Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), lần đầu tiên vấn đề nhiều tổ chức đại diện cho người lao động (NLĐ) được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Một thách thức lớn đặt ra là Công đoàn Việt Nam phải cạnh tranh, thu hút đoàn viên với tổ chức đại diện NLĐ được thành lập ở doanh nghiệp. |
Các cấp công đoàn cần nhận thức được việc bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ là nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn. Khi có tổ chức đại diện cho NLĐ khác, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần làm tốt hơn chức năng bảo vệ quyền, lợi ích cho NLĐ, để NLĐ ngày càng tin tưởng, gắn bó với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đặc biệt là các vấn đề sau đây: |
Thứ nhất, công đoàn tham gia cùng chủ doanh nghiệp chăm lo việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc, đời sống tinh thần, nhà ở, lương thưởng, thiết chế cho NLĐ. Nâng cao chất lượng của bản TƯLĐTT tại doanh nghiệp. Nội dung bản thỏa ước bao gồm những cam kết về việc làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, ATVSLĐ, BHXH và các vấn đề khác liên quan đến NLĐ. Khuyến khích thương lượng, ký được những điều khoản có lợi hơn so với luật định. Phải bố trí cán bộ công đoàn cấp trên xuống cơ sở để trực tiếp tham gia thương lượng, ký kết TƯLĐTT, tham gia giải quyết tranh chấp lao động có hiệu quả… |
Để khẳng định vai trò, vị thế của mình khi có thể có tổ chức đại diện khác của NLĐ ở doanh nghiệp, Công đoàn Việt Nam phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ cốt lõi của mình. Trong ảnh: LĐLĐ quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” nhằm chăm lo cho đoàn viên công đoàn, NLĐ. |
Thứ hai, do có sự cạnh tranh thu hút đoàn viên khi có tổ chức đại diện NLĐ khác xuất hiện; vì vậy, hoạt động công đoàn phải tạo ra được sự khác biệt, phải cho NLĐ thấy rõ sự khác biệt giữa đoàn viên công đoàn và NLĐ chưa là đoàn viên công đoàn để tạo động lực, thu hút NLĐ tự nguyện tham gia vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Muốn như vậy, cần đẩy mạnh làm thẻ đoàn viên, sử dụng thẻ đoàn viên với những chế độ ưu đãi. NLĐ có thẻ đoàn viên sẽ được giảm giá khi đi mua hàng, khám bệnh và các dịch vụ khác. Các CĐCS vào mỗi dịp lễ, Tết tổ chức các hoạt động vui chơi có thưởng, số phần thưởng có giá trị lớn (kinh phí lấy từ nhiều nguồn, trong đó có cả sự ủng hộ của người sử dụng lao động) cho NLĐ là đoàn viên công đoàn. Những người không tham gia tổ chức Công đoàn không được tham gia vào những chương trình đó. Công đoàn liên hệ, phối hợp với các tổ chức khám, chữa bệnh cho NLĐ. Khi là đoàn viên công đoàn tham gia khám sức khỏe thì được giảm 50%, thậm chí 75% cho một gói khám sức khỏe. Triển khai chương trình làm nhà chính sách trong Tháng Công nhân dành cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, tạo nên sự so sánh giữa những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với NLĐ chưa là đoàn viên cũng có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua hoạt động đó thu hút NLĐ tham gia tổ chức Công đoàn. Vai trò của Công đoàn Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên thông qua những hoạt động thiết thực đó, thu hút được NLĐ, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn. |
Lớp tập huấn giảng viên nguồn cập nhật kiến thức về công tác an toàn, vệ sinh lao động do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Better Work tổ chức. |
Thứ ba, khi trong một doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện cho NLĐ thì tổ chức Công đoàn Việt Nam phải đặc biệt quan tâm xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động với NLĐ; đặc biệt là mối quan hệ lãnh đạo giữa Đảng, Công đoàn và Giám đốc doanh nghiệp. Nếu xây dựng tốt các mối quan hệ này, doanh nghiệp sẽ ổn định, phát triển bền vững. Có mối quan hệ tốt đẹp, doanh nghiệp ổn định, phát triển bền vững, công đoàn sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của chủ doanh nghiệp khi NLĐ tham gia vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Vì NLĐ có xu hướng theo người bảo đảm về mặt quyền lợi cho mình. Thực tế, công đoàn hiện không chỉ quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, đòi hỏi quyền lợi cho NLĐ mà còn phải quan tâm đến tạo mối quan hệ với người sử dụng lao động, luôn đồng hành, hợp tác, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, công đoàn vận động đoàn viên, NLĐ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vì không thể có hoạt động công đoàn mạnh, hiệu quả khi doanh nghiệp không phát triển. Công đoàn phải tạo sự đồng thuận từ cấp ủy, chuyên môn đồng cấp để nhận được ủng hộ và tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động. Cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở muốn có quan hệ tốt với cơ sở thì phải đi sâu, đi sát với cơ sở, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Nếu tại cơ sở công nhân đang nhen nhóm ý định đình công thì cán bộ công đoàn phải nắm bắt được để có biện pháp xử lý kịp thời, duy trì quan hệ lao động ổn định tại doanh nghiệp. Công đoàn phải làm cho NLĐ hiểu được bản chất của mối quan hệ giữa mình và người sử dụng lao động, đặc biệt là với giới chủ. Phải thấy sự hợp tác với giới chủ là cần thiết nhưng phải vừa hợp tác vừa đấu tranh trên cơ sở thấu tình, đạt lý. Nếu doanh nghiệp vi phạm các chế độ chính sách đối với NLĐ thì công đoàn phải đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Có mối quan hệ tốt đẹp, doanh nghiệp ổn định, phát triển bền vững.
|
Ảnh: VnExpress
TS. Nguyễn Thị Thùy Yên Trường Đại học Công đoàn
|