|
Tháng Chạp dồn tụ lại trong chiều 30 Tết một cung trầm khắc khoải, chênh vênh với người lao động đón Tết xa nhà. Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ bữa cơm đoàn viên mà ở đó những đứa con tha phương mang về những câu chuyện đường xa đất khách, tủi tủi mừng mừng, nhỏ to nhận từ gia đình những lời chia sẻ... |
"Quà nào bằng gia đình sum họp" "Quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng Tết đoàn viên"... những câu hát như thắp lên niềm hạnh phúc trước thềm Tết đến, Xuân về rộn ràng trên khắp phố phường. Niềm hạnh phúc ấy càng trở nên "réo rắt" với mỗi người lao động xa nhà, có ai không mong mỏi bữa cơm gia đình, ngóng đợi đoàn viên đầm ấm. Chị Phương Hằng không giấu nổi giọt nước mắt: "Giữa xóm trọ vắng lặng, tôi lại nhớ về những bậc sinh thành. Mỗi năm qua đi, họ lại già thêm một tuổi". Ở trong tâm dịch Hải Dương, tâm trạng nhiều lúc rối bời, rồi vì dịch mà lần đầu tiên phải đón Tết xa nhà... "Ở thời điểm này rồi, nghĩ về thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới mà không được ở nhà, chỉ có bố mẹ chuẩn bị cúng lễ "ông bà, ông vải", tôi không khỏi thấy chạnh lòng", chị Hằng tâm sự. |
Nhiều gia đình năm nay vắng bóng con cháu về đoàn viên. Ảnh: Tân Cao |
Nửa tháng trước, toàn bộ KCN Cộng Hòa phải phong tỏa, kéo theo đó là những ngày chị thấp thỏm, bộn bề trong muôn chiều nghĩ suy. Việc ở lại Hải Dương không phải là yêu cầu bắt buộc, nhưng chị vẫn quyết định không về, “nhà có bố mẹ già và các cháu nhỏ…”, câu nói chị Hằng bỏ lửng cùng với ánh mắt xa xăm. Hình ảnh ngày Tết năm trước cứ ào ạt ùa về, chị Hằng bao giờ cũng về trước cùng bố mẹ chuẩn bị rồi anh chị từ Hà Nội về quây quần sum họp. Người dọn nốt căn nhà, người bày biện hương hoa, người bóc chiếc bánh chưng, người tất tả làm mâm cơm cúng. Chiều 30 Tết, có năm nào mà không rộn rã tiếng cười. |
|
Thương mẹ vắng con Giữa cái “nút thắt giao thoa” cũ, mới trong buổi chiều cuối năm, Nguyễn Đình Nam trải lòng đầy khắc khoải: "Ngày em quyết định từ Điện Biên xuống Quảng Ninh, đầu quân vào Công ty Than Vàng Danh, mẹ rơi nước mắt. Nhà có đàn gà, có ao cá, có mảnh vườn, bao đời cha mẹ canh tác có cần đi đâu?". Cũng thời gian này của 5 năm trước, Nam tha phương, mang chí lớn vào đời rồi chỉ Tết đến mới về bên mẹ lóng ngóng mấy ngày rồi lại rời đi. Nam thấy mình có lỗi thật nhiều, không dám nhìn vào ánh mắt buồn thương, trống trải của mẹ sau vài ngày hội ngộ. Hình ảnh mẹ già ngồi ngóng con về quê ăn Tết không còn xa lạ. Ảnh minh họa: Tulawyer. Những ngày giáp Tết, gói ghém những đồng tiết kiệm, Nam phấn khởi trong lòng, ra Tết, mẹ có thể lát gạch cái sân. Vậy nhưng, 31/1 khi có thông báo công nhân phân xưởng K1 (Công ty Than Vàng Danh, Đông Triều, Quảng Ninh) nơi Nam làm việc có kết quả dương tính với Covid-19, 10 ngày sau đó lòng Nam chộn rộn, hụt hẫng: ''Mẹ già yếu rồi, có cho về em cũng không dám về. Em thì không sao, ở đây các cơ quan chức năng, ban, ngành rồi Công đoàn Công ty lo lắng, chuẩn bị Tết đầy đủ. Chỉ thương mẹ một mình vừa lo cho sức khỏe, vừa ngóng mong con". |
Khắc khoải chiều 30 Khi cái thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới đã cận kề, có những người nôn nao chuẩn bị hành trang trở về nhà, nhưng có những người ôm nỗi niềm riêng cách xa gia đình ngàn cây số. Ghé lại chiều ba mươi, bất giác anh Trung đăm chiêu nhìn lên bức ảnh đại gia đình trên tường. Ở đó, những nếp thời gian ngắn dài loang lổ trên mái tóc hoa râm, trên những chấm đồi mồi, trên vết chân chim chằng chịt nơi khoé mắt của bậc sinh thành. Dãy nhà trọ sớm nay vắng lặng, chỉ còn gia đình anh ở lại. Trong khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, anh rưng rưng thắp một nén hương trầm, thành kính dâng lên bàn thờ tiên tổ. Ảnh minh họa: CTV Chỉ trong vòng vài ngày, từ 5/2 đến nay, TP HCM ghi nhận 33 ca Covid-19 ở 8 quận: 1, 3, 10, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP Thủ Đức. 3.141 người đang cách ly ở các khu tập trung và 1.681 người cách ly tại nhà, nơi cư trú. Lo ngại nhất là TP HCM còn có những ổ dịch khác trong cộng đồng mà chưa phát hiện. Phần không biết mình có va vấp, tiếp xúc với F nào hay không, phần nhỡ tình hình xấu hơn, phần lo nếu cách ly biết có kịp thời gian trở lại làm việc nên vợ chồng anh Trung, chị Hương thống nhất với nhau là ở lại TP HCM đợt này. Chiều 30, gác lại bao rối bời công việc, xếp lại gọn gàng bao nhọc nhằn mưu sinh, bao áp lực áo cơm cứ vần vũ rượt đuổi, đeo bám suốt dặm dài. Vợ chồng anh thu dọn chỉn chu căn phòng trọ. Diễn biến dịch phức tạp, anh chị quyết định hưởng ứng lời kêu gọi của LĐLĐ, ai ở đâu thì cứ ở yên đó. Bày biện, sửa soạn nốt những thứ cuối cùng trên mâm cúng tất niên chiều 30 Tết, nhớ quê anh ngẩn ngơ rồi nhắc lời mẹ già ngoài 80 tuổi: “Mâm cơm chiều 30 Tết không nhất thiết phải thịnh soạn, ngổn ngang cao lương mĩ vị. Mà cốt yếu là ở sự đông đủ, chan hoà của các thành viên trong gia đình”. Những đứa trẻ đón Tết cùng bố mẹ ở khu trọ. Ảnh: CTV "Lại thương lắm những chiều 30 Tết, mấy đứa trẻ mặc quần áo mới mẹ mua cho đi chơi Tết chạy khoe. Hương vị Tết bay bảng lảng. Trẻ con sung sướng, tung tăng chơi vui, râm ran nói cười như pháo Tết. Thấy nhà ai nấu bánh lại ghé chơi. Lại bàn cãi nồi bánh nhà này to, nhà kia bé. Mẹ anh thì cứ sấp ngửa chạy theo nhắc từng đứa vì sợ ngã, vừa hô hào đám cháu, bà vừa liên miệng chào hỏi phân bua với láng giềng: lũ trẻ về ăn Tết…", anh Trung kể. |
Mong mỏi được sum họp bên gia đình ngày Tết luôn đau đáu trong lòng người lao động xa quê. Ảnh: ST
Trong khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, anh rưng rưng thắp một nén hương trầm, thành kính dâng lên bàn thờ tiên tổ. Chợt cảm nhận rất rõ một thứ hơi ấm diệu kì, chầm chậm lan tỏa trong lòng mình nhẹ bẫng, bâng khuâng. |
Bài viết: Khuê Nguyệt Minh |
Ấm áp “Chuyến xe nghĩa tình” của Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh
Tối 29 Tết, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã tổ chức Chương trình "Chuyến xe nghĩa tình" đưa đón ...
|