Còn đó nỗi buồn Huê Phong! |
Không tìm được việc làm mới, nợ tiền thuê trọ, ở lại TP.HCM ăn Tết vì không kiếm đâu ra tiền mua vé tàu xe… là tình cảnh của không ít anh, chị, em công nhân từng làm việc tại Công ty Cổ phần Giày da Huê Phong (Công ty Huê Phong, quận Gò Vấp, TP.HCM). |
Chị Kim Chi chuẩn bị bữa tối với đậu hũ chiên sả, rau luộc lấy nước làm canh cho hai vợ chồng. |
Những ngày cuối năm, Sài Gòn lạnh lạnh. Trời sập tối, càng làm cho lối đi giữa hai dãy trọ trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) thêm hun hút. Một số phòng trọ cửa đóng im lìm, chị Trang, chủ dãy trọ giải thích: “Phòng này mấy đứa đi làm thêm ở các quán ăn, khi người ta tắt đèn đi ngủ, phòng này mới sáng đèn. Phòng này thì tiết kiệm điện, lúc nào cũng tù mù cái bóng đèn nhỏ xíu. Phòng này thì vợ tăng ca chưa về, chồng đi đón con…”. Chị Trang cho hay, qua nắm bắt sơ bộ thì năm nay hầu hết anh, chị, em công nhân ở lại Sài Gòn ăn Tết, ít người về quê. Chị cho hay: “Năm nay ai cũng bảo khó, có người không có việc làm nên không có tiền về Tết, có người không về vì muốn để dành tiền, ai biết được năm Trâu có tốt hơn năm Chuột không?”. |
Mong năm Tân Sửu được…đi cày như trâu! |
Căn phòng gần cuối dãy trọ là của chị Dương Thị Kim Chi (45 tuổi, quê An Giang). Chị Chi từng là công nhân Công ty Huê Phong. Sau đợt công ty cắt giảm toàn bộ lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Chi rơi vào cảnh thất nghiệp. Chị cho hay, LĐLĐ quận Gò Vấp có giới thiệu chị đến một số công ty trên địa bàn nhưng không có công ty nào nhận. Phần vì chị vốn là công nhân giày da, các công ty được giới thiệu hoạt động trái ngành nghề, phần nữa các công ty e ngại không muốn nhận chị vì chị đã lớn tuổi lại mắc bệnh thoát vị đĩa đệm… Chính những lý do đó nên gần nửa năm qua, chị Chi không có được việc làm chính thức. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình trông cậy vào lương bảo vệ của chồng chị. Trò chuyện một lúc, chị lo nấu cơm tối. Vừa nấu, chị vừa giải thích: “Mấy con tôm này là dành cho cháu ngoại. Vợ chồng tôi thì ăn đậu hũ chiên sả, rau luộc, lấy nước làm canh”. |
Chị Chi may ba lô, túi xách tại nhà, mỗi tháng cũng kiếm được gần 2 triệu đồng. |
Vợ chồng chị Chi không có con. Chị nhận nuôi một bé trai là con của cháu gái gọi chị bằng dì ruột. Chị kể: “Cháu gái tôi có một đứa con trai này thôi nhưng không may mất sớm. Cháu mất khi con trai mới được 3 tuổi. Từ ngày cháu mất, chồng nó chưa một lần trở lại hỏi thăm con. Vợ chồng tôi lại hiếm con nên tôi nhận con trai của cháu về nuôi”. Gần 7 giờ tối, chồng chị Chi đón cháu ngoại đi học về. Đứa bé kháu khỉnh, nhanh nhẹn, đang học lớp 1 ở trường tiểu học trên địa bàn. Chị Chi bộc bạch: “Tiền trọ mỗi tháng 1,8 triệu đồng, chưa kể điện, nước. Thấy hoàn cảnh tôi như vậy, chị Trang mới giới thiệu cho tôi nhận may ba lô, túi xách tại nhà, mỗi tháng thu nhập cũng được hơn 2 triệu đồng. Không chỉ giới thiệu việc để làm, chị Trang còn cho nợ tiền trọ. Tôi mong ra năm mình có việc ổn định đi làm, trả bớt phần nào tiền nhà trọ cho chị Trang”. Nói về cái Tết Tân Sửu sắp đến, chị Chi thở dài: “Ở lại Sài Gòn ăn Tết thôi! Tiền nhà trọ còn nợ thì tiền đâu về quê”. Thế nhưng, dù khó khăn, chị vẫn không ngừng hy vọng: “Nhưng mà tôi nghĩ theo hướng vui vẻ chút, bao nhiêu năm ở Sài Gòn mà mình đâu có biết Sài Gòn ra sao. Năm nay ở lại, tôi hy vọng sẽ có cơ hội ra quận 1 xem có gì vui không. Tôi mong Tết con Trâu sẽ được 'cày như trâu' chứ không thất nghiệp, 'rúc trong nhà như chuột' nữa”. |
Chị kiểm tra bài vở cho cháu trai gọi chị bằng bà. |
Có việc làm ổn định mới giải quyết dứt điểm được khó khăn của công nhân |
Vốn là công nhân Công ty Huê Phong, chị Quảng Thị Diệu Minh (30 tuổi, quê Ninh Thuận) cho hay, từ ngày công ty cho toàn bộ người lao động nghỉ việc, chị đã nỗ lực kiếm việc ở nhiều nơi nhưng không có kết quả. Gần nửa năm qua, hai vợ chồng Minh trở thành “thợ đụng” bất đắc dĩ, tức đụng gì làm đó, ai thuê gì làm nấy, thu nhập bấp bênh, vô chừng. |
Diệu Minh nhìn bức ảnh của con gái treo ở phòng trọ. |
Minh có một con gái 6 tuổi gửi ở quê cho ba mẹ trông hộ. Hàng tháng, Minh gửi về 2 triệu đồng để ông bà lo cho cháu. Trong căn phòng trọ hơn 10 mét vuông có căn gác nhỏ xíu, Minh treo đầy ảnh con gái. Minh bảo: “Nhớ con lắm nhưng Tết này không về được”. Mỗi lần nhớ con thì nhìn hình hoặc gọi điện thoại về nói chuyện với con nhưng Tết thì không thể về bởi Tết chính là cơ hội để kiếm thêm tiền. “Tết là cơ hội để vợ chồng em kiếm thêm tiền cho năm sau, để ra Tết có tiền gửi về cho con vào học kỳ mới. Tết mà về là năm sau cả nhà sẽ nhịn đói nên bọn em không thể về được. Hồi còn làm Công ty Huê Phong, Tết có thưởng Tết, có nghỉ Tết chứ năm nay thì không dám mơ”, Minh trần tình mà mắt ngân ngấn lệ. |
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đến thăm công nhân Huê Phong tại nhà trọ vào tháng 6/2020. |
Công ty Huê Phong từng được xem là “doanh nghiệp biểu tượng” của quận Gò Vấp, thành lập từ năm 1992, giai đoạn cao điểm có hơn 5.000 công nhân làm việc. Doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da xuất khẩu đi các nước châu Âu và Mỹ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 2, tháng 3 năm 2020, doanh nghiệp đã bị khách hàng hủy hợp đồng đơn hàng. Công ty cũng không ký được hợp đồng sản xuất mới và không xuất được hàng vào thị trường châu Âu và Mỹ nên hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động với tất cả người lao động, chi trả các khoản trợ cấp theo luật định cho người lao động. |
LĐLĐ quận Gò Vấp tặng học bổng học nghề cho công nhân Huê Phong. |
Tổ chức Công đoàn cũng dành sự quan tâm cho người lao động ở đây khi giới thiệu việc làm mới, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho nữ công nhân mang thai, tặng khóa học nghề cho một số công nhân, các cấp công đoàn cũng đến tận nhà trọ tặng quà, thăm hỏi, động viên anh, chị, em công nhân cố gắng vượt qua khó khăn… Thế nhưng, một năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, cuộc sống của những công nhân từng làm việc ở Huê Phong vẫn còn nhiều khó khăn. Năm mới, chỉ mong anh, chị, em có được việc làm ổn định, chỉ như thế những khó khăn mới được giải quyết dứt điểm! |
Tin đồn quanh nhạc sĩ Trần Tiến và những “cái chết”trên mạng
Sáng nay, nhạc sĩ Trần Tiến bị một số trang tin và mạng xã hội chia sẻ rộng rãi thông tin ông qua đời vì ... |
“Tiền này em sẽ để dành mua áo quần mới gửi về quê cho con mặc Tết”
“Với số tiền được các bác tặng, em sẽ mua bộ quần áo mới gửi về cho con trai. Con lớn của em gửi ở ... |
Người lao động có được ứng trước tiền lương tháng 2 để nghỉ Tết Nguyên đán 2021?
Nhu cầu mua sắm trong dịp Tết tăng cao nên không ít người lao động mong muốn được ứng trước tiền lương tháng 2 để ... |
LÊ TUYẾT |