|
"Họ gần gũi, chăm sóc chúng tôi như người nhà. Cảm ơn các y bác sỹ!". Đó là chia sẻ của nhiều bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Phổi Nghệ An. Qua những câu chuyện, những tâm sự của bệnh nhân càng hiểu rõ hơn trách nhiệm và tấm lòng của đội ngũ y bác sỹ nơi đây. Bà Hoàng Thị Duyên, quê ở huyện Diễn Châu chia sẻ: “Con trai tôi nằm điều trị lao ở đây hai tháng qua. Thú thật tôi không dám tin con mình lại bị bệnh này. Khi con đi khám và biết mình bị bệnh, liền gọi điện về cho tôi và dặn tôi đừng nói với vợ của nó, sợ vợ lo lắng, không giữ được chuyện lại nói với nhiều người rồi người ta không dám tiếp xúc với nhà mình. Nghe con nói, tôi lo đến mất ăn, mất ngủ. Trước đó, tôi thường nghe người ta nói bệnh lao là bệnh nan y, có tính di truyền, có thể lây cho bất cứ ai tiếp xúc và điều trị rất khó khăn, tốn kém. Nhưng thời gian qua ở đây, tôi mới hiểu rõ hơn về bệnh này” Rồi bà Duyên kể, tại khoa Nội I, nơi con bà điều trị có rất đông bệnh nhân, có người già, người trẻ, họ nằm điều trị và sinh hoạt bình thường. Hiện nay phác đồ điều trị bệnh lao hiệu quả và không quá dài. Mỗi ngày, thấy các bệnh nhân được ra viện, bà vui và tin tưởng rất nhiều. “Thế nhưng, khi điều trị bệnh lao, một số người vẫn buồn và cảm thấy chán nản. Họ không dám tiếp xúc với ai, sợ cảm giác bị xa lánh và kỳ thị. Thời gian điều trị bệnh lao từ khoảng 6 đến 9 tháng, đối với bệnh lao kháng thuốc thời gian có thể kéo dài gần 2 năm. Thời gian này phải dùng thuốc thường xuyên, hạn chế tiếp xúc khiến không ít bệnh nhân muốn bỏ cuộc. Hàng ngày, chứng kiến các y bác sỹ ở đây tư vấn, hỏi thăm, trò chuyện và động viên bệnh nhân, tôi thấy cảm động lắm. Họ giỏi về chuyên môn, luôn dặn dò bệnh nhân chu đáo, nói chuyện với bệnh nhân nhẹ nhàng, vui vẻ, họ tạo cho bệnh nhân và người nhà sự tự tin, thoải mái. Tôi rất trân trọng và biết ơn họ”, bà Duyên nói. Cùng cảm nhận với bà Duyên, chị Vương Thị Huyền, quê ở Nghi Lộc chia sẻ: "Bố chị là thương binh, nằm điều trị lao ở đây bốn tháng nay. Mỗi lần đến khám, các y bác sỹ lại trò chuyện để động viên ông, có hôm bác sỹ nói: Xin chào người có công với cách mạng, bữa nay thấy thế nào ông? Chỉ thế thôi, mà bố chị vui lắm, ông cảm nhận được họ trân quý mình. Các y bác sỹ ở Bệnh viện Phổi Nghệ An không chỉ là những người thầy thuốc mà còn là những người làm công tác tâm lý, tư tưởng để giúp bệnh nhân lạc quan, vững tin để trở lại cộng đồng". |
Người bệnh dành nhiều lời khen cho các y bác sỹ Bệnh viện Phổi Nghệ An |
Làm việc trong môi trường đặc thù, bản thân các y bác sỹ cũng có khả năng lây nhiễm cao và chịu sự xa lánh của cộng đồng nhưng họ vẫn luôn mạnh mẽ trong thầm lặng. Niềm vui của họ là mỗi ngày, mỗi tháng, thấy các bệnh nhân khỏe mạnh, vui vẻ, được xuất viện và trở về cuộc sống đời thường. Bác sỹ Nguyễn Xuân Thức, Trưởng khoa Lao phổi chia sẻ: "Nhiều người dân vẫn lo ngại khi tiếp xúc với bệnh nhân lao, kể cả người đã điều trị khỏi lao khi về với cộng đồng. Thậm chí họ còn lo ngại tiếp xúc với bệnh nhân đang điều trị các bệnh về phổi khác tại bệnh viện. Hiện nay, bệnh lao, lao kháng thuốc, lao ngoài phổi đều chữa được và thành công rất cao. Khi điều trị cho người bệnh, chúng tôi luôn xem họ như người nhà để tư vấn, động viên và gắn bó với nhau trong thời gian điều trị. Không ai muốn mình mắc bệnh nên chúng tôi luôn mong muốn gia đình, người thân, cộng đồng động viên, chia sẻ để bệnh nhân lao yên tâm điều trị". |
|
Hiện nay, số bệnh nhân khám và điều trị nội trú tại Bệnh viện Phổi Nghệ An khá đông. Thời gian qua, bệnh viện đã đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Điểm nhấn của Bệnh viện Phổi Nghệ An là khuôn viên rộng thoáng, sạch sẽ, nhiều cây xanh, tạo không khí mát mẻ, trong lành; các khoa, phòng khang trang, ngăn nắp, tạo cho người bệnh cảm giác như ở nhà. |
Bệnh viện Phổi Nghệ An có khuôn viên rộng thoáng, nhiều cây xanh |
“Người bị bệnh thường có cảm giác thất vọng, uể oải và chán nản. Họ rất muốn được quan tâm, được thấu hiểu, được khích lệ để sớm lấy lại sức khỏe và tinh thần. Thấu hiểu được điều đó nên chúng tôi luôn cố gắng để có thể gần gũi, săn sóc bệnh nhân chu đáo nhất”, bác sỹ Nguyễn Hồng Hải – Trưởng khoa Nội V chia sẻ. Bà Lê Thị Kim, ở huyện Nghi Lộc, xúc động khi nói về những ngày nằm điều trị tại bệnh viện này. “Tôi chỉ có duy nhất một cô con gái, nó lấy chồng xa nên khi tôi đau ốm thiếu người chăm sóc. Tôi thường xuyên bị viêm phổi phải vào viện điều trị tại khoa Nội V. Những lúc nằm viện, tôi thường tủi thân và khóc. Các y bác sỹ ở đây luôn trò chuyện và động viên tôi, họ rất tình cảm. Ngày xưa tôi đi dạy nên các y bác sỹ ở đây vẫn gọi thân mật là cô Kim. Hằng ngày, họ đến từng phòng chào hỏi, dặn dò bệnh nhân uống thuốc, ăn cơm, nhắc chúng tôi ra khuôn viên hóng mát. Đêm đến, khi đi tiêm, họ cũng đi lại nhẹ nhàng để cho mọi người ngủ”, bà Kim nói. |
Thời gian qua, Bệnh viện Phổi Nghệ An đã đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Mai Liễu
Trải lòng của những lao động tìm việc sau Tết
|