|
Nhìn hình ảnh người lao động hằng ngày cần mẫn đi thu gom rác trên những chiếc xe thô sơ và không mang găng tay bảo hộ, khiến người dân lo lắng. Theo tìm hiểu, mỗi ngày TP HCM phát sinh hàng ngàn tấn chất thải rắn sinh hoạt. Vào những dịp lễ, Tết có thể tăng tới 12.000 - 13.000 tấn/ngày. Do đó, vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường, không để rác ứ đọng luôn được thành phố xác định là việc quan trọng. UBND TP HCM cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác vệ sinh công cộng phục vụ Tết Tân Sửu để các địa phương nghiêm túc thực hiện. Thời điểm cận Tết Nguyên đán, dạo quanh các đường như Lê Đức Thọ, Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), đường An Phú Đông (quận 12)…, không khó để bắt gặp hình ảnh lực lượng thu gom chất thải ngược xuôi trên những chiếc xe máy, phía sau kéo theo một thùng đầy rác. Người nào cũng chăm chỉ, tận tụy với công việc của mình dù nhiệt độ ngoài trời khá oi bức. |
Phương tiện vận chuyển thiếu an toàn Những con hẻm dù nhỏ nhưng không có rác bỏ ra dọc đường làm người dân rất phấn khởi, thầm cảm ơn những công nhân vệ sinh môi trường. Chị Trần Thị Thu Bích (nhà mặt tiền đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp), bộc bạch: “Tôi thấy việc thu gom rác ngày càng tốt lên, đường hẻm sạch sẽ và không còn tình trạng rác tồn đọng. Do người thu gom nhận thức được công việc tốt hơn, thời gian lấy rác đúng giờ nên không còn tình trạng nhếch nhác.” |
Công việc của người thu gom rác tại TP HCM luôn được thực hiện nghiêm túc, không quản nắng mưa hay dịch bệnh. |
Có thể nói, những người dọn rác thải - công nhân vệ sinh môi trường, đang mang trên mình một sứ mệnh đặc biệt đối với xã hội. Người lao động trong ngành Môi trường phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn khi nguồn thải không được phân loại, bảo quản đúng quy định. Chưa hết, họ còn đứng trước rủi ro, tai nạn trong quá trình lao động mà nguyên nhân chính do các vi phạm an toàn giao thông gây ra. |
|
Theo ghi nhận tại các tuyến đường ở TP HCM, những phương tiện khá phổ biến được sử dụng để thu gom, vận chuyển rác thải hiện nay là những loại xe máy kéo ba, bốn bánh “tự chế” trông khá thô sơ. Nhìn bên ngoài, các xe này được gia công thêm phần thành thùng cao hơn, từ đó vận chuyển thêm được nhiều rác trong một lần đi. Các xe máy kéo có hình dạng, kích thước khác nhau và không tuân theo quy chuẩn kỹ thuật nào. Vì vậy, mức độ an toàn cho người điều khiển và công nhân ngồi trên đó là một vấn đề lớn cần phải nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Đáng nói hơn, nhiều người điều khiển xe máy kéo không đội mũ bảo hiểm. Có người còn vô tư ngồi trên thùng xe lúc phương tiện đang di chuyển, trong khi rác đã chất đầy vượt quá thành thùng. Nguy cơ mất an toàn giao thông là rất cao. |
- “Tôi thật sự bất an khi song hành cùng các xe ba, bốn bánh tự chế này. Dù mình luôn tuân thủ luật lệ giao thông, lái xe quan sát cẩn thận nhưng vẫn lo vì hầu hết xe quá thô sơ, cũ kỹ, nhiều chiếc chở rất cồng kềnh và không được che chắn. Người đứng, ngồi vắt vẻo sau thùng xe như vậy cũng không đảm bảo an toàn chút nào”, anh Lê Văn Quân (sinh sống tại phường 17, quận Gò Vấp) tỏ rõ sự bất an, nói. |
Nguy cơ mất an toàn khi người lao động sử dụng những chiếc xe máy kéo tự chế cũ kỹ để chở "núi" rác cồng kềnh. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM, từ các vụ tai nạn do xe ba, bốn bánh tự chế thời gian qua cho thấy sự nguy hiểm, mất an toàn của loại phương tiện này. Vừa qua, UBND TP HCM đã chỉ đạo các quận, huyện khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê số lượng, tình trạng sử dụng và thông tin liên quan đến người sử dụng các loại phương tiện ba, bốn bánh tự chế đang hoạt động trên địa bàn. Từ đó báo cáo rõ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng xử lý nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. |
Còn chủ quan... Qua quan sát, ngoài nguồn chất thải rắn sinh hoạt thường ngày của các hộ dân thì hiện nay còn xuất hiện rất nhiều khẩu trang y tế đã qua sử dụng. Khẩu trang vứt lăn lóc bị gió thổi bay tứ tung, khiến người đi đường ái ngại. Vì tính chất công việc, các công nhân ngành Môi trường luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe, nhất là những căn bệnh truyền nhiễm. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các công nhân vệ sinh không khỏi lo lắng do có khả năng cao tiếp cận với nguồn lây bệnh. Chị Nguyễn Thị Thanh (công nhân vệ sinh tại quận 12), chia sẻ: "Mặc dù lo lắng nhưng do đặc thù công việc nên hằng ngày tôi cùng các đồng nghiệp vẫn luôn bám sát địa bàn để dọn rác. Trong quá trình làm việc, chúng tôi đều có ý thức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang y tế, thường xuyên vệ sinh cá nhân bằng xà phòng và nước sát khuẩn”. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít người chưa thực sự chú trọng đến vấn đề an toàn, bảo vệ sức khỏe cho chính mình trước các nguy cơ trong quá trình làm việc. Dù thường xuyên tiếp xúc với các loại rác thải nguy hiểm đến sức khỏe như kim tiêm, khẩu trang đã qua sử dụng, kim loại gỉ…, nhưng theo PV Cuocsongantoan.vn ghi nhận cho thấy, một số người lao động chưa quan tâm đến sử dụng đồ bảo hộ. Một số người vẫn chưa quan tâm sử dụng găng tay bảo hộ trong quá trình thu gom rác thải. |
“Nghề thu gom rác mỗi ngày đều tiếp xúc với các nguồn gây bệnh, giờ lại dịch Covid-19 nữa làm chúng tôi càng thêm lo. Bình thường, gặp kim tiêm hay vật sắc nhọn thì quen rồi nên chỉ cần cẩn thận và mang đồ bảo hộ đầy đủ sẽ không vấn đề gì cả. Nhưng virus thì khác, có khi nó bám trong khẩu trang y tế đã qua sử dụng, bao bì nylon, thì khó đề phòng hơn nhiều”, anh Nam (32 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường ở quận 12) tâm sự. Thiết nghĩ, để góp phần đảm bảo sức khỏe cho công nhân vệ sinh môi trường, các đơn vị liên quan, doanh nghiệp cần thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu người lao động nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp an toàn theo quy định. Kịp thời bổ sung thêm đồ bảo hộ đúng, đầy đủ, cấp phát vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho người lao động thu gom rác. Người dân cũng không nên vứt bỏ khẩu trang đã qua sử dụng và rác thải ra lòng đường, nơi công cộng. Mỗi người hãy chia sẻ trách nhiệm bảo vệ cảnh quan môi trường với những công nhân vệ sinh, để công việc của họ vơi bớt gian nan. |
Những người dọn rác thải - công nhân vệ sinh môi trường đang mang trên mình một sứ mệnh đặc biệt đối với xã hội. |
Bài và ảnh: Lê Tuấn
|