Kinh nghiệm phượt Hà Nội - Đà Nẵng bằng ô tô
Kinh tế - Xã hội - 10/05/2022 09:30 OFer Viet Cat
1. Chuẩn bị:
- Lựa chọn khung thời gian: hiện tại có khá nhiều người đủ khả năng và có mong muốn đi du lịch bằng ô tô, vậy nên cần lựa chọn khung thời gian phù hợp để tránh đi vào mùa cao điểm. Điều này cũng giúp giảm căng thẳng khi phải di chuyển trên đường dài và đông đúc, giảm khả năng phải chen lấn khi thăm các điểm du lịch, giúp dễ dàng đặt được khách sạn có vị trí đẹp với giá hợp lý và tránh rủi ro bị chặt chém.
- Lên lịch trình dự kiến: để tránh việc bị bị động trong quá trình di chuyển, cần lên lịch trình dự kiến cho chuyến đi, bao gồm: khung thời gian, điểm đến, quãng đường, các điểm ăn nghỉ, điểm vui chơi. Việc lên lịch trình cần được thực hiện trước khi đi khoảng 1-2 tháng để đủ thời gian cân nhắc, thay đổi, nghiên cứu các khả năng hoặc phương án thay thế cho phù hợp với thực tế. Để chuyến đi không bị quá mệt mỏi, cần cân nhắc các yếu tố sau:
+ Số lượng người tham gia chuyến đi (số lượng người lớn và trẻ em).
+ Số lượng người có thể lái xe (điều này sẽ quyết định khá nhiều đến việc lựa chọn và sắp xếp lịch trình di chuyển).
+ Số lượng xe tham gia chuyến đi (điều này cần được cân nhắc để có sự điều chỉnh lịch trình phù hợp với số lượng lái xe trên mỗi xe cũng như đảm bảo xe đủ rộng rãi tránh mệt mỏi khi đi đường dài).
Ảnh: OFer Viet Cat |
+ Cân nhắc sức khoẻ của các thành viên và khả năng lái xe của mỗi lái xe để lên lịch trình và khung thời gian di chuyển cũng như nghỉ ngơi hợp lý. (VD: xe có trẻ nhỏ hoặc người có tuổi thì nên di chuyển quãng ngắn, nghỉ ngơi nhiều hay tránh đi đêm nếu lái xe mắt kém, hay bố trí những đoạn đường dễ cho lái mới, đoạn đường khó cho lái cứng...).
+ Thông tin về điểm đến: thời tiết, nơi ăn nghỉ, địa điểm tham quan, các hoạt động, sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian thăm quan (cho phép sắp xếp lộ trình, thứ tự di chuyển và nghỉ ngơi hợp lý).
Nếu có lịch trình hợp lý, mọi người trong đoàn sẽ không bị quá mệt và có thể đi được dài ngày hơn, đi được nhiều điểm hơn, tiết kiệm thời gian hơn.
- Chuẩn bị về phương tiện: tốt nhất là nên đưa đi bảo dưỡng, kiểm tra tổng thể trước khi lên đường để đảm bảo xe vận hành an toàn trong suốt chuyến đi.
Bên cạnh đó, nên chuẩn bị thêm một số đồ cứu hộ mang theo bởi vì nhiều người đi xe trong phố quen nên đi xa không lường hết được những khó khăn gặp phải và những đồ "cần phải có mà không dùng, còn hơn lúc cần dùng còn không có", kèm theo là những kỹ năng sử dụng các đồ đó.
+ Nước làm mát: với những chuyến đi xa có thể chạy dài trên đường thì với các xe cũ rất cần mang theo dung dịch làm mát dự phòng, tránh trường hợp phải đổ nước lọc vào khi thiếu nước - hết nước làm mát. Chỉ cần một chai tầm 1 lít là yên tâm không phải nghĩ. Nên để riêng tránh nhầm lẫn với các chai khác.
+ Lốp sơ cua cần được kiểm tra kỹ. Kèm theo đó là bộ vá dùi, tất nhiên phải có kỹ năng sử dụng, cái này cần được học và thực hành. Hãy hình dung đi qua dải cát trắng Quảng Bình rất đẹp, tuy nhiên sẽ có lúc chạy cả 1-2 tiếng trên đường mà chỉ có một mình mình, lúc đó xe mà thủng, không thay lốp dự phòng được hoặc không vá lốp được có phải dở không?
+ Bơm điện cắm tẩu: dùng trong trường hợp có lỗ thủng nhỏ nhưng hơi xì ra, tuy không nhiều. Và dùng khi phải vá dùi.
+ Nước rửa kính, đi trong phố có thể ko phải (và không nên) xịt nước rửa kính nhiều, tuy nhiên đi xa, chạy sau các xe tải thì rất bụi nên cần xịt nước rửa kính nhiều hơn bình thường. Đổ đầy bình xe và mang đi tầm 1-2 lít là yên tâm.
+ Cáp kéo xe: phòng khi rửng mỡ cho xe 1 cầu xuống dải cát đẹp lượn :)) có cáp thì cũng phải có xe mới nhờ cứu được.
+ Dây câu bình: có càng tốt.
- Chuẩn bị về sức khoẻ: Đây là yếu tố quan trọng và có thể ảnh hưởng quyết định đến cả chuyến đi.
- Chuẩn bị về tài chính: dựa trên lịch trình dự kiến, cần ước lượng được khoản tài chính đủ để đi hết lịch trình đặt ra (có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản hoặc cả hai). Khoản tài chính này nên được chia ra cho nhiều người cất giữ nhằm tránh trường hợp bị rơi, trộm cắp, lừa đảo....
- Chuẩn bị đồ dùng cá nhân: tuỳ vào thời tiết, địa điểm và khoảng thời gian của chuyến đi, cần chuẩn bị đồ dùng cá nhân phù hợp (mùa lạnh hoặc điểm đến có thời tiết lạnh thì cần có quần áo ấm, nếu dự kiến ra biển thì cần có đồ bơi, nếu trời nắng thì nên có mũ....). Số đồ dùng này cần tính toán số lượng vừa đủ để tránh việc mang quá nhiều khiến chật xe, mất công sắp xếp, tích trữ. Nếu có thể thì nên dùng đồ sử dụng một lần, việc này sẽ giúp giảm bớt không gian và hạn chế việc phải giặt ủi, phơi phóng.
Ảnh: OFer Viet Cat |
- Một số đồ dùng khác cần chú ý chuẩn bị:
+ Kính râm: nếu đi vào mùa hè hoặc vào thời gian trời nắng thì nên mang theo kính để lái xe đỡ chói mắt
+ Áo chống nắng: nghe hơi kỳ với việc đi xe ô tô nhưng khi di chuyển trên quãng đường dài thì dù với trời nắng nhẹ, người lái xe và người ngồi hàng ghế trước vẫn phải chịu sự phơi nắng trong thời gian dài. Điều này rất không tốt cho da. Vậy nên cần có áo chống nắng. Yên tâm là điều hoà đủ mát nên không sợ mặc áo chống nắng bị nóng đâu.
+ Thuốc nhỏ mắt V Rohto: nếu di chuyển vào buổi tối thì không thể thiếu cái này do các xe trên đường sử dụng đèn pha, đèn led vô tội vạ dẫn đến mắt bị chói rất khó chịu. Mỗi vài tiếng nhỏ 1-2 giọt V Rohto sẽ giúp dịu mắt đi nhiều.
+ Đồ ăn nhẹ, nước uống: việc lái xe và ngồi trên xe thời gian dài thực ra khá tốn sức. Uống nước đầy đủ và ăn nhẹ bổ sung trong quá trình di chuyển sẽ giúp phục hồi sức khoẻ và sự tỉnh táo.
+ Thuốc cảm sốt, chống tiêu chảy và đồ sơ cứu: trong suốt chuyến đi dài qua nhiều địa phương với khí hậu và thức ăn khác nhau và vui chơi nhiều điểm khác nhau, có thể có người trong đoàn bị cảm sốt hoặc đau bụng hay đứt tay, xước xát. Chuẩn bị sẵn những đồ này sẽ giúp xử lý nhanh các tình huống phát sinh.
2. Lên đường:
- Lộ trình: Từ Hà Nội vào Đà Nẵng không quá xa nhưng cũng mất khoảng từ 14 đến 16 giờ.
+ Tuỳ vào thành phần tham gia của đoàn (số lượng lái xe, người già, trẻ nhỏ), có thể chia lộ trình thành 1 hoặc 2 chặng. Có thể lựa chọn đi theo tuyến đường 1A hoặc đường mòn Hồ Chí Minh. Đường 1A mất nhiều phí BOT, nhưng ngắn hơn, có nhiều điểm dừng nghỉ, tham quan dọc đường.
+ Nếu chuyến đi dài ngày, khuyến cáo nên đi thẳng (1 hoặc 2 chặng) vào Đà Nẵng rồi khi quay trở ra Hà Nội sẽ chia thành nhiều chặng nhỏ từ 200-300km/ngày. Cách đi này sẽ tận dụng được khoảng thời gian đầu đang háo hức và còn nhiều sức, đi thẳng sẽ ít cảm thấy mệt hơn. Khi quay trở ra, đi chặng ngắn, vừa chơi, vừa nghỉ sẽ cảm thấy đỡ mệt mỏi và đỡ căng thẳng.
- Chú ý trên đường: Lỗi hay gặp nhất trên tuyến đường này là lỗi tốc độ và liên quan đến tránh vượt.
+ Lỗi tốc độ: vì có nhiều đoạn đi qua khu dân cư nên rất nhiều đoạn được cắm biển khu đông dân cư. Bên cạnh đó là các đoạn được cắm biển hạn chế tốc độ theo 2 dạng: biển hạn chế tốc độ P.127 hoặc biển hạn chế tốc độ trong khu vực R.E,9d. Các biển này thường chỉ được cắm một bên đường mặc dù đường có 2-3 làn hoặc sau đoạn cua khuất. Cộng thêm việc trên đường có nhiều xe to (xe tải, công ten nơ, xe khách) di chuyển hoặc dừng đỗ ở làn sát lề đường khiến cho biển bị che khuất. Do vậy, cần quan sát cẩn thận để tránh bị bắn tốc độ oan. Ngoài ra, chú ý tại Quảng Trị có cắm biển hạn chế tốc độ 40km/h ở đoạn gần trung tâm Thành phố Đông Hà. Khá nhiều biển hạn chế tốc độ P.127 được cắm với ý đồ hạn chế tốc độ qua (1 hoặc nhiều) nút giao. Các biển này cắm như vậy là sai (biển P.127 hết tác dụng tại nút giao), nhưng để tránh phiền phức không cần thiết, lái xe nên đi theo biển này.
+ Lỗi tránh vươt: nhiều đoạn đường có cắm biển cấm vượt hoặc có đoạn kẻ vạch liền bất chợt. Cần chú ý biển báo và hạn chế vượt nếu không cần thiết để tránh lỗi vượt nơi cấm vượt hoặc đè vạch liền. Ngoài ra, có một số đoạn đường quanh co, CSGT hay vẫy lỗi vượt nơi đường cong tầm nhìn hạn chế. Lỗi này bắt chưa thật chuẩn nhưng lái xe nên tránh để tránh phiền phức và đảm bảo an toàn cho mình.
+ Lựa chọn đi xuyên qua thành phố hoặc đi tuyến tránh: đi xuyên qua thành phố sẽ tránh được xe to nhưng tốc độ sẽ chậm hơn do mật độ xe máy cao và có nhiều điểm giao cắt đèn xanh đỏ. Đi tuyến tránh sẽ nhanh hơn nhưng đường hẹp, nhiều xe to chạy tốc độ cao và vượt ẩu. Đi qua Quảng Bình thì nên đi tuyến tránh vì ở đây có cồn cát trắng rất đẹp. Chụp ảnh rất đẹp.
+ Các điểm cần chú ý khác: đường có nhiều điểm mở dải phân cách và đường dân sinh giao cắt với đường quốc lộ, người dân hay lao xe qua hoặc thậm chí trèo qua dải phân cách, Lái xe cần chú ý chủ động quan sát, giảm tốc độ để tránh va chạm. Xe tải, xe công te nơ thường bám làn sát dải phân cách, xe con nên chạy làn thứ 2 vì thường là các xe to đa số không nhường cho xe con vượt. Việc chạy làn thứ 2 này cũng cho phép lái xe quan sát được xe cắt ngang đường dễ hơn. Tuy nhiên cần chú ý xe máy chạy cùng chiều do họ hay lấn ra làn thứ 2 để đi. Dân 2 bên đường thường thả rông chó và bò ra đường, nên cần chú ý để tránh va chạm.
- Dừng nghỉ trên đường: Đường 1A có rất nhiều điểm dừng nghỉ. Nên ăn nghỉ ở những chỗ có nhiều xe tải vì lái xe tải thường chọn điểm ngon bổ rẻ. Ngoài ra có thể nghỉ, đi vệ sinh ở các trạm xăng hoặc kết hợp ăn nghỉ và thăm quan các điểm dọc đường (Lăng Cô, Bãi Đá Nhảy, Đền Ông Hoàng Mười, Đền Bà Triệu, Đền Cuông....)
3. Ăn nghỉ:
- Nghỉ: Trừ khi đi vào đúng dịp lễ hoặc mùa cao điểm du lịch, thì cần đặt phòng trước. Còn lại thì chỉ cần chuẩn bị sẵn danh sách các khách sạn tại điểm dự kiến sẽ đến, khi chuẩn bị đến nơi (hoặc trước 1 ngày) thì check giá phòng trên các trang đặt phòng rồi chọn nơi phù hợp nhất mà đặt. Khi đặt phòng thì cần check cẩn thận với khách sạn về chỗ để ô tô do nhiều khách sạn ko có chỗ đỗ ô tô mà phải đi gửi ở nơi khác sẽ bất tiện. Không nên chọn khách sạn quá đắt vì mình chỉ ngủ là chủ yếu và sử dụng ít tiện ích mà khách sạn cung cấp.
- Ăn: Nên tham khảo trước những nơi ăn uống ở khu vực mình đến. Do khẩu vị mỗi vùng miền mỗi khác, nên chọn những nơi mà người Bắc sống ở đó hoặc người Bắc đã ăn thử và thấy ngon. Thường thì các quán bình dân sẽ ngon hơn nhà hàng. Chú ý hỏi giá trước khi sử dụng dịch vụ để tránh tranh chấp ko đáng có.
- Xác định tâm lý trước là lịch trình ăn nghỉ có thể thay đổi do nhiều lý do khách quan (thời tiết xấu, sức khoẻ, tắc đường...).
4. Những thứ khác:
- Di chuyển bằng ô tô sẽ tốn ít hơn so với đi bằng máy bay hay tàu hoả nhưng tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Bù lại là sự chủ động, cơ hội chiêm ngưỡng rất nhiều cảnh đẹp dọc đường.
- Người lớn thường cảm thấy mệt mỏi hơn trẻ con. Trẻ con chơi xong ăn, rồi ngủ nên chúng nó chả thấy mệt đâu.
- Nên đặt nhẹ việc hoàn thành lộ trình dự kiến mà đặt nặng vào trải nghiệm. Cứ chỗ nào đẹp là chơi, mệt là nghỉ.
- Chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường những nơi mình qua. Bỏ rác vào nơi quy định hoặc gói gọn rác của mình mang về nơi có chỗ thu rác. Cảnh quan có bền vững hay không là do chính mỗi chúng ta.
- Tuân thủ pháp luật, giao thông an toàn, văn minh để có một chuyến đi trọn vẹn.
Chúc mọi người có chuyến đi vui vẻ và an toàn!
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 13:23
Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
Bạn đã bao giờ tưởng tượng mình sẽ lái một chiếc Ford Ranger chinh phục những địa hình hiểm trở? PVOIL VOC 2024 đã biến điều đó thành hiện thực cho hàng trăm người đam mê off-road tại Việt Nam.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng