e magazine
08/07/2021 13:00
“Em chỉ cần chồng ngồi dậy được và biết em là ai”

08/07/2021 13:00

“Em ước nhiều lắm nhưng không điều ước nào thành… Ví dụ em chỉ cần chồng em ngồi dậy được, biết em là ai. Em ước chồng đi cùng em và các con đến hết cuộc đời” - nói đến đây, chị Nguyễn Thị Hồng (công nhân Công ty TNHH MTV Quốc tế VietPan Pacific , TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) bật khóc.
“Em cần chồng em ngồi dậy được và biết em là ai”

"Em ước nhiều lắm nhưng không điều ước nào thành… Ví dụ em chỉ cần chồng em ngồi dậy được, biết em là ai. Em ước chồng đi cùng em và các con đến hết cuộc đời” - nói đến đây, chị Nguyễn Thị Hồng (công nhân Công ty TNHH MTV Quốc tế VietPan Pacific , TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) bật khóc.

Ở độ tuổi ngoài 30 như chị Hồng, nhiều người phụ nữ đã bước đầu qua giai đoạn bươn chải, vất vả của cuộc sống hôn nhân: Con cái khôn lớn, kinh tế gia đình ổn định. Nhiều người trong số họ đã ước muốn nhà đẹp, xe sang… Còn chị Hồng chỉ có ước mơ giản dị, đó là chồng chị không còn phải nằm mãi trên giường và có thể lắng nghe câu chuyện thủ thỉ hằng ngày của chị.

Nỗi đau lâu nay không có người sẻ chia, khi được chạm vào liền bật ra thành nước mắt. Chị Hồng nói với chúng tôi đến câu thứ 3, mắt đã đỏ hoe, giọng nói đã run run không cầm lòng được.

Chị đã cùng các con chăm sóc chồng bệnh nằm liệt giường, không phản xạ suốt gần 4 năm nay. Hàng nghìn ngày qua, chị chập chờn trong giấc ngủ, trằn trọc với bệnh tình của chồng và với nỗi cô đơn.

"Em kể chuyện... còn chồng em hiểu hay không, em không biết"

Trong căn phòng riêng, chỉ có hai vợ chồng. Có hai, mà thực ra là chỉ một mình chị. Trong bóng đêm, chị tự trò chuyện, tự an ủi, tự chia sẻ đủ thứ chuyện trên đời. Dù anh ngủ, hay thức thì cũng vậy, anh không có bất kỳ phản ứng nào. Anh có hiểu, có nghe được hay không, chị không thể nào biết được.

Sinh ra và lớn lên ở TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, “10 năm 6 tháng trước” – như cách đếm của chị Hồng, hai vợ chồng nên duyên. Cuộc sống không dư dả. Anh làm thợ sửa chữa ô tô. Chị là thợ may. Dù nghèo khó đủ bề nhưng hai vợ chồng thực lòng yêu thương nhau. Bản thân chị vốn không phải là người khỏe mạnh, đau ốm vặt thường xuyên.

“Lúc trước, chồng em là người đàn ông chăm chỉ, hiền lành. Nhiều kỷ niệm với anh ấy em không bao giờ quên được. Nhớ nhất là lúc anh ấy dịu dàng chăm sóc em. Khi em đi làm về mệt, anh ấy nhẹ nhàng hỏi han. Khi em sốt, anh ấy nấu cháo, thức đêm trông em. Hễ đi làm về sớm là anh ấy đón con, thổi cơm chờ em đi làm về. Cuộc sống với 3 đứa con, dù không dư dả nhưng hạnh phúc. Sức khỏe và niềm vui là tài sản lớn nhất mà vợ chồng em có” – chị Hồng kể.

“Em cần chồng em ngồi dậy được và biết em là ai”

Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đến thăm và trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn” cho gia đình chị Hồng.

Tai họa ập đến đúng vào lúc vợ chồng chị Hồng sửa lại mái nhà. Căn nhà cũ đã quá dột nát. Hễ trời mưa là nước hắt vào tứ phía khiến căn nhà ướt cả trong lẫn ngoài. Chiều ngày 31/8/2017, chồng chị trèo lên mái tôn cùng anh em họ hàng, không may trượt chân và ngã xuống đất. Bất tỉnh, mê man, dù được cấp cứu, não bộ của anh cũng bị tổn thương không hồi phục được. Anh bị liệt toàn thân, chỉ biết nằm, biết nhìn vô thức vào không gian. Dù chạy chữa và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, bệnh tình của anh không tiến triển.

“Em buồn lắm. Ban ngày em đi làm, phải nhờ các con ở nhà thay nhau vệ sinh cho bố. Còn lại em phục vụ từ đầu đến cuối. Anh nằm đấy, no hay đói cũng không biết, vệ sinh không biết. Thương nhất là những khi trái gió trở trời, anh mệt không cựa quậy được. Khi anh khỏe, ăn một bữa cơm hết 15 phút. Nhưng khi anh ốm, em đút một miếng, mãi anh mới nuốt được. Có những ngày, anh lên cơn co giật, người đau mỏi. Cả đêm lẫn ngày, em vừa đi làm, vừa thức trông chồng. Đêm đến, hai vợ chồng tựa lưng vào nhau, đếm từng phút trôi qua. Đến khi nào em mỏi quá, em lại dựa vào tường, để chồng dựa vào mình rồi tranh thủ chợp mắt” – chị Hồng kể.

“Em cần chồng em ngồi dậy được và biết em là ai”

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Bắc Giang trao quà hỗ trợ cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn (chị Nguyễn Thị Hồng đứng giữa). Ảnh: CĐ

Nghĩ về kỷ niệm xưa, mỗi đêm nằm cạnh chồng, chị thường hay xoa xoa, nắn nắn thân thể ngày càng teo nhỏ của chồng mà trong lòng xót xa. Chị chỉ ước, hết ngày này qua ngày khác, đó là ước chồng chị tỉnh lại.

“Em ước nhiều lắm nhưng không điều ước nào thành… Ví dụ, em chỉ cần chồng em ngồi dậy được, biết em là ai. Em đã làm thử rất nhiều lần. Cả đêm em nói chuyện với chồng em. Chỉ có một mình em nói. Chồng em có biết, có nghe và hiểu hay không em cũng không biết, vì anh ấy không biểu lộ ra ngoài. Em kể chuyện về ngày xưa vợ chồng em thế nào. Em kể chuyện anh ấy tắm cho con thế nào. Em hỏi anh ấy: Một mình em phải chăm sóc rất vất vả. Anh có cảm giác thương em không? Và anh ấy vẫn im lặng…” – Chị Hồng thổn thức nói.

Gần 4 năm qua, chị lo chữa chạy cho anh mất hàng trăm triệu đồng. Chỉ riêng ca phẫu thuật tại một bệnh viện ở Hà Nội đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Mỗi ngày nằm viện điều trị cho anh hết 10 triệu đồng. Cũng may, nhà chồng đông anh chị em, nên mọi người thay phiên đỡ đần chị chăm sóc anh. Những ngày anh nằm viện, chị phải xin nghỉ không lương 6 tháng đi chăm chồng. Ban ngày chị trông, tối đến các anh chị đổi ca cho chị về nhà nghỉ. Đêm về, chị lại nấu cháo, chuẩn bị cho ngày hôm sau.

"Em nợ nhiều lắm. Em giờ không ai cho vay nữa..."

Những ngày anh mới từ bệnh viện về, chị thức 24/24h để chăm sóc anh. Khi anh co giật, khi anh khó thở vì đờm, chị lại dựng anh dậy, vuốt ngực cho anh dễ thở. Chỉ khi anh dễ chịu, nhắm mắt, ngủ được, chị mới ngả lưng.

Một mình chị làm nuôi 4 miệng ăn. Các con đang tuổi ăn học. Thương con đứt ruột, nhưng với đồng lương như vậy, vừa co kéo trả nợ, vừa lo cho cả gia đình nên chị phải tranh thủ làm thêm. Những ngày này, chị đi làm từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối. Việc công ty thường đến khoảng 4 giờ. Còn lại, chị đi may gia công cho người ta với mức 40.000 đồng/tiếng. Không phải tuần nào cũng đi làm đủ, mà phụ thuộc vào sức khỏe của chồng. Như tuần vừa rồi, chị làm thêm được 3 buổi, còn thời gian để chăm sóc anh. Trước chị là người hay đau ốm, nhưng bây giờ chị còn không dám ốm. Nếu chị ốm, không biết ai chăm chồng. Con cái ăn học không có ai đảm bảo.

“Em không còn sức và thời gian nên để các con tự lo, tự học. Chưa có lúc nào em có thời gian để chuẩn bị cho các con tới trường. 3 chị em chúng nó tự bảo ban nhau, đùm bọc nhau hoặc nhờ bà nội từ khi bố đau ốm đến giờ. Lương em 6 triệu đồng, tằn tiện lắm mới đủ ăn. Các con lâu rồi không có sữa uống, chỉ có cơm, có gì ăn nấy. Cũng may nhà trường miễn giảm học phí nên đỡ được một khoản. Nhiều lúc, em tủi thân muốn chết nhưng không làm vậy được vì còn các con. Em không kể với ai được, kể cả gia đình vì sợ bố mẹ, anh chị em lo lắng. Mỗi lần về bên ngoại, em cười bên ngoài mà héo úa ruột gan” – chị Hồng vừa nói vừa vuốt tay chân cho chồng.

“Buổi sáng trước khi đi làm, em chào chồng: Anh ở nhà với các con nhé, trưa em lại về. Buổi trưa đi làm về, em lại chào chồng: Anh ăn cơm chưa, anh có đói không? Buổi chiều, em vẫn chào, vẫn hỏi anh ấy".

Điều khiến chúng tôi xúc động hơn, đó là cách mà chị Hồng nói về chồng đầy trìu mến. Chị nghe được tiếng anh thở, cảm nhận được sức khỏe của anh mỗi ngày. Khi nào anh đau, anh kêu và lên cơn co giật đó là khi anh khó thở. Khi nào anh dễ chịu, khuôn mặt anh giãn ra, chị lại nhẹ nhàng xếp gối cho anh nằm. Còn chị, khi ốm mệt, chị nói với anh nhiều bao nhiêu đi chăng nữa, đáp lại vẫn là sự thẫn thờ im lặng. Đôi mắt chị không còn long lanh như hồi mới cưới mà thêm quầng thâm. Khuôn mặt cũng chị không còn hồng hào như trước.

Nhưng dung nhan có phai tàn, thì chị vẫn duy trì một thói quen đẹp: Hằng ngày chào anh, như ngày xưa anh còn tỉnh táo.

“Buổi sáng trước khi đi làm, em chào chồng: Anh ở nhà với các con nhé, trưa em lại về. Buổi trưa đi làm về, em lại chào chồng: Anh ăn cơm chưa, anh có đói không? Buổi chiều, em vẫn chào, vẫn hỏi anh ấy. Em kể với anh ấy mọi chuyện. Em tủi thân, tủi phận, nhiều đêm nghĩ muốn chết. Nhưng nếu em chết đi, thì ai chăm sóc anh ấy, chăm sóc các con…” – chị Hồng tức tưởi nói về việc mình không được cho phép mình kết thúc cuộc đời.

Điều chị Hồng lo lắng nhất, còn là công nợ lúc làm nhà và chữa chạy cho anh. Cảnh nhà khó khăn, chị không muốn làm nhà ngay. Nhưng ai nấy đều động viên chị. Công đoàn công ty vận động đoàn viên, người lao động trong công ty cũng như trích kinh phí công đoàn hỗ trợ. Công đoàn cấp trên cũng hỗ trợ chị 40 triệu đồng làm nhà ở Mái ấm Công đoàn. Chính quyền phường nơi chị sinh sống cũng động viên...

“Em cần chồng em ngồi dậy được và biết em là ai”
Bà Lê Thị Hạnh - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Quốc tế VietPan Pacific (áo vàng). Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021

Nhưng để cất lên mái nhà hiện nay, bố chị phải đứng ra vay mượn anh em, họ hàng. Chị kể:

“Em đi vay không ai cho mượn tiền nữa. Bây giờ ai giúp đỡ được chút nào thì cảm ơn chút ấy. Mấy năm trước, chồng em gặp nạn, cũng đã được các nhà hảo tâm trong và ngoài nước giúp đỡ. Nhưng em quyết định làm nhà, một phần vì nghĩ đến chồng. Em chỉ ước chồng em khỏe, có thể đi cùng em và các con đến hết cuộc đời”.

Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Hồng, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đã trao 40.000.000 đồng để hỗ trợ chị xây dựng căn nhà rộng 70m2. Ngôi nhà được khởi công từ đầu tháng 11/2020, đến nay đã cơ bản hoàn thiện. Dự kiến ngôi nhà sẽ được hoàn thành trước dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Bắc Giang chia sẻ: “Các cấp công đoàn và chính quyền mong muốn thông qua số tiền hỗ trợ sẽ giúp gia đình chị Hồng san sẻ một phần gánh nặng về kinh tế, xây dựng được mái nhà kiên cố, từ đó yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Đồng thời mong các ban ngành cần quan tâm hơn nữa để giúp đỡ gia đình chị Hồng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống".

“Em cần chồng em ngồi dậy được và biết em là ai”

Trao quà cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có chị Nguyễn Thị Hồng.

------

Chị Lê Thị Hạnh - Chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ: "Với đặc thù sản xuất hàng may mặc, hiện số lao động nữ đang làm việc trong Công ty chiếm tới hơn 95%. Để động viên chị em sản xuất hiệu quả, Ban Chấp hành Công đoàn phát động phong trào “Giỏi việc công ty, đảm việc nhà” vào dịp đầu năm. Đồng thời duy trì việc thưởng cho các đoàn viên xuất sắc theo từng tháng. Cùng đó, vào các ngày lễ, Tết, Công đoàn tham mưu với lãnh đạo doanh nghiệp tặng quà đoàn viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tạo điều kiện cho họ, trong đó có chị Nguyễn Thị Hồng".

Công nhân vệ sinh bị nợ lương: "Cuộc đời tôi chưa bao giờ được giúp đỡ như vậy!" Công nhân vệ sinh bị nợ lương: "Cuộc đời tôi chưa bao giờ được giúp đỡ như vậy!"
Hoả tốc: Tất cả những người đến từ TP Hồ Chí Minh phải thực hiện cách ly và xét nghiệm Hoả tốc: Tất cả những người đến từ TP Hồ Chí Minh phải thực hiện cách ly và xét nghiệm
Có nơi nào cách ly vui như khu 10 Đại Phúc Có nơi nào cách ly vui như khu 10 Đại Phúc

Bài viết: Duy Minh

Xem phiên bản di động