e magazine
20/05/2021 16:54
“Giấc mơ có nhà của công nhân lao động đã thôi thúc tôi”

20/05/2021 16:54

Được Hội đồng bầu cử Quốc gia giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 1 tại tỉnh Hà Nam, ông Trần Văn Khải - Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng ban Quản lý các Thiết chế Công đoàn mong muốn đưa tiếng nói của công nhân lao động đến với Quốc hội.
“Giấc mơ có nhà của công nhân lao động đã thôi thúc tôi”

Được Hội đồng bầu cử Quốc gia giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 1 tại tỉnh Hà Nam, ông Trần Văn Khải - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng Ban Quản lý dự án Thiết chế Công đoàn mong muốn đưa tiếng nói của công nhân lao động đến với Quốc hội.

"Nơi công nhân sống chưa thể gọi là nhà"

Nhớ lại một câu chuyện khiến bản thân thêm quyết tâm với những dự án nhà ở cho công nhân, ông Trần Văn Khải - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng Ban Quản lý dự án Thiết chế Công đoàn kể:

“Trong một lần khảo sát thực tế khu nhà trọ công nhân tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (tỉnh Hà Nam), chúng tôi vào thăm một gia đình có hai vợ chồng đều là công nhân. Sống trong căn phòng chật hẹp 9 m2 là cả gia đình 5 người gồm có bà ngoại, hai anh chị và hai cháu nhỏ. Căn phòng chỉ đủ kê 1 chiếc giường đơn, ưu tiên cho bà và các cháu nằm nghiêng chật chội. Hai vợ chồng anh chị trải chiếu nằm dưới đất. Trời tháng 5, trong căn phòng cấp 4, mái lợp fibro xi măng hầm hập hơi nóng. Người mẹ già đổ nước lênh láng sàn nhà để làm dịu đi cái oi bức. Còn tụi nhỏ hồn nhiên nô đùa trong vũng nước.

Lúc ấy, lòng tôi chùng xuống khi cảm thấy nơi mà công nhân sống đó không thể gọi là nhà".

Sau đó, ông được biết, với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng chỉ đủ trả tiền nhà trọ, điện nước (1 triệu đồng/tháng) và trang trải cuộc sống hằng ngày. Cuộc sống của họ đại diện cho rất nhiều công nhân, người lao động - là lực lượng chính sản xuất ra của cải cho xã hội - đang phải sống trong điều kiện chật hẹp, không có nơi để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Không có nơi gửi trẻ, họ phải cậy nhờ cha mẹ trông con… khiến không gian sống càng chật hẹp hơn. Và khi trở về sau những giờ làm việc căng thẳng, với họ, nhà chỉ là một manh chiếu ngả lưng…

nhà chỉ là một manh chiếu ngả lưng...

Những cảnh đời ấy, ông còn được gặp rất nhiều trong những lần khảo sát nhà trọ công nhân tại các tỉnh, thành phố tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đến với công đoàn nhân một cơ duyên. Đó là năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn. Ông Trần Văn Khải thi tuyển vào vị trí Trưởng Ban Quản lý dự án Thiết chế Công đoàn và được Tổng LĐLĐ Việt Nam lựa chọn, bổ nhiệm.

Hơn 4 năm công tác tại Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều khiến ông trăn trở nhất là hầu hết công nhân ngoại tỉnh không có nhà ở, phải thuê nhà trọ của người dân quanh khu công nghiệp, khu chế xuất. Cơ sở vật chất tạm bợ, nóng bức, chật chội.

Các công trình phúc lợi dành cho công nhân như phòng khám, nhà trẻ, quầy thuốc, nhà thể thao… không có. Nhất là khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trọ không phải là nơi an toàn với công nhân và gia đình họ.

“Giấc mơ có nhà của công nhân lao động đã thôi thúc tôi”

Ông Trần Văn Khải (thứ hai, bên trái) cùng lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, các sở, ban, ngành tỉnh Bắc Giang khảo sát khu đất được giới thiệu để xây dựng thiết chế công đoàn (ảnh chụp trước thời điểm 27/4/2021). Ảnh: Hải Nguyễn

“Lắng nghe công nhân, tôi hiểu sâu sắc những khó khăn của họ, nhất là giấc mơ được sống trong một căn “nhà”. Đời sống công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất đang đặt ra nhiều vấn đề mà Đảng, Nhà nước, đặc biệt là tổ chức Công đoàn cần quan tâm và có hành động thiết thực để sớm tháo gỡ khó khăn cho công nhân, mà trước hết là tạo quỹ nhà ở. Điều đó đã thôi thúc tôi phải làm gì đó cho người lao động”, ông Khải nói.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”

Sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với việc chuẩn bị quỹ đất, Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai công việc chuẩn bị đầu tư cho các dự án này theo tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Đến năm 2030, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế công đoàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh những vướng mắc chủ yếu từ hành lang pháp lý.

“Chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đã khá toàn diện và đồng bộ về vấn đề nhà ở công nhân. Nhưng vẫn còn “điểm nghẽn” trong việc huy động các nguồn lực của xã hội, cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia làm nhà cho công nhân lao động chưa đủ hấp dẫn” – ông Khải chia sẻ.

Đơn cử vấn đề, các doanh nghiệp khi tham gia vào đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân có lợi nhuận rất thấp, thậm chí không có lãi; khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; khó tiếp cận đất đai tại các địa phương.

“Giấc mơ có nhà của công nhân lao động đã thôi thúc tôi”

Ông Trần Văn Khải cùng các nhà thầu bàn bạc, tháo gỡ khó khăn khi triển khai thiết chế công đoàn tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021.

Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, mặc dù được giao cơ chế đầu tư xây dựng thiết chế nhưng theo quy định tại Điều 53, 54 Luật Đất đai năm 2013, tổ chức Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội không thuộc đối tượng được giao đất để xây dựng nhà ở bán và cho công nhân thuê với giá ưu đãi. Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam không có cơ sở pháp lý để đầu tư. Còn công nhân lại khó tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà qua chính sách tín dụng do quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP còn nhiều bất cập.

Vì vậy, thiết chế công đoàn chậm triển khai.

“Từ khó khăn về chuẩn bị quỹ đất tại các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, tôi đã tham mưu với lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng kết, rút kinh nghiệm về vướng mắc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết” – ông Khải nói.

Điều đáng mừng là, ngày 4/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất". Quyết định đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn này.

Một là, Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp cùng địa phương thu hút các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư xây dựng các công trình nhà ở trong quy hoạch khu thiết chế công đoàn.

Hai là, tổ chức Công đoàn sẽ trực tiếp đầu tư các thiết chế văn hóa thể thao, công trình phúc lợi tại các khu thiết chế công đoàn cùng với doanh nghiệp.

40 địa phương bố trí đất để tổng lĐLĐ Việt nam nghiên cứu đầu tư

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1729/QĐ-TTg, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã làm việc với các địa phương ưu tiên bố trí các quỹ đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đủ điều kiện để xây dựng thiết chế công đoàn.

Sau hơn 3 năm nỗ lực, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã được 40 địa phương bố trí đất để nghiên cứu đầu tư, mỗi khu đất có diện tích trung bình từ 3 ha đến 5 ha, đủ điều kiện xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp.

Trong đó, 4 địa phương đã ban hành quyết định giao đất chính thức cho Tổng LĐLĐ Việt Nam. Hơn 20 địa phương có văn bản chính thức gửi Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc đồng ý chủ trương và giới thiệu địa điểm. Các địa phương còn lại đang tích cực làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc quy hoạch quỹ đất, thống nhất địa điểm và hoàn tất thủ tục để có văn bản chính thức đồng ý chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm.

Thiết chế công đoàn ngày càng được nhân rộng trong cả nước, “giấc mơ an cư lạc nghiệp” của công nhân hiện hữu khiến ông Khải không khỏi vui mừng. Sẽ có hàng ngàn công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất được hưởng điều kiện sống tốt hơn.

Mới đây nhất, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký quy chế phối hợp với tỉnh Bắc Giang về đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Vân Chung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Tỉnh đã giới thiệu 5 ha đất để Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư thiết chế gồm nhà đa năng với sức chứa 1.000 chỗ; khu thể thao ngoài trời với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100 tỷ. Một doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm và năng lực về xây dựng nhà ở xã hội sẽ tham gia xây dựng khoảng 1.500 căn hộ có diện tích từ 30 - 70 m2, tạo chỗ ở cho khoảng 5.000 công nhân.

“Nhà ở công nhân thuộc thiết chế công đoàn theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là “nơi đáng sống” cho công nhân lao động gồm nhà ở, công trình phúc lợi, nhà trẻ, công viên, vườn hoa… Gia đình công nhân sẽ được đoàn tụ. Con công nhân sẽ được vui chơi trong những vườn hoa. Người lao động yên lòng vào nhà máy khi con của họ có nơi trông giữ tốt. Đó không chỉ là giấc mơ của riêng tôi, mà chính là động lực để tổ chức Công đoàn nỗ lực, mang đến cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người lao động. Thêm vào đó, chất lượng nhà ở công nhân tương đương nhà ở thương mại: Nhà cao tầng có thang máy, có đầy đủ hạng mục đảm bảo chất lượng. Giá bán và cho thuê của nhà ở thuộc thiết chế công đoàn cũng thấp hơn giá thị trường ít nhất 30%” – ông Khải cho biết.

Đối với thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (tỉnh Hà Nam) – một dự án khởi đầu mà ông Khải dành nhiều tâm huyết, dự kiến quý III/2021 sẽ bàn giao những căn hộ đầu tiên. Trong tổng số hơn 1.000 căn hộ, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ dành 244 căn hộ có diện tích từ 30 m2 đến 45 m2 đã hoàn thành trong giai đoạn 1 để cho công nhân thuê.

“Giấc mơ có nhà của công nhân lao động đã thôi thúc tôi”
Giám sát nhà thầu thi công thiết chế công đoàn (ảnh chụp trong năm 2018).

mOng muốn đưa tiếng nói của công nhân lao động đến với Quốc hội

“Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, chương trình hành động của tôi ưu tiên hàng đầu là kiên trì kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ, sát thực tiễn để thu hút mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực của doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất", ông Khải nói.

Từ cái duyên được Tổng LĐLĐ Việt Nam giao xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại tỉnh Hà Nam, ông Trần Văn Khải đã vinh dự được Hội đồng bầu cử Quốc gia giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 1 tại tỉnh Hà Nam, gồm TP Phủ Lý, huyện Thanh Liêm và huyện Bình Lục. Được cử tri là công nhân, người lao động tin tưởng, gửi gắm, ông Trần Văn Khải nói:

"Đây là vấn đề cấp bách, lâu dài, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Người đại biểu đại diện cho giai cấp công nhân phải có trách nhiệm phản ánh trung thực hiện trạng này tới Quốc hội, cơ quan chức năng để sớm có giải pháp căn cơ, làm sao sớm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động – những người đang ngày đêm tạo ra của cải, vật chất cho xã hội và phát triển đất nước”.

“Giấc mơ có nhà của công nhân lao động đã thôi thúc tôi”

Thông tin về ông Trần Văn Khải.

Ông cũng kiến nghị Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan sớm có văn bản chỉ đạo một số địa phương bố trí quỹ đất để giao Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn. Đề nghị Chính phủ xem xét ban hành riêng một nghị quyết về gói vay tín dụng ưu đãi cho các đối tượng là công nhân vay để mua, thuê nhà ở tại thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chấp thuận cơ chế đặc thù và ưu đãi thuê cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn; chấp thuận cơ chế đặc thù và ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp khác có đủ năng lực tham gia với tổ chức Công đoàn đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn.

“Giấc mơ có nhà của công nhân lao động đã thôi thúc tôi”

Thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam khi mới hoàn thiện.

Đồng thời tham gia chủ động và có hiệu quả vào các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội; kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức giám sát các chuyên đề về: Giám sát việc thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo việc làm và hiệu quả của dự án sau khi thu hồi đất. Giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực: Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại một số dự án lớn, mà cử tri đặc biệt quan tâm.

Đối với tỉnh Hà Nam, ông Trần Văn Khải mong muốn cùng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh có ý kiến với các cấp có thẩm quyền của Trung ương có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để tỉnh hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Đặc biệt là kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp hiệu quả, sớm giải quyết căn cơ các vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy và sông Châu. Đồng thời, sẽ làm cầu nối với các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương để thực hiện được các tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.

“Nếu được cử tri tin tưởng lựa chọn, điều đó sẽ là điểm tựa tinh thần để tôi nỗ lực hoàn thành trọng trách của mình trên cương vị là đại biểu dân cử” - ông Khải nói.

“Giấc mơ có nhà của công nhân lao động đã thôi thúc tôi”

Ông Trần Văn Khải (thứ 4, từ phải) trao quà cho công nhân. Ảnh: M.N (Ảnh chụp thời điểm trước 27/4/2021)

Thu Chinh

Đồ họa: Thu Chinh

Đà Nẵng: Doanh nghiệp lắp buồng khử khuẩn phòng, chống dịch Covid- 19 Đà Nẵng: Doanh nghiệp lắp buồng khử khuẩn phòng, chống dịch Covid- 19

Một doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã trang bị, lắp đặt 4 buồng khử khuẩn và yêu cầu cán bộ, công nhân viên phải khử ...

Nhớ lần cuối cùng Bác Hồ đi bầu cử Nhớ lần cuối cùng Bác Hồ đi bầu cử

Thuở nhỏ, khi 14 tuổi, tôi chưa đủ tuổi được đi bầu cử, nhưng rất sung sướng và tự hào kiểu trẻ thơ vì vào ...

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An: Mong muốn truyền tải đầy đủ, trọn vẹn kiến nghị của cử tri Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An: Mong muốn truyền tải đầy đủ, trọn vẹn kiến nghị của cử tri

“Là người dân tộc Thái, sinh ra, lớn lên và có nhiều năm sinh sống tại huyện miền núi cao Tương Dương, tôi thấm thía ...

Xem phiên bản di động