Đừng để cảm lạnh dịp Tết

Đừng để cảm lạnh dịp Tết

Mùa xuân, đặc biệt là trong những ngày Tết là giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi. Đây cũng là thời điểm có nhiều sự kiện, lễ hội tập trung đông người. Nếu không mặc ấm, sẽ rất dễ mắc các bệnh lý như cảm cúm, viêm họng và lây lan cho các thành viên trong gia đình.

Rất dễ ốm trong mùa lạnh

Cả mấy ngày Tết Canh Tý năm 2020, gia đình chị Đỗ Thị Vui (Khu công nghiệp Phúc Khánh, Thái Bình) đều thay nhau ốm, cụ thể là chứng viêm họng, sổ mũi.

“Do thời tiết lạnh, trong khi tôi đi làm trực Tết về muộn mà không mặc đủ ấm nên dẫn đến cảm cúm. Đầu tiên là tôi bị, sau đó lây cho mấy đứa nhỏ rồi cả chồng, khiến cả cái Tết chỉ uống thuốc, người mệt mỏi chả muốn đi đâu”, chị Vui cho biết.

Không được may mắn như gia đình chị Vui, cả cái Tết năm 2019, gia đình anh Tuấn - chị Hằng (công nhân Nhà máy Samsung Thái Nguyên) phải ăn Tết trong bệnh viện suốt 10 ngày, nguyên nhân do cháu nhỏ mới 5 tuổi bị viêm phổi cấp phải nhập viện vào sáng mùng 2 Tết.

Anh Tuấn cho biết, sáng mùng 1 khi đi chúc Tết, thấy cháu kêu nóng nên bố mẹ cũng để cháu mặc áo mỏng để vui chơi. Đến tối, cháu có biểu hiện ho nhiều, khó thở, gia đình đưa cháu vào bệnh viện. Hai vợ chồng thay nhau chăm cháu trong những ngày Tết năm ấy.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Viết Hậu (Phó trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh), ghi nhận mỗi năm cảm, cúm rất dễ phát sinh trong dịp tết khi điều kiện thời tiết trở lạnh hay có sự chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm, hoặc không mặc đủ ấm khi thời tiết lạnh. Bệnh dễ mắc phải là cảm cúm, cảm và cúm là hai bệnh chứ không phải là một bệnh như cách quen gọi của nhiều người. Thường thì người bệnh cảm, cúm tự điều trị tại nhà chứ ít khi phải tìm đến bệnh viện.

Nhiều chị em vẫn cố mặc đẹp ngày Tết (dù quần áo mỏng manh) dẫn đến cảm lạnh. Ảnh minh họa.

Đừng để cảm lạnh dịp Tết

Bác sĩ Hậu cho biết: Cúm do các chủng virus gây ra, gây tổn thương đường hô hấp trên và có thể gây viêm phế quản cấp thậm chí viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng. Trong khi đó, cảm cũng do các virus gây ra nhưng chỉ khu trú tổn thương đường hô hấp trên, rất hiếm gây các tình trạng nặng đe dọa tính mạng và thường tự khỏi trong một tuần.

Các triệu chứng của cảm là đau rát cổ họng, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, kèm ho. Bên cạnh đó, bệnh nhân là người lớn thường sốt rất nhẹ (không quá 38 độ C), trong khi trẻ nhỏ thường có khuynh hướng sốt cao. Những triệu chứng này thường hết sau 3 ngày.

“Những trường hợp kéo dài hơn, đặc biệt nếu kéo dài hơn 7 ngày, có thể bội nhiễm do vi trùng hay một bệnh lý khác”, bác sĩ Hậu lưu ý.

Cần giữ sức khỏe mùa lạnh

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, dịp Tết Nguyên đán năm nay, không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình mùa đông năm 2020 - 2021 có xu hướng thấp hơn so với mùa đông năm 2019 - 2020.

Thời tiết trong dịp Tết Tân Sửu có một số đặc điểm như: Giai đoạn này miền Bắc vẫn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, tuy nhiên cường độ không mạnh như nửa đầu tháng 1/2021 nên khoảng thời gian trước 23 tháng Chạp vùng núi rét đậm, rét hại, khu vực đồng bằng xấp xỉ mức rét đậm. “Những ngày trước và sau Tết (khoảng từ 10 đến 14/2) không khí lạnh có cường độ trung bình, nền nhiệt ở Bắc Bộ ở trong ngưỡng trời rét, vùng núi rét đậm”, ông Thành nhấn mạnh.

Vậy làm sao để mặc ấm mà vẫn đẹp trong dịp Tết năm nay? Đó cũng là câu hỏi của rất nhiều người, nhất là việc không để cảm lạnh như những trường hợp nêu trên.

Đừng để cảm lạnh dịp Tết

Tùy theo từng khu vực địa lý, cha mẹ hãy theo dõi thường xuyên nhiệt độ để có thể chuẩn bị cho trẻ đầy đủ quần áo chống rét khi về quê ăn Tết. Đề phòng trời chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp khiến trẻ bị cảm lạnh.

Khi thời tiết quá lạnh, chắc chắn bạn sẽ cần tăng cường chống rét bằng những món đồ dày dặn, mặc nhiều hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc trông bạn có thể sẽ xuề xòa và to hơn với thân hình “đóng khung” cứng nhắc trong những lớp quần áo dày được mặc với mục đích chống rét hơn là thời trang. Và ngược lại, nếu chúng ta bất chấp “giá rét” thì có thể nhập viện bất cứ lúc nào.

Theo Nhà thiết kế Minh Phúc (Minh Phúc Fashion), giữa thời tiết lạnh giá mọi người thường ưu tiên mặc nhiều áo để ủ ấm cho cơ thể. Nhưng việc kết hợp làm sao vừa giữ được sức khỏe vừa đẹp lại là bài toán khó.

“Bạn hãy lựa chọn cho mình một chiếc áo khoác thật dày và một chiếc mỏng. Với những chiếc áo dày dặn, bạn hãy mặc ngoài set đồ gồm quần và áo thun, áo len mỏng hoặc váy liền bên trong (với phụ nữ). Như vậy, chiếc áo dày dặn sẽ đủ giữ ấm và set đồ bên trong giữ nhiệt tốt hơn”, nhà thiết kế Minh Phúc cho biết.

Các bậc phụ huynh cần lưu ý giữ ấm cho con nhỏ khi nhiệt độ xuống thấp.

Đừng để cảm lạnh dịp Tết

Ngoài ra, riêng đối với chị em cán bộ, viên chức, lao động, những ngày giáp Tết thường phải tăng ca, đổi ca làm đêm nên chuẩn bị chiếc áo khoác dày kết hợp cùng khăn quàng để khí lạnh không vào cổ dễ gây viêm họng và các bệnh lý liên quan. Trong những ngày giá lạnh, nhất là khi trời mưa rả rích, ẩm ướt nên lựa chọn quần cùng áo khoác dài. Với những ngày khô ráo, nên kết hợp váy liền với áo khoác dài. Áo khoác dài cho bạn sự ấm áp không chỉ ở phần thân mà còn ấm cả phần chân. Bạn cũng hãy mix chân váy dày cùng áo len gọn gàng là đủ ấm mà vẫn lộ được thân hình duyên dáng của mình. Bên cạnh độ dày của váy, hãy chọn những chiếc váy dài để đảm bảo vừa đẹp và ấm toàn thân.

Còn đối với trẻ em, theo bác sĩ Nguyễn Văn Học (Bệnh viện Nhi Trung ương), việc đầu tiên là giữ ấm cho trẻ sau đó mới là vấn đề thời trang. Tùy theo từng khu vực địa lý, cha mẹ hãy theo dõi thường xuyên nhiệt độ để có thể chuẩn bị cho trẻ đầy đủ quần áo chống rét khi về quê ăn Tết. Lựa chọn cho trẻ quần áo dày dặn, áo len, áo khoác phù hợp có thể giữ ấm từ bên ngoài. Nếu gửi con đến lớp, cha mẹ hãy luôn chuẩn bị cho con những bộ quần áo ấm trong cặp để đề phòng trời chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp.

“Đặc biệt, nếu trường hợp về quê bằng xe máy, bố mẹ nên cho trẻ ngồi ở giữa, áp sát vào ngực mẹ giữ ấm. Dùng chăn, áo khoác ủ ấm để con không lạnh nhưng lưu ý không nên quấn quá chặt sẽ làm trẻ bị nghẹt thở. Khi về đến nhà, không nên cởi ngay quần áo cho trẻ, vì như vậy rất dễ làm trẻ bị sốc nhiệt. Hãy đóng kín cửa, sưởi ấm phòng dần dần rồi hãy cởi bớt quần áo cho trẻ. Cha mẹ hãy nhớ sờ lưng trẻ khi cởi áo, nếu thấy ướt hãy lau khô và thay mới để tránh nhiễm lạnh”, bác sĩ Học khuyến cáo.

Đừng để cảm lạnh dịp Tết
Ảnh minh họa.

Bài viết: Văn Thái

Mùa Xuân tặng nhau tấm lòng Mùa Xuân tặng nhau tấm lòng

Để chia sẻ với đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết nguyên đán Tân Sửu, Tổ chức tài chính ...

Vui Tết an toàn: Những triệu chứng cần biết liên quan đến Covid-19 Vui Tết an toàn: Những triệu chứng cần biết liên quan đến Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra khuyến cáo về những triệu ...

Đừng để dịch bệnh “theo chân” Tết! Đừng để dịch bệnh “theo chân” Tết!

Năm hết Tết đến, ai cũng muốn về lại quê hương sum họp gia đình, thắp hương tổ tiên, thăm hỏi bà con, bạn bè ...