|
Ngày Tết và chế độ ăn uống đảm bảo sức khỏe |
Vào dịp Tết Nguyên đán, do phong tục, tập quán từ xưa, chúng ta thường ăn quá nhiều. Việc ăn uống quá mức đi kèm với việc tích trữ thực phẩm không đảm bảo tươi ngon rất dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, lựa chọn, mua sắm, bảo quản, chế biến thực phẩm “ngon, bổ, rẻ” cũng là vấn đề mọi người nên quan tâm trong điều kiện một năm dịch bệnh khó khăn, thu nhập giảm sút... |
|
Tết đến, Xuân về là dịp đoàn viên, gia đình sum họp. Bữa ăn ngày Tết vì thế mà cũng no đủ, cầu kỳ hơn so với ngày thường. Việc sắm Tết được nhiều người coi trọng nhằm chuẩn bị chu đáo cho bữa ăn sum vầy ngày Tết. Tuy nhiên, việc dự trữ nhiều loại thực phẩm cả chế biến sẵn lẫn tươi sống sau khi mua về cần phải đảm bảo dinh dưỡng, lưu giữ được mùi vị để bữa ăn ngày Tết đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe. Do vậy, mỗi loại thực phẩm lại có cách bảo quản khác nhau.
|
Một số món ăn truyền thống trong ngày Tết. |
Giò tai, giò xào do đặc điểm về sự kết dính mà phải để ở nhiệt độ mát, lạnh, vì vậy, nếu không mua quá nhiều thì nên bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Đối với món thịt đông: Nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, thịt vừa giữ được hương vị đặc trưng vừa giúp món ăn bảo quản lâu hơn. Với các loại thực phẩm đã nấu chín khác: Không nên để món ăn là các loại rau vào tủ lạnh khi dùng không hết, vì hàm lượng nitrat có trong các loại rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat sẽ tạo thành nitrit - chất gây ung thư, cho dù bạn có đun lại đi chăng nữa cũng không thể khử được. Vì vậy không nên ăn các món rau đã để qua đêm. Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh. Thức ăn được lấy ra ở trong tủ lạnh chỉ sử dụng một lần cho bữa sau, và nếu còn không để lại bữa sau nữa, thức ăn để lâu nhất là 5 - 6 giờ. Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, để lâu trong tủ lạnh vẫn sinh ra độc tố. Thức ăn đun lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C, nhưng độc tố do vi khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên độc tính gây nên ngộ độc cho người sử dụng. Do vậy, chỉ nên sử dụng lượng thực phẩm vừa đủ cho mỗi lần sử dụng. |
|
Bên cạnh việc lưu ý bảo quản đối với từng loại thực phẩm thì mọi người cần biết cách duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt với những người mắc các bệnh mạn tính... Bởi lẽ, vào dịp Tết, cường độ lao động giảm, thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Nhưng việc cung cấp năng lượng thì ngược lại, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết lại có năng lượng rất cao, các món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá, ít rau xanh chính là thủ phạm cho việc tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính, đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường và thừa cân. Với trẻ em, cần hạn chế đồ ngọt, bánh kẹo, đồ uống có ga, có đường. Đối với rau, trái cây, đây là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, chất béo trong những ngày đầu xuân. |
Gia đình quây quần gói bánh chưng ngày Tết. |
Cần phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên của gia đình: Cần duy trì đủ 3 bữa chính trong ngày, ăn uống đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh, tránh làm phát sinh các bệnh lý về đường tiêu hóa ảnh hưởng đến sức khỏe. Cần chú ý cung cấp đủ nước uống (hơn 2 lít/ngày) để đảm bảo sự hấp thụ, chuyển hóa và cơ thể không mệt mỏi vì thiếu nước. Đối với người thừa cân, béo phì, bị bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút... cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị. Trong xã hội hiện đại, mọi người nên thay đổi quan niệm về việc ăn uống trong ngày Tết. Nên ăn uống vừa phải, không nên ăn dồn vào ngày Tết, nên ăn tăng cường rau xanh, ít thịt để tránh táo bón, tránh tình trạng nấu nướng quá nhiều để đến khi bày ra lại cố ăn cho hết, vì sợ phí... Chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể giúp chúng ta khỏe mạnh vào dịp Tết. Nên thay đổi quan niệm ăn uống, chế biến đồ ăn vào dịp Tết nhằm giữ sức khỏe cho bản thân, được hưởng niềm vui trọn vẹn những ngày xuân. Tránh dự trữ, tích trữ và “mâm cao cỗ đầy”, ăn uống không điều độ vào dịp Tết. |