e magazine
24/08/2023 16:41
Học sinh làm công nhân – Kỳ 3: Điểm bất hợp lý của hợp đồng nhận sinh viên thực tập

24/08/2023 16:41

Trước khi đưa học sinh đi thực tập, lãnh đạo Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn và Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu đã ký bản “hợp đồng tiếp nhận sinh viên thực tập trải nghiệm” (thực tế các cháu chỉ là học sinh). Tuy nhiên, có rất nhiều điểm bất hợp lý của bản hợp đồng này, dẫn đến những bất lợi, thiệt thòi đối với các cháu.
Học sinh làm công nhân – Kỳ 3: Điểm bất hợp lý của hợp đồng nhận sinh viên thực tập

Như thông tin được đăng tải trong 2 bài viết trước, Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu thực chất không phải là doanh nghiệp trực tiếp sử dụng người lao động.

Sau khi ký “hợp đồng tiếp nhận sinh viên thực tập trải nghiệm”, Công ty này đã sử dụng học sinh của Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn để thực hiện việc cung cấp lao động thời vụ cho các doanh nghiệp khác. Vấn đề được đặt ra là việc ký hợp đồng như vậy có đúng với quy định pháp luật không và ảnh hưởng đến quyền lợi của các em học sinh chưa thành niên như thế nào?

Học sinh làm công nhân – Kỳ 4: Điểm bất hợp lý của hợp đồng nhận sinh viên thực tập

Hợp đồng tiếp nhận sinh viên thực tập trải nghiệm (số: 001/HĐTTTN) do bà Hoàng Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác lao động toàn cầu (Bên A) và ông Hứa Xuân Hương – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn (Bên B) ký với nội dung như sau:

Bên A nhận sinh viên của Bên B đến thực tập trải nghiệm sản xuất tại bên A theo danh sách kèm theo, thời gian từ 13/7 đến hết 15/10/2023. Địa điểm thực tập tại KCN Điềm Thuỵ và Sông Công (Thái Nguyên) – là các công ty đối tác khách hàng của bên A.

Nội dung công việc thực tập do Bên A bố trí, phân công theo yêu cầu công việc của doanh nghiệp, dưới sự hướng dẫn kèm cặp của cán bộ kỹ thuật Bên A.

Trước tiên, có thể thấy trong bản hợp đồng, nhà trường và Công ty gọi đối tượng các cháu học sinh là “sinh viên” là không đúng quy định. Bởi, Điều 80 Luật Giáo dục 2019 quy định người học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp được gọi là học sinh.

Theo luật sư Nguyễn Vĩnh Quỳnh – Công ty Luật Minh Bạch, cần xác định bản hợp đồng giữa hai bên có được ký đúng thẩm quyền không?

Học sinh làm công nhân – Kỳ 4: Điểm bất hợp lý của hợp đồng nhận sinh viên thực tập

Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn - Ảnh: Minh Khôi

Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục có nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức cho người học học tập, thực hành và thực tập tại doanh nghiệp thông qua hợp đồng với doanh nghiệp (Điều 23).

Và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp là: Tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tiếp nhận người học, nhà giáo đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề thông qua hợp đồng với cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trả tiền lương, tiền công cho người học, nhà giáo trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách trong thời gian đào tạo, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp theo mức do các bên thỏa thuận.

Điều này còn được hướng dẫn bởi Điều 43 Nghị định 15/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật giáo dục nghề nghiệp: “Tiếp nhận nhà giáo, học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề tại doanh nghiệp hoặc cập nhật, tiếp cận công nghệ mới; trả tiền lương cho nhà giáo, học sinh, sinh viên trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách bao gồm hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp trên thị trường trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp theo mức do các bên thỏa thuận. Trường hợp tiếp nhận người lao động vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp thì phải ký hợp đồng đào tạo với người lao động và không thu học phí.”

Như vậy, Nhà nước đã quy định về sự cần thiết và trách nhiệm của các tổ chức từ nhà trường đến doanh nghiệp trong việc tạo cho học sinh, sinh viên học nghề có môi trường thực hành khi học nghề, cũng như quyền lợi của học sinh, sinh viên khi tham gia vào môi trường lao động và tạo ra sản phẩm trong quá trình tham gia làm việc tại doanh nghiệp khi thực tập và tham gia vào mối quan hệ lao động.

Để đưa học sinh đi thực tập tại các doanh nghiệp thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải ký hợp đồng với doanh nghiệp là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, để doanh nghiệp ký hợp đồng tiếp nhận người học đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề thông qua hợp đồng với cơ sở giáo dục nghề thì doanh nghiệp phải có ngành nghề hoạt động sản xuất, kinh doanh được cấp phép phù hợp với ngành nghề mà người học đang được đào tạo tại cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

“Do đó, cần xem xét xem Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu có được cấp phép hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nghề mà học sinh của Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn đang đào tạo học sinh đang có nhu cầu đi thực tập hay không. Nếu Công ty này không được cấp phép hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nghề phù hợp, cũng như không có đủ cơ sở vật chất của doanh nghiệp phù hợp để tiếp nhận học sinh đến thực tập, trải nghiệp thì không được phép ký hợp đồng này”, luật sư cho hay.

Về nội dung hợp đồng phải phù hợp với quy định pháp luật và phản ánh đúng nội dung phần công việc các bên. Việc giao kết hợp đồng phải đảm bảo tính trung thực, không nhằm che đậy hành vi lợi dụng hình thức cho học sinh đi thực tập để môi giới lao động chưa thành niên làm việc với mức thu nhập thấp.

Theo quan điểm của luật sư, dựa trên những bằng chứng của Tạp chí Lao động và Công đoàn đã phản ánh ở 2 bài viết trước, Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu thực chất chỉ đóng vai trò giới thiệu cung ứng lao động. Như vậy, Công ty này sẽ không thể đạt tiêu chí về chủ trương, quy định về thực tập trải nghiệm doanh nghiệp cho học sinh. Nói cách khác, Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu không phải là công ty có thẩm quyền tiếp nhận sinh viên thực tập phù hợp với học sinh trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn đi thực tập.

Tuy nhiên, thông tin trong hợp đồng cho thấy Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn ký hợp đồng giao học sinh của trường cho Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu (bên A) tiếp nhận các em học sinh đi thực tập trải nghiệm dưới danh nghĩa “thực tập sản xuất tại bên A” và sau đó cho bên A toàn quyền sắp xếp học sinh của mình thực tập tại các doanh nghiệp khác (“là Công ty đối tác khách hàng của bên A” – như trong hợp đồng nêu) là không đúng pháp luật. Do đó luật sư cho rằng Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn cũng sai khi ký hợp đồng thực tập trải nghiệm cho người học của nhà trường đi thực tập thông qua một công ty cung ứng lao động.

Học sinh làm công nhân – Kỳ 4: Điểm bất hợp lý của hợp đồng nhận sinh viên thực tập

Dù chỉ là hợp đồng tiếp nhận học sinh thực tập giữa Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu và Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn nhưng lại có nhiều điều khoản mâu thuẫn, gây bất lợi cho học sinh.

Tại Điều 2, trách nhiệm của Bên A (Công ty), nêu rõ: “Bố trí công việc thực tập phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo, phù hợp với năng lực, độ tuổi của sinh viên thực tập hoặc theo công việc của công ty, ngày làm việc 8 giờ, mỗi tháng làm việc 26 ngày. Khi có yêu cầu làm việc thêm giờ với sinh viên thực tập, thì căn cứ thời gian làm việc thực tế, Công ty thanh toán tiền làm thêm giờ theo quy định của Luật Lao động”.

Theo luật sư Nguyễn Vĩnh Quỳnh, nội dung trên là vi phạm luật lao động về thời gian làm việc của người chưa thành niên (dưới 18 tuổi). Giả sử làm đúng theo yêu cầu của hợp đồng này, tính ra các cháu học sinh sẽ phải làm hơn 50 tiếng mỗi tuần, vi phạm quy định tại Điều 146 Bộ luật Lao động 2019 về thời giờ làm việc của người chưa thành niên (Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần).

Quy định thời giờ làm việc đối với lao động dưới 18 tuổi

Bản chất Công ty Toàn Cầu chỉ là đơn vị cung ứng lao động, vậy mà trong Điều 5 của hợp đồng về hỗ trợ trợ cấp thực tập nêu, các em phải làm 26 ngày công mỗi tháng, mỗi ngày công 8 tiếng thì mới được hỗ trợ 3 triệu. Theo luật sư, đó là điều khoản vô lý của một tổ chức cung ứng lao động vì chính doanh nghiệp này không hề có hoạt động sản xuất kinh doanh để các em thực tập mà phải giới thiệu và chuyển các em sang đơn vị thứ ba – người sử dụng lao động thực tế và trực tiếp sẽ điều chỉnh hoạt động, công việc của các em.

Và trên thực tế, theo tìm hiểu của PV thì có cháu đi thực tập 3 tuần vẫn không được bố trí công việc, đến nỗi phải xin về.

Ngoài ra, đối tượng đi thực tập thực tế theo phản ánh và tìm hiểu của phóng viên là trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) nên việc tham gia vào mối quan hệ lao động phải cần có sự đồng ý của bố mẹ các cháu và cũng là đối tượng được pháp luật đặc biệt bảo vệ trong quan hệ lao động với người sử dụng lao động.

Học sinh làm công nhân – Kỳ 4: Điểm bất hợp lý của hợp đồng nhận sinh viên thực tập

Đáng chú ý, tại Điều 6 của hợp đồng ghi: “Ngoài thời gian làm việc bình thường, căn cứ tình hình thực tế của công việc, công ty có thể yêu cầu sinh viên làm thêm từ 2 đến 4 giờ/ 1 ngày hoặc làm thêm vào ngày nghỉ, ngày lễ…”. Luật sư cho rằng đây là một điều khoản không phù hợp, bởi theo điều kiện bình thường đã nêu ở trên, các em cũng có nguy cơ làm quá thời giờ quy định. Lại thêm điều khoản này, các em có nguy cơ phải làm việc trong thời gian kéo dài quá quy định pháp luật.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 146 Bộ luật lao động “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành”. Nhưng theo tìm hiểu của PV thì học sinh dưới 18 tuổi hiện bị bố trí vào một số công việc lắp ráp linh kiện điện tử (công việc không nằm trong danh mục lao động dưới 18 tuổi có thể làm thêm giờ do Bộ trưởng Bộ LĐ - TB và XH ban hành).

Theo luật sư Nguyễn Vĩnh Quỳnh, thời gian lao động, thời gian nghỉ ngơi, quy định làm thêm giờ cần đảm bảo được thoả thuận trong hợp đồng và quá trình thực hiện phải tuân thủ theo quy định của pháp luật đối với người lao động. Mọi thoả thuận và thực hiện không đúng với quy định pháp luật lao động thì thoả thuận đó là vi phạm pháp luật. Đặc biệt, hợp đồng lao động với người dưới 18 tuổi, đối tượng được pháp luật quan tâm bảo vệ.

Tại Điều 5 của hợp đồng cho biết “nếu học sinh tự nghỉ không lý do bị phạt 100.000 đồng/ngày; nghỉ 3 ngày không lý do trong tháng sẽ bị kỷ luật đuổi việc và không được nhận lương tháng đó”.

Đây là một điều khoản vi phạm luật lao động. Bởi vì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và học sinh tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thì vẫn là mối quan hệ lao động được điều chỉnh bởi luật lao động và các luật có liên quan. Theo Điều 127 Bộ luật Lao động 2019, hành vi “phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động” là hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động

Học sinh làm công nhân – Kỳ 4: Điểm bất hợp lý của hợp đồng nhận sinh viên thực tập

Có thể nói, tổng hợp những điểm bất hợp lý và trái luật nêu trên tại bản hợp đồng giữa Công ty và nhà trường, có nhiều phần bất lợi cho học sinh thực tập.

Theo luật sư Nguyễn Vĩnh Quỳnh, nhà trường là đơn vị ký hợp đồng với doanh nghiệp tiếp nhận học sinh thực tập, là đơn vị đào tạo nghề và hướng nghiệp cho học sinh, phải nắm được quy định đặc thù và chi tiết về pháp luật lao động. Vậy nên khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp về việc tiếp nhận thực tập tại doanh nghiệp thì phải xem xét đối tượng doanh nghiệp ký hợp đồng có thẩm quyền và có cơ sở vật chất đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu thực tập nghề, thực hành nghề của người học; các thoả thuận trong hợp đồng phải đảm bảo nội dung đúng quy định pháp luật. Đồng thời, nhà trường cũng là đơn vị có thẩm quyền giao kết hợp đồng với doanh nghiệp để đảm bảo chương trình đào tạo học đi đôi với hành, hướng nghiệp cho học sinh nên trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của học sinh theo đúng quy định pháp luật là trách nhiệm của nhà trường. “Nếu nội dung thoả thuận trong hợp đồng không đúng quy định pháp luật, vi phạm đến quyền lợi hợp pháp của học sinh khi thực tập tại doanh nghiệp thì nhà trường phải đồng thời chịu trách nhiệm”, vị luật sư nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ việc trên, Tạp chí Lao động và Công đoàn sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, để đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh trong quá trình thực tập trải nghiệm.

Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 1: Chạy sản lượng, tăng ca đến kiệt sức Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 1: Chạy sản lượng, tăng ca đến kiệt sức

Dù được Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn (Thanh Hoá) cử đi thực tập trải nghiệm nghề, song trên thực tế các ...

Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 2: Ám ảnh ca đêm triền miên Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 2: Ám ảnh ca đêm triền miên

Không những phải làm việc quá thời giờ quy định đối với lao động chưa thành niên, các cháu học sinh còn bị yêu cầu ...

Vụ học sinh thực tập làm công nhân: Nhiều cơ quan, tổ chức yêu cầu nhà trường báo cáo vụ việc Vụ học sinh thực tập làm công nhân: Nhiều cơ quan, tổ chức yêu cầu nhà trường báo cáo vụ việc

Liên quan đến vụ việc học sinh Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn đi thực tập làm công nhân, Sở Lao động – Thương binh ...

MINH KHÔI

Ảnh, clip: Minh Khôi - TUYẾT HẰNG

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động