e magazine
10/02/2021 12:15
Một cái Tết khó khăn nhưng sẽ không ngừng hy vọng vào năm mới!

10/02/2021 12:15

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2020 này, rất nhiều người lao động không lương, không có thưởng Tết. Những lời hẹn về quê sum vầy với gia đình đành gác lại. Thế nhưng với nhiều anh chị em công nhân, Tết năm nay là một cái Tết đầy khó khăn nhưng sẽ không ngừng hy vọng!
Một cái Tết khó khăn nhưng sẽ không ngừng hy vọng vào năm mới!

Một cái Tết khó khăn nhưng sẽ không ngừng hy vọng!

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2020 này, rất nhiều người lao động không lương, không có thưởng Tết. Những lời hẹn về quê sum vầy với gia đình đành gác lại. Thế nhưng với nhiều anh, chị, em công nhân, Tết năm nay là một cái Tết đầy khó khăn nhưng sẽ không ngừng hy vọng!

Ba mẹ mong con về nhưng không về thì ba mẹ gửi gà, thịt xuống!

“Năm nay không có thưởng Tết nên cả nhà em ở lại Sài Gòn, đành thất hứa với ba mẹ, hẹn một cái Tết khác “chúng con sẽ về”. Em đã thông báo với ba mẹ rồi, ba mẹ ngừng một lúc, không nói gì. Sau lại bảo “Ừ, khó quá thì ở lại Sài Gòn cũng được. Ba mẹ sẽ gửi gà, thịt heo, rau quả xuống mà ăn Tết”. Ba mẹ em nói vậy đó!” – Chị Kim Quyết, công nhân may đang trọ ở ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM chia sẻ về kế hoạch đón Tết Tân Sửu 2021 của gia đình.

Chị Quyết quê ở Đắk Lắk, chồng chị là anh Hoàng Nam quê Trà Vinh. Cùng làm công nhân, cùng chung xóm trọ, gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng. Cả nhà 3 người quây quần bên nồi bún cá do chị Quyết vừa nấu xong. Sau một ngày tăng ca, bữa cơm tối bắt đầu khi đã gần 21 giờ, khuôn mặt hãy còn lấm tấm mồ hôi nhưng chị cười tươi rói: “Lâu lắm rồi mới được tăng ca chị ơi. Thêm được chút tiền, Tết này đỡ khổ”.

Một cái Tết khó khăn nhưng sẽ không ngừng hy vọng vào năm mới!

Vợ chồng chị Quyết, anh Nam bên bữa cơm tối sau giờ tăng ca ngày cuối năm.

Chồng của chị Quyết là công nhân may, làm việc cho Công ty MDK (quận 12, TP.HCM) nhẩm tính, mọi năm, khi có thưởng Tết, vợ chồng anh gửi về biếu ba mẹ hai bên. Anh bảo: “Tiền không nhiều nhưng ba mẹ vui vì biết rằng khi có thưởng Tết tức là công việc của con ổn, cuộc sống của các con đang ổn. Năm nay, mới đầu tháng 11, ba mẹ đã gọi điện xuống nhắc nhở đừng gửi gì về cho ba mẹ cả. Năm nay gà, vịt ở nhà nhiều lắm, Tết này ba mẹ sẽ gửi xuống cho mà ăn Tết”.

Một cái Tết khó khăn nhưng sẽ không ngừng hy vọng vào năm mới!

Về quê hay ở lại Sài Gòn ăn Tết không còn là điều bận tâm với vợ chồng Quyết, mong mỏi lớn nhất của hai vợ chồng là năm sau có việc.

Bà Nguyễn Thị Thành, chủ nhà trọ nơi vợ chồng chị Quyết đang thuê, chia sẻ, dạo qua một vòng thấy năm nay mấy em ở lại Sài Gòn ăn Tết nhiều. Như vậy cũng hợp lý thôi vì năm nay khó khăn quá, nhiều công ty quanh đây đóng cửa, giải thể, công nhân không có việc làm.

Tết năm nào, bà Thành cũng tổ chức tất niên, tặng quà, lì xì đầu năm cho công nhân ở lại. Ngày đầu năm, công nhân ở lại kéo sang nhà bà chúc Tết, ngồi tràn ra cả sân. “Năm nay tôi định tất niên làm lớn hơn, quà tất niên cũng nhiều hơn để chia sẻ với mấy đứa. Hơn 100 phòng trọ, số tiền bỏ ra không phải nhỏ nhưng tôi thấy làm vậy là cần thiết để chia sẻ khó khăn với mấy em. Tết này tôi sẽ mua nhiều mứt hơn vì các em sẽ sang chơi đông, vì ở lại Sài Gòn ăn Tết nhiều hơn mọi năm”, bà Thành chia sẻ.

Cái Tết đơn giản nhưng đầy yêu thương của mẹ con Thảo

Lựa chọn ở lại Sài Gòn ăn Tết, Nguyễn Thị Thảo đang là công nhân của Công ty Thượng Đình (huyện Hóc Môn, TP.HCM), chuyên may mặc xuất khẩu. bảo: “Đây sẽ là một cái Tết đơn giản nhưng đáng nhớ và đầy yêu thương”. Thảo quê ở Hà Tĩnh, tính đến nay, Thảo đã có thâm niên 20 năm làm công nhân ở Sài Gòn. 20 năm xa quê, Thảo vẫn giữ chất giọng đặc trưng của của miền Trung hiền lành, chất phác.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng của công ty giảm sút nên sản xuất cầm chừng. Công nhân ngày làm, ngày nghỉ. Thảo và đồng nghiệp của mình hầu như chỉ nhận lương cơ bản. Với 8 năm gắn bó, mức lương cơ bản hiện tại của Thảo được hơn 5 triệu đồng/tháng.

Thảo thuê một chỗ trọ gần công ty, ở ghép với một bạn nữa để chia đôi tiền phòng. Hàng tháng, với số tiền hơn 5 triệu đồng, Thảo phải tính toán kỹ lưỡng để không phải vay mượn thêm. Thảo bảo: “Em từng có chồng nhưng bây giờ thì hết rồi”. Chồng Thảo có người khác khi con trai của hai người còn đỏ hỏn. Thảo kể: “Đời công nhân có gì đâu, ly hôn chỉ có mấy cái chén, dăm đôi đũa, một hai cái nồi, cái chảo. May đứa con còn quá bé nên tòa tuyên cho theo mẹ. Vậy là em được con”. Thảo một mình nuôi con từ đó.

Một cái Tết khó khăn nhưng sẽ không ngừng hy vọng vào năm mới!

Trong khó khăn, những công nhân xa quê luôn biết cách động viên nhau.

Ông bà nội giận con trai bạc nghĩa, thương mẹ con Thảo côi cút nên đưa cháu về chăm để Thảo yên tâm đi làm. Nhận lương ra, việc đầu tiên của Thảo là gửi ngay về cho ông bà nội 2 triệu đồng. Sau đó là tiền nhà trọ, điện, nước hết tầm 1 triệu đồng. Còn 2 triệu đồng Thảo dành cho mình, 30 ngày đằng đẵng chờ kỳ lương tiếp theo.

Thảo bảo, dù khó khăn nhưng năm 2020 là một năm đáng nhớ đối với hai mẹ con Thảo. Nhớ hồi tháng 4/2020, xã hội phải giãn cách vì Covid-19, công ty cho công nhân nghỉ việc, Thảo bắt xe về Bến Tre để thăm con. Thảo bảo: “Đó là những ngày thật đẹp. Em đưa con đi chơi, đi nhà sách. Em hỏi con muốn mua đồ chơi gì không, con em bảo “Con chỉ cần được mẹ đi họp phụ huynh cho con thôi. Các bạn có ba mẹ đi họp phụ huynh, vui lắm”. Thật may, đúng thời điểm đó họp phụ huynh cuối năm, em đã được đi họp phụ huynh cho con”.

Tết năm nay khi tiền bạc không được thoải mái lắm, Thảo dự định sẽ ăn Tết hai nơi: “Ông nội của bé chạy xe ôm, chạy xe máy được xa tốt lắm. Khi em nghỉ Tết, ông nội sẽ chở cháu từ Bến Tre lên đây với mẹ rồi ông quay về. Bé ở với em đến mùng 3 Tết, sau đó hai mẹ con sẽ cùng nhau về Bến Tre ăn Tết với ông bà nội. Năm nào cũng thế, mỗi lần em đưa bé đi mua sắm quần áo mới, bé đều bảo “con chỉ cần mẹ thôi, mẹ đi làm vất vả không cần mua áo quần cho con, tốn tiền”. Hình như con của công nhân nên bé cũng tự nhận phần thiệt thòi về mình chị ạ”.

Một cái Tết khó khăn nhưng sẽ không ngừng hy vọng vào năm mới!

Anh, chị, em ở xóm trọ công nhân vẫn tập trung trò chuyện nói về cái Tết đang đến gần và dự định năm mới.

“Khó khăn này là chung, đâu riêng gì mình đâu. Năm nay mặc áo quần cũ, nhà không có thịt heo chắc cũng chẳng ai trách đâu. Còn ngồi được với nhau, còn có công việc hết kỳ nghỉ Tết đi làm lại là vui lắm rồi. Năm Tân Sửu hy vọng được 'cày như trâu' để kiếm nhiều tiền” – Anh Hoàng Nam, chồng chị Quyết cười lớn.

Những ngày cuối năm Canh Tý, không khí xóm trọ vẫn náo nhiệt, rộn ràng. Sau giờ cơm tối, mọi người tập trung ở sân chung, trẻ em tụ tập vui chơi, người lớn ngồi bàn chuyện “Tết này ở lại Sài Gòn thì làm gì”.

Mấy hôm nay, công ty của chị Quyết tăng ca, một đơn hàng hiếm hoi trong những ngày cuối năm. Chị Quyết về nhà muộn nhưng thấy hàng xóm tập trung, chị cũng ngồi vào góp chuyện. Mọi người hẹn nhau, Tết này ở lại cùng nấu một nồi bánh tét và thức đón giao thừa ở phòng sinh hoạt chung của xóm trọ, cùng nhau đi xem đường hoa, đưa các con đi tới các khu vui chơi công cộng, mua vài túi mai giả về gắn lên cho có không khí Tết. Có người đề xuất cùng nhau đi xem một bộ phim Tết… Không khí xóm trọ phấn khởi, tràn ngập tiếng cười như chưa từng có một năm khó khăn vì dịch Covid-19 vừa đi qua!

Bài viết: Ngô Thụy

Trốn tránh khai báo - Có tội với đồng bào Trốn tránh khai báo - Có tội với đồng bào

Sáng nay (8/2), TP HCM bất ngờ công bố thêm 24 ca nhiễm Covid-19 và Hà Nội lại có thêm ca nhiễm mới được mô ...

Đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để CNLĐ được hoàn tiền mua vé Đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để CNLĐ được hoàn tiền mua vé

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản số 1623/TLĐ gửi Bộ Giao thông – Vận tải về việc tạo điều kiện ...

Công nhân khủng hoảng tinh thần vì lo nhiễm Covid-19 tại một công ty ở Hải Dương Công nhân khủng hoảng tinh thần vì lo nhiễm Covid-19 tại một công ty ở Hải Dương

Trong 3 ngày liên tiếp (5/2 - 7/2/2021), khoảng 3.000 công nhân lao động tại Công ty TNHH Vietory (Công ty Vietory) ở Hải Dương ...

Xem phiên bản di động