Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn chuyển đổi số

Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, kinh tế số (KTS) nước ta chiếm 20% GDP; tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI). Để đạt được những mục tiêu cơ bản này, vấn đề mang tính quyết định là cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (NNL). Đó cũng là vấn đề tổ chức Công đoàn Việt Nam đặc biệt quan tâm.

1. Đặc trưng NNL trong giai đoạn chuyển đổi số

Mỗi nền kinh tế đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ của nó, đặc biệt là NNL. Vì vậy, tương ứng với KTS phải có NNL số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nó. Cho nên, có thể hiểu NNL số là tổng thể số lượng, chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức - tinh thần tạo nên năng lực mà bản thân con người và nền KTS đang và sẽ cần để huy động vào quá trình lao động, sáng tạo.

Nếu như bản chất của nền KTS là nền kinh tế dựa trên ứng dụng các công nghệ số, nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng tri thức, ở đó vai trò của tri thức được coi là tài nguyên cho sự phát triển của nền kinh tế thì đòi hỏi NNL số phải là NNL được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế.

Với sự phát triển hiện nay, học một lần không đủ để làm việc cả đời; trái lại, cả đời người lao động (NLĐ) cần liên tục cập nhật nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu nền KTS. Trong ảnh, thực hành sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn chuyển đổi số

Có thể thấy đặc trưng của NNL trong giai đoạn chuyển đổi số được thể hiện trên các phương diện như: Có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số trong quá trình tương tác của các hoạt động kinh tế; có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường lao động và với tiến bộ khoa học công nghệ mới; có tác phong kỷ luật và đạo đức trong công việc; có khả năng tư duy đột phá trong công việc, hay còn gọi là tính sáng tạo. Đây được xem như điều kiện đủ và là tiêu chí đặc trưng của NNL số.

Để thỏa mãn các phương diện trên nhất thiết đòi hỏi NNL số phải được đào tạo bài bản và liên tục được đào tạo bổ sung mới.

2. Thực trạng chất lượng NNL Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2019, dân số nước ta đạt 96,2 triệu người, trong đó nam có 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và nữ có 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia, Philippines). Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57,65%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 76,21%. Từ những con số thống kê cụ thể cho thấy lực lượng lao động của Việt Nam khá dồi dào, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2.1. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động nước ta đã có những cải thiện nhất định, song, nhìn chung chất lượng cung lao động còn thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Quý II/2019, lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 22,37% (lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%; cao đẳng chiếm 3,82%; trung cấp chiếm 4,65% và sơ cấp chiếm 3,08%). Số lượng lao động đã qua đào tạo chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn chuyển đổi số

Tỷ lệ công nhân qua đào tạo nghề của Việt Nam hiện còn khá thấp, đó là rào cản lớn đối với mục tiêu phát triển nền KTS. Trong ảnh, công nhân Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (COFIDEC) đang làm việc.

2.2. Về năng suất lao động

Trong những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng cả về giá trị và tốc độ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, năng suất lao động của Việt Nam vẫn được cho là thấp. Theo Tổng cục Thống kê, nếu năm 2011, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 17,6 lần; 6,3 lần; 2,9 lần và 2,4 lần thì đến năm 2019 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,1 lần; 5,1 lần; 2,6 lần và 2,2 lần. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước. Có thể thấy mặc dù năng suất lao động Việt Nam đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua, nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

2.3. Về cơ cấu lao động

Có thể thấy Việt Nam đang thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao đẳng và trung cấp; nghĩa là, Việt Nam đang thừa một lượng lớn lao động trình độ cao (từ đại học trở lên). Điều này phản ánh mức độ nghiêm trọng của thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” và sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng NNL

3.1. Phát huy vai trò của Chính phủ trong phát triển nền KTS

Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới mô hình và cách thức áp dụng công nghệ số trong quản lý mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội; từng bước xây dựng, hoàn thiện và chuyển đổi mọi hoạt động quản lý của Chính phủ sang Chính phủ điện tử trên nền tảng công nghệ số.

Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Tích cực xây dựng và sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ số, bao gồm hạ tầng cứng và mạng lưới viễn thông làm nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa tốc độ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và tri thức mở. Nâng cao nhận thức toàn xã hội về nền KTS.

3.2. Phát huy vai trò chủ động, tích cực của các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận và chuyển đổi số

Cần ủng hộ, khuyến khích các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành, và thúc đẩy sự sáng tạo. Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp nói chung và hướng mạnh vào phát triển phong trào khởi nghiệp đối với mô hình kinh doanh số của doanh nghiệp.

Năng suất lao động của Việt Nam hiện còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, lĩnh vực xây dựng vẫn sử dụng rất nhiều lao động phổ thông.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn chuyển đổi số

3.3. Xây dựng nền giáo dục của nền KTS và xã hội số

Cần gắn chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo với chiến lược phát triển NNL và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên cả hai phương diện vĩ mô và vi mô. Có như vậy mới tạo ra sự hòa nhập giữa cung nhân lực với cầu nhân lực số của nền kinh tế, thị trường lao động cả về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu nhân lực và năng lực, phẩm chất.

Cần có chương trình truyền thông và giáo dục sâu rộng về internet để nâng cao nhận thức và kỹ năng của người dùng. Các chương trình giáo dục cần rà soát để cập nhật và giáo dục cho trẻ em về internet ngay từ trong các cấp học phổ thông.

3.4. Đối với đội ngũ công nhân

Với đặc trưng của nguồn nhân lực số, đòi hỏi NLĐ cần thay đổi tư duy từ chỉ cần học một lần để làm việc suốt đời sang học suốt đời mới đủ khả năng làm việc suốt đời. Cụ thể:

Thứ nhất, học tập nâng cao trình độ học vấn: Phổ cập, nâng cao kiến thức phổ thông, học thêm ngoại ngữ, tin học… giúp NLĐ tiếp cận với máy móc công nghệ cao hoặc học thêm nghề mới dễ dàng hơn, tăng cơ hội giữ vững việc làm và tìm kiếm việc làm mới.

Thứ hai, học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để tạo ra sản phẩm nhanh nhất, hiệu quả nhất, tốt đẹp nhất; NLĐ có thể điều khiển làm chủ các máy móc có giá trị cạnh tranh thay thế được máy móc thiết bị nhập ngoại; có thể nghiên cứu, ứng dụng robot, cánh tay robot vào sản xuất.

Thứ ba, học kỹ năng sống: Kỹ năng làm việc nhóm, tác phong lao động công nghiệp; kỹ năng sử dụng thiết bị bảo hộ lao động, kỹ năng giải quyết tranh chấp, xung đột, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bản thân, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái, kỹ năng ứng xử văn hóa, giao tiếp…

Thứ tư, học tại các cơ sở giáo dục: Đây là hình thức học tập cần thiết với NLĐ, cần có bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ đào tạo nghề.

Thứ năm, NLĐ cũng có thể tự học tại nhà, tại nơi làm việc; học qua mạng internet, học từ xa; học dựa vào sách, báo, tài liệu, tư liệu, các phương tiện thông tin đại chúng trong bất kỳ thời điểm nào phù hợp với bản thân theo phương châm “cần gì học nấy”./.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Hải Hoàng (2020), Phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu của KTS. Truy cập ngày 30/12/2020, từ: https://tcnn.vn/news/detail/48102/Phat-trien-nguon-nhan-luc-so-dap-ung-yeu-cau-cua-kinh-te-so.html

2. Nguyễn Thị Thu Trang (2020). Thực trạng năng suất lao động của Việt Nam và một số giải pháp tăng năng suất lao động. Truy cập ngày 30/12/2020, từ: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-va-mot-so-giai-phap-tang-nang-suat-lao-dong-73305.htm

3. Tổng cục Thống kê (2019), Báo cáo năng suất lao động Việt Nam.

4. Tổng cục Thống kê (2018), Báo cáo điều tra lao động việc làm.

5. Trần Phương (2020), Trình độ lao động của Việt Nam đang đứng ở đâu trên thế giới? Truy cập ngày 30/12/2020, từ: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/trinh-do-lao-dong-cua-viet-nam-dang-dung-o-dau-tren-the-gioi-post205453.gd

6. Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Minh Hiền (2019), Quản lý nhà nước trong nền KTS, Tạp chí Lý luận chính trị, (6), tr 15-23.

7. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (2017), Tài liệu Hội thảo quốc tế “Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam: Phát hiện từ nghiên cứu thực chứng”.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn chuyển đổi số
Ảnh minh họa.

Bài viết: TS. PHAN QUỐC TẤN

Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh

Sớm bình yên Hải Dương nhé! Sớm bình yên Hải Dương nhé!

Hải Dương đã giãn cách xã hội toàn tỉnh từ 16/2/2021 và dịch bệnh ở nơi nhiều ca nhiễm nhất nước này vẫn đang diễn ...

Đóng cửa phòng khám bệnh nhân người Nhật đến trước khi tử vong Đóng cửa phòng khám bệnh nhân người Nhật đến trước khi tử vong

Sở Y tế Hà Nội vừa quyết định đình chỉ phòng khám Raffles Medical do chưa thực hiện đúng các hướng dẫn trong phòng, chống ...

Công nhân xếp hàng chờ giấy chứng nhận ra vào khu công nghiệp Công nhân xếp hàng chờ giấy chứng nhận ra vào khu công nghiệp

Tỉnh Hải Dương siết chặt việc cấp giấy chứng nhận ra vào cho toàn bộ công nhân được làm việc tại các doanh nghiệp của ...