e magazine
23/08/2023 16:43
Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 2: Ám ảnh ca đêm triền miên

23/08/2023 16:43

Không những phải làm việc quá thời giờ quy định đối với lao động chưa thành niên, các cháu học sinh còn bị yêu cầu làm ca đêm nhiều tuần. Có cháu không làm theo yêu cầu, bị Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu lập biên bản, phạt tiền đến nỗi sợ quá phải bỏ về quê.
Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 2: Ám ảnh ca đêm triền miên

Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 2: Ám ảnh ca đêm triền miên

Được bà ngoại đón về từ hôm 11/8, Nguyễn Thị Diệu (sinh năm 2007) dành nhiều ngày sau đó ngủ li bì. Cháu nói rằng đó là cách để bù lại những đêm thức trắng làm việc trong nhà máy.

3 tuần làm ca đêm tại Công ty KHvatec và Công ty Daesin là trải nghiệm không hề dễ dàng đối với cô bé học sinh. Công việc bắt đầu lúc 8 giờ tối hôm trước tới hơn 7 giờ sáng hôm sau, cách 2 tiếng được nghỉ 10 phút; nửa đêm được ăn ca, sau đó nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục làm việc. “Có hôm sợ âm sản lượng nên họ yêu cầu tăng ca thêm 20 phút”, Diệu nói.

Cháu kể, hồi ở Công ty KHvatec cháu làm kiểm tra chất lượng. Khi sang Công ty Daesin cháu làm công đoạn dập phím nguồn điện thoại, sau đó là lau camera điện thoại.

“Lúc lên xe về người ta sẽ chấm công, ghi vào quyển sổ. Còn bảng công này cháu tự chấm trên điện thoại để ghi nhớ, sợ sau này bị ăn bớt công”, Diệu nói, rồi cung cấp cho chúng tôi bảng chấm công khi làm việc tại Công ty KHvatec, tổng cộng 13 đêm; còn tại Công ty Daesin cháu làm 9 đêm.

Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 2: Ám ảnh ca đêm triền miênKý túc xá, nơi các cháu học sinh Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn ở trong thời gian tại Thái Nguyên - Ảnh: Văn Quân

“Cháu mệt lắm. Kiểu chân tay bủn rủn, tại vì thức đêm không quen, cháu vừa làm vừa gật gù, người đau mỏi. Cháu phải đứng làm việc đến bao giờ giải lao mới được ngồi. Sáng về cháu mệt quá, không tắm rửa gì mà lên giường ngủ luôn. Có hôm các bạn trong phòng lay mãi mới tỉnh dậy để ăn cơm”, Diệu chia sẻ.

Diệu nói ban đầu chỉ đồng ý làm một tuần ca đêm nhưng chờ đến tuần thứ ba không thấy chuyển. Đến khi được chuyển ca ngày thì có lệnh đưa đi làm việc ở Bắc Giang. Vì quá lo lắng nên đã cháu điện cho gia đình xin bảo lãnh cho về.

Bảng chấm công do Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu cung cấp cho thấy, từ 17/7 đến 21/7, cháu Nguyễn Thị Diệu làm 50 tiếng. Trong đó, có 4 buổi làm ca đêm, mỗi buổi 10 tiếng (trong đó có 2 tiếng tăng ca).

Tăng ca, làm đêm với số giờ vượt quá quy định song hiện tại Diệu và nhiều bạn khác chưa nhận được thù lao. Bà Tống Thị Thân - bà ngoại cháu Diệu cho biết: "Khi đưa cháu từ Thái Nguyên về, cháu bị đau đầu, ốm nằm cả tuần nhưng tôi cũng phải lo thuốc thang bên ngoài, không được chế độ bảo hiểm y tế vì phía Công ty Toàn Cầu đang giữ căn cước công dân của cháu chưa trả".

* Cháu Nguyễn Thị Diệu kể về thời gian làm đêm

Diệu không phải là cá biệt. Theo quan sát của ông Dương Quốc Quang - Phó Trưởng phòng Học sinh sinh viên – quản lý khu ký túc xá Trường Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức (Thái Nguyên): “Tôi thấy các cháu cứ tối hôm trước được đón đi, đến 8 giờ sáng hôm sau thì về. Có tốp thì 7 giờ sáng đi, 8 giờ tối về. Cứ xe đưa xe đón như thế. Các cháu là đối tượng học sinh, mới 16-17 tuổi, làm sao đủ sức. Cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) phụ trách trường này có về thu thập thông tin. Sáng sớm hôm sau (15/8), Công ty cho xe chở các cháu đi Bắc Ninh, chấm dứt hợp đồng thuê ký túc với trường tôi”.

Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 2: Ám ảnh ca đêm triền miên

Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 2: Ám ảnh ca đêm triền miên

Trò chuyện với PV, anh Bùi Văn Vĩnh luôn tỏ thái độ rất bức xúc. Anh cho biết, con gái mình bị phía Công ty Toàn Cầu sắp lịch cho đi làm đêm nhưng khi con không đồng ý thì bị lập biên bản, xử phạt 2 triệu đồng. Cháu sau đó tìm cách bỏ về quê, được gia đình đưa tới công an thị xã Bỉm Sơn trình báo sự việc.

Con gái anh Vĩnh tên là Bùi Thị Phương Anh (sinh năm 2007), học lớp May K15A, được đưa vào làm tại Công ty KHvatec “chạy sản lượng” khoảng 2 tuần trước khi thuộc diện cắt giảm.

Chiều 31/7/2023, bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu bất ngờ gửi lên nhóm Zalo danh sách 26 em học sinh làm ca đêm, trong đó có tên Phương Anh.

Theo thông báo, các em phải có mặt trước 17 giờ 50 phút để điểm danh đi làm. Do chưa từng đăng ký đi ca đêm, lại lo không đảm bảo sức khoẻ vì cả ngày không ngủ, trong khi kế hoạch đột xuất nên Phương Anh từ chối.

Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 2: Ám ảnh ca đêm triền miênAnh Bùi Văn Vĩnh mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của nhà trường và Công ty Toàn Cầu - Ảnh: Minh Khôi

Tin nhắn trong nhóm Zalo thể hiện, bà Hạnh yêu cầu các cháu đã bị cắt nghỉ ca ngày thì chấp hành đi làm đêm 1 tuần để được chuyển sang ca ngày, nếu không chấp nhận thì “xuống gặp để xử lý”.

“Chị Hạnh yêu cầu đi làm, chúng cháu không xuống. Sau đó chị gọi chúng cháu xuống phòng, lập biên bản xử phạt luôn và bắt 5 đứa ký chung”, Phương Anh kể.

Biên bản lập tối 31/7 nêu rõ hình thức xử lý: Hoàn trả toàn bộ các chi phí đã sử dụng 2 triệu đồng/người; yêu cầu phụ huynh ra xử lý, trả học sinh về trường.

Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 2: Ám ảnh ca đêm triền miênTin nhắn giữa bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu và các em học sinh - Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, bà Nguyễn Thị Tuyến – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn cho hay, các giáo viên quản lý có tiếp nhận được phản ánh về việc các cháu học sinh bị yêu cầu phải làm ca đêm. “Lãnh đạo nhà trường có yêu cầu đơn vị cung ứng lao động (Công ty Toàn Cầu) không được ép học sinh làm ca đêm”, bà Tuyến nói.

“Bên cung ứng nói là họ chỉ muốn tăng thu nhập cho các em, các em không thích thì thôi. Từ hôm ấy đến giờ không thấy học sinh phản ứng chuyện phải làm ca đêm nữa”, bà Tuyến nói, đồng thời thừa nhận có xảy ra sự việc trên.

“Đấy là chỉ có một vài em nó làm quá tốt. Các em làm nhanh, làm tốt thì người ta muốn khuyến khích các em ấy, đỡ cái công đào tạo học viên mới. Các em không làm thì thôi”, đại diện nhà trường cho biết.

Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 2: Ám ảnh ca đêm triền miên

Luật sư Lại Thu Trang – Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Việt Global cho biết, căn cứ Điều 10 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/03/2021 quy định về các trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, không có công việc sản xuất linh kiện điện tử. Trong khi, đó lại là công việc thực tế các cháu học sinh đang phải làm, theo ghi nhận của PV Tạp chí Lao động và Công đoàn.

Do vậy, theo luật sư, trong trường hợp các cháu học sinh dưới 18 tuổi làm đêm hoặc quá thời giờ làm việc theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Lao động đối với các công việc không thuộc danh mục được quy định tại Điều 10 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH thì người sử dụng lao động bị khép vào hành vi vi phạm, bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu và ông Hứa Xuân Hương – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn cùng ký vào bản "hợp đồng tiếp nhận học sinh viên thực tập trải nghiệm" (thực tế các cháu chỉ là học sinh).

Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 1: Chạy sản lượng, tăng ca đến kiệt sức Quy định thời giờ làm việc đối với lao động dưới 18 tuổi

Mời độc giả đón đọc kỳ 3: Những điểm bất hợp lý của hợp đồng tiếp nhận học sinh thực tập

MINH KHÔI

Ảnh, video: MINH KHÔI - VĂN QUÂN - TUYẾT HẰNG

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động