trẻ mở ra một thế giới bình yên đến lạ. Đằng sau những tiếng bi bô tập nói, tiếng ê a học chữ, tiếng hò reo thích thú, tiếng cười vô tư là sự cố gắng và nỗ lực của tập thể thầy, cô giáo trường mẫu giáo Định An mà ở đó, chị Lê Thị Cảnh là người đi đầu.
abcaksnlmf';ầnmsf;,nvkajfk;návlmas;fnfawf

10 năm ở vậy thờ chồng, nữ hiệu trưởng dành tâm huyết cho hàng trăm đứa con nhỏ

Trong khoảng sân nhỏ của một trường mẫu giáo thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, âm thanh trong trẻo từ những chiếc miệng bé xinh của lũ trẻ mở ra một thế giới bình yên đến lạ.

Đằng sau những tiếng bi bô tập nói, tiếng ê a học chữ, tiếng hò reo thích thú, tiếng cười vô tư là sự cố gắng và nỗ lực của tập thể thầy, cô giáo Trường Mầm non Định An mà ở đó, chị Lê Thị Cảnh là người đi đầu.

NGƯỜI VỀ SAU CÙNG

7 giờ sáng có mặt tại trường, chị Cảnh hỏi chuyện nhân viên lao công và bảo vệ về tình hình vệ sinh, an ninh trước khi bắt đầu ngày làm việc mới. Tranh thủ giải quyết các giấy tờ, công văn trong buổi sáng, trước giờ trưa, chị vẫn kịp xuống bếp ăn kiểm tra công tác chuẩn bị cơm cho các con học sinh.

“Trường tổ chức bán trú nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng phải được ưu tiên”, chị Cảnh cho biết.

Tranh thủ ăn nhanh rồi chợp mắt, buổi chiều tiếp tục là những hoạt động vui chơi sôi nổi của cả thầy, cô và trò.

Tham gia cùng các con, chị không quên chụp rất nhiều ảnh, chị bảo: “Lũ trẻ lớn mỗi ngày, chẳng mấy chốc mà lên lớp một. Khóa nào chị cũng chụp lại làm kỉ niệm, lâu lâu mở điện thoại ra xem cho đỡ nhớ”.

Hết giờ, sau khi các con được bố mẹ đón, chị Cảnh nán lại trường để sắp xếp và chuẩn bị giấy tờ cho ngày hôm sau. Khép lại cửa phòng làm việc để trở về nhà cũng là lúc đồng hồ điểm 7 giờ tối…

“Lịch trình hằng ngày của chị Cảnh đấy, lúc nào cũng dành vị trí về muộn nhất. Mình ở ngay gần chị, nhiều hôm 8 giờ tối qua nhà mà cái Linh (con gái chị Cảnh – PV) bảo mẹ con vẫn chưa về”, chị Đặng Thị Minh, nhân viên y tế tại Trường Mầm non Định An cho biết.

Tôi hỏi chị, công việc tại trường mẫu giáo có nhiều không mà thấy chị về trễ quá!? Chị cười, bảo: “Là người đứng đầu, công việc do mình tự nghĩ ra để làm hết đấy em ạ. Nhiều khi cũng muốn có người giao việc lắm vì hoàn thành xong là được về mà.”

abcaksnlmf';ầnmsf;,nvkajfk;návlmas;fnfawf

Trò chuyện với PV, ông Vũ Xuân Trường, có cháu ngoại đang học lớp mầm cho biết: “Nhà tôi từ thời cậu con trai út (sinh năm 2001 - PV) đã học ở trường Định An này rồi. Ngày xưa nó học đúng lớp cô Cảnh dạy. Giờ đến con gái lớn lấy chồng, sinh con, nó lại cho thằng bé học ở đây vì có cô Cảnh làm hiệu trưởng. Trước nhiều người khuyên cho cháu học ở gần thị trấn vì trường to, rộng, cơ sở vật chất tốt hơn nhưng bây giờ Định An khác nhiều lắm. Tôi đưa đón cháu đi học, nó bảo thích ở trường hơn ở nhà vì mát, có bạn và nhiều đồ chơi”.

Hóa ra, những xấp giấy tờ xếp kín mặt bàn, những ngày làm việc 12 tiếng của chị Cảnh đổi lại sự hứng thú của lũ trẻ, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

YÊU THƯƠNG BẰNG HÀNH ĐỘNG

Những năm trước đây, nguồn kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, cơ sở vật chất của trường thiếu thốn nhiều, đồ dùng dạy học lạc hậu, cũ kĩ. Trường lại nằm xa trung tâm, tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số Tây Nguyên chiếm hơn 40%, khó khăn chồng chất khó khăn. Nhìn lũ trẻ phải học tập trong những căn phòng tường bong tróc, ẩm mốc; chơi những món đồ cũ có tuổi đời nhiều hơn cả chúng, chị Cảnh không đành lòng. Với trách nhiệm của một hiệu trưởng, một giáo viên và cũng là một người mẹ, chị nghĩ mình phải chủ động tìm cách khắc phục hoàn cảnh.

Qua một số nguồn thông tin, chị bắt đầu làm đề án gửi các tổ chức phi Chính phủ và thông qua Sở Nội vụ của tỉnh để xin hỗ trợ cho trường. Những lần đầu gửi hồ sơ đến các tổ chức, chị hi vọng nhưng đều không có phản hồi. Một lần, hai lần…, rồi đến mười lần, sự kiên trì của chị Cảnh cũng được đền đáp.

“Chị thấy mình cũng liều. Không biết tiếng Anh, cũng chẳng biết tiếng Hàn nhưng cứ ở đâu có tổ chức phù hợp với định hướng phát triển của trường, chị đều liên hệ. May có con gái lớn phụ mẹ làm thông dịch viên, soạn email trao đổi giữa các bên nên công việc cũng đỡ phần nào”, chị Cảnh cho biết.

Sau nhiều tháng ngày bền bỉ theo đuổi, Trường Mầm non Định An từng bước khoác lên mình diện mạo mới.

Năm 2016, một tổ chức phi Chính phủ có trụ sở chính tại Hàn Quốc đã hỗ trợ trang thiết bị dạy học, đồ chơi mới trị giá gần 400 triệu. Năm 2018, một tổ chức khác đến từ Hàn Quốc tài trợ chi phí xây mới một phần lớp học. Một tổ chức ở Singapore hỗ trợ làm lại sân trường, đảm bảo khu vui chơi của các con bằng phẳng, an toàn.

Sau khi cải tạo một số khu vực của trường, xét thấy quy hoạch chưa phù hợp, chị làm thủ tục xin cấp thêm đất. Một lần nữa, may mắn lại đến với chị và "gia đình" Định An. Gần 1.000 mét vuông được chính quyền phê duyệt để mở rộng lớp học, phục vụ nhu cầu của học sinh. Luôn mong muốn các con được học tập, vui chơi trong điều kiện tốt nhất, chị Cảnh tiếp tục liên hệ thêm nhiều đơn vị để xin hỗ trợ.

Đến nay, trường lớp khang trang, sạch đẹp; cảnh quan hài hòa, thân thiện, gần gũi với tự nhiên, tạo môi trường tự do, sáng tạo, thoải mái cho học sinh.

abcaksnlmf';ầnmsf;,nvkajfk;návlmas;fnfawf

Trường Mầm non Định An vinh dự được Sở Giáo dục tỉnh Lâm Đồng lựa chọn đăng cai tổ chức chuyên đề cấp khu vực, đón đoàn đại biểu các tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền Nam về thăm và tham dự. Trường cũng đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, chuẩn chất lượng giáo dục.

Không chỉ cải thiện cơ sở vật chất, chị Cảnh còn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, triển khai đồng bộ, khoa học công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Trong giai đoạn 2016 – 2020, trường luôn có từ 03 đến 06 giáo viên giỏi cấp huyện và 01 giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Để có được những kết quả trên, chị Cảnh phải thức trắng nhiều đêm, nỗ lực gấp nhiều lần bình thường vì… trường không có hiệu phó. Từ năm học 2018, chị Cảnh thiếu đi một cánh tay đắc lực, hiệu phó không được bổ nhiệm lại do chưa thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II theo quy định. Bên cạnh đó, trường cũng chưa có đủ điều kiện để xin bổ nhiệm người thay thế.

Thấu hiểu với điều kiện thực tế về tình hình nhân sự của ngành, chị Cảnh càng xác định rõ hơn vai trò và trách nhiệm của Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, không vì khuyết thiếu một vị trí trong bộ máy mà để trường lớp đi xuống. Kiêm nhiệm thêm công việc, những cố gắng gấp hai, gấp ba lần bình thường của chị Cảnh đã gặt hái những trái ngọt.

Nhiều năm liền, trường luôn được công nhận tập thể lao động xuất sắc, được UBND huyện tặng giấy khen, Giám đốc Sở Giáo dục tặng giấy khen, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua dẫn đầu bậc học mầm non, UBND tỉnh, Bộ Giáo dục – Đào tạo tặng Bằng khen.

abcaksnlmf';ầnmsf;,nvkajfk;návlmas;fnfawf

10 NĂM VỪA LÀM BỐ VỪA LÀM MẸ

Dành phần lớn thời gian cho công việc, tôi đoán chị Cảnh có một hậu phương vững chắc nhưng chị mới thực sự là chỗ dựa chính cho gia đình.

Năm chị 7 tuổi, mẹ mất, bố là bác sĩ quân y nên rất ít khi về nhà. Kể từ đó, chị Cảnh và hai người em chuyển về sống với ông bà. Những năm tháng thiếu vắng tình thương dịu dàng của mẹ và sự dạy dỗ, bảo ban của bố đã tôi luyện chị Cảnh thành một người độc lập, mạnh mẽ.

Năm 1995 chị theo dì, rời quê từ Thanh Hoá vào Lâm Đồng. Sau khi học xong ngành Sư phạm mầm non và có công việc ổn định, chị đưa hai em vào theo. Năm 2000, chị lập gia đình và lần lượt chào đón hai thiên thần vào năm 2001, 2004. Sau những khốn khó, thiếu thốn về cả vật chất và tình cảm thời thơ ấu, cứ ngỡ cuộc sống của chị Cảnh được bình yên khi có chồng, con yêu thương; đồng nghiệp và học sinh yêu mến… Năm 2011, biến cố xảy đến với gia đình chị khi người chồng đầu ấp tay gối qua đời đột ngột trong một vụ tai nạn, để lại chị cùng hai đứa con nhỏ và bố mẹ chồng già yếu.

Đã có lúc chị nghĩ bản thân không gượng dậy được nhưng giờ đây, nhìn lại quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc sống, chị chia sẻ: “Người ra đi đã đi mãi mãi, người còn lại vẫn phải sống. Cuộc sống không vì ai đớn đau mà dừng lại cả. Những gì đã qua, mình chấp nhận và cố gắng cho tương lai còn có thể thay đổi được.”

10 năm qua, chị Cảnh vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi con, chăm sóc bố mẹ chồng và dành phần lớn thời gian cho trường lớp. Có thời gian kinh tế khó quá, chị vừa đi dạy vừa làm vườn. Chị tranh thủ trồng thêm hoa cúc, bán thêm để nuôi hai con.

10 năm, kể thì ngắn gọn trong vài câu nhưng thực tế để một mình vừa chăm lo việc trường vừa quán xuyến việc nhà, không phải chuyện dễ dàng. Công việc cơ quan bận rộn, chị tranh thủ đi chợ vào ngày chủ nhật, chuẩn bị thức ăn cho cả tuần. Sáng sớm trước khi con đi học, chị chuẩn bị quần áo, đồ ăn sáng, dặn dò các con cẩn thận rồi mới đi làm. Mỗi tối, chị dành thời gian trò chuyện, làm bạn với các con để mẹ con cùng hiểu nhau và chia sẻ những câu chuyện trong ngày.

“Nhiều khi cũng mệt lắm. Áp lực công việc, cuộc sống bộn bề nhưng ở trường, mình là đầu tàu, ở nhà mình vừa là cha vừa là mẹ. Bản thân vẫn luôn cố gắng che giấu cảm xúc để mọi người an tâm dựa vào”, chị Cảnh chia sẻ.

Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai con của chị hiểu chuyện và có ý thức từ rất sớm. Những lúc mẹ đi làm, các con tự chăm sóc lẫn nhau từ sinh hoạt cá nhân đến công việc trong gia đình.

abcaksnlmf';ầnmsf;,nvkajfk;návlmas;fnfawf

Mẹ thường về muộn, Vân Khánh, con gái lớn của chị Cảnh hướng dẫn em chuẩn bị bữa tối. Xong xuôi, hai chị em tranh thủ học bài, đợi mẹ về cùng ăn. Sau một ngày dài làm việc, chị Cảnh về đến nhà luôn có cơm canh dọn sẵn.

“Cả ngày có bữa cơm để gia đình ngồi lại với nhau nên hai đứa tan học là về nhà, bảo nhau tranh thủ làm mọi việc. Mẹ về là xong xuôi hết, ngồi vào ăn cơm thôi”, giọng chị Cảnh đầy hạnh phúc khi kể về hai con gái.

Cân bằng thời gian giữa việc nhà và việc học, hai con của chị còn có thành tích học tập nổi bật. Năm nay, Vân Khánh vừa tròn 20 tuổi. Trước khi là sinh viên khoa Sư phạm tiếng Anh tại trường Đại học Đà Lạt, trong những năm học THPT, Khánh nhận được nhiều học bổng từ các tổ chức, quỹ khuyến học. Khánh Linh, con thứ hai của chị vừa hoàn thành chương trình học lớp 11. Ở trường, Linh rất tích cực trong các hoạt động ngoại khoá, được thầy cô và bạn bè quý mến.

Đối với chị, các con ngoan, chăm học, biết yêu thương gia đình và mọi người là món quà quý giá nhất, là động lực và cũng là điểm tựa để chị cố gắng, phấn đấu trong công việc.

CÁNH CỬA NÀY KHÉP LẠI, SẼ CÓ CÁNH CỬA KHÁC MỞ RA

“Ngày anh nhà mất, chị nghĩ tiêu cực lắm. Lúc ấy, đối với chị, tất cả mọi chuyện đều như đã kết thúc. May mắn có con, học sinh và đồng nghiệp, chị biết khi cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra”, chị Cảnh lạc quan nói với tôi.

Sau những năm tháng ngược xuôi vất vả, giờ đây các con của chị ngày một trưởng thành; hàng trăm đứa con nhỏ tại ngôi nhà Định An được vui chơi và học tập trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp. Đây là trái ngọt chị Cảnh đã vun trồng, chăm sóc suốt nhiều năm nay.

Vui mừng và hạnh phúc vì nhìn thấy kết quả sau nhiều năm cố gắng nhưng chị Cảnh luôn tâm niệm, thành công hôm nay, ngày mai đã là quá khứ. Chị vẫn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục tại trường, cùng với tập thể giáo viên không ngừng cố gắng. Và, chính tâm huyết chị Cảnh dành cho công việc là bài học lớn cho các con, để sống tử tế và có trách nhiệm.

Ngọc Châm

F1 cách ly tại nhà: Mạnh dạn thí điểm trên tinh thần “không cầu toàn, không nóng vội” F1 cách ly tại nhà: Mạnh dạn thí điểm trên tinh thần “không cầu toàn, không nóng vội”

Rút kinh nghiệm trong đợt phòng, chống dịch tại Bắc Giang, phương án cách ly tại nhà cần có sự vào cuộc giám sát rất ...

Hộ khẩu ơi, từ biệt nhé! Hộ khẩu ơi, từ biệt nhé!

Hôm nay là một ngày rất trọng đại với tất cả mọi công dân Việt Nam, nhưng dường như lại rất ít người để ý ...

"Nhiều lúc nghĩ quẩn, em nghĩ hai mẹ con chết mới hết làm khổ cả nhà" "Nhiều lúc nghĩ quẩn, em nghĩ hai mẹ con chết mới hết làm khổ cả nhà"

“Bố mẹ, em trai, các cháu em đều là F0. Cả nhà chồng cũng thành F2 khi em là F1. Trong khu cách ly, em ...

Xem phiên bản di động