"Không ai nghĩ sau 15 năm, VOC có tới 100 đội đua và hàng vạn khán giả"
Kinh tế - Xã hội - 15/09/2022 10:26 PHƯƠNG HUYỀN
[PVOIL VOC 2022] 'Biết sao giờ, máu nhiễm bùn mất rồi!' [PVOIL VOC 2022] Giải đấu kỷ niệm 15 năm, mở rộng quy mô |
Chỉ có hai đội đua, 7 vận động viên, cùng hai chiếc xe đơn giản không độ đẽo như những "chiến mã" offroad hiện tại, chẳng ai nghĩ Vô lăng vàng 2008 là tiên thân của một giải đua xe địa hình chuyên nghiệp như VOC bây giờ. Ngay cả Ngô Việt Hưng (Noza), nhà vô địch Vô lăng vàng 2008 cũng không thể tưởng tượng được sự lớn mạnh đến tầm cỡ quốc gia của một giải đấu "tự phát" chỉ nhằm thoả mãn đam mê của những tay đua nghiệp dư lúc bấy giờ.
Nói về duyên nợ với VOC, có lẽ Ngô Việt Hưng là cái tên ấn tượng nhất. Sau 7 năm ngồi xe đua, chinh chiến khắp các hạng đấu tại VOC, liên tiếp 6 mùa từ 2016 đến gần đây nhất là PVOIL VOC 2021, anh đứng bên ngoài đường đua, trực tiếp điều hành giải. Năm nay, nhân kỷ niệm 15 năm VOC tổ chức, phóng viên Otofun News đã có dịp trò chuyện cùng anh, nhà vô địch mùa đầu tiên của giải offroad lớn nhất Việt Nam.
Ngô Việt Hưng - Nhà vô địch Vô Lăng Vàng 2008 |
- Tại sao giải đua Vô Lăng Vàng 2008 được tổ chức?
Giải Vô Lăng Vàng năm 2008 xuất phát điểm là do chúng tôi hay lên đường tập tăng Xuân Mai để đi offroad và thử các xe có khả năng offroad. Tôi có một cái nhà vườn ở cách đó khoảng 1,5 km nên mọi người hay lên đó để tập kết, ăn trưa và sau đó là vào cung offroad.
Chơi nhiều thì mọi người nghĩ là nên tổ chức một cái giải đua nho nhỏ để anh em tham gia cho vui. Hồi đấy tất cả đều vừa tổ chức vừa chơi luôn, có hai chiếc xe là chiếc UAZ và chiếc GAZ69, có mấy đội tham gia và chỉ có hai chiếc xe đi chung. Đội của tôi có hai người là tôi và Huy Drifter, thật ra hồi ấy vui nên cũng không quan trọng thắng thua. Chúng tôi thắng là do chiếc xe của đội còn lại bị hỏng không đi được nữa (cười).
- Vào thời điểm đó, anh có nghĩ rằng giải Vô Lăng Vàng có thể phát triển mạnh mẽ và tiến đến chuyên nghiệp như hiện nay không?
Hồi ấy không ai nghĩ là sau 15 năm lại có tới 100 đội đua với hàng vạn khán giả, cổ động viên đến xem như bây giờ. Mục tiêu tổ chức năm ấy là chỉ để cho vui, thử kỹ năng của người lái và thử độ bền của xe.
Những năm gần đây, cứ mỗi lần tổ chức xong, lúc ngồi chờ kết quả trao giải tôi lại ngồi yên một chỗ và ngắm nhìn toàn cảnh khu vực các đường đua tấp nập khán giả và vận động viên, trong lòng nghĩ không hiểu tại sao đua xe offroad lại có sự thu hút đến như thế.
Vô Lăng Vàng 2008 |
- Trong suốt 14 năm qua, anh Hưng có vẻ là người thử sức ở nhiều vị trí nhất tại VOC?
Tôi tham gia giải offroad đầu tiên của các thành viên Otofun tổ chức mang tên Vô Lăng Vàng ở đường tập xe tăng Xuân Mai (Hà Tây cũ) vào năm 2008. Liên tục từ đó đến năm 2015 tôi thi đấu ở các hạng khác nhau. Thành tích đáng kể nhất của tôi là vô địch giải đầu tiên tổ chức tại Xuân Mai năm 2008 và Giải ba Hạng Mở Rộng năm 2012, các năm khác tôi có tham gia nhưng không được giải gì.
Từ năm 2016 đến năm 2019 tôi tham gia giải với nhiều vị trí khác nhau như trọng tài chính, trưởng ban an toàn đường thi, thành viên hội đồng trọng tài và nhiều vị trí không tên mà thực sự tôi cũng không còn nhớ hết. Từ mùa giải năm 2019 khi anh Hải Âu không tham gia làm đường nữa thì tôi bắt đầu tham gia thiết kế và giám sát thi công đường đua, tính đến nay là 4 năm.
- Cảm giác khi làm VĐV thi đấu và khi làm trong Ban điều hành (BĐH) khác nhau như thế nào? Áp lực của mỗi vị trí là gì?
Kể từ năm 2016 tôi không tiếp tục thi đấu nữa mà tham gia công tác điều hành giải. Tôi vẫn còn rất thích đua nhưng do các anh em trong cộng đồng cũng cần người tham gia vào công tác tổ chức và điều hành giải. Ai cũng chơi thì lấy đâu ra người làm nữa. (cười)
Thực sự những trải nghiệm trong quá trình thi đấu ở nhiều hạng, nhiều giải suốt nhiều năm trước đó cũng mang đến cho tôi những kinh nghiệm mà sau này áp dụng rất tốt vào việc thiết kế đường đua. Ngoài ra cuối năm 2018 đến năm 2020 tôi được mời tham gia vào công tác chuẩn bị và đi học điều hành giải đua Formula 1 đầu tiên ở Việt Nam. Những kiến thức và những kinh nghiệm thực tế đã hỗ trợ rất nhiều trong công tác thiết kế, vận hành giải.
4 năm gần nhất, anh Ngô Việt Hưng trở thành người "ra đề" cho các bài thi ở VOC |
Về áp lực đua thì tôi không có, thường là tôi đua cho vui, thắng thua không quan trọng lắm. Nên khi đua tôi khá bình tĩnh phân tích tình huống kỹ. Chính vì vậy tôi thường không quá nhanh nhưng bài nào cũng có điểm và không bị DNF (Do Not Finish - không hoàn thành bài thi).
Còn áp lực khi làm trong BĐH thì rất nhiều. Thứ nhất thời gian phải chuẩn. Thứ hai, về mặt kỹ thuật phải thay đổi theo từng năm để tạo ra điểm mới hấp đẫn người chơi và khán giả. Thứ ba là càng ngày càng phải an toàn, rút kinh nghiệm về an toàn từ các năm trước, các giải khác để đảm bảo các vận động viên và khán giả được chơi và xem an toàn tới mức cao nhất có thể. Thường hai yếu tố hấp dẫn và an toàn hay đối nghịch với nhau vì thế tìm được điểm cân bằng giữa các yếu tố này là rất quan trọng.
- Anh thích là tay đua hay ở vị trí điều hành giải?
Thực sự thì tôi vẫn thích được chơi hơn! Với tôi thì sống và được chơi với đam mê là sướng nhất, may mắn nhất rồi. Tuy nhiên, khi tổ chức, điều hành giải cho các anh chị em cùng đam mê chơi cũng mang lại cảm giác rất hạnh phúc vì mình mang lại được một giá trị gì đó cho cộng đồng. Có cơ hội thì tôi sẽ quay lại chơi, nhưng có lẽ phải tham gia ở các giải khác chứ VOC thì năm nào cũng bận không có thời gian tập.
- Điều gì khiến anh hình thành tình yêu với bộ môn offroad?
Tôi đã trải qua nhiều tình huống phải thể hiện kỹ năng offroad khi lái xe. Nhưng có hai kỉ niệm đáng nhớ mà từ đó tôi hình thành niềm đam mê bộ môn này.
Sự kiện đáng nhớ nhất có lẽ là chuyến các thành viên trong diễn đàn đi vượt qua đường rừng Pù Luông. Hồi đấy đường đi đến Pù Luông rất xấu, bị bỏ hoang sau chiến tranh nhiều năm nên lầy lội và khó khăn kinh khủng. Bọn tôi đi hai lần và cả hai lần đều phải ngủ lại trong rừng, nói chính xác là đi suốt đêm lúc nào xe dừng thì chợp mắt một chút.
Lần thứ hai thì trời mưa to, đường sạt lở đất, cả đêm bọn tôi thay phiên nhau kéo xe qua các vũng bùn. Đến gần sáng thì gọi một nhà dân bên lề đường dậy và cả nhóm nấu mỳ tôm ăn, bữa mỳ tôm không người lái ấy ngon và nhớ đến tận bây giờ.
- Đồng hành cùng VOC suốt 14 năm qua, có mùa giải nào để lại cho anh ấn tượng sâu sắc nhất?
Ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là mùa giải năm ngoái 2021, vì đại dịch Covid-19 chúng ta không thể tổ chức được giải vào mùa hè như mọi năm. Tôi nhớ vào tháng 7-8, cả xã hội giãn cách ra đường còn phải xin giấy chứng nhận của phường xã. Vậy mà tháng 11 chúng ta đã tổ chức được giải hoành tráng, thành công với lượng vận động viên và khán giả không kém mọi năm trước.
Trong thời gian tổ chức, rất nhiều vận động viên đến gặp tôi và nói cảm ơn các anh, em không nghĩ rằng các anh vẫn tổ chức được giải và lại còn chất lượng cao đến thế. Thực sự là một kỳ tích, khi nhớ lại tất cả các thành viên trong Ban tổ chức (BTC) đều cảm thấy rất may mắn và xúc động.
- VOC đã thay đổi như thế nào trong 15 năm qua, theo anh đánh giá?
VOC đã thay đổi phải nói là từ con số không cho đến con số hiện tại. Từ mội giải tự phát với vài thành viên yêu bộ môn offroad đến thời điểm hiện tại đã trở thành một sự kiện tầm cỡ quốc gia với hàng trăm vận động viên, hàng vạn khán giả xem trực tiếp và hàng triệu khán giả xem trên các nền tảng.
Các anh trong BTC, BĐH giải vẫn tiếp tục có những trăn trở nhằm có những thay đổi tiếp theo cho kịp xu thế thời đại. Có lẽ sẽ có những thay đổi lớn trong cách tổ chức và vận hành giải trong những năm tới đây để tiếp cận nhiều hơn đến khán giả và lôi kéo sự tham gia của các tay đua trẻ. Giải năm nay cũng sẽ kéo dài ba ngày với nhiều cải tiến mới để theo kịp các chuẩn đua hiện đại hơn trên thế giới. Đơn giản hơn, kỹ thuật hơn và khán giả cũng dễ theo dõi hơn.
- VOC ngày nay đã quy tụ hàng trăm vận động viên đến từ mọi miền tổ quốc và từ mọi độ tuổi, theo anh điều gì khiến VOC lan toả đến vậy?
Theo quan điểm cá nhân tôi, VOC lan toả mạnh mẽ đến như vậy là nhờ đam mê và cái mong muốn được chia sẻ đam mê đó với cộng đồng của mỗi người chơi. Chỉ có đam mê thì mới cảm thấy bản thân thực sự sống và vượt qua tất cả các rào cản như chi tiền đầu tư mua xe, độ xe, di chuyển xe đến vị trí thi đấu, bỏ thời gian tập luyện.
Thực sự tận đáy lòng BTC, BĐH giải luôn nghĩ là phải cảm ơn các vận động viên. Vì không như các môn thể thao khác, bộ môn này ngoài yêu thích ra thì phải có kinh tế, thời gian và sức khoẻ. Một số vận động viên phải từ bỏ nhiều mục tiêu khác trong cuộc sống để tham gia chơi bộ môn này, ví dụ có vận động viên chi hàng tỷ để độ xe và kèm các chi phí đi lại ăn ở để tham gia giải. Với chi phí hàng tỷ thì họ có thể dùng khoản này để đầu tư sinh lời có thêm thu nhập cho vợ con. Nhưng họ đã chọn chi tiêu cho đam mê, đấy là khía cạnh mà tôi rất ngưỡng mộ.
- BTC có thể tiết lộ điều gì đặc biệt trong mùa giải kỷ niệm 15 năm ra đời của VOC năm nay?
Như tôi đã hé lộ ở trên giải năm nay sẽ tổ chức tăng thêm một ngày so với mọi năm. Nghĩa là sẽ bắt đầu đua luôn từ thứ Sáu ngày 4/11, sáng thứ Bảy ngày 5/11 sẽ khai mạc và kết thúc vào Chủ nhật ngày 6/11.
Vì thời gian dài hơn nên các vận động viên và BTC, BĐH giải sẽ có một buổi gala dinner vào tối thứ Bảy ở gần hoặc ngay tại khu vực lều trung tâm. Ngoài ra về kỹ thuật thì sẽ có một số thay đổi lớn như gộp các đường đua giống nhau để đường đua dài hơn. Các vận động viên cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn vì vậy khả năng là một số đường sẽ được thiết kế có tốc độ cao hơn và ít bẫy. Các đường ở hạng chuyên nghiệp thì sẽ có một vài bài thay đổi và tăng độ khó để có tính hấp dẫn cao hơn, kịch tính hơn.
- Xin cảm ơn anh!
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
- Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định