e magazine
04/04/2021 09:10
Kinh nghiệm nâng cao chất lượng đối thoại tại nơi làm việc

04/04/2021 09:10

Ngày 3/4, Công đoàn Khu công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng (KCNC và các KCNC) phối hợp với Viện Công nhân Công đoàn tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đối thoại tại nơi làm việc kinh nghiệm một số doanh nghiệp ở khu công nghiệp Đà Nẵng và khuyến nghị chính sách”.
Kinh nghiệm nâng cao chất lượng đối thoại tại nơi làm việc

Ngày 3/4, Công đoàn Khu công nghệ cao và Các khu công nghiệp (KCNC và Các KCN) Đà Nẵng phối hợp với Viện Công nhân Công đoàn tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đối thoại tại nơi làm việc: Kinh nghiệm một số doanh nghiệp ở KCN Đà Nẵng và khuyến nghị chính sách”.

Tại buổi tọa đàm, nhiều vấn đề liên quan đến việc tổ chức đối thoại làm sao để đạt được hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho cả người sử dụng lao động và người lao động được các khách mời tham gia thảo luận sôi nổi.

Còn mang tính hình thức

Theo TS. Nguyễn Mạnh Thắng – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Công nhân Công đoàn, buổi tọa đàm là dịp để các công đoàn cơ sở (CĐCS) được chia sẻ, trao đổi các kinh nghiệm về tổ chức đối thoại. Cũng qua đó, CĐCS có thể chia sẻ cởi mở về những khó khăn, ý kiến, khuyến nghị để công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ hay điều chỉnh các cách thức sao cho phù hợp.

Cũng theo ông Thắng, hiện nay tất cả các buổi đối thoại đều liên quan đến quyền và lợi ích. Đối thoại chỉ chủ yếu về lợi ích, bởi vì quyền đã được quy định trong luật và người lao động đương nhiên được hưởng. Nếu doanh nghiệp, người sử dụng lao động không thực hiện các quyền có nghĩa là họ đã làm sai quy định của pháp luật, điều này không cần là đối thoại. "Còn lợi ích như hỗ trợ thêm tiền xăng xe từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng, bữa ăn quy định 15.000 đồng nhưng thỏa thuận lên 20.000 đồng... cần phải đối thoại, làm thế nào để hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động", ông Thắng nói.

Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ để nâng cao chất lượng đối thoại tại nơi làm việc
TS. Nguyễn Mạnh Thắng – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Công nhân Công đoàn tại buổi tọa đàm.

Báo cáo tại tọa đàm, bà Lê Thị Ngọc Oanh – Phó Chủ tịch Công đoàn KCNC và Các KCN Đà Nẵng cho biết, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết về đẩy mạnh đối thoại tại doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 thì trên địa bàn KCNC và các KCN được phân cấp quản lý, số đơn vị đã tổ chức đối thoại tại nơi làm việc hằng năm đạt tỷ lệ bình quân từ 55% đến 65% với nhiều hình thức như: đối thoại hằng tuần, tháng, quý theo quy định hoặc đối thoại khi có yêu cầu.

Tuy vậy, chất lượng của các buổi hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc chưa cao, còn mang nặng tính hình thức, người lao động chưa mạnh dạn đóng góp ý kiến do tâm lý vẫn còn e ngại, sợ bị ảnh hưởng đến công việc. Một số doanh nghiệp chưa tổ chức được đối thoại định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu nhưng thực tế vẫn xây dựng hồ sơ đối thoại để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước hoặc khách hàng khi kiểm tra. Vì vậy, công tác đối thoại chưa thực chất, quyền “được biết, được tham gia, được kiểm tra, giám sát” theo quy định của người lao động bị hạn chế.

Các quy định về thực hiện quy chế dân chủ và đối thoại tại nơi làm việc theo Nghị định 60 và Nghị định 149 sửa đổi, bổ sung Nghị định 60 đã có nhiều thay đổi linh hoạt hơn, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp và CĐCS, tuy nhiên chất lượng tổ chức hội nghị người lao động vẫn còn thấp, trung bình từ năm 2016 đến 2019 đạt khoảng 28%.

Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ để nâng cao chất lượng đối thoại tại nơi làm việc
Bà Lê Thị Ngọc Oanh – Phó Chủ tịch Công đoàn KCNC và Các KCN Đà Nẵng tại buổi tọa đàm.

Bà Oanh cũng nêu một số hạn chế trong việc tổ chức đối thoại như vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng quy chế đối thoại hoặc xây dựng để đối phó, không áp dụng, không tổ chức lấy ý kiến người lao động và CĐCS, chưa tổ chức đối thoại theo quy định hoặc tổ chức lồng ghép với giao ban, sơ kết, tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; không bầu các thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại; khi đối thoại không đủ căn cứ để phân tích, giải trình nội dung đối thoại; phương pháp, kỹ năng đối thoại còn hạn chế. Việc tổng hợp ý kiến, các đề xuất, kiến nghị của người lao động để chuẩn bị nội dung đối thoại còn chưa đầy đủ, chưa kịp thời; các ý kiến chủ yếu tập trung vào quyền lợi của người lao động, chưa quan tâm đến các giải pháp tham gia quản lý, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp...

Những điểm sáng tại cơ sở

Bên cạnh những hạn chế được nêu, tại buổi tọa đạm, nhiều chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp trong các KCN Đà Nẵng cũng chia sẻ các cách thức tổ chức các buổi tọa đàm mà bước đầu tạo được những hiệu quả nhất định khi mối quan hệ lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động được duy trì tốt.

Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ để nâng cao chất lượng đối thoại tại nơi làm việcÔng Bùi Minh Vũ – Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Điện Tử Foster (Đà Nẵng) chia sẻ về những kinh nghiệm trong tổ chức các buổi đối thoại tại cơ sở.

Ông Bùi Minh Vũ – Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Điện Tử Foster (Đà Nẵng) cho rằng phải xử lý ngay những bức xúc hằng ngày, không đợi đến đối thoại định kỳ, bởi những bức xúc đó nếu để âm ỉ sẽ trở thành những vấn đề lớn.

“Hằng ngày, chúng tôi có những cuộc họp giao ban giữa các bộ phận sản xuất, trong đó có công đoàn. Khi có bất cứ vấn đề, kiến nghị gì thì sẽ được giải quyết luôn trong ngày hôm đó. Ngoài ra, chúng tôi có hộp thư công đoàn, fanpage - được lãnh đạo công ty công nhận là nơi để người lao động góp ý. Từ hộp thư và fanpage đó các ý kiến sẽ được xử lý, giải quyết. Bên cạnh đó, hằng tháng chúng tôi sẽ có những cuộc họp bao gồm bộ phận tổng vụ, ban chấp hành công đoàn, đại diện các nhà cung cấp liên quan mật thiết đến các vấn đề phát sinh hằng ngày như nhà ăn, nước uống, máy lạnh,… Nếu xảy ra các vấn đề, thì đại diện những nhà cung cấp đó phải đối thoại với ban chấp hành công đoàn, lãnh đạo công ty để giải quyết các vấn đề bức xúc”, ông Vũ cho biết.

Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ để nâng cao chất lượng đối thoại tại nơi làm việc
Ông Vũ Tú Nam – Chủ tịch CĐCS Công ty CP Thủy sản Bắc Trung Nam đưa ý kiến tại toạ đàm.

Còn theo ông Vũ Tú Nam – Chủ tịch CĐCS Công ty CP Thủy sản Bắc Trung Nam thì vị trí chủ tịch CĐCS cần phải là người có tiếng nói với chủ doanh nghiệp. Cụ thể, chủ tịch CĐCS phải có kinh nghiệm, có độ tuổi và có vị trí quản lý trong công ty thì khi đối thoại với chủ doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng nhấn mạnh, để tổ chức được một buổi đối thoại hiệu quả thì việc nắm bắt thông tin, càng cụ thể vấn đề càng tốt. Hơn nữa, tất cả các ý kiến đưa lên, dù nhỏ nhất cũng cần được xử lý ngay. Đối thoại phải xuất phát từ những lợi ích dù là nhỏ nhất của người lao động.

Sau khi lắng nghe chia sẻ của các CĐCS, ông Phạm Thanh Hiền – Phó ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ Đà Nẵng cho rằng nếu các đơn vị thực hiện đối thoại đột xuất hiệu quả thì sẽ giảm tải được bức xúc trong mối quan hệ lao động tại thời điểm đó và giảm áp lực, giảm tải nội dung lên các buổi đối thoại định kỳ.

Xuân Hậu

Đồ họa: Minh Hồng

Trai xinh – Gái đẹp các khu công nghiệp tuần 7: “Dành cả thanh xuân để đi du lịch” Trai xinh – Gái đẹp các khu công nghiệp tuần 7: “Dành cả thanh xuân để đi du lịch”

Sau những ngày làm việc vất vả, nhiều bạn công nhân có sở thích đi du lịch, khám phá những vùng đất mới. Đây cũng ...

Công ty Vinaship: Sắp xếp đội tàu, thu hút sỹ quan, thuyền viên chất lượng cao Công ty Vinaship: Sắp xếp đội tàu, thu hút sỹ quan, thuyền viên chất lượng cao

Đây là một trong những nội dung chính được các đại biểu thống nhất nghiêm túc thực hiện tại Hội nghị đại biểu người lao ...

Cực lực lên án vụ tra tấn trẻ em man rợ tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP HCM Cực lực lên án vụ tra tấn trẻ em man rợ tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP HCM

Tối 31/3, phát hiện người leo rào vào khuôn viên Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP HCM, bảo vệ nhà trường phối ...

Xem phiên bản di động