|
Công nhân khủng hoảng tinh thần vì lo nhiễm Covid-19 tại một công ty ở Hải Dương |
Tình hình căng thẳng của đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến việc làm, đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ảnh hưởng sâu sắc đến công nhân lao động nói riêng. Khi cái Tết đang cận kề, công nhân lao động ở Hải Dương, đang phải đương đầu với những khó khăn của dịch bệnh. Sáng 5/2/2021, tại Công ty TNHH Vietory (Công ty Vietory) ở Hải Dương đã phát hiện một công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở thị xã Kinh Môn đã yêu cầu công ty dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Trước yêu cầu trên, công ty đã thông báo cho toàn bộ công nhân lao động ngừng việc, cách ly tập trung tại công ty và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Trong 3 ngày liên tiếp (5/2 - 7/2/2021), khoảng 3.000 công nhân lao động được cách ly tập trung và lấy mẫu để xét nghiệm. |
Sự ngột ngạt, gò bó, thiếu thốn trong thời gian cách ly tại công ty |
Theo chia sẻ của một số công nhân lao động tại nơi cách ly, công ty chủ yếu cung cấp mỳ tôm, bánh gạo, sữa,… để công nhân ăn qua bữa, chờ đợi đến ngày trở về nhà. Do số lượng công nhân lớn dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt, vệ sinh cá nhân không được đầy đủ. Trong 3 ngày liên tiếp, công nhân không có nơi để tắm rửa và phải nghỉ ngơi tạm thời tại bộ phận làm việc. “Ở công ty, ăn uống không được đầy đủ, lúc thì bánh mỳ, lúc thì hộp sữa, mỳ tôm, không có chỗ thay đồ, vệ sinh cá nhân, ngột ngạt, gò bó, không có chỗ tắm rửa, chỉ lau người, không có nhà tắm. Có nhiều người phải ở lại cách ly nên thiếu nước sinh hoạt. Công ty những ngày đầu cho gia đình tiếp tế thức ăn, lương thực, nhưng hôm sau không cho tiếp tế, mà cũng không thông báo cho công nhân. Mình cảm thấy bức xúc vì công ty không cho ăn uống đầy đủ, không cho mang thực phẩm vào, người nhà cầm cơm đến nhờ bảo vệ công ty mang vào giúp thì họ thờ ơ, hời hợt, không quan tâm”, bạn N.T.T, 26 tuổi, Công ty Viettory, cho biết. |
Công nhân Công ty Viettory ăn mỳ tôm tại nơi cách ly. |
Khủng hoảng về tinh thần khi bị yêu cầu cách ly tập trung Nhiều công nhân lao động tại công ty cảm thấy hoang mang khi bất ngờ được thông báo phải cách ly, không cho phép rời khỏi công ty do có ca dương tính tại nơi mình làm việc, đồng thời tỏ rõ sự lo lắng về khả năng bản thân có thể sẽ bị mắc Covid-19. Họ trằn trọc không ngủ được trong suốt 3 ngày cách ly, phong tỏa tại công ty. Bạn T.T.P, 24 tuổi, Công ty Viettory, chia sẻ: “Hiện tại, công nhân lo bị nhiễm Covid-19 nhiều hơn việc có được về ăn Tết hay không, tự bản thân suy nghĩ xem đã tiếp xúc với ai, cho rằng tốt nhất là cứ ở lại cách ly để an toàn cho gia đình, con cái ở nhà. Còn vấn đề không được về ăn Tết, công nhân lao động đã xác định tinh thần. Về ăn Tết không còn là vấn đề trăn trở như trước”. Trong quá trình cách ly, công nhân không được công ty thông báo tình hình dịch bệnh, và chủ yếu nắm bắt thông tin thông qua mạng xã hội (facebook, zalo), Bộ Y tế,… Công nhân chủ yếu nắm bắt thông tin về dịch bệnh thông qua mạng xã hội (facebook, zalo)... Họ nóng lòng khi bạn bè, hàng xóm, người thân gia đình liên tục gọi điện, hỏi thăm tình hình cách ly: "Bao giờ được về, hỏi có cần cung cấp gì không, có cần tiếp tế gì không, dịch bệnh ở công ty thế nào rồi,…". Đặc biệt, đối với công nhân lao động có con nhỏ, họ không cầm nổi nước mắt khi con gọi điện “mẹ ơi, mẹ về đi, về ăn cơm, đi ngủ”. Sau 3 ngày cách ly tại công ty, chiều ngày 7/2/2021, mặc dù chưa có thông báo kết quả xét nghiệm, nhưng một số trường hợp công nhân lao động đã được chuyển về địa phương để cách ly tập trung tại các trường tiểu học, trung học cơ sở. Tại địa phương có cơ sở vật chất tốt hơn, đảm bảo sinh hoạt nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo về tình hình dịch bệnh và một cái Tết không được trọn vẹn. Đó là nỗi buồn gần nhà nhưng lại hóa xa, không được về với gia đình, con cái. Một số trường hợp có bầu và nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi, sau khi xét nghiệm được thông báo cho cách ly tại nhà, nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo âu, căng thẳng trước tình trạng dịch bệnh vẫn còn phức tạp. |
Sự chia sẻ động viên |
Trong thời gian cách ly, công nhân lao động được gia đình, bạn bè, người thân và người dân địa phương thường xuyên hỏi thăm, viện trợ thức ăn, nhu yếu phẩm hàng ngày phục vụ cho sinh hoạt và động viên tinh thần. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều phường trên địa bàn thị xã Kinh Môn đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các biện pháp phòng, chống dịch, kể cả trong tình huống xấu nhất. Chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ nhanh, kịp thời và sát sao tới những công nhân lao động bị cách ly. “Về địa phương cách ly hơn ở công ty rất nhiều. Mặc dù cách ly trong các trường học, nhưng còn thoải mái khi được lực lượng y tế quan tâm, được chính quyền địa phương chuẩn bị chu đáo đồ đạc, động viên tinh thần, chuẩn bị đồ ăn uống, đồ sát khuẩn, khẩu trang, đo nhiệt độ, cung cấp nước uống, đặc biệt xã đã cho lắp bình nóng lạnh để phục vụ sinh hoạt cho chúng tôi trong những ngày bị cách ly. Về địa phương, chủ yếu là cách ly theo dây chuyền. Những người hay làm cùng nhau ở công ty thì còn nói chuyện với nhau. Còn những người ở dây chuyền may, chặt, cao tần, y khoa,… tiếp xúc, trao đổi ít vì cũng sợ tình trạng ủ bệnh, dẫn đến lây nhiễm chéo”, chị B.T.H, 50 tuổi, Công ty Viettory, cho biết. Bên cạnh đó, nhiều công nhân lao động còn cảm thấy may mắn, khi người dân địa phương hiểu, thông cảm và quan tâm hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ họ trong thời gian bị cách ly, không bị kỳ thị và phân biệt đối xử. |
Nhiều phường trên địa bàn thị xã Kinh Môn đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các biện pháp phòng, chống dịch, kể cả trong tình huống xấu nhất. |
Mặc dù tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhưng công nhân lao động cũng nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc thực hiện cách ly và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên đã tuân thủ, thực hiện đúng theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của chính quyền địa phương. |
Công ty Vietory dừng hoạt động sau khi phát hiện một công nhân dương tính với Covid-19. |