Nữ công nhân làm mẹ đơn thân nghẹn ngào: “Thấy con thèm ăn thịt, tôi xót lắm!”

Nữ công nhân làm mẹ đơn thân nghẹn ngào: “Thấy con thèm ăn thịt, tôi xót lắm!”

Ngừng việc hơn 1 tháng, không dám về quê vì không có tiền đi cách ly tập trung, chị Thái Thị Hà (31 tuổi, công nhân Công ty CP Taekwang Vina – KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) lo lắng không biết hai mẹ con chị sẽ cầm cự được bao lâu trong phòng trọ, nhất là khi số gạo, mỳ được hỗ trợ đang vơi dần.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Cũng giống như phần lớn công nhân lao động khác, chị Hà đang trải qua những ngày tháng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngừng việc, lo lắng về nguy cơ lây nhiễm... là những gì mà chị Hà đang trải qua. Thế nhưng nỗi ám ảnh về cái đói, sự thiếu thốn về nhu yếu phẩm trong một tháng qua là đáng sợ hơn cả. Đặc biệt là khi cậu con trai 3 tuổi rưỡi của chị thường xuyên quấy khóc vì thèm sữa.

“Con thèm uống sữa, thèm được ăn thịt. Mẹ ơi, sao nhà mình không có thịt?”, những câu hỏi ngây ngô của cậu bé khiến người làm mẹ như chị Hà đau nhói. Cực chẳng đã, nhiều hôm chị chạy sang phòng trọ bên cạnh xin hộp sữa hoặc chút thịt về cho con.

“Tôi có thể ăn rau qua ngày nhưng nhìn con đang tuổi ăn, tuổi lớn mà chịu cảnh này thì xót lắm!”, chị Hà nói.

Nữ công nhân làm mẹ đơn thân nghẹn ngào: “Thấy con thèm ăn thịt, tôi xót lắm!”

Nhu yếu phẩm chị Hà chuẩn bị từ ngày đầu ngừng việc, thực hiện cách ly tại phòng trọ cũng nhanh chóng hết sau hơn 1 tháng.

Trước khi dịch bệnh xuất hiện và lan rộng ở Đồng Nai, cuộc sống của chị Hà và cậu con trai nhỏ cũng không mấy dư dả. Với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng, trừ tiền phòng trọ, tiền học của con, còn lại chẳng được là bao để chi tiêu cho sinh hoạt của hai mẹ con.

Nhiều công nhân lao động chọn cách về quê để tránh dịch trong những ngày không có việc làm, thu nhập. Nhìn dòng người hối hả về quê qua những trang báo, hình ảnh trên mạng xã hội, chị Hà nóng ruột cũng muốn về. Ngặt nỗi, chị không có xe máy, số tiền còn lại của hai mẹ con cũng chẳng được bao nhiêu.

“Tôi mới làm công nhân được gần 1 năm. Khi cuộc sống của tôi và con trai ở Đồng Nai đang tạm ổn thì dịch bệnh lại xảy ra. Nếu về quê, tôi và con trai sẽ phải thực hiện cách ly tập trung. Số tiền cộng lại cũng rất nhiều. Bố tôi không nói được do bị tai biến, mẹ đi làm phụ hồ nay cũng phải nghỉ vì mới gãy tay nên không có tiền để hỗ trợ cho hai mẹ con tôi”, chị Hà bộc bạch về hoàn cảnh của mình.

Nữ công nhân làm mẹ đơn thân nghẹn ngào: “Thấy con thèm ăn thịt, tôi xót lắm!”

Những phần quà hỗ trợ từ các nhóm thiện nguyện dành cho mẹ con chị Hà.

Quyết định làm mẹ đơn thân từ khi còn mang thai 7 tháng

Tha hương cầu thực nhiều năm, giờ lại lao đao với cuộc sống khó khăn vì dịch bệnh, những lúc thế này, nữ công nhân lao động nào cũng mong có được sự san sẻ, động viên từ người bạn đời. Thế nhưng, chị Hà lại không có được may mắn ấy.

Chị Hà quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Khi đang học Trung cấp Văn thư ở Kon Tum thì chị quen chồng và sau đó hai người quyết định kết hôn.

Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cũng yên ấm trong mấy năm đầu. Cả hai vui mừng chào đón sự ra đời của cô con gái đầu lòng vào năm 2011. Tuy nhiên, biến cố xảy ra vào đầu năm 2018, khi biết chồng có người phụ nữ khác, chị Hà quyết định ly hôn dù lúc đó đang mang thai bé trai ở tháng thứ 7. Sau ly hôn, con gái chuyển về sống với bố.

“Sinh con trai được 2 tháng 10 ngày, tôi xin đi làm phụ hồ để hai mẹ con có tiền trang trải cuộc sống. Khi cháu được gần 1 tuổi, bị viêm gan B, hai mẹ con lại khăn gói trở về Nghệ An để bốc thuốc. Sau đó, tôi lại tiếp tục làm thợ hồ. Nghe mấy người quen giới thiệu, tôi quyết định đưa con vào Bình Dương để xin làm công nhân. Thế nhưng loanh quanh thế nào lại bị lạc vào Biên Hòa (Đồng Nai) và còn bị bạn thân lừa mất nửa chỉ vàng định để dành làm vốn”, chị Hà kể lại thời gian đầu vật lộn với mưu sinh để nuôi cậu con trai.

Sau đó, chị Hà có xin làm bảo vệ cho một công ty ở Đồng Nai. Gắn bó gần 1 năm, nhưng nhiều lần do bị quản lý gây khó dễ, thu nhập bấp bênh nên chị quyết định nghỉ. Trong cái rủi có cái may, khi đang loanh quanh tìm việc, chị bất ngờ thấy được thông báo tuyển dụng của Công ty CP Taekwang Vina.

“Tôi được nhận vào làm công nhân ở Công ty CP Taekwang Vina thì mừng lắm. Gắn bó ngót nghét gần 1 năm rồi, công ty và công đoàn đều rất quan tâm đến đời sống của công nhân lao động như chúng tôi”, chị Hà chia sẻ.

Nhận được hỗ trợ kịp thời và mong ước về quê cách ly tại nhà

Trong hơn 1 tháng ngừng việc, khu nhà trọ cũng bị cách ly, chị Hà may mắn khi nhận được sự giúp đỡ từ các nhóm thiện nguyện, khu dân cư... Khoai lang, củ cải trắng, rau mồng tơi, ít gạo, bí đỏ... là nhu yếu phẩm mà hai mẹ con chị nhận được.

“Tôi ngừng việc từ 10/7, nhưng may mắn vẫn được công ty hỗ trợ 170.000 đồng/người/ngày trong 2 tuần cuối của tháng 7. Công đoàn cũng có hỗ trợ thực phẩm cho công nhân. Nhìn hình ảnh anh chị em chia sẻ trên mạng xã hội, tôi mừng lắm. Những lúc khó khăn thế này mà được công ty và công đoàn giúp đỡ thì đỡ lo hơn”, chị Hà cho biết.

Do nghỉ ốm trước khi ngừng việc nhiều ngày nên số tiền chị Hà nhận được trong tháng 7 không được bao nhiêu. Chị đóng xong khoản tiền phòng trọ, đổi 1 bình gas thì số tiền ấy cũng vừa hết.

Tháng 8 này chị vẫn chưa thể đi làm, công ty cũng chưa có quyết định về việc sẽ hỗ trợ như thế nào cho công nhân ngừng việc. Chị Hà thấp thỏm không yên.

Dỗ dành cậu con trai đang hờn dỗi vì không được ra ngoài chơi, chị Hà nước mắt vòng quanh nói: “Con trai giờ đây chính là động lực sống của tôi. Tháng 7 cũng tạm qua rồi, nhưng còn tháng 8, rồi sau đó nữa. Nếu dịch bệnh cứ kéo dài thế này, không có việc làm, hai mẹ con không biết xoay xở ra sao. Tôi chỉ mong sớm có giải pháp dành cho công nhân trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh như giảm tiền phòng trọ. Nếu không, tôi chỉ muốn được về quê cách ly tại nhà (hiện bố mẹ đẻ của chị ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) vì hai mẹ con cũng hết cách rồi”.

Nữ công nhân làm mẹ đơn thân nghẹn ngào: “Thấy con thèm ăn thịt, tôi xót lắm!”

Chị Hà mong dịch bệnh sớm qua đi để chị và con trai được trở lại cuộc sống bình thường.

“Tôi cũng mong sớm hết dịch để đi làm trở lại, ổn định cuộc sống. Dù khó khăn vẫn còn rất nhiều nhưng hai mẹ con sẽ cùng nhau cố gắng”, chị Hà vừa nói vừa nhìn sang cậu con trai bé bỏng của mình.

Được biết, trong thời gian qua, khi hàng nghìn công nhân lao động phải ngừng việc vì dịch Covid-19, Công ty CP Taekwang Vina đã hỗ trợ tiền mặt và nhu yếu phẩm. Người lao động nghỉ việc được nhận lương bằng mức lương tối thiểu vùng là 170.000 đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, những khoản trợ cấp đi lại, nhà ở, sinh hoạt, chuyên cần sẽ được hưởng đầy đủ.

Nữ công nhân làm mẹ đơn thân nghẹn ngào: “Thấy con thèm ăn thịt, tôi xót lắm!”
Quà hỗ trợ cho công nhân lao động của Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina.

Bài viết: Minh Hằng

Ảnh: NVCC

Khi bà con nghèo “tiến thoái lưỡng nan” Khi bà con nghèo “tiến thoái lưỡng nan”

Những hình ảnh bà con “chạy dịch” vật vạ trên đường về quê nhưng buộc phải quay lại vẫn ám ảnh và làm nhiều người ...

Hành trình 30 ngày từ TP Hồ Chí Minh về huyện đảo Phú Quý tránh dịch của cô gái 9x Hành trình 30 ngày từ TP Hồ Chí Minh về huyện đảo Phú Quý tránh dịch của cô gái 9x

Từ TP Hồ Chí Minh về huyện đảo Phú Quý vốn chỉ mất chưa đầy 1 ngày. Nhưng dịch Covid-19 khiến hành trình của cô ...

Hàng trăm suất cơm nghĩa tình của nhóm công nhân trao gửi bà con vùng dịch Hàng trăm suất cơm nghĩa tình của nhóm công nhân trao gửi bà con vùng dịch

Gần 10 ngày qua, CLB tình nguyện gồm nhiều anh chị em công nhân tự tay làm hàng trăm suất cơm nghĩa tình để