Đầu năm 2024, tin vui truyền về Quảng Trị làm gần 1.000 người lao động các dự án phi chính phủ trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ sau chiến tranh vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Sau bao chờ đợi, cuối cùng, nhiệm vụ hằng ngày của họ đã được bổ sung vào danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Từ đây, người lao động được hưởng nhiều quyền lợi về thời gian làm việc, nghỉ phép, chế độ hưu trí, ốm đau… Làm nghề này, phụ nữ mang thai có thể được chuyển sang một công việc nhẹ, an toàn hơn hoặc giảm bớt thời gian lao động hằng ngày. Hôm nhận tin vui, anh Ngô Thiện Hoàng (sinh năm 1990) thắp nén hương thơm lên bàn thờ ba. Anh Hoàng là con trai của đội trưởng Ngô Thiện Khiết, một trong những nhân viên kỹ thuật giàu kinh nghiệm của Dự án RENEW/NPA. Tháng 5/2016, một vụ nổ bom chùm xảy ra khiến ông Khiết bị thương nặng, rồi trút hơi thở cuối cùng. Sự ra đi đột ngột của ông nhắc mọi người nhớ rằng “cuộc chiến” với bom mìn, vật nổ sau chiến tranh vẫn đang hiện diện, luôn tiềm ẩn những đau thương. Trong “cuộc chiến” ấy, có nhiều người đã và đang thầm lặng hiến dâng mồ hôi, xương máu cho một lý tưởng sống cao cả. “4 tháng sau khi ba qua đời, tôi và vợ là Trương Thị Mỹ Lệ đã nén đau thương, bước tiếp con đường của ông. Chúng tôi xin vào làm ở nơi mà ba cống hiến đến hơi thở cuối cùng, đó là Dự án RENEW/NPA”, anh Hoàng kể. Công việc rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ luôn tiềm ẩn những hiểm nguy. Tình nguyện nối bước ba đến với nghề “săn thần chết”, vợ chồng anh Ngô Thiện Hoàng sẵn sàng nhận về mình vất vả, hiểm nguy. Thế nhưng, khi bắt tay vào công việc, thử thách vẫn vượt xa so với những gì hai vợ chồng tưởng tượng. Chưa bao giờ đòi hỏi thiệt hơn nhưng vợ chồng anh Hoàng cũng như nhiều người lao động ở các dự án phi chính phủ đều trăn trở khi nghề mình đang làm không nằm trong danh mục công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành theo thông tư của Bộ LĐ-TB&XH. Đây cũng chính là lý do khiến họ không được hưởng các chế độ đáng có. Giữa những trăn trở, vợ chồng anh Ngô Thiện Hoàng và những người lao động khác rất mừng khi "tiếng lòng" mình được các cấp, ngành, đơn vị liên quan, đặc biệt là tổ chức Công đoàn lắng nghe, thấu hiểu. Điều đó khiến họ càng có thêm niềm tin để gửi gắm ý kiến tại các cuộc họp, diễn đàn… Rất nhanh sau đó, Công đoàn tỉnh Quảng Trị đã gửi kiến nghị của người lao động đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan. Nhờ thế, những người vất vả làm công việc “săn thần chết” đã nhận được tin vui ngay đầu năm mới 2024. |
Vợ chồng anh Ngô Thiện Hoàng nối bước người ba đã mất, góp sức giải quyết bom mìn, vật nổ |
Hôm nhận tin vui, anh Ngô Thiện Hoàng và người lao động làm việc tại các dự án phi chính phủ ở Quảng Trị nhắc nhiều đến vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn. Cách đây hơn 5 năm, hay tin về việc xây dựng công đoàn cơ sở thành viên tại các dự án, mỗi người lao động mang một suy nghĩ riêng. Có ý kiến cho rằng, sự ra đời của công đoàn cơ sở thành viên trong các dự án là không cần thiết. Với một số người, hoạt động công đoàn chỉ gây làm tốn thời gian, công sức, tiền bạc… Có cá nhân dự đoán mối quan hệ giữa ban chấp hành công đoàn cơ sở thành viên và người sử dụng lao động trong các dự án sẽ sớm nảy sinh bất đồng. Nhắc lại chuyện cũ, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Tuấn nở nụ cười. Anh Tuấn khẳng định, trước những ý kiến trái chiều, bản thân và nhiều người lao động khác vẫn luôn tin tưởng vào tương lai của công đoàn cơ sở thành viên trong các dự án phi chính phủ. Nhận được sự hỗ trợ tích cực từ công đoàn cấp trên, họ như tiếp thêm động lực. Ai cũng quyết tâm giúp công đoàn cơ sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là trong xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nội quy lao động... “Hiện nay, Công đoàn Sở Ngoại vụ có 6 công đoàn cơ sở thành viên, với gần 1.000 đoàn viên là người lao động ở các dự án. Khác trước kia, các đoàn viên đã hiểu rõ vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn và trách nhiệm của mình. Tiếng nói của người lao động ngày càng có sức nặng”, Phó Chủ tịch Công đoàn Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Tuấn báo tin vui. Đoàn viên Công đoàn cơ sở thành viên Dự án Cây hòa bình Việt Nam tham gia hoạt động chung tay bảo vệ môi trường biển. Theo lời giới thiệu của anh Tuấn, chúng tôi gặp Chủ tịch Công đoàn cơ sở thành viên Dự án Cây hòa bình Việt Nam Hồ Sỹ Thanh. Anh Thanh gắn bó với dự án từ năm 2017, thuộc tuýp người uy tín, giàu tình cảm, trách nhiệm. Vì thế, khi công đoàn cơ sở thành viên thành lập ở dự án, anh lập tức được “chọn mặt gửi vàng”. Buổi đầu, anh Thanh rất lo lắng. “Nhận nhiệm vụ thì dễ nhưng làm sao gánh vác cho tròn mới là chuyện khó. Công đoàn cơ sở thành viên Dự án Cây hòa bình Việt Nam có khá đông đoàn viên. Mỗi người một hoàn cảnh, cá tính, lại làm việc ở nhiều địa bàn khác nhau. Riêng việc tập hợp đông đủ đoàn viên đã không dễ”, anh Thanh nói. Trước thực tế ấy, anh Hồ Sỹ Thanh xác định, phải gỡ khó từ từ, tuần tự. Việc cần ưu tiên là xây dựng đội ngũ ban chấp hành và các tổ Công đoàn vững mạnh. Tiếp đó, anh và các cán bộ công đoàn khác lựa chọn những hoạt động, phong trào phù hợp với đặc điểm, tình hình để triển khai. Ai cũng nỗ lực với phương châm: “Tất cả vì quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động”. Với những bước đi đầy quyết tâm, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở thành viên Dự án Cây hòa bình Việt Nam đã làm được những điều mà trước đây từng nghĩ là không thể. Từ xa lạ, các cán bộ, đoàn viên gắn bó với nhau như thành viên trong một nhà. Đến Công đoàn cơ sở thành viên Dự án Cây hòa bình Việt Nam, gặp người lao động nào cũng có thể lắng nghe những mẩu chuyện đầy ý nghĩa về tình cảm dành cho tổ chức Công đoàn. Công đoàn cơ sở từ lâu đã trở thành ngôi nhà thứ hai của 182 đoàn viên. Trong mái nhà đó, không ai phải chịu cảnh thiệt thòi, đơn độc. Biết tin đoàn viên nào gặp khó khăn, các cấp công đoàn và đoàn viên ở dự án đều nhiệt thành chung tay giúp đỡ. “Vợ chồng em tốt nghiệp đại học nhiều năm nhưng không tìm thấy công việc để làm. Nhờ Dự án Cây hòa bình Việt Nam, chúng em đã có việc, có lương, thoát cảnh chạy gạo từng bữa. Hay tin chúng em không có nhà để ở, các cấp công đoàn và đoàn viên trong dự án đã chung tay hỗ trợ. “Mái ấm Công đoàn” là giấc mơ có thật của vợ chồng chúng em”, chị Hồ Thị Duyên - đoàn viên Công đoàn cơ sở thành viên Dự án Cây hòa bình Việt Nam bộc bạch. |
Tập thể lãnh đạo dự án và đoàn viên Công đoàn cơ sở thành viên |
Hôm chúng tôi liên lạc phỏng vấn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở thành viên Dự án Cây hòa bình Việt Nam Hồ Sỹ Thanh và các đoàn viên vừa trở về từ chương trình “Chung tay bảo vệ môi trường”. Từ sự vận động của công đoàn cơ sở thành viên dự án, gần 80 đoàn viên, người lao động và đông đảo thân nhân của họ đã đội nắng, đội gió nhặt nhạnh từng mảnh rác với mong muốn làm cho biển Cửa Việt sạch hơn. “Trước đây, đoàn viên chúng tôi chỉ tập trung làm công việc được… trả lương. Từ ngày có tổ chức Công đoàn, họ tham gia các hoạt động cộng đồng nhiều hơn. Đây là năm thứ 6 đoàn viên chúng tôi tham gia chương trình “Chung tay bảo vệ môi trường”. Những ngọn lửa thiện nguyện đã được nhen lên và lan tỏa”, anh Thanh nói một cách hình ảnh. Không chỉ đối với Dự án Cây hòa bình Việt Nam, những “ngọn lửa thiện nguyện” cũng đã được nhen lên trong tất cả công đoàn cơ sở thành viên trực thuộc Công đoàn Sở Ngoại vụ. Ngọn lửa đó sớm tỏa lan ở khối óc, trái tim gần 1.000 đoàn viên, tạo nên sức mạnh to lớn. Tại Dự án MAG, anh Hoàng Minh Phương, Chủ tịch công đoàn cơ sở thành viên đã có 25 năm gắn bó với công việc rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ. Trước đây, khi chưa có tổ chức Công đoàn, người lao động ở dự án thường chỉ tập trung lo việc của mình. Chuyện thăm nom nhau mỗi lúc ốm đau thường diễn ra tự phát, trong một nhóm người lao động nhất định. Từ ngày Công đoàn cơ sở thành viên Dự án MAG được thành lập, cán bộ, đoàn viên không chỉ biết lo cho nhau mà còn hướng trái tim yêu thương đến những phận người nghèo khó. Đoàn viên Công đoàn cơ sở thành viên Dự án MAG hỗ trợ đoàn viên và người dân gặp hoạn nạn. Theo anh Hoàng Minh Phương, Công đoàn cơ sở thành viên Dự án MAG có 570 đoàn viên. Nếu trên dưới thuận lòng thì việc khó đến đâu cũng có thể làm được. Hiểu điều đó, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở thành viên Dự án MAG đã nỗ lực kết nối, giúp đoàn viên tạo ra những việc làm tốt đẹp giúp đời, giúp người. Đặc biệt, mỗi lúc người dân trên địa bàn gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tinh thần vì cộng đồng trong đoàn viên Công đoàn cơ sở thành viên Dự án MAG lại nhân lên rất cao. Nhiều đợt hỗ trợ đột xuất cho nạn nhân bom mìn, người bị tai nạn giao thông đã được công đoàn cơ sở phát động, mang về hàng chục triệu đồng. Mới đây nhất, nhận thông tin vụ tai nạn bom mìn nghiêm trọng khiến anh T.Đ.H., trú tại xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh tử vong, Công đoàn cơ sở thành viên Dự án MAG đã huy động được 16 triệu đồng để hỗ trợ gia đình. Ngược dòng thời gian, hôm công đoàn cơ sở thành viên ra đời, có một điểm chung là lãnh đạo các dự án phi chính phủ ở Quảng Trị đều gửi gắm niềm tin, hy vọng về một làn gió mới do tổ chức Công đoàn mang lại. Không phụ sự chờ mong ấy, công đoàn cơ sở ở các dự án đều sớm đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Từ khi thành lập đến nay, công đoàn cơ sở thành viên và lãnh đạo các dự án phi chính phủ luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp. Nhiều lãnh đạo các dự án còn tích cực phối hợp, trở thành nhân tố tích cực, đóng góp có hiệu quả cho hoạt động công đoàn. |
Đoàn viên Công đoàn cơ sở thành viên Dự án MAG giúp đỡ hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai. |
|