Nhân lên vòng tay “đồng đội” khi đồng nghiệp gặp rủi ro

Tối ngày 22/9/2020, tại Sân bay quốc tế Nội Bài, anh Nguyễn Tiến Bạo (40 tuổi), là thợ máy của Công ty TNHH Kỹ thuật Máy bay (VAECO) đang làm thủ tục kiểm tra kỹ thuật máy bay chuẩn bị cho chuyến bay từ Hà Nội đi Vinh thì bị sét đánh tử vong. Trước khó khăn, hoạn nạn của đồng nghiệp, những người thợ kỹ thuật máy bay đã sẻ chia và giúp đỡ gia đình người bị nạn vươn lên trong cuộc sống.

“Nghĩ đến chồng vất vả bao nhiêu, lại thương anh ấy bấy nhiêu”

Kết hôn 11 năm thì có tới gần 10 năm chị Lan Anh - vợ kỹ sư Nguyễn Tiến Bạo (Trung tâm Bảo dưỡng ngoại trường Hà Nội - VAECO thuộc Vietnam Airlines) chấp nhận lùi lại phía sau để chồng chuyên tâm làm việc.

Do đặc thù công việc, anh Bạo thường xuyên đi làm ca kíp. Chị Lan Anh kể: “Công việc của anh Bạo cùng các anh em ở Trung tâm Bảo dưỡng ngoại trường Hà Nội rất vất vả. Mùa hè thì phơi mình dưới cái nắng cháy da cháy thịt. Mùa đông gió lạnh căm căm. Ngày mưa thì ở ngoài hiện trường. Mỗi lần đi làm về, anh ấy thường không kịp ăn uống gì và ngủ liền một mạch. Có ngày, anh ấy đi làm từ rất sớm. Khi nào có nhiệm vụ phục vụ trên chuyến bay, anh ấy thường về rất muộn vì không còn xe buýt để về nhà”.

Anh Nguyễn Tiến Bạo đã để lại những hình ảnh đẹp về người thợ kỹ thuật máy bay đầy trách nhiệm với công việc, gia đình và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Ảnh: VAECO

Nhân lên vòng tay “đồng đội” khi đồng nghiệp gặp rủi ro

Tính chất công việc khiến anh Bạo có ít thời gian dành cho gia đình. Do vậy, một mình chị xoay xở chăm sóc hai con nhỏ. Vất vả nhất là khi trái nắng trở trời, mẹ ốm, con nằm viện, chị vẫn phải gắng gượng để chồng yên tâm làm việc.

“Nhiều lần thấy chồng về, mình mừng lắm. Anh ấy không chỉ chăm sóc con mà còn chia sẻ với sự hy sinh của vợ để chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ” - chị Lan Anh ngậm ngùi nói.

Chị còn nhớ, trước ngày hai người quyết định làm đám cưới, anh Bạo chỉ có vẻn vẹn 10.000 đồng. Anh trân trọng chị vì đã tin tưởng chọn anh là chỗ dựa. Chị luôn là hậu phương vững chắc, động viên anh cố gắng vươn lên.

Nhân lên vòng tay “đồng đội” khi đồng nghiệp gặp rủi ro

Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam làm việc với Công đoàn VAECO về thực hiện chức năng của tổ chức Công đoàn. Ảnh: VAECO

“Công việc kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng máy bay của anh ấy phải tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt của công ty và hãng. Do đó, phải liên tục học tập, cập nhật kiến thức và phải trải qua kỳ thi hết sức ngặt nghèo để có chứng chỉ ủy quyền (CRS). Có lần thi không đỗ, anh ấy rất buồn và thất vọng, tự mình đi bộ một quãng đường dài để về nhà. Nhưng rồi sau nhiều cố gắng, nỗ lực, cuối cùng anh ấy cũng đạt được” - chị Lan Anh rơi nước mắt trước sự khó nhọc của chồng.

Có được chứng chỉ CRS, anh Bạo được phân công đảm đương công việc có trách nhiệm cao hơn, cuộc sống gia đình ổn định hơn. Sau nhiều năm tằn tiện, hai vợ chồng đã mua được căn nhà chung cư cao tầng nhỏ nhưng cũng đủ ấm cúng bằng tiền tiết kiệm cộng với khoản vay từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Nuốt nước mắt, chị nói: “Ngày chuyển lên căn nhà mới, mình không ngủ được. Mình nói với anh ấy là có nằm mơ cũng không nghĩ rằng có ngày mua được nhà cho riêng mình. Giờ thì anh ấy đi xa lắm rồi. Sẽ không còn ai cùng mình chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn như vậy nữa”.

Công việc của thợ kỹ thuật máy bay chịu rất nhiều áp lực và sức ép trong thời kỳ dịch Covid-19.

Nhân lên vòng tay “đồng đội” khi đồng nghiệp gặp rủi ro

Chăm lo thiết thực cho người lao động

Nhiều đêm trằn trọc không ngủ, chị Lan Anh không nghĩ mình bất đắc dĩ phải trở thành trụ cột gia đình như hôm nay. Điều khiến chị gắng gượng được là sự động viên an ủi rất lớn từ người thân, bạn bè và đồng nghiệp của chồng.

“Cũng nhờ các anh lãnh đạo Công ty, anh em đồng nghiệp hết lòng hỗ trợ, lo lắng cho mình và các con như người thân trong gia đình. Mọi người đều chia sẻ, động viên mình nguôi ngoai nỗi đau để làm chỗ dựa, bù đắp cho con sự thiệt thòi. Các anh chị cán bộ công đoàn từ Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Việt Nam, Công đoàn Cục Hàng không Việt Nam, Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công đoàn Đoàn Tiếp viên, Công đoàn Đoàn bay 919, Công đoàn Pacific Airlines… đều ân cần thăm hỏi, hỗ trợ” - chị Lan Anh nói.

Nhân lên vòng tay “đồng đội” khi đồng nghiệp gặp rủi ro

Công ty thực hiện phòng, chống dịch Covid-19

Ảnh: VAECO

Theo ông Trần Thanh Phong - Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn VAECO: “Đặc thù công việc của người thợ kỹ thuật máy bay đó là vừa luôn phải đảm bảo quy trình kỹ thuật trước sức ép công việc, vừa chịu áp lực khai thác. Anh Nguyễn Tiến Bạo cũng như người lao động khối ngoại trường khác thường xuyên làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại nắng mưa làm việc ngoài sân đỗ. Cùng với đó là tác động của động cơ, tiếng ồn. Nhưng anh luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.

Trước mất mát, khó khăn của thân nhân người lao động, công đoàn và người sử dụng lao động xác định trách nhiệm thực hiện chế độ cho người lao động theo chế độ tối đa nhằm an lòng người đã mất, ấm lòng người ở lại”.

Ban Chấp hành Công đoàn VAECO đã thông báo trên fanpage Công đoàn Công ty, khích lệ tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau giữa các cán bộ, công nhân viên trong và ngoài VAECO. Công đoàn VAECO phối hợp với Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, các công đoàn cơ sở của Vietnam Airlines, Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam và nhiều công đoàn khác trong Cụm thi đua Nội Bài chung tay ủng hộ đoàn viên Nguyễn Tiến Bạo. Kết quả, tổng số tiền đoàn viên, người lao động ủng hộ qua Công đoàn VAECO là trên 1,3 tỷ đồng. Trong đó, người lao động của VAECO ủng hộ trên 500 triệu đồng. Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã trích từ Quỹ tình thương của Tổng Công ty do Công đoàn quản lý số tiền 30 triệu đồng để hỗ trợ gia đình vượt qua khó khăn.

Bên cạnh hỗ trợ vật chất, Công đoàn VAECO cũng đề xuất với lãnh đạo Công ty tạo điều kiện, bố trí công việc để vợ đoàn viên Nguyễn Tiến Bạo có việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình.

“Công ty gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh. Nhiều anh chị em phải nghỉ việc vì sản lượng giảm. Dù anh Bạo không còn nữa. Nhưng tình cảm ấm áp, chăm lo của Công ty, Công đoàn nơi anh ấy làm việc khiến mình xúc động như được trao lại một kỷ vật mà anh ấy để lại. Lãnh đạo Công ty luôn quan tâm ủng hộ, xem xét việc ưu tiên bố trí việc làm cho mình trong trường hợp tình hình dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị ổn định trở lại” - chị Lan Anh cho biết.

Câu chuyện đầy xúc cảm về việc chăm lo hậu phương của người lao động không may rủi ro, tai nạn ở VAECO chứng tỏ những người thợ kỹ thuật máy bay, ngoài tác phong kỷ luật cao còn có tình cảm mộc mạc, ấm áp, nghĩa tình, kế thừa đậm nét bản chất “đồng đội” của những người lính không quân năm xưa.

Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam xuất khẩu 8.500 tấn viên nén sang Nhật Bản Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam xuất khẩu 8.500 tấn viên nén sang Nhật Bản
Ngân hàng, chứng khoán và sự cố thời 4.0! Ngân hàng, chứng khoán và sự cố thời 4.0!
Còn đó nỗi buồn Huê Phong! Còn đó nỗi buồn Huê Phong!

Bài viết: Duy Minh

Ảnh: Duy Minh